Vâng! Các bạn không nghe nhầm đâu. 
Bài viết đầu tiên mà tui quyết định đăng ở động Bàn Tơ sẽ là mấy dòng hồi ký, thành quả sau bao nhiêu đêm trầy trật, vật lộn với đàn muỗi hung dữ ở quê.
Chủ đề của hồi ký là viết về người con gái có vị trí đặc biệt trong cuộc đời tui. Nhưng thay vì thể hiện mọi thứ bằng cách thông thường, tui sẽ viết theo phong cách Tiên Hiệp ba xu...í lộn, đầy sắc thái thần thoại và nhân văn!
Trước khi bắt tay vào cào phím tui cũng băn khoăn lắm. Không biết chủ đề này có thích hợp đăng ở Động Nhện không? (tại vì nó "đách" có tí kiến thức nào) Nhưng thây kệ, viết cho chính mình là nguyên tắc đầu tiên đúng không? 
Đầu tiên, để bắt đầu một câu chuyện dài dòng cẩu huyết, bao giờ cũng là một thước phim đẹp vi vu mướt màn. Một khung cảnh làm người ta đắm chìm trong cảm giác chill chill, ví dụ như....

 OPENING SCENE


Ngôi làng cổ dưới chân dãy Hoàng An phía nam Gia Định Thành có một con đường đất đá lổm chổm, uốn lượn khúc chiết, hai bên đều là ruộng lúa của những hộ dân quanh năm cày cuốc.

Con đường đất đá không dài lắm, khoảng chừng hơn trăm dặm. Đi đến điểm tận cùng có thể ngửi thấy rất rõ cái mùi vị tanh mặn của hải dương hòa trộn trong không khí.

Trên con đường xuất hiện một cỗ xe ngựa. Nói là xe ngựa, kì thực chỉ là một loại phương tiện thô sơ bao gồm 1 con ngựa ốm đói và một tấm ván chất đầy rơm rạ mà thôi.

Ở trên cỗ xe lộc cà lộc cộc đó có 2 bà lão đang nửa nằm nửa ngồi, ốm yếu rúm ró. Y phục trên người họ có chút cũ sờn nhàu nát, dĩ nhiên chính là một hộ nông sống ở phụ cận.

Trời đứng nắng, trên trán mỗi người nhỏ xuống từng giọt mồ hôi to như hạt đậu. Bà lão đang nằm dường như mắc phải một cơn bạo bệnh nào đó nên sắc da hết sức vàng vọt.

Bà lão đang ngồi gạt mồ hôi, lay lay cây quạt trong tay, ánh mắt hiện lên một tia nhu hòa nói: “Gắng chịu đựng A Khoan. Đến phủ tiên nhân, nhất định tỷ sẽ khỏe lại thôi.”

Đi chừng vài dặm đường, lúc này trời nổi trận gió to, mùi vị nồng đậm của biển cả xộc vào mũi đôi tỉ muội già. Bà lão nhìn ngó cảnh vật xung quanh, trong tâm bồi hồi một đoạn ký ức.

Còn nhớ nhiều năm về trước bà ốm thập tử nhất sinh, trượng phu lại không may mất sớm. Lúc nguy cấp chính tỷ tỷ đã đánh xe chạy tới cửa biển cầu tiên nhân cứu giúp.

Vị tiên nhân đó nói để đổi lại tính mạng, gia đình bà cứ cách một đoạn thời gian phải đem đùi lợn hun khói trứ danh trong làng đến phục nạp. Từ đó đến nay đã hơn 50 năm.

Cỗ xe ngựa mong manh chở tỉ muội lão niên xuyên qua nhiều dặm đường trường nắng gió và cát bụi. Lúc 2 bánh xe xiêu vẹo tưởng chừng không trụ vững, bỗng nhiên con ngựa cất tiếng hí dài, sợ hãi quỳ thụp xuống.

Ở trên xe bà lão bị dọa 1 trận kinh sợ.

Bà lão nhìn bốn phía vắng lặng không có lấy một bóng cây ngọn cỏ, tất cả chỉ toàn cát trắng và cát vàng. Phía xa xa, đường chân trời ẩn hiện một dải xanh ngắt của biển cả.

Đột nhiên khóe miệng bà lão co rúm lại, những nếp nhăn trên mặt xô vào nhau mếu máo.

“Kẻ phàm đem lễ đến dâng thượng tiên. Kính xin thượng tiên ban ân cứu lấy gia tỷ.”

Bà lão dập đầu, gọi to như thế mấy lần, trong lòng như có thứ gì đó nứt vỡ. Bà biết thượng tiên đang ở đây, nhưng không biết chắc liệu lời thỉnh cầu có được đáp lại hay không. Cho nên, chỉ còn 1 lựa chọn là kiên trì chờ đợi.

Qua chừng nửa nén nhang, 2 chân bà lão mềm nhũn , 2 mắt nhòa đi. Bỗng nhiên phía trước mặt hạ xuống một gã thanh niên bận y phục xanh đen, thoạt trông cùng người thường không có bao nhiêu khác biệt.

Thần tình bà lão trở nên thập phần kích động. Bởi vì đây chính là vị tiên nhân mà gia đình bà phục dịch hương hỏa suốt mấy mươi năm.

“Hồi bẩm thượng tiên…”

“Được rồi. Có đem theo đùi lợn không?”- Vị tiên nhân lãnh đạm ngắt lời.

Bà lão vội vàng lấy từ túi gai trên xe một chiếc đùi lớn được bao bọc cẩn thận.

“Bẩm thượng tiên, trong túi có 7 cái đùi lợn hảo hạng nhất.” – Bà lão giọng run run nói. Ánh mắt đầy trông đợi.

Thượng tiên nhanh chóng khua con dao nhỏ lóc một miếng cho vào miệng. Đùi lợn hun khói chính là đặc sản của ngôi làng nhỏ. Khách quý lắm ghé chơi mới được dân làng đem đùi lợn ra đãi. Nói như thế để hiểu được tầm quan trọng và cái danh đệ nhất thịt lợn Loạn Tinh Hải không phải rởm đời.

“Công thức của gia đinh ngươi khá lắm.” – Thượng Tiên nhấm nháp 4,5 miếng gật gù khen ngon - “xem ra ta không cứu tỷ muội các ngươi thì cái nghề này sẽ bị đoạn tuyệt…”

Bà lão nghe đến đó khấp khởi vui sướng. Đúng là trời xanh không phụ lòng người.

“Tuy nhiên cứu một mạng cũng không phải dễ dàng như vậy. Các ngươi vẫn phải đánh đổi bằng một việc nhân quả.”

Bà lão thấp thỏm hỏi : “thưa thượng tiên, xin hỏi đó là việc gì?”

“um.. chuyện này ta chưa nghĩ ra. Ngươi có cháu trai?”

Bà lão gật đầu lia lịa “vâng vâng, tiểu hài tử năm nay lên 10.”

“Nhất định phải dạy nghề gia truyền cho nó. Nhớ kĩ, ngày này 10 năm sau đứa cháu trai phải có mặt ở đây. Nếu không sẽ có báo ứng thê thảm!”

Bà lão nghe thấy thế, nửa mừng nửa lo, vội vàng thụp xuống vái lia lịa

“Đa tạ Ngô thượng tiên ban ơn ! Đa tạ Ngô thượng tiên ban ơn!”

