Khi đọc được rất nhiều những trăn trở về tương lai của các bạn trẻ, mình nhớ lại hồi “mình còn trẻ” ghê gớm. Thế nên, mình cũng muốn chia sẻ về câu chuyện của mình và hi vọng là giúp đỡ được các bạn trẻ có được cái nhìn “thoáng mát” hơn.
Mình hiện đã học thạc sĩ ĐH Umea Thụy Điển ngành Hóa học, và mình làm công việc của một BA (Business Analyst) của 1 công ty management consulting. Công việc mình làm và ngành mình học chẳng liên quan gì đến nhau hết. Sở dĩ có chuyện quái đản này xảy ra là vì:
Mình rớt ĐH mong muốn! (Là rớt trường mình muốn thi vào chứ không phải rớt ĐH nhé)
Vài năm trước khi mình còn là 1 cậu học sinh lớp 11, mặt ngây thơ ngáo ngơ, bơ bơ mọi thứ trên đời. Mình thấy thích kinh doanh, thích giải business case study. Mình thích thi vào FTU2 vì bị “hút hồn” bởi những con người năng động trong đó, và mình cũng chẳng thiết tha gì những trường khác nên chẳng “buồn” tìm hiểu thông tin. Thế nên cuối cùng khi nộp đơn thi Đại học, mình điền đại KHTN ngành Hóa vì mình học Hóa cũng khá, chứ chưa biết ra trường sẽ làm gì. (cơ bản vì mình “ảo tưởng” là sẽ đậu FTU2 thôi). Mình thật sự không hề biết đó là quyết định tệ hại nhất mà mình từng làm.

Đọc thêm:

Nhưng muộn rồi! Mình rớt FTU2!

Mình vào KHTN với sự thất vọng nặng nề về bản thân, thất vọng về việc kiêu ngạo, chảnh thì chết chứ bệnh tật gì đâu. Mình thật sự cảm thấy bế tắc trước suy nghĩ 4 năm tới sẽ như thế nào với cái ngành Hóa học này, mình chỉ học tốt hóa do bị bắt làm quá nhiều bài tập ở cấp 3, còn nếu bàn về đam mê, mình đảm bảo là từ 0 trở về âm với ngành này. Lúc này mình đứng trước 3 lựa chọn:
1. Ôn thi lại để vào FTU2, chấp nhận chậm 1 năm so với bạn bè
2. Bỏ hoàn toàn đam mê kinh doanh, thử “sống thử” với khoa học xem sao. Biết đâu khác!
3. Vừa học khoa học, vừa học kiến thức về kinh doanh. Song tu cả 2 mảng.
Sau này mình nhận ra một cái bẫy ở 3 lựa chọn này mà lúc đó những ai như mình đều không tránh khỏi là chúng ta thường ngần ngại với lựa chọn 1 vì quá sợ thi và không muốn chấp nhận mất 1 năm so với bạn bè, bên cạnh đó còn là sự ngăn cản của phụ huynh, kiểu thi rớt thì ráng mà chịu, không quan tâm hay thi lại sẽ bị bắt đi nghĩa vụ các kiểu. Thành ra lựa chọn mang tính thời điểm như 1 thường qua đi cái khoảng thời gian dễ quyết định là khi chưa đi học lâu. Chúng ta sẽ tiếp tục thỏa mãn với lựa chọn 2 vì nghĩ là cái thích đó cũng chỉ tức thời thôi, ở đây bạn bè tốt, học cũng không tệ, thầy cô lại cute. Biết đâu ai rồi cũng sẽ khác. Sau này ai hỏi sao mình không thi lại ngay thì mình cũng trả lời như vậy, có nhiều yếu tố khiến mình không thể quyết định ngay trong thời điểm đó.
Nhưng mọi thứ bắt đầu sáng tỏ sau khoảng 1 năm, khi mình bắt đầu thấy nó cứ bức bối thế nào ấy, khi mà cứ hễ về đến nhà buổi tối không phải là lôi sách Hóa ra xem hay nghiên cứu về chủ đề khoa học mà thay vào đó là những kiến thức về kĩ năng mềm, kinh doanh. Mình kinh hoàng nhận ra cái thích ấy nó vẫn còn âm ỉ trong lòng, vẫn còn nguyên sơ sự háo hức về những cuộc thi, những case study business. Thôi rồi tiêu rồi, trễ quá rồi. Và lúc này, mình buộc phải lựa chọn cái thứ 3.
Định nghĩa đam mê của mình lúc này rất đơn giản: “Đó là môn học sau 8 giờ tối mà bạn nghĩ đến”. Hãy thử đi, bạn sẽ bất ngờ với đam mê của mình đấy.
Môn học sau 8 giờ tối của bạn là gì?


