Hạm đội Baltic thời Sa Hoàng Nicholas II: Hạm đội vô dụng nhất lịch sử thế giới?
Hành trình "dở khóc dở cười" của Hạm đội Baltic
Chiến tranh Nga-Nhật là một trong những thảm họa lớn nhất thời Sa Hoàng Nicholas II, và cũng đánh dấu số ít lần quân đội Châu Á có thể đánh bại một cường quốc phương Tây. Nhưng ít ai biết rằng, quá trình dẫn đến trận đánh cuối cùng tại Tsushima có sự xuất hiện của một "báo thủ" không ai ngờ đến, là Hạm đội biển Baltic - hay Hạm đội Thái Bình Dương số hai.
Số là trong một lần đi tìm video ngắn và vui về lịch sử, tôi vô tình tìm được video này làm về hành trình "dở khóc dở cười" của hạm đội Baltic, hay Hạm đội Thái Bình Dương Số Hai. Và nói thật luôn là, hành trình này chứa đựng những chi tiết vô cùng ngoài sức tưởng tượng, và khi xem bài viết về chiến tranh Nga- Nhật trên Rum đã không thấy nhắc đến "hành trình" này, nên tôi rất vui lòng trở lại để viết một bài nho nhỏ về họ.
Để biết rõ hơn về bối cảnh của Chiến tranh Nga Nhật, đặc biệt là tình cảnh của hải quân Nga và Nhật khi đó, các bạn có thể đọc bài này. Nhưng nói chung, là quân Nga bị bao vây tại khu vực Cảng Arthur (Lữ Thuận) và không thể nào thoát được gọng kìm. Sa Hoàng Nicholas II không thể sử dụng đội chiến hạm ở vùng Biển đen, nên phải sử dụng hạm đội cũ kỹ hơn tại Biển Baltic để chi viện.
Khởi đầu của thảm họa là Anh không cho phép toàn bộ hạm đội sử dụng kênh đào Suez, nên ban đầu hạm đội đã dự định sẽ di chuyển dọc Đại Tây Dương để vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi để đến Châu Á. Dọc đường họ có sự thay đổi, mình sẽ nói đến sau. Nhưng, dù có là thế nào thì đó vẫn là một quãng đường dài 18,000 hải lý... Nghe thôi cũng thấy mệt rồi.
Đô đốc Zinovy Petrovich Rozhestvensky đã được nhận lệnh kéo quân chi viện cho khu vực Biển Thái Bình Dương và Cảng Arthur. Ngay khi gặp những hải quân, thủy thủ "lành nghề" tại khu biển Baltic, với một hạm đội hỗn tạp giữa tàu chiến loại cũ và mới, đô đốc Rozhestvensky đã đưa ra lời bình phẩm về nhóm quân trong tay mình như sau:
Half of this lot knows nothing while the other half has forgotten everything, and on the rare occasion that they do remember something, it’s obsolete and out of date
Và xét ra thì, chỉ có kì hạm Kniaz Suvarov là chiến hạm đời mới, còn lại hầu hết đều là chiến hạm kiểu cũ. Sau khi được lệnh khởi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 1904, ngày 16 tháng 10, tổng cộng 45 tàu chiến và tàu chở than cũng ra khơi. Nhưng họ đã khởi hành vô cùng... khốn khổ khi mà vừa xuất cảng thì kì hạm bị... mắc cạn, 1 chiến hạm bị... rơi mất mỏ neo, 1 chiến hạm hỏng hoàn toàn và 1 số va vào nhau. Sau khi chật vật sắp xếp lại, 44 trên 45 tàu cuối cùng cũng "thoát nạn" để tiến vào một hành trình gian nan và tấu hài còn hơn cả hàng thủ của M.U.
Cuộc "va chạm" tại Dogger Bank
Kể từ khi khởi hành, cả hạm đội toàn những anh lính mới ngày nào cũng sống trong sợ hãi, đặc biệt là khi thám viên báo rằng khu vực biển Baltic gần Đan Mạch chứa đầy... mìn (thủy lôi), và quân Nhật đã gửi tàu ngư lôi, tàu chiến đến Châu Âu để ngăn chặn nỗ lực chi viện của Nga. Trích lời họ là họ sợ đến mức này:
We shall all sleep in our clothes and all guns will be loaded. We shall pass through a narrow strait. We are afraid of striking on Japanese mines in these waters
Thế nhưng, chắc các bạn cũng có thể đoán ra, là chẳng có tàu Nhật nào được đưa đến Biển Bắc Âu hay là có bãi mìn nào ở Biển Baltic cả. Mật thám 10 điểm, nhưng sai bét. Báo hại cả hạm đội cũng đã di chuyển vô cùng... lắt léo để "né" mìn tại eo biển gần Đan Mạch, rồi tiến ra vùng Biển Bắc thì bắt đầu gây họa.
Vào đêm 21 rạng sáng 22 tháng 10 năm 1904, "giao tranh" lớn đầu tiên của Hạm đội Baltic đã diễn ra với... ba tàu đánh cá vùng Hull của Anh tại Biển Bắc. Lí do là họ đã nhầm lẫn các tàu này thành....tàu ngư lôi Nhật phục kích họ. Không kiểm chứng, không kiểm tra gì, cả hạm đội và đoàn thủy thủ nổ súng ầm ầm vào ba tàu cá tội nghiệp.
(Khi viết đoạn tiếp theo này, tôi đã cố gắng hết sức để không cười chết ngất)
Giữa lúc hỗn loạn, các tàu phát tín hiệu cho nhau rằng... "hạm đội Nhật" đã bắn ngư lôi trúng họ (dù dĩ nhiên chẳng có quả ngư lôi nào), tàu Borodino thậm chí còn tung tin rằng họ đã bị quân Nhật tràn lên tấn công boong tàu. Thế là một nửa số thủy thủ Nga trên tàu... mặc áo cứu hộ rồi nằm xuống cầu may, số còn lại thì rút kiếm ra chém tứ tung vào không trung để... chống trả một đoàn quân đổ bộ trong tưởng tượng.
Cả "cuộc chạm trán" đã diễn ra trong vòng 20 phút trước khi cả hạm đội nhận ra là mình nhầm lẫn, họ ra đèn hiệu ngừng bắn và... cứ thế bỏ đi.
Hệ quả, thiệt hại bên Anh là: tàu cá Crane bị đánh chìm, ba ngư dân Anh thiệt mạng... Về phía Hạm đội Baltic thì: hai tàu Aurora và Dmitri Donskoi bị thiệt hại kha khá do bị... cả hạm đội đè ra bắn hội đồng do nhầm là tàu địch, một thủy thủ đoàn và một linh mục ở trên tàu tuần dương Aurora đã vô tình bị dính giữa dòng đạn lạc và "đăng xuất" ngay tại chỗ. Rất may là không có thiệt hại gì quá sức lớn lao âu cũng do khả năng chiến đấu của bên Nga khá là cùi bắp. Báo cáo ghi nhận lại là tàu Oryol đã bắn đến 500 viên pháo mà không hề trúng một mục tiêu nào cả... Tàu Crane bị đánh chìm chắc cũng chỉ... do họ xui.
Sự kiện này đã gây chấn động lớn ở Anh. Rõ ràng, tự nhiên đâu khi không bùm trên trời rơi xuống thuyền ngư dân bị bắn ầm ầm. Dẫu cho Sa Hoàng Nicholas II đã gửi điện xin lỗi hết mực, thì người Anh cũng đã nổi điên lên và suýt xóa bỏ luôn liên minh giữa Nga và Anh. Dư luận Anh đã chỉ trích thẳng thừng luôn cả hạm đội rằng "Làm thế quái nào đám người này xứng danh là hải quân, vì cho dù họ có hoảng sợ cách mấy, thì cũng không thể nào cứ thế mà nhả đạn ầm ầm suốt 20 phút vào tàu thường dân mà không chịu xem kỹ mục tiêu của mình như vậy được!"
Sự việc đã căng thẳng đến mức, Hải quân Hoàng gia Anh đã suýt ra lệnh cho hạm đội gồm 28 tàu chiến "đón đầu" và bắn hạ luôn Hạm đội Baltic ở khu vực biển gần Bồ Đào Nha. Cho đến ngày 25 tháng 11 năm 1904 thì căng thẳng mới dịu bớt, với việc đô đốc Rozhestvensky giải thích toàn bộ sự việc, và Nga sẽ đền bù thiệt hại cho bên Anh số tiền trị giá 66,000 bảng Anh thời bấy giờ.
