Việc hải tặc Tàu Ô trong hàng ngũ Tây Sơn đã không còn là thứ gì đó quá mới mẻ với đa số người tìm hiểu lịch sử. Nhưng nhiều người đã có phần hiểu sai về mối quan hệ Tây Sơn – hải tặc Tàu Ô, cũng như tầm quan trọng của đội quân hải tặc trong quân đội Tây Sơn. Do không nhiều bài báo nói về vấn đề này và nếu có thì thông tin khá là sơ sài nên nhiều người đã lầm tưởng rằng, hải tặc chỉ là 1 phần nhỏ trong quân đội Tây Sơn không có tầm quan trọng cho lắm. Bài viết này sẽ mô tả khái quát về hải tặc Nam Trung Hoa trong hàng ngũ Tây Sơn cho mọi người cùng tìm hiểu.
Nửa cuối thế kỉ 18, vùng biển phía Nam Trung Hoa là một trong những vùng biển có hoạt động hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Nạn cướp biển cũng bắt đầu phát triển trong khoảng thời gian này. Thành phần cướp biển đa số là người Hoa và người Việt, đại đa số thành viên là ngư dân các làng ven biển tự nguyện tham gia cuộc sống ngoài vòng pháp luật.
Ở những năm 1760 hoạt động cướp biển chỉ là vấn đề nhỏ đối với “Thiên triều” (tức Đại Thanh, Trung Quốc), những toán cướp biển có trang bị nghèo nàn, với những chiếc thuyền bán vũ trang được cải biến từ tàu đánh cá, mục tiêu của họ đa phần là những thương thuyền Trung Quốc vì thương nhân Trung Quốc nổi tiếng là người “ôn hòa” trên biển, những khẩu pháo đặt trên thuyền của họ như để “trưng cho đẹp” chứ không hề có khả năng tự vệ trước cướp biển. Tuy vậy, các toán cướp biển cũng thường dễ dàng bị đánh dẹp bởi 1 nhóm nhỏ binh lính triều đình và không được Đại Thanh xem là mối nguy hiện hữu.


Nhưng chỉ 3 thập niên sau đó, đến những năm 1796 đã bắt đầu xuất hiện các toán cướp biển với những chiến hạm lớn hoạt động mạnh mẽ ở vùng biển các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang và Phúc Kiến, Trung Quốc. Thế lực cướp biển ngày càng phát triển và nhanh chóng kiểm soát hoạt động hàng hải, đánh cá quanh vùng biển phía nam Trung Hoa. Bất kỳ chiếc tàu nào ra vào cảng, vùng biển của chúng đều phải nộp “tiền mãi lộ” nếu không muốn bị cướp. Thậm chí các toán cướp biển còn tạo thành 1 liên minh tấn công vào đất liền và “thu tiền bảo kê” dưới hình thức 1 năm 2 lần.
Một tên thuyền trưởng cướp biển còn ngạo mạn nói với người Bồ Đào Nha rằng, chỉ cần đưa cho hắn 3, 4 người lính hắn sẽ trả bằng 2, 3 tỉnh ở Trung Quốc sau khi hắn lật đổ triều đại Mãn Thanh. Bọn cướp biển đã thành công trong việc biến 1 mối lo ngại nhỏ ở vùng biển thành mối họa quốc gia đối với “Thiên triều Đại Thanh”.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng này như vị trí địa lý với nhiều hải đảo, bán đảo đễ ẩn nấp, lẫn trốn, sự chủ quan của Đại Thanh trước mối nguy trên biển… nhưng 1 trong những lý do lớn nhất trực tiếp dẫn đến sự phát triển khủng khiếp của nạn cướp biển Nam Trung Hoa đó chính là “nội chiến ở Đại Việt” và “cuộc nổi dậy của Tây Sơn”.
Phong trào Tây Sơn xuất hiện như một lẽ tất yếu trong thời kỳ suy tàn của 2 vương triều Trịnh - Nguyễn sau khi giày xéo Đại Việt hơn 200 năm. Ba anh em Tây Sơn đứng đầu là Nguyễn Nhạc, xuất thân từ tầng lớp “tiểu tư sản” (xuất thân của Nhạc, Huệ, Lữ vẫn chưa được thống nhất nhưng dù là quan lại, buôn trầu hay chủ sòng bạc đi nữa thì họ vẫn nằm trong tầng lớp tư sản, tiểu tư sản) đã phủ dụ những người nông dân cùng khổ, đứng vào hàng ngũ của cuộc khởi nghĩa mang dáng dấp “khởi nghĩa nông dân” và lần lượt tiêu diệt họ Nguyễn ở Đàng Trong lẫn họ Trịnh ở Đàng Ngoài và cả vương triều họ Lê vốn chỉ còn trên danh nghĩa.
Tuy vậy, Nguyễn Ánh một tôn thất họ Nguyễn ở Nam Hà đã may mắn thoát khỏi nạn diệt tộc của Tây Sơn. Sau nhiều năm trốn chạy, lưu vong trong khốn khổ. Nguyễn Ánh trở về chiếm lại Gia Định, làm cơ sở đối chọi với Tây Sơn để phục hưng gia tộc.
Trong tình hình rối ren ở Đại Việt. Cướp biển Tàu Ô nhận ra tiềm lực của Tây Sơn nên nhanh chóng theo về với Nguyễn Nhạc. Những người đầu tiên gia nhập phong trào Tây Sơn là Lý Tài và Tập Đình. Hai người đi theo Tây Sơn từ những năm đầu khởi nghĩa. Quân Lý Tài được gọi là Hòa Nghĩa quân, quân Tập Đình gọi là Trung Nghĩa quân. Kể từ đó quân Tàu Ô trở thành thành phần chính trong thủy quân Tây Sơn và lập được nhiều chiến công thời đầu phong trào Tây Sơn.
Khi quân Trịnh vào Nam tham chiến, Tây Sơn thua trận ở Quảng Nam, Tập Đình bỏ trốn qua Quảng Đông, Trung Quốc và bị bắt xử tử tại đó. Lý Tài thì nhân lúc Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ tổ chức phản công quân Trịnh, y đã cấu kết với Hoàng Tôn Dương (tức Nguyễn Phúc Dương) và đem gần 1 nửa thủy quân Tây Sơn  về Nam hội quân cùng Nguyễn Phúc Thuần. Điều này trực tiếp dẫn đến vụ Tây Sơn tàn sát gần 1 vạn người Hoa ở Chợ Lớn, 1 sai lầm tai hại của Nguyễn Nhạc. Ở đây cần biết rõ Hoàng Tôn Dương là thế tử nhà Nguyễn người lẽ ra là chúa Nam Hà nhưng lại bị Trương Phúc Loan tiếm quyền thao túng Đàng Trong. Thoạt đầu khởi nghĩa Tây Sơn lấy danh nghĩa phò Hoàng Tôn Dương để phủ dụ dân chúng và hào kiệt khắp nơi, nhiều người vì phò chúa Nguyễn mà gia nhập Tây Sơn, trong đó có Châu Văn Tiếp người sau này đã rời bỏ Tây Sơn theo về với Nguyễn Ánh sau khi biết được mục đích thật sự của Nguyễn Nhạc.
Lần đầu hợp tác Tây Sơn – Tàu Ô có vẻ không được êm đẹp cho lắm. Nhưng với sự trỗi dậy của Nguyễn Vương ở phía Nam nhờ sự giúp đỡ từ thương nhân phương Tây. Thủy quân Tây Sơn tỏ ra hoàn toàn yếu thế trước đội tàu chiến quy chuẩn Châu Âu của nhà Nguyễn. Buộc Nguyễn Nhạc phải tiếp tục trở lại với hải tặc Tàu Ô.

Ở đây cần phải hiểu rằng, không phải Nguyễn Nhạc không muốn bắt tay với phương Tây để hiện đại hóa thủy binh mà ngược lại ông rất muốn điều đó, ông đã gặp mặt đại diện của Anh Quốc là Chapman, để bàn về vấn đề hợp tác giao thương và mua bán vũ khí, thậm chí đã trao cho Chapman 1 giấy phép mua bán, bắt mọi người mua hàng của ông phải trả đủ, không được phép hà hiếp ông cũng như khách hàng của ông.
Nhưng Chapman lại không tìm được ai trong tỉnh để hợp tác mua bán, vì chỉ có người Hoa mới đủ khả năng làm chủ dây chuyền mua bán lớn nhưng Hội An vừa bị tàn phá đến tận gốc thì lấy đâu ra người cho Chapman hợp tác? Vùng đất đã từng trù phú nay bị giày xéo bởi khói lửa chiến tranh mà Tây Sơn đang quản lý khi đó, đã không còn hấp dẫn với thương nhân Tây phương, giới tinh hoa học sĩ thì bị Tây Sơn bỏ rơi hoặc họ bỏ rơi Tây Sơn khiến cho tiềm lực quốc gia không được khai thác đúng mức kéo theo sự nghèo khổ của cả vương triều Tây Sơn. Trái ngược với những gì Nguyễn Ánh đang có ở phía Nam.
Năm 1783 Tây Sơn bắt một người Trung Hoa tên Trần Thiên Bảo, phong cho ông chức Tổng binh, tước Hầu và giao cho nhiệm vụ tuyển chọn hải tặc Tàu Ô phục vụ cho thủy quân Tây Sơn, đây cũng là tiền đề trực tiếp dẫn đến những lần quân Tàu Ô tấn công sang vùng đất của Đại Thanh để bắt lính và thu gom của cải mà 1 vài trang Youtube lịch sử ở Việt Nam gọi nó với danh từ mĩ miều là “Quang Trung nắn gân Càn Long”. Đội quân hải tặc lần 2 này theo chân và trung thành đến những ngày cuối cùng của vương triều Tây Sơn.
Nhiều người lầm tưởng hải tặc Tàu Ô khi gia nhập hàng ngũ Tây Sơn thì không còn là hải tặc nữa mà là những người lính thông thường như bao binh lính người Việt khác. Nhưng không, mối quan hệ Tây Sơn – Tàu Ô không đơn giản như vậy. Nó giống như mối quan hệ cộng sinh, Tây Sơn cần hải tặc để tạo đối trọng với thủy quân chúa Nguyễn, hải tặc cần Tây Sơn để làm bình phong cho hoạt động cướp biển của mình. Cả 2 bổ trợ cho nhau những thiếu sót tạo nên 1 tập thể có lúc đã từng hùng mạnh nhất khu vực.
Hải tặc khi đã về dưới cờ Tây Sơn họ vẫn là hải tặc. Họ vẫn cướp bóc ngoài khơi làm giàu cho tổ chức. Khác ở chỗ, nếu khi xưa họ hoạt động 1 cách lén lút, thì nay họ được khoát lên mình cái danh chính nghĩa, được bảo trợ của 1 vương triều hùng mạnh trước sự truy quét của Đại Thanh để hoạt động công khai, táo bạo hơn, nếu khi xưa họ ra khơi với nguồn tài nguyên ít ỏi thì nay họ có 1 hậu phương vững chắc để chất đầy khí tài trên thuyền cho những cuộc ra khơi đầy khói lửa, nếu khi xưa căn cứ của họ ở đâu đó ngoài khơi hay trên các hòn đảo hoang xa bờ thì nay căn cứ họ ở ngay trên đất liền, nếu khi xưa của cải mà họ cướp được phải lén lút trao đổi, mua bán nhu yếu phẩm ở 1 nơi bí mật nào đó trên biển với nguồn cung hạn hẹp và giá cả đắt đỏ, thì nay họ được hợp pháp sử dụng, tiêu thụ chiến lợi phẩm của mình… Không khó hiểu khi hải tặc Tàu Ô trung thành với Tây Sơn đến vậy.
Bài viết lấy tư liệu từ
- Pirates of the South China Coast 1790-1810 của tác giả Dian H. Murray
- Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771 - 1802 của tác giả Tạ Chí Đại Trường