Đọc thêm:

Vậy là cuộc chiến bắt đầu! Nhưng làm thế nào để “song tu” 2 mảng một cách bài bản đây?
Mình đã mất năm đầu để chắc chắn mình sẽ không tiếp tục theo ngành này nữa mà tập trung phát triển kiến thức cùng kĩ năng để phục vụ kinh doanh và những cuộc thi lớn chọn “hạt giống” của doanh nghiệp. Điều đầu tiên mình bận tâm về 2 thứ:

1. Thời gian:

Làm sao mình có thời gian để học thêm bên cạnh việc học ở trường mà vẫn đảm bảo qua môn và đích đến cuối cùng là ra trường với GPA >= 3.0 (Do các cuộc thi đòi vậy)?

2. Môi trường:

Không có điều kiện, không có thầy cô, mình sẽ tạo môi trường cho mình như thế nào? Làm sao để 1 đứa tự học trái ngành có thể đủ cạnh tranh lại những bạn được đào tạo bài bản?
Về thời gian, mình sử dụng 2 nguyên tắc chính: Pareto (80/20) và đánh giá tính bắt buộc hay không. Năm 2 trở đi mình không có mặt ở lớp nếu không điểm danh và chỉ nhận đề cương rồi về học vì cơ bản mình chẳng đam mê nên không cần thêm kiến thức mở rộng từ thầy cô mà chỉ cần đề cương là đủ điểm, kết hợp với trên mạng để xem 20% quan trọng nhất là cái gì. Hiểu và áp dụng làm bài tập để hấp thụ nhanh nhất cho thể.
Điểm khuyết là mình do không lên trường nên rất ít cơ hội hỏi bạn bè. Tuy nhiên nó cũng tránh được việc quá nhiều thông tin không cần thiết. Đặc biệt trong khi học, luôn chú ý dành thời gian cho những môn có số tín chỉ cao, không được học lại hay học cải thiện vì rất tốn thời gian. Để đạt được 7.0, thực tế chỉ cần 2 - 2.5 tuần ôn luyện kĩ cho một môn bất kì ở đại học. Số thời gian còn lại mình có thể đầu tư vào việc khác. Năm 2 tổng số thời gian mình lên trường để học chỉ có tầm nửa năm, năm 3 còn 1/3 và năm cuối mình gần như nghỉ hoàn toàn chỉ làm tầm 2 tháng cuối cùng cho khóa luận. Tốt nghiệp GPA > 3.0/4.0, đủ như dự tính ban đầu. 

Cơ bản ngành học đại học giống 1 khóa đào tạo ngắn hạn 18 tháng đối với mình. 2 năm rưỡi còn lại mới là đại học thật sự.

Tùy theo số điểm bạn muốn, học ĐH có thể rút ngắn được thời gian
Tính mình nó hơi “ngông” một chút, nhưng mình sẵn sàng trả giá cho việc ấy. Mình không muốn nhảy ngành và ra làm cho cty nhỏ, mình muốn dù trái ngành nhưng khi ra trường vẫn cạnh tranh và vào được cty lớn như những bạn đúng ngành.
Mình phải tự set up lịch học như các bạn học chính quy trường kinh tế và tham khảo học liệu mà mấy bạn học. Ngoài ra còn phải tham khảo chương trình nước ngoài để học. Nhiều khi nhìn thấy mấy bạn được học đúng ngành mình tủi thân chịu không nổi. Không hiểu bài, tự đi mà làm quen rồi hỏi người ta, rồi tham gia diễn đàn để hiểu. Đã không ít lần mình cảm thấy cực cô đơn, lạc lõng trong môi trường đang học. Đã không ít lần mọi người hỏi sao Quý Đăng không lên trường, sao Quý Đăng ít xuất hiện quá vậy. Không ít lần mình rơi nước mắt vì vậy, mình cũng muốn lắm, nhưng mình lúc nào cũng cảm thấy chán khi học ở trường cả, đại học như một gánh nặng gì đó mà mình cứ muốn trút xuống, vào lớp học dù một chút thôi đã thấy bức bối, khó chịu, chỉ muốn thoát ra ngay lập tức.
Mình nghĩ, cái lý do để mình hiểu được “mình là ai”, chính là những lúc “mình không phải là mình”
Nhưng chiến lược học sẽ là gì?
Mình đi tìm hiểu giáo trình cả bên UEH và FTU2 thì phát hiện ra nó quá là giáo điều, những phần nâng cao không cần thiết đều được đưa vô làm rối. Vậy nên mình tự học theo phương pháp “IDM 360” – Bạn chưa nghe bao giờ phải không? Dĩ nhiên rồi, vì mình chế ra nó mà =]].
Mình không đọc sách đầu tiên mà bắt đầu với các bài viết về kinh doanh ở nhiều mảng. Sales là thứ đầu tiên mình đọc vì kinh doanh là bán hàng mà phải không? Đọc vài bài, mình ra thêm vài từ khóa, ra thêm vài tên mấy ông kì cựu, tiếp tục mở rộng ra Marketing, HR, Communication, quản lý tài chính, etc. Coi mấy clip về cuộc thi hay hoạt cảnh của FTU2 và UEH cho vui. Coi mấy cuốn inspiring như Cha giàu – cha nghèo, Adam khoo, Do thái, etc. Quá trình này cực kì quan trọng trong phương pháp này vì:
1. Giai đoạn này bạn chưa biết gì hết, bạn cần nạp “khái niệm” vào đầu, nó bao gồm những thứ như mô hình, phương pháp, nguyên lí gì đó (4P, 4C trong marketing chẳng hạn), đọc những bài viết nhiều chủ đề giúp bạn quen với các khái niệm đó. Mấy cuốn sách inspiring cũng giúp bạn nạp “khái niệm” 1 cách dễ dàng. Khi đó giống như trong đầu bạn có nhiều mảnh ghép rời rạc vậy đó.
2. Sau khi bạn đã quen dần với các khái niệm rồi. bạn bắt đầu bằng 1 cuốn giáo trình bất kì. Lúc này, bạn sẽ bất ngờ khi bạn đọc đến đâu là bao nhiêu kiến thức tự động hiện ra rồi ghép ghép lại thành một chuỗi rất logic. Bạn học cực nhanh mà không mất bao nhiêu sức lực.
Bạn có đề ý phần mềm IDM không? Nó tải nhanh vì nó tải nhiều phần 1 lượt rồi ghép lại, chứ không có tải một lượt. “IDM 360” cũng vậy, bạn tích cực tìm nhiều mảnh ghép rời rạc nhất có thể, rồi khi bạn vào giáo trình thì bạn sẽ kinh hoàng khi thấy sao mình “feel like a superman” thế. =]]
Nhờ tự học theo phương pháp đó, mình dễ dàng nắm kiến thức hơn một số bạn đang học bài bản từng chương trong giáo trình. Ngoài ra, kĩ năng problem solving của mình cũng tăng lên đáng kể nhờ tự nghĩ ra những phương pháp để rút ngắn quá trình học lại.
Nhưng mà học không đủ các bạn ạ, để ra trường người ta tuyển, thì mình phải có CV hoành tráng, kinh nghiệm thực tập các thứ chứ ai khi không mà tin bạn giỏi. Thế nên mình làm CV. Làm CV ngay từ năm nhất luôn mới ghê =]]]
Nhưng năm nhất thì có gì mà viết? Đúng rồi, năm nhất chưa có, nên mình “chém” ra, đại loại mình cần giải thưởng, 1 project làm leader, 1 chương trình quốc tế, 1 cv thực tập. Và cái CV này là 1 cái “career plan” cho mình luôn, cứ theo đó thực hiện, thì ra trường là có CV như mong muốn. Và mình nhất quyết phải làm cho được.