Còn những "chú báo" Hạm đội Baltic vẫn tiếp tục tiến đến khu vực Cape Town ở Nam Phi... và tiếp tục gây chuyện.
Gầy dựng "sở thú" ở Châu Phi
Khi cả hạm đội đến cảng Tangier tại Ma-Rốc để chia đường với nhau như đã nói ở trên, tàu Kamkatcha bị mất tích, về sau mới phát hiện ra là tàu này báo rằng mình bị "bao vây và phải chiến đấu với 3 tàu Nhật", nhưng nếu bạn đoán được thì lại lần nữa họ nhầm tàu đánh cá của ngư dân khu vực này mà rượt và nã pháo, may thay là không có thiệt hại gì. Khi rời khỏi Tangier, các tàu của hạm đội đã nhổ neo và...vô tình cắt đứt cáp điện tín dưới lòng biển giữa Châu Âu và Tangier, khiến cho khu vực này "bặt vô âm tín" với Châu Âu trong suốt cả tuần.
Từ Tangier, đô đốc Rozhestvensky đã chia hạm đội làm hai hướng, những tàu cũ kỹ hơn sử dụng kênh đào Suez, còn đội chiến hạm mới (hay nói chung là còn đủ khả năng) do chính ông dẫn dắt sẽ đi đường dài hơn qua mũi Châu Phi để hội quân ở Madagascar rồi tiến về Châu Á- Thái Bình Dương. Lí do là vì ông biết rằng "những cái xô nước mục nát" kia sẽ không thể nào đi cả 1 chặng hải trình dài như vậy được.
Nhờ vào đường tiếp vận Hamburg America Line, cả hạm đội đã có số nhiên liệu cần thiết để tiếp tục hành trình khó khăn. Nhưng vì lo sợ chặng tiếp theo sẽ không thể nào nhận nhiều tiếp tế đến vậy do có quá ít hải cảng để họ có thể neo đậu, họ lấy số lượng than nhiều gấp đôi cả sức chứa của toàn bộ tàu tiếp tế lẫn chiến hạm, nên họ bỏ chất đống than ngay trên boong tàu. Kết quả là phần lớn thủy thủ đoàn bị ám mụi than và bị lao phổi đến mức "đăng xuất" một số kha khá.
Sau khi có thể neo đậu vào Cảng Madagascar nhờ vào đàm phán với Pháp, cả đoàn quân khi đó vừa rệu rã, vừa xuống tinh thần. Để mọi người phấn chấn trở lại, Đô đốc Rozhestvensky đã cho phép họ có thể tự tiêu khiển bằng cách mua thêm đồ tiếp tế, lẫn nuôi thú vật trên tàu. Thế là cả đoàn quân báo thủ tràn vào Madagascar và đem về lên các chiến hạm toàn là... kỳ nhông, tắc kè, rắn độc và cả... cá sấu để làm thú nuôi... Không cần phải nói thì chúng làm loạn cả đoàn quân lên, đặc biệt là khi chúng len lỏi vào các ngách ở những con tàu cũ. Ngoài ra, theo kể lại là có 1 con rắn độc rất thích... uống vodka, rồi sau đó say xỉn quấn thân vào nòng pháo trên boong và... cắn bất kỳ ai đi ngang qua =)))) Đô đốc Rozhestvensky thậm chí còn tậu cho mình 1 con vẹt có khả năng học nói cực kỳ nhanh, và nó học được hết toàn bộ sự "mỏ hỗn" và "khẩu nghiệp" của chủ để... thay mặt ổng chửi bới cái đoàn quân báo thủ vô dụng. Mà thú thật, làm đô đốc cả đám như vầy thì không chửi cũng uổng.
Chưa kể, có những câu chuyện còn "éo le" hơn như:
- Một người đã mua cả 1 thùng thuốc lá cho cả hạm đội, nhưng số thuốc lá đó lại có tẩm... thuốc phiện nên cả đoàn quân vô tình bị thành con nghiện hết. Khi các sĩ quan phát hiện đã bỏ hết số thuốc lá này, khiến cho cả đám quân liên tục bị sốt nóng lạnh nôn mửa do quá trình... cai nghiện đột ngột.
- Thay vì mua thêm đạn dược, họ mua nhầm thành quần áo mùa đông (Nghiêm túc luôn, HOW?)