HỒI I - CÁI KHU TẬP THỂ CŨ



“Thượng Tiên” họ Ngô này sống mòn quần ở ngoại ô Gia Định Thành tính đến nay chắc cũng hơn năm chục năm. Lúc hắn chân ướt chân ráo tới đây vô tình bắt gặp một nữ tử phàm nhân đẩy xe bò khóc hết nước mắt đem đứa em gái vái đông vái tây.
Hắn thấy cảnh đó cũng âm thầm cảm động, lại nghe nói trong làng có đùi lợn hun khói ngon nhức nách bèn thi pháp cứu chữa thiếu phụ kia. Chẳng ngờ dây dưa kết một đoạn nhân quả với đám phàm nhân này suốt mấy mươi năm qua.
Chiều hôm đó hắn dứt khoát nhận lấy 7 cái đùi lợn to bự, sau đó làm màu làm mè thi triển ngự phong thuật bay đi trước mặt 2 bà cháu trông như Cửu Thiên Huyền Nữ phiên bản nam hạ trần cứu thế. Uy phong vô hạn.
Mà thực ra cái tiên thuật cấp thấp này có mẹ gì ghê gớm đâu. Tu sĩ nào sắp bước vào Trúc Cơ đều dư sức qua cầu. Hắn càng đếch phải thượng tiên gì hết! Đừng ai hỏi hắn trên đời có tiên hay không nha. Hắn biết mới lạ đó!
Chỗ hắn ở , cái chỗ mà đám dân làng trăm dặm quanh đây gọi là “ẩn thế tiên phủ”, kì thực chỉ là một tòa kiến trúc cao tầng cũ kỹ dột nát, trông nó như xương sườn xuống sống của một con cá ngừ đại dương nằm thẳng đứng vậy (?).
Cái tòa nhà đen đúa này quanh năm suốt tháng được bao bọc trong một tầng sương mù trắng xóa thổi tới từ đại dương. Bên bờ Lãnh Hải nhiệt độ rất thấp, thường xuyên có mây mù cho nên chắc chắn chưa từng có gã thường nhân nào nhìn thấy nơi hắn ở. Nếu có ai đó nhìn thấy, hắn dám cá 10 cái đùi thịt là họ sẽ lập tức trở về đạp bỏ bàn thờ cho coi.
Lúc này Ngô “thượng tiên” bay lượn dật dờ ở rìa Lãnh Hải ngắm cảnh biển mênh mông một chặp, đoạn ôm theo túi gai to bự trở về khu tập thể xiêu vẹo của hắn.
Cái cửa cũ kĩ kêu lên kẽo kẹt khi hắn chui qua cổng vòm. Hắn đáp xuống đất, trên mặt hằn lên một tia phiền muộn.
Cái khu ổ chuột rách rưới này có lịch sử tận 200 năm, bắt đầu từ khi những chiếc hắc mộc thuyền của Thanh Dương Môn vận chuyển người tới đây, hiện tại tán tu nơi này trên dưới 5000. Có thể dễ dàng nhìn thấy thời gian bào mòn, làm cho kiến trúc tòa nhà xuống cấp rõ rệt. Hắn và đám huynh đệ mòn mỏi chờ đợi tông môn cho người đến tu bổ nhưng mười mấy năm nay chỉ có chim mòng biển chịu tới mà thôi.
 “bíp bíp bíp” đúng lúc này cái vòng phát tín hiệu của hắn kêu nháy inh ỏi. Ngô “thượng tiên” giật mình quẳng đại túi gai vào động phủ rồi lao như tên bắn ra biển.
Bên trên chiếc vòng hiện lên mấy chữ ngay ngắn : “Nhiệm vụ hướng dẫn tân thủ.”
…..
Cứ 20 năm một lần, sẽ có đợt Hắc mộc thuyền đưa tiềm năng tu sĩ từ khắp các địa giới đổ về Gia Định Thành, khao khát một chốn để định cư. Bản thân họ Ngô cũng từng ở trên những chiếc thuyền đó.
Khu ổ chuột mà hắn ở, về địa lý không tính là xa Gia Định Thành. Nhưng sống ở Gia Định và sống ở Lãnh Hải là 2 khái niệm một trời một vực.
Người ở Lãnh Hải nhìn người Gia Định Thành, con mắt đỏ lên ngưỡng mộ. Còn người ở đại thành thì thế nào?
Đám tu sĩ đại thành khinh rẻ nơi này!  Mỗi khi có dịp ngự kiếm bay qua đều không quên để lại một bãi nước bọt. Tuy nhiên, bởi vì ảnh hưởng của cái nền giáo dục đạo đức giả nên chúng nhã nhặn tặng đám người Lãnh Hải cái danh tự “thuyền nhân”.
Thuyền nhân! Cái mỹ từ gợi hình gợi cảnh dành cho di dân quá chính xác. Thuyền chỉ có thể lênh đênh, thuyền chỉ có thể neo đậu ngoài bến mà thôi.

Ánh tà dương màu cam nhạt dần dần xuống thấp phía đằng tây, tạo thành một góc tiếp giáp với mặt biển bóng loáng như gương. Thoạt trông lúc này, đất trời như một quả cam chín mọng, có buồn bã, có hối tiếc, mông lung.
Ngô “thượng tiên” lắc lắc đầu, cố gắng xua tan những cảm xúc tiêu cực của ngày hôm nay. Hắn mở miệng mang theo một nụ cười tiêu sái đáp xuống bờ lãnh hải, ngâm chân trong những lọn sóng vỗ rì rào.
Trước mặt hắn những chiếc thuyền to lớn đen trùi trũi chầm chậm tiến vào bờ, phà vào nơi đây một chút hơi thở của vùng sơn dã nông thôn nào đó.
Da mặt Ngô “thượng tiên” hơi hơi co giật. Hắn bỗng nhớ về đâu đó xa xôi trong kí ức phàm nhân của mình, nhớ cả đôi tỉ muội lão niên dắt díu nhau lúc ban chiều. Bất giác, hắn có chút nhớ nhà, nhớ cái làng chài ven biển, nơi chỉ có hơn trăm nóc nhà. Hắn nhớ cái đêm để lại thư từ biệt cho song thân phụ mẫu thông báo sẽ vượt đại dương tìm núi tiên tu luyện.
Ngày tiểu muội lên núi hái thuốc không may ngã chết. Phụ mẫu hắn kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh. Kể từ đó hắn chỉ có thể đến trước nắm mộ sau nhà, lặng lẽ thắp nén hương.
Minh Kha thượng nhân – quán chủ một đạo quán trên núi Tản Viên, đã từng giảng rằng trước khi bước vào trúc cơ, tu sĩ sẽ trải qua 2 lần gột rửa, một cho thể chất và một cho tâm cảnh. Cái cửa ải tâm cảnh là thứ đã chôn vùi hoài bão của biết bao người.

(*) CHÚ THÍCH 
- Luyện khí - Trúc Cơ - Kết Đan - Nguyên Anh: Các cấp độ tu luyện. 
Các cấp độ này theo thứ tự tượng trưng cho các tầng lớp từ thấp đến cao trong xã hội.
- Thanh Dương Môn : Thế lực/tông môn tu tiên số 1 Gia Định Thành - một tòa siêu cấp thành thị phồn hoa , hòn ngọc Viễn Đông.