CV nên được xem như là "Career plan" của các bạn
Cuối cùng mình đạt được tương đối những “điều kiện cần” :
+ Giải nhì Sáng tạo sinh viên S-ideas của KHTN (Người ta bỏ ra 1 tuần chuẩn bị, mình bỏ ra 1 tháng chuẩn bị, không đi học để làm, mời rất nhiều người tham khảo và “tính toán” cặn kẽ những đối thủ khác không có cách nào ngăn được mình lấy giải)
+ Học bổng chương trình Fulbright Summer School và champion của vài business case study các hội thảo của AIESEC (Những bài viết luận và chuẩn bị dàn ý, dù chỉ có 300 từ thôi, nhưng mình dành ra cả tuần mỗi ngày 8 tiếng để suy nghĩ và chỉnh sửa, đến khi nào mình nghĩ nát cả óc mà không thể chỉnh được nữa thì mới submit. Đơn giản, vì mình không cho phép có sự thất bại lần nữa xuất hiện)
+ Thực tập Marketing Analyst của Tiki (Vẫn vậy thôi các bạn, chỉ cần có chiến lược tốt, well-prepared, thì không có gì lọt khỏi được. Ak mà mình đậu là nhờ đạt được mấy giải thưởng trước ấy nhé,:vkhông phải dửng dưng người ta chịu nhận 1 đứa ất ơ trái ngành đâu).
Anh sếp phỏng vấn mình hỏi: “Vì sao em chọn làm nghề này, không giống cái em học”
Mình trả lời: “Dạ tại em đam mê nó”
Ảnh hỏi: “Em chứng minh đam mê đó như thế nào?”
Mình nói: “Những gì nãy giờ em nói với anh, những thứ em đã làm, và sự hiện diện của em trong căn phòng này, nếu không phải là đam mê, thì anh nghĩ là gì?”
Nghĩ lại thì cũng “shock” thật, nhưng mà sau này sếp nói là rất ấn tượng bởi câu đó. Nói “trái ngành” là khuyết điểm, nhưng thật sự là “rất ưu điểm”, nếu bạn chứng minh được thực lực của bạn.
Vậy đó, mình đã nhảy ngành như vậy. Và lúc đi làm chính là năm 4 của mình, mình làm full time và nếu thuận lợi thì khi ra trường đã có 1 năm kinh nghiệm trong “ngành” rồi. Có kém gì người đúng ngành đâu.
Anh nghĩ em ngồi đây vì lý do gì?
Nhưng mà trời xui đất khiến các bạn ạ, mình đã “lỡ lầm” sang Thụy Điển du học vì học bổng của trường hấp dẫn quá TT_TT. Và câu chuyện vừa học thạc sĩ vừa tiếp tục học kinh tế đã mở ra cho mình nhiều góc nhìn hấp dẫn khi kết hợp giữa khoa học kĩ thuật và khoa học tự nhiên. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn mà. Bạn nào thích thì mình sẽ kể nhé!
Mình muốn nói với các bạn là, khi các bạn nghĩ mình chọn sai thì không làm lại được, nó sẽ chẳng giúp các bạn tìm ra “bạn là ai” đâu. Hãy dũng cảm làm sai, và sửa lại, vì cuộc đời của mình dài lắm. Mình năm nay đã 25 rồi, mà sắp tới quyết định học lại Đại học, học 1 ngành IT không liên quan đến cả cái mình đã học đến thạc sĩ là Hóa lẫn đam mê là Business. Và mình chấp nhận tiêu hết số tiền đi làm để học, vì mình thấy con đường đó giúp mình tiến bộ, thế thì mình đi thôi. Bạn sẽ không bỏ phí những kiến thức dù đã học sai đâu, đừng “đóng đinh” bản thân quá mức. Và thế giới này, sự “giao thoa” đang ngày một có sức ảnh hưởng tốt hơn.
Việc mình “nhảy ngành” là do đam mê, nhưng quan trọng là mình quyết định và chuẩn bị cho việc đó khá sớm, bên cạnh có “chiến lược” hẳn hoi chứ không phải hùng hục mà làm. Và dù không làm đúng ngành nữa, nhưng mình vẫn tốt nghiệp Đại học đúng hạn chứ không bỏ ngang. Mình thường thấy các bạn gap để đi làm hoặc bỏ hẳn, không học đại học nữa vì công việc đi làm thích quá, hoặc là học ĐH chán quá, đến gần năm cuối rồi mà các bạn cũng bỏ. Mình thấy hình như các bạn hiểu sai về sức mạnh của tấm bằng đại học vì có nhiều ý kiến xem nhẹ nó và trọng năng lực hơn. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Vì mình, bản thân cũng là người rất trọng năng lực mà. Câu đầu môi của mình là:
Đừng bao giờ để những thứ bạn “được dạy” quyết định bạn “học được” cái gì, và càng không quyết định “bạn sẽ là ai”. Năng lực cá nhân chỉ phụ thuộc vào 1 yếu tố duy nhất, đó là khả năng tự học của bạn mà thôi. Chắp vá hay bài bản, là do bạn quyết định.

4 năm ĐH, không quyết định cả cuộc đời của bạn phải theo ngành đó.

Tuy nhiên, tấm bằng ĐH dù là chỗ nào đi nữa thì ngoài việc giúp bạn “gõ cửa” nhà tuyển dụng thì nó còn giúp bạn một số thứ nữa:

1. Bạn hoàn thiện được hồ sơ của mình và nhảy hẳn khỏi ngành bằng văn bằng 2 hoặc thạc sĩ:

Nói như thế này, mình tính sơ thì muốn nhảy cao qua hẳn kinh tế thì phải thêm MBA, mà muốn học MBA thì chỉ có cách là tốt nghiệp, sớm chừng nào, mình dễ chừng đó. Chưa kể bạn có thể xin học ở nước ngoài nữa, làm gì có cách nào ở nước ngoài tầm 1-2 năm học MBA, được lo cho học phí mà “không cần đến bằng đại học”. Không tốt nghiệp, tự bạn đã làm chậm con đường sau này của mình rồi, chưa kể là những cơ hội khác nữa. Tốt nghiệp đúng hạn nhé! Tiền có thể không kiếm, nhưng trường chắc chắn phải ra.

2. Tấm bằng ĐH giúp bạn giảm áp lực bản thân và gia đình hơn.

Khi bạn học xong rồi, gia đình mới có thể an tâm cho bạn đi theo đam mê được, điều này giúp bạn thoải mái hơn rất nhiều. Sớm chừng nào, tốt chừng ấy.
Cái lý do duy nhất bạn “lười” không tốt nghiệp là do bạn thấy phí thời gian. Nói thiệt, bạn mà tính toán kĩ như mình đã nói ở bài trước, cộng thêm tập trung học tập, muốn giỏi thì khó, chứ tàng tàng 7.0 – 7.5 Khá ra trường thì không phải vấn đề. Và tổng thời gian 4 năm ĐH của bạn chỉ còn khoảng 18 – 24 tháng thôi, thời gian còn lại bạn đi học cái bạn đam mê. Nhưng đã học cái đam mê thì phải đạt mục tiêu là giỏi chứ không phải Khá nữa.
Vậy nên dù đi làm, nhưng mình vẫn chia thời gian ra để hoàn thiện bậc ĐH. Mình làm ở Tiki là cuối năm 3 đầu năm 4, nói là thực tập nhưng công việc lúc đó như 1 nhân viên chính thức rồi. Và “vào Tiki” cũng chỉ là bàn đạp để mình có thể học kinh nghiệm thực tế và sau đó thi vào các công ty lớn, bên cạnh đó là để ứng dụng các kiến thức để học.
Bây giờ mình phải học những gì?
Mình không biết, và mình cứ tự nhiên mà học hỏi thôi. Những ngày đầu, mình tìm cách để hòa nhập và nắm thông tin nhanh nhất. Mình luôn ghi âm lại những cuộc nói chuyện, quan sát xem các anh chị gọi nhau để biết tên mà không cần phải hỏi. Tìm hiểu xem những phần mềm ứng dụng mà mọi người đang sử dụng. Bắt đầu làm quen với các khóa học online, coursera, edx, google academy,v.v... Thậm chí có lúc mình tự học code nữa =]]. (Mà cơ bản là khi bạn đã quen với việc “bắt đầu lại 1 cái mới” thì mấy cái này chỉ là muỗi).
Vì chuyến intern có rất nhiều sự kiện nhưng mình chỉ liệt kê 3 điều quan trọng nhất mà mình học được ở Tiki, một môi trường mà mình tin là rất rất đáng để trải nghiệm và mình rất biết ơn anh sếp của mình khi đã chấp nhận cho mình vào Tiki.

1. Luôn so sánh với cái mình đã làm!

Môi trường doanh nghiệp là nơi để bạn biết hồi đó bạn gặp giới hạn ở đâu, những gì lúc trước bạn cho là “đỉnh” lắm thì ra nó chỉ là một thủ thuật bình thường thôi. So sánh với bản thân là cách để bạn thấy rõ sự tiến bộ của mình, hãy làm cho “bạn hồi đó” cảm thấy ganh tị với “bạn bây giờ” thay vì với người khác.

2. Doanh nghiệp là một đại học. Cuối tháng bạn luôn có học bổng cho những gì mình làm.

Và hiển nhiên cố gắng đừng bao giờ để đến cuối tháng, những gì bạn nhận được chỉ là lương mà thôi. Nó phải là một điều gì đó mới, kiến thức, kĩ năng, quan hệ. Bao nhiêu tiền mình đi làm, mình đổ vào việc đi học và mời mấy anh chị đi ăn để tìm hiểu những kiến thức chuyên ngành, để biết cái “nền tảng” của mình có lỗ nào đang hổng. Vé phim 50k không dám mua mà khóa học 200k là “đập” không thương tiếc. Và mình hay là đứa chạy đi chạy lại ở nhiều phòng ban nhất. Mình làm marketing, mà phòng kế toán, nhân sự, merchandise, logistic, data,… mâm nào cũng có mặt mình. Để làm gì? Để hỏi mà biết mọi thứ nó “liên kết” với nhau như thế nào. Và mở rộng kiến thức chính là con đường dẫn đến sự chuyên sâu. =]]] Bạn cần phải “uyên bác” trước khi trở nên “uyên thâm”.
Lý do là thế này.
Kiến thức nó là một mạng lưới, nhưng mà những gì mình “được dạy” thì nó lại tuyến tính. Vì thế ta phải có có thời gian “re-learning” lại để hiểu sâu hơn tại sao kiến thức hồi đó lại như vậy. Bạn không tin ak, khi bạn học lớp 12, bạn nhìn lại kiến thức lớp 10 sẽ “phát hiện” ra nhiều thứ mới giúp bạn hiểu sâu hơn kiến thức đó. Bạn học đến ĐH, trở về học đạo hàm mới thấy có ý nghĩa. Đó là do bạn có “kinh nghiệm” nhiều hơn, và nó liên kết lại với “điểm chốt” hồi đó bạn học. Re-learning nó không giống việc bạn học đi học lại kiến thức đó, mà nó chính là việc áp dụng những kiến thức mới để liên kết ngược trở về với nền tảng cũ. =]]] Như vậy thì khi bạn càng biết nhiều hơn, bạn học lại những kiến thức cơ bản sẽ thấy “thẩm thấu” hơn.
Chúng ta được dạy theo cách tuyến tính, nhưng hiểu theo cách mạng lưới hoạt động
Vậy đó, và bạn có biết không, bạn vào một công ty, không phải là để “mong” người khác chỉ bảo cho mình phải làm gì. Bạn vào là để “test” xem những giả thuyết trong đầu của mình có đúng hay không. Bạn phải là người nắm rõ vì sao nó hoạt động như vậy, và nếu không, thì phải tìm giải pháp ở khắp nơi.
Chủ động, không có gì ngoài việc “tự động” làm ra những việc để đảm bảo kết quả cho mình.

3. Và bạn biết không? Càng căng thẳng, bạn càng phải plan thật kĩ. Biết chấp nhận buông hợp lí sẽ giúp bạn an toàn.

Mình phải công nhận là mình hoạt động hăng say nhất là trong khoảng thời gian đầu intern do chưa có nhiều áp lực bài vở. Nhưng giai đoạn sau đó khi công ty có nhiều sự kiện mà mình không join được và làm cũng không tập trung do bị phân tâm bởi bài trong trường thi cho đủ điểm và chuẩn bị khóa luận. Mình giận và tiếc hùi hụi, nhưng mình đành chấp nhận thôi vì đã rất cố gắng để cân bằng. Nhưng mình nghĩ chuyện đi làm có thể lấy lại phong độ nhanh chóng, còn trường nhất định phải ra, nên mình tập trung vào 2-3 tuần trước thi để học lại hết các môn và đi thi. Ghét trường kinh luôn ấy. Trong Tiki cũng có mấy bạn gap, nhưng mình không làm được, thà chịu khổ một lúc nữa, hơn là nó cứ như bóng ma đeo đuổi hoài. Tốt nghiệp gần đển rồi, phải ráng lên!
Nhưng ra khỏi ngành, đâu có dễ!
Trong khoảng thời gian này, mình được biết trong khoa mình có chương trình học bổng sinh viên qua Thụy Điển, mình biết từ hồi năm 2 rồi mà nghĩ rằng còn lâu mình mới học tiếp cái ngành này nên mình bỏ qua. Tự nhiên đến giờ phút này, mình lại chạnh lòng, mình thấy điều kiện xét cũng không quá khó, lại có cơ hội đi nước ngoài lâu như vậy, mà cũng chẳng phải lo học phí. Mình đột nhiên nghĩ đến 2 hướng:
1. Bỏ đi. Đi tốn thời gian lắm, lại học cái mà sẽ không xài sau này, đi làm gì cho tốn công. Giờ ráng ra trường rồi làm ở Tiki luôn, thế là trái ngành mà vẫn có 1 năm kinh nghiệm rồi này. Sau này kiếm học bổng MBA rồi đi sau. Giờ mà bỏ thì hụt mất bao năm cố gắng có kinh nghiệm làm việc. Lại mất cơ hội thi mấy chương trình “hạt giống” nữa, đã plan đến thế rồi.
2. Đi đi. Không phải lúc nào cũng có cơ hội, với lại mình chưa bao giờ xa gia đình, chưa bao giờ đi xa, trải nghiệm này không thể tính bằng tiền được. Đi càng trẻ, càng tốt, bạn mình đứa nào cũng đi hết rồi. YOLO đi! Dù sao cũng tốt nghiệp rồi mới đi mà, coi như là trải nghiệm.
Còn vài ngày nữa là hết hạn nộp, mình bí quá hỏi sếp: “Nếu bây giờ có người cho anh tiền để đi nước ngoài học cái anh không thích nhưng vì anh muốn đi nước ngoài thì anh có đi không?”
Ảnh bảo: “Em nên xét xem nó có giúp gì cho sự nghiệp và con đường sau này của em hay không? Nhưng bản thân anh hồi đó cũng từ chối nhiều cơ hội đi du học vì anh nghĩ anh có thể học được nó dễ dàng, sao phải tốn tiền như vậy. Sau này anh tiếc, vì nó sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ cho cuộc đời mình. Dù có thể tốn thật”.
Đêm hôm đó, mình suy nghĩ và không ngủ. Đúng, chính xác đó các bạn, không ngủ.

.... Rồi mình đi đăng kí!

Rớt thì tiếp tục làm Tiki, đậu thì đi. Đường nào cũng lợi cả, tiền sau này tự tin bản thân có thể kiếm lại được. Và thế quái nào mình lại được “đậu vớt”, trời muốn cho mình đi rồi =]] vậy là khăn gói quả mít đi thôi! Ở nhà mình mừng lắm, dù mình có chút không muốn vì trái ngành nhưng gia đình mình lại vui, thì đó cũng một phần an ủi. Mình chỉ biết mình sẽ cố gắng làm hết sức, còn được gì hay không mình cũng chẳng mơ đến. =]] Đã đi sai mà còn đi xa tít tắp luôn mà!
Nhưng mà bạn nghĩ mình muốn đi học Thạc sĩ Hóa thiệt hả? =]]]
Nhầm rồi!
Mình muốn đi bởi vì 1 thứ!

Đó chính là “TÀI LIỆU NƯỚC NGOÀI”

Đúng rồi đó các bạn, là "tài liệu nước ngoài"
Phải rồi. Mình đã lên chiến lược kĩ lưỡng và đây là cơ hội để “bồi bổ” nền tảng về kinh doanh của mình nhờ vào học liệu và các chương trình trong tài nguyên học tập bên nước ngoài. Lúc này, mình có thể tự “nâng cao” bản thân hơn nhờ việc tiếp xúc với học liệu, sách vở tốt hơn, bên cạnh đó mình có dịp để nói chuyện với các giáo sư nước ngoài và tham khảo chương trình của họ thông qua bạn bè. “Lợi thế cạnh tranh” đã quá rõ cho chuyến đi này, khi về, mặc dù mình không có “bằng” (bằng cấp) thôi chứ kiến thức thì không “kém” lắm đâu. Ở bên Thụy Điển, mình mới dám nói là kiến thức của mình có “bài bản” hơn chứ không “chắp vá” như học ở VN, dù mình đã cố gắng.
Sau này mình thấy mấy bạn có MBA, mình vẫn cảm thấy rất tủi thân. Nhưng mình chỉ có thể nói với chính mình: “Đăng ạ, bây giờ mình không có tiền để mua “sự chứng nhận” cho kiến thức của mình, mình chỉ có thể mua “kiến thức” thôi. Ráng cố gắng học, sau này trả tiền để đi thi thì “lấy bằng” sau cũng được.”
Và dĩ nhiên, là mình vẫn phải theo “bài cũ”, phân bố thời gian để hoàn tất chương trình Hóa và bên cạnh đó là lên lịch học về kinh tế trong thư viện cho chính mình.:vNhiều khi mấy thầy đi dạy cứ thấy mình nghỉ hoài, nhưng sau đó thường lên hỏi bài lại, mình đành phải “giả ốm” chứ chẳng biết làm thế nào. =]]] Cái điều quan trọng nhất là mình hiểu được nên ưu tiên cái gì và không ưu tiên cái gì, và học vừa đủ chứ không học chuyên sâu về Hóa để lên phD (Mà có đủ sức đâu, nói cho oai thế thôi:3), mình dành thời gian đó cho đam mê. Và nhờ mình đi thực tập nên khi học, cái “kinh nghiệm thực tế” đó đã giúp mình rất nhiều để lên kế hoạch học tốt hơn.
Mình không thuộc dạng “liều” mà rất nhát gan, =]]] kiểu dũng cảm trong sự run rẩy. Nhưng mình luôn có back-up plan cho bản thân và tính toán đến mức đường nào cũng ổn hết thì mình mới đi. Mình xin việc cho mình ở VN lúc mình vẫn còn đang ở Thụy Điển, và được nhận vào công ty của 1 anh ex-McKinsey (McKinsey là tập đoàn lớn về management consulting). Đây là bước đệm tiếp theo để có cơ sở thi vào các tập đoàn lớn. Ngày mình về là 3 ngày sau mình đi làm rồi, cũng giống như hồi mình kết thúc khóa luận ĐH, cũng chưa đầy 1 tuần sau là sang Thụy Điển.
Đam mê nó mang tính “bền bỉ” hơn là sở thích, chẳng ai trả lời được cho bạn đam mê của bạn là gì kể cả chính bạn, chỉ có thời gian mới cho bạn biết. Khi bạn bị bầm dập trước những lần chọn sai, khi đã phí hoài không biết bao nhiêu nhiệt huyết, khi đã nghĩ mình thay đổi được cả thế giới. Khi tất tần tật những cảm xúc đó đã đi qua, thì tin mình đi, bạn đang đặt chân trên đam mê rồi đấy. Để tìm được đam mê, hãy trải qua những cảm xúc đó, dù là bạn có được nó từ những chuyến đi hay là từ công việc đang làm, hãy để nó đến, vì chúng chính là những người đến mở hàng trăm cánh cửa đang đóng bên trong bạn, để bạn nhìn được ra bên ngoài và biết mình thuộc về nơi đâu. Khi nào trong lòng bạn vẫn băn khoăn về những cánh cửa chưa được mở, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được đam mê.
Mình chẳng khuyên bạn nên đi nhiều, nên làm nhiều, nên theo đuổi nhiều thứ. Mình chỉ khuyên bạn một điều thôi: Trải nhiều!
Cái bạn nên theo đuổi là cái cảm xúc ở bên trong bạn, chứ chưa bao giờ là việc bên ngoài cả. Một công việc hay chuyến đi mang nhiều cảm xúc cho bạn tốt hơn gấp ngàn lần nhiều thứ chỉ làm cho vui.
Hãy dũng cảm và khám phá!
Chúc các bạn thành công.
P/s: Nếu mình không học ĐH, sẽ không có chương trình đi, không đi, sẽ không có tài liệu cao cấp cho mình học “trái ngành”. Tất cả mọi thứ đã xảy ra, mình nghĩ chỉ cần tận dụng tốt, thì nó sẽ là bàn đạp cho bạn tiến rất xa dù như thế nào.
                                                                            From SimpleDay of Đăng