Hà Nội trong dịch
Trong Chiến tranh và Hòa bình, khi miêu tả về cuộc đóng chiếm Moskva của Napoleon, Tolstoy so sánh thành phố với “một tổ ong mất ong chúa". Có lẽ Hà Nội những ngày này cũng như vậy.
Trong Chiến tranh và Hòa bình, khi miêu tả về cuộc đóng chiếm Moskva của Napoleon, Tolstoy so sánh thành phố với “một tổ ong mất ong chúa”.
“Với một ánh nhìn thoáng qua, cái tổ ong nhìn trông chẳng khác gì mọi tổ ong khác”, ông viết, “những con ong vẫn bay lượn thành vòng quanh cái tổ mất chúa, cũng như quanh các tổ ong còn sống; từ xa cũng ngửi thấy mùi mật trong tổ đưa ra, những con ong thợ vẫn bay ra bay vào như cũ. Nhưng chỉ cần ghé mắt nhìn kỹ vào tổ cũng đủ hiểu rằng ở đấy không còn có sự sống nữa.”.
Ngày mai, 19/07, Hà Nội sẽ bước vào cuộc giãn cách toàn thành phố thứ hai. Nhưng chẳng cần tới ngày đó, ngay bây giờ trên các tuyến phố chính, tôi có thể thấy cảm giác tương tự như cách Tolstoy đã miêu tả Moskva ngày chiến tranh.
Không thể trầm trọng như cuộc chiến vệ quốc chống lại kẻ thù đã càn quét hầu hết các quốc gia lân cận, nhưng “đại dịch” và “chiến tranh” (cùng với “mất mùa” và “cái chết”) luôn nằm trong những nỗi ám ảnh cơ bản nhất của con người.
Trước đây mấy ngày, trước ngày thành phố không cho phép ngồi tại quán ăn/quán café nữa, hình ảnh này đã chầu chực. Bạn ra đường mà xem, cả thành phố vẫn vui – đúng ra mà nói – vui hơn cả bình thường. Tất cả những đôi trai gái trẻ cùng những gia đình nhỏ trên con xe tay ga hoặc con Hyundai mới sắm của họ ồ ạt ra đường, níu lấy một chút náo nhiệt trước cơn bão lớn.
Trong những khuôn mặt ngày hôm đó, ít có ai vui vẻ. Mọi người hối hả, như những chú ong mất hướng, tỏa ra từng nẻo đường, từng con phố ven hồ và từng quán café bệt cũng như ghế để chiếm lấy một chỗ trống. Những gian hàng quanh Lương Văn Can, Nguyễn Xí hay Tô Ngọc Vân, đèn vẫn bật và nhạc vẫn chơi nhưng trong mắt của từng người chủ hàng chỉ có sự ráo hoảnh.
Ngày dịch đến. Phố xá vắng người đi hẳn, nhưng, giống như cách Tolstoy tả Moskva, đó là sự vắng vẻ khó diễn tả được cụ thể và nhìn qua thì vẫn không khác bình thường lắm. Nếu so sánh thì, hãy tưởng tượng một đêm thứ ba, cỡ khoảng 23:00 nhưng ở hiện tại thì là bảy giờ tối chủ nhật. Nếu một người từ 2019 đáp tới, họ sẽ chỉ hơi ngỡ ngàng và phải tinh tế lắm mới nhận ra được, nhưng với những người đang sống trước và trong cơn đại dịch, rõ ràng có một cảm giác thường chực đè nặng. Sự im lặng không chỉ đến từ những cái khẩu trang ngại nói chuyện mà còn đến từ một cái gật đầu ngầm hiểu với nhau, một cái “ừ” câm nín trong sự mất sức sống của cả một thành phố gần chín triệu dân.
Sự giống nhau giữa đại dịch và chiếm đóng, ngoại trừ những câu khẩu hiệu sặc mùi chiến tranh chống Mỹ kiểu “chống dịch như chống giặc”, có lẽ nằm ở sự nín lặng chịu đựng. “Tên bạo chúa sẽ trừng trị ai tiếp theo” tương đương với “ai sẽ là F2 mới” trong năm 2021. Sự bất ngờ, và có lẽ đi cùng với nó, sự hoảng loạn không thốt được thành lời của đại dịch COVID, khiến tất cả chúng ta đều giống như tên Damocles với một thanh gươm trên đầu không biết khi nào sẽ rơi xuống.
Tinh thần của một thành phố nằm chính ở những biến động của nó. “Tất cả những biến động chính trị lớn đều xuất phát nơi thành thị” – sử gia Oswald Spengler. Khi thành phố phải oằn mình trước chiến tranh hay đại dịch, khi thị dân nín thở (nghĩa đen và nghĩa bóng) chờ sự phán xét mà chúng ta ít nhiều không quyết định được, từ một tên bạo chúa hay một con virus vô hình, một thành phố mất đi sức sống của nó.
Chị bạn làm cùng cơ quan nhắn tin vào group chat, thấy có người trong cùng tòa nhà là F3. Tất cả chúng tôi đọc tin nhắn. Và chúng ta chờ đợi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất