Hà Nội ngồi hay Hà Nội mang đi?
Trong những ngày cao điểm đại dịch tháng hai vừa qua, khi cả thành phố rơi vào cách li xã hội và hàng quán phải đóng cửa, tôi đã có cơ hội để nhận ra một nhân tố gắn chặt với căn tính của Hà Nội, trải dài từ những ngõ hẻm ra đến những khu phố trung tâm: đó là việc ngồi. Với những người từ lớn đến bé chỉ biết quanh quẩn nơi chòm xóm như tôi, đại dịch đã cho tôi lần đầu được du lịch đến một phiên bản phản địa đàng của thủ đô: Hà Nội không có quán vỉa hè! Thiếu chỗ để tấp xe máy vào ngồi, trải nghiệm của tôi với thành phố này giống như như phải ăn như một món thịt rang cháy quá tay mà lại ít muối, trệu trạo và nhạt nhẽo. Vậy, cái việc ngồi, nhất là ngồi vỉa hè ở Hà Nội ẩn chứa điều gì?

Một số lời lí giải vị lợi sẽ kết án thói lê la hàng quán của Hà Nội là tàn dư của thói biếng lười nơi con người tiền công nghiệp. Kết luận của một lý giải như thế sẽ là lời hiệu triệu toàn dân thực hiện lối sống lành mạnh hơn, tách biệt khỏi những thức hàng độc hại vốn là thủ phạm tạo ra không chỉ những hàm răng ố mà còn những cơn say bủn rủn chân tay như trà đá hay thuốc lào. Nhưng gác lại những mối bận tâm y học đó một bên, ta sẽ thấy ở “việc ngồi bên phố” có những chiều kích văn hóa với giá trị không dễ dàng quy giản được ra độ trắng của bộ nhá, hay những chỉ số phát triển, sức khỏe.

Ngồi, trước tiên là một hình thái Ở của những người dân cư lưu trên mảnh đất này. “Ở có nghĩa là an cư trong dấu vết của mình, là để cho cuộc đời viết những lưới và nút thắt từ tiểu sử mình vào trong mặt đất. Chỗ Ở không thể được xem là hoàn thiện nếu nó không được chiếm dụng” như Ivan Illich nhận định (*). Sống nhờ dưỡng chất của hẻm phố và bụi đường, hồn người Hà Nội chu du khắp mặt phố mang theo và thả những bộ rễ của mình xuống những quán xá vỉa hè. Rễ của họ đi sâu vào lòng đất, đâm qua những vỉa hè xi măng, uống vào qua những cốc trà đá ven đường cái tính dễ thích nghi, hút vào từ những đóm thuốc lào (không phải diêm) cái vẻ cầu kỳ cách rách của người dân chốn kinh kỳ.
Một nhận định có phần liều lĩnh của tôi là phản chiếu ít nhiều trong hoạt động ngồi vỉa hè chính là một nỗ lực kháng cự tập thể. Hà Nội, bất chấp vị thế là Thủ đô của một đất nước định hướng hiện đại hóa, vẫn vô thức bảo lưu những thuộc tính thôn dã giữa những trung tâm thương mại và chung cư ngồn ngộn mọc lên: hàng trà đá ngồi ghế nhựa của vẫn là một điểm trạm văn hóa mà hàng ăn nhanh “takeaway” chẳng thế thay thế.

Tọa xuống mặt ghế nhựa, người Hà Nội (chủ yếu là đàn ông) thoát li khỏi hàng xe như nêm điển hình của xã hội công nghiệp để gia nhập vào không gian chuyện kể nơi lũy tre làng, nơi những lạt buộc khắt khe của quy chuẩn đạo đức, kinh tế, địa lý được nới lòng, nhường chỗ cho luận đàm đầy tính phản tỉnh về nhân tình thế thái phát tiết – gọi là “trà đá chém gió”. Phác nên một so sánh có phần khiên cưỡng, ta có thể nói quán xá vỉa hè Hà Nội có một sự đồng dạng với những khu chợ Athen xưa nơi Socrates đàm đạo. Chẳng sai khi nhà văn Trương Quý từng gọi rằng quán xá là “địa điểm tập trung tinh thần của những giai thoại ‘người Bắc có lý luận’” (**).
Các quán xá cũng là những thành tố của một hệ sinh thái sôi động của kinh tế vỉa hè Hà Nội, tạo nguồn sinh kế thiết yếu cho những lao động nữ nằm ngoài những ngành nghề chính quy. Một buổi chiều quan sát những quán xá vỉa hè đủ để làm luận điểm chứng minh vai trò cột kèo của phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Tưởng như trách nhiệm “giỏi việc nước, đảm việc nhà” chưa phải một cái gông quá nặng trên vai, những người phụ nữ bán hàng vỉa hè còn phải luôn chực chờ đối phó với những đoàn xe sẵn sàng bễnh đi gánh hàng mà vài ngày bán không bù được hết. Việc “ngồi lê”, giống như mọi hình thức phản kháng, cũng phải đối mặt với những thách thức thường trực.

Trước làn sóng toàn cầu hóa tràn vào Hà Nội, hoạt động “ngồi lê” cũng có những biến chuyển riêng của mình. Sự tiếp biến này in dấu rõ nhất trong những sản phẩm văn hóa nghệ thuật. Nếu thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, ta đã có những Cô hàng nước (Vũ Minh) hay Cô hàng cà  phê của Canh Thân (***), thời đất nước mới thống nhất có “những quán bia hơi vỉa hè” trong Ngẫu Hứng phố của Trần Tiến thì nay, Circle K là điểm đến để những rapper trẻ như Low G “flexin” và thả flow với chiếc loa JBL trên tay cùng đôi Timberland mới. Việc ngồi vốn diễn ra tại những ngõ hẻm, vỉa hè đang dần được di rời về những chốn “có quy hoạch” hơn với điều hòa và máy thanh toán. Không gian sạch sẽ thoáng mát có vẻ được nhiều người ưa chuộng. Nhưng dường như cụm từ “quy hoạch” đang dần gắn chặt, nếu không phải đồng nghĩa với tiến trình liên tục dựng lên những tòa chung cư và khu thương mai cao tầng, bất chấp những quan ngại về sức tải của cơ sở vật chất đường xá, cảnh quan đô thị. Nó cũng đồng nghĩa với việc xóa đi những quán xá vỉa hè, với những trồi sụt ngẫu hứng của ngõ hẻm phố xá, những ngóc ngách đang dần tỏ ra “kém hiệu quả kinh tế” hơn.

Tôi đã từng ăn tại một quán thịt xiên rất ngon ở phố Chùa Láng, nơi vị chủ rất tinh tế khi tạo ra không gian quán mô phỏng lại vỉa hè Hà Nội nhằm mang đến sự ấm cúng cho thực khách. Với trực giác của một người bán hàng vỉa hè, anh hiểu rõ hơn bất cứ nhà nhân học nào cái thực hành ngồi lê của người Hà Nội. Anh biết rằng trải nghiệm ẩm thực với món thịt xiên không chỉ gói gọn trong nguyên liệu hay cách chế biến mà còn nằm ở phông nền diễn ra trải nghiệm đó, thứ mà quán anh muốn mô phỏng. Nhưng hãy tưởng tượng một ngày khi không còn ai biết đến cái phông nền gốc nữa, và cái ta còn chỉ là những mô phỏng của những mô phỏng của phông nền đó. Khi đó, bạn có muốn ngồi lại, hay bạn sẽ takeaway?

(*) Ở - Ivan Illich  đọc ở Viện Hoàng Gia Kiến trúc Anh, York 07/1984 (Đậu Sỹ Nghĩa dịch Nguyễn Anh Cường hiệu đính)
(**) (***) “Bụi hồng quán nước” - Trương Quý (in trong “Hà Nội bảo thế là thường” (2020))

_Gọng kính nhựa_