Đang là một trong 5 phim hút khách nhất phòng vé Hàn Quốc 2022, Hạ cánh khẩn cấp (Emergency Declaration) được ví như một bom tấn điện ảnh khi quy tụ ba sao bự vào hàng “quái vật diễn xuất” của xứ kim chi, gồm Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Jeon Do Yeon.
Đang là một trong 5 phim hút khách nhất phòng vé Hàn Quốc 2022, Hạ cánh khẩn cấp (Emergency Declaration) được ví như một bom tấn điện ảnh khi quy tụ ba sao bự vào hàng “quái vật diễn xuất” của xứ kim chi, gồm Song Kang Ho, Lee Byung Hun và Jeon Do Yeon.
Có kinh phí 26 tỷ won (tương đương gần 20 triệu USD), Hạ cánh khẩn cấp là phim mới nhất của Han Jae Rim – đạo diễn của phim tình cảm hài Rules of Dating từng khuynh đảo nhiều giải thưởng ở Hàn Quốc như Blue Dragon Awards hay Baeksang Arts Awards vào thập niên 2000. Hạ cánh khẩn cấp dựa trên một thảm họa hàng không có thật khi một chiếc máy bay yêu cầu phải hạ cánh gấp khi đang trong hành trình của mình. Phim được quay trong giai đoạn năm đầu tiên của Covid-19 và lần đầu ra mắt ở Liên hoan phim Cannes năm nay, trong hạng mục “Out of Competition”.

Khủng bố máy bay bằng vũ khí sinh học

Nội dung phim xoay quanh sự cố của chuyến bay mang số hiệu KI501, khởi hành từ Incheon đi Honolulu (Hawaii). Không lâu sau khi máy bay cất cánh, một hành khách bắt đầu có những biểu hiện lạ, liên tục nôn ra máu và tử vong trước sự bàng hoàng của mọi người. Một virus lạ với tốc độ lây lan chóng mặt đã xâm nhập lên máy bay, tất cả chìm trong hỗn loạn và sợ hãi. Trong tình huống này, một tuyên bố đề nghị hạ cánh khẩn cấp được đưa ra. Trên độ cao hơn 8,000 mét, số phận của hơn 150 con người bao gồm cả các hành khách và phi hành đoàn “ngàn cân treo sợi tóc” khi lần lượt những nơi họ bay qua đều lần lượt từ chối yêu cầu hạ cánh khẩn cấp vì lo sợ dịch bệnh sẽ lây lan…
Được ghi hình đúng vào năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, Hạ cánh khẩn cấp có sự liên hệ với thảm họa toàn cầu này khi gợi nhắc về một loại virus mới lây lan với tốc độ khủng khiếp. Chính điều này đã khiến bộ phim trở nên “bắt trend” hơn so với các phim giả tưởng về thảm họa thông thường của điện ảnh Hàn Quốc. Hạ cánh khẩn cấp khai thác hai nỗi sợ điển hình nhất trong những năm vừa qua là khủng bố trên máy bay và dịch bệnh.
“Trên máy bay thì có bao giờ có nhân viên an ninh đâu?”
Máy bay luôn là một không gian khép kín và trên không trung, người ta chẳng thể có lối thoát cho tới khi hạ cánh. Phim đã mở ra một bầu không khí ảm đạm ngay từ đầu. Ở một sân ga đông đúc, những hành động kỳ lạ của một chàng trai trẻ đã báo hiệu có thứ gì đó bất an.
“Cho tôi mua tấm vé một chiều đi nơi nào xa nhất và trên chuyến bay có đông người nhất”.
Khi loại virus phát tán và lây lan trên máy bay, một cựu phi công, một cảnh sát và một hính trị gia phải cùng tìm ra những bí ẩn phía sau vụ khủng bố và hạ cánh khẩn cấp. 150 hành khách trên chuyến bay giống như những con chuột bạch bị nhốt trong lồng kính khép kín, chẳng có lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi.
Bắt trend theo xu hướng Internet dần được phổ cập trên không, Hạ cánh khẩn cấp đã đưa cả chi tiết mạng xã hội và độ lan truyền thông tin của cư dân mạng vào trong phim. Dù ngồi dưới mặt đất, nhiều người vẫn theo dõi được diễn biến trên máy bay khi các influencer liên tục đăng tải hình ảnh và các đoạn video cập nhật.
Ở thời đại phát triển về công nghệ, thông tin đến còn nhanh hơn tên lửa. Nhưng cũng vì thế, con người thấy rõ hơn khi rủi ro xảy tới, việc thông tin đi nhanh sẽ mang tới nhiều tiện lợi và cả những hệ lụy, dẫn tới nhiễu loạn như thế nào. Thay vì khai thác khía cạnh về dịch bệnh như nhiều phim cùng thể loại trước đó, Hạ cánh khẩn cấp tập trung vào việc các chính trị gia đối thoại thế nào, hoạt động ngôn luận và ứng biến ra sao lúc khủng hoảng.

Quay phim tạo cảm giác như đang đi máy bay

Vì ra rạp với cả định dạng 4DX và ScreenX, Hạ cánh khẩn cấp có cách quay tạo cảm giác như cho người xem trải nghiệm đúng chuyến bay trong phim. Ở nhiều đoạn máy bay rung lắc, chỉ cần xem 2D cũng vẫn cảm nhận được.
Phim cũng có nhiều cảnh quay tạo ấn tượng về thị giác như hình ảnh chiếc máy bay “bơi qua biển mây” hay khi máy bay lao lên, lao xuống. Một trong những cảnh đẹp nhất là khi người thân của 150 hành khách tập trung lại, bật điện thoại và nhìn lên bầu trời thấy chuyến bay KI501 đang bay lơ lửng mà chẳng thể hạ cánh.

Chất “sến” đặc trưng của phim Hàn

Dù quy tụ toàn “quái vật” diễn xuất của điện ảnh Hàn, Hạ cánh khẩn cấp vẫn mang những nét đặc trưng của dòng phim thương mại Hàn Quốc. Nhiều đoạn các nhân vật vẫn “gào” vào mặt nhau.
Thông điệp về gia đình cũng như hình ảnh người hùng đấu tranh vì những bất công hay sinh thân mình vì đại cuộc vẫn được kể theo lối sến và dễ đoán.
Trong số ba “quái vật diễn xuất”, Lee Byung Hun là người có nhiều đất diễn nhất. Anh có một vai trầm lắng, nhiều nội tâm. Tuy nhiên, nếu so với hai phim điện ảnh thuộc hàng “khủng” của Lee như A Bittersweet Life hay I Saw the Devil thì Hạ cánh khẩn cấp với anh chỉ như một cuộc dạo chơi để kiếm tiền từ bom tấn.
Tương tự với Song Kang Ho và Jeon Do Yeon – hai ngôi sao gạo cội của điện ảnh Hàn Quốc từng được Liên hoan phim Cannes vinh danh về diễn xuất. Họ cũng có những vai diễn quá bình thường ở tác phẩm này.
Nếu như Song Kang Ho vẫn có dịp thể hiện một chút khả năng ở những trường đoạn bộc lộ tâm lý thì Jeon Do Yeon, vốn từng có diễn xuất rất dữ dội trong các phim như Secret Sunshine hay The Housemaid, lại vào vai một chính trị gia đi qua đi lại – một vai mà diễn viên nào cũng có thể đảm nhận được. Đây là điều khá tiếc khi kịch bản không cho hai diễn viên đình đám có cơ hội được bộc lộ nhiều hơn khả năng của họ.
Điện ảnh Hàn Quốc đang ở thời kỳ hoàng kim, với cả dòng nghệ thuật lẫn thị trường. Hạ cánh khẩn cấp không phải là một phim quá đặc sắc nhưng vẫn là một phim nếu có thời gian thì nên xem để thấy cách mà các nhà làm phim Hàn bắt trend ra sao về thời cuộc, dịch bệnh cũng như cài cắm các thông điệp về chính trị, lối sống, văn hóa, con người trong phim ra sao.
Phim ra rạp từ ngày 12.08.
Nick M.