- Hệ thống đông lạnh bị hỏng khiến cho 1 lượng lớn thức ăn dư thừa trong thời tiết nhiệt đới ở Châu Phi bị ôi thiu. Họ đã phải đổ bỏ đi số thịt sống hỏng mốc và... thu hút 1 đám cá mập đói lẻo đẻo bơi theo cả đoàn tàu.
- Khi làm lễ tang và truy điệu cho hải quân tử nạn theo nghi thức trên biển, một phát pháo tiễn đưa đã vô tình bay thẳng vào chính tàu phe mình, suýt "tiễn" luôn cả một chiến hạm và số quân còn lại.
Để vượt qua Châu Phi sau nhiều tháng như thế đủ khiến cho nhiều người phải nản chí, vài cuộc nổi loạn lật đổ nhỏ đã diễn ra, nhưng rồi đâu lại vào đấy... Cuối cùng họ cũng đến được Châu Á. Thật ra, họ còn sống sót để đến được Châu Á đã là điều thần kỳ.
Báo thủ eo biển Tsushima
Rozhestvensky nhận ra rằng sau cả một chuyến đi dài đăng đẳng để đến được vùng biển Châu Á, quân của ông ngoại trừ báo ra thì... chưa thật sự được tập dợt giao tranh kiểu mới gì cả. Thế là ông cho mở tập trận để ít nhất đám quân này còn biết chiến thuật quân sự là thế nào, di chuyển tàu ra sao v.vv... Và dẫu cho đây chỉ là tập trận với mục tiêu tĩnh, cả hạm đội cũng đã bắn trúng một mục tiêu, đó là... con tàu dùng để kéo các bia tập bắn =))
Ngay cả trước khi cả hạm đội thật sự đến được với khu vực giao tranh (khi đó họ đang neo đậu bừa vào hải phận Đông Dương) thì vào ngày 7 tháng 1 năm 1905, họ nhận tin rằng Thiếu tướng Anatoly Stessel đã đầu hàng tại Cảng Arthur. Thật luôn, là khi này ông Rozhestvensky cũng đã chán lắm rồi, Ổng cũng đã xin từ chức ngay. Tuy nhiên, nhiệm vụ của hạm đội chưa hẳn là kết thúc, họ còn phải cùng hạm đội Nga tại Arthur rút quân về Vladivostok an toàn, ít nhất là thoát khỏi vòng vây hải quân Nhật đang tiến vào. Vì số lượng nhiên liệu không còn nhiều, hạm đội Baltic đã phải lén lút vượt qua khu vực eo biển Tsushima thay vì đi những con đường vòng an toàn hơn.
Đến đây thì chiến tích "báo thủ" cuối cùng của hạm đội diễn ra. Khi họ đang lén lút đi qua Tsushima vào tối và rạng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1905, thì tất cả các chiến hạm đều tắt đèn, trừ đúng Oryol (Orel) là mở đèn do là tàu cứu hộ. Và nó vô tình "lướt qua đời nhau" với tàu chiến Shinano Maru của Nhật, và đúng ngay cái lúc cần phân biệt và nhận ra đây là tàu địch, thì cả bọn lại nhầm Shinano Maru là tàu đồng minh, và phát 1 tín hiệu "lạy ông tôi ở bụi này" cho quân Nhật biết rằng toàn bộ hạm đội Nga đang ở đấy, dẫn đến Trận Hải chiến Tsushima. Việc Oryol phát nhầm tín hiệu này, nó không phải lỗi đâu, nó là tính năng ấy (It's not a bug, it's a feature)
Kết quả Trận Tsushima: Bên Nga thì xấp xỉ 5,000 quân thiệt mạng và khoảng 6,000 quân bị bắt - bao gồm cả đô đốc Rozhestvensky. Bên Nhật có khoảng hơn trăm người chết và hơn 500 bị thương, mà chắc hơn quá nửa là do... cười vào mặt các chú Nga ngố do đã mở đèn xuyên đêm làm mồi cho họ đánh bay luôn cả 6 chiến hạm. Cả Hạm đội Baltic gần như biến mất khỏi bản đồ thế giới, kết thúc dòng đời của 1 hạm đội lừng lẫy vốn có từ thời Peter The Great vào năm 1703. Việc mất cả hạm đội này cũng là chất xúc tác dẫn đến cuộc Cách mạng Nga năm 1905.
Nguồn tìm hiểu:
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất