Làm trái ngành: áp lực nhiều hơn sự thoả mãn
Đừng chọn làm trái ngành nếu bạn chưa hiểu được trọn vẹn những thách thức và áp lực nó mang lại.
Từ xưa đến ngày, người ta hay đặt một dấu hỏi lớn cho việc làm trái ngành: nên hay không nên? Quả thật, “thứ chuyện” này là một câu hỏi khó. Chúng ta đều có những sai lầm, mỗi sai lầm đều phải trả giá, và việc lựa chọn sai ngành nghề khi chúng ta học đại học, đương nhiên, là một sai lầm nghiêm trọng.
Thật không may, tôi là đứa mắc phải thứ sai lầm nghiêm trọng này.
Tự gánh lấy hậu quả của mình
Có nhiều phụ huynh định hướng cho con cái mình những ngành nghề mà họ cho rằng sẽ có chỗ đứng vững chãi sau này, với mức lương cao, ổn định, với quyền cao chức trọng, ông nọ bà kia. May quá, phụ huynh tôi không như thế. Tôi may mắn được tự chọn con đường của chính mình, và khi mắc sai lầm, tôi đương nhiên cũng phải sẵn sàng tự gánh lấy hậu quả.
Năm đó tôi thi đại học, là học sinh trường chuyên có tiếng ở Thành phố, tôi cũng mang trong mình thứ áp lực phải đỗ đại học cho bằng bạn bằng bè. Với sức học cũng tạm đủ, tôi trượt nguyện vọng 1 nhưng may mắn đỗ nguyện vọng 2 ở một trường đại học khá xịn xò để khoe với hàng xóm láng giềng. Tôi nhớ năm đó bố mẹ tôi còn bày tiệc khao cả xóm, dù họ còn chẳng hiểu đầy đủ cái tên chuyên ngành của tôi sau này sẽ học gì, làm gì. Thực ra, chính tôi còn chẳng hiểu nữa huống chi là bố mẹ :D. Chuyên ngành của tôi lúc đó là Quản lý công.
Tôi đi học vài buổi với các bạn cùng lớp, môi trường đại học làm tôi vỡ mộng. Môn chuyên ngành của tôi thì khó hiểu nữa. Và rồi, tôi quyết định thi lên hệ Tiên tiến, Chất lượng cao, vì có vẻ mấy môn chuyên ngành ở hệ này “dễ hiểu” hơn so với tôi. Tôi lại trượt nguyện vọng 1 – chuyên ngành Tài Chính, thế là tôi học chuyên ngành Kế toán theo 1 cách không mấy tự nhiên. Hệ Tiên tiến của tôi có học phí đắt đỏ bậc nhất trong trường đại học đắt đỏ bậc nhất thời bấy giờ. Tôi lại áp lực hơn trong việc học, tôi cố gắng học cho xong 4 năm rưỡi đại học mà không để trượt hay thi lại bất cứ môn nào. Đơn giản vì tôi sợ tốn tiền của bố mẹ. Sau 4 năm, dù nhận tấm bằng giỏi trên tay, tôi nhận ra tôi không thích trở thành một Kế toán viên. Tất cả đều là lựa chọn của bản thân, tôi không thể đổ lỗi cho ai được. Năm 22 tuổi, tôi cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Kế toán, quyết định sửa sai cho bản thân, tôi nhảy ngành.
1001 thứ áp lực
Chưa bàn đến việc đúng hay sai, nhảy ngành là một câu chuyện vô cùng áp lực. Khi mới ra trường, tôi bị ngộp thở trong đống peer- pressure mà mình tự tạo ra. Bạn bè tôi ai cũng có nghề nghiệp ổn định. Người thì làm thực tập Kế toán cho một công ty nước ngoài lớn. Người thì học các chứng chỉ ACCA, CFA chuẩn bị cho kì thi Kiểm toán ở Big4. Người thì theo định hướng của gia đình, học cao học và về làm cho nhà nước. Từ trước đến nay, bố mẹ tôi đã không can thiệp vào những lựa chọn và quyết định của tôi. Nhưng cũng chính điều này làm tôi mạnh mẽ chấp nhận sai lầm nghiêm trọng của bản thân, dám chịu trách nghiệm và sửa sai.
Và thế là tôi đi tiếp con đường của tôi. Tôi may mắn biết mình thích Marketing, tôi thích viết lách, nên tôi cố gắng để đạt được mục đích của mình. Dù vậy nhưng 4 năm đại học đã cho tôi rất nhiều kiến thức kể cả khi tôi học sai ngành. Hiện tại, tôi vẫn đang bắt đầu con đường mới của mình. Tôi đã học rất nhiều, tìm tòi các kiến thức mới, tự đọc sách, tham gia nhiều chương trình, khoá học để nâng cao trình độ bản thân ở một nghề nghiệp mới hoàn toàn. Quả thực không hề dễ dàng gì. 2 năm sau khi nhảy ngành, tôi vẫn đang học. Tôi chậm hơn các bạn của tôi, nhưng tôi biết tôi đang đi đúng hướng. Và điều tuyệt vời nhất là tôi đang kiếm được tiền từ chính sự đam mê của mình.
Câu chuyện nhảy ngành quả thực rất mệt mỏi, nhiều thách thức và áp lực. Áp lực chủ quan một, thì áp lực khách quan mười. Tôi đã từng nhận được một lời khuyên thế này từ bạn bè: “bây giờ bắt đầu là muộn rồi, nếu muốn nhảy ngành thì phải nhảy từ năm 3 năm 4 đại học, người ta đi làm hết rồi mà mình bây giờ mới bắt đầu thì quá muộn, không làm được đâu”. Vượt qua những lời nói như thế này chính là thành công lớn nhất của tôi tính đến hiện tại.
Áp lực nhiều hơn sự thoả mãn
Bỏ ngoài tai và cứ bước tiếp đi, tôi sẽ không khuyên bạn như vậy đâu, vì chính tôi còn phải nỗ lực rất nhiều để theo đuổi con đường của mình. Bạn sẽ chẳng bỏ ngoài tai được những thứ áp lực này ngay lập tức đâu, nhưng hãy cố gắng nhất quán mục đích của mình, đi theo kế hoạch của bản thân, nhất định bạn sẽ làm tốt thứ bạn thích.
"Sai lầm không đáng sợ đến thế"
Làm trái ngành áp lực nhiều hơn sự thoả mãn. Vậy nên các bạn trẻ hãy cân nhắc kĩ trước khi chọn ngành nghề học đại học để tránh phải những sai lầm nghiêm trọng giống như tôi. Nhưng sai lầm không đáng sợ đến thế, hãy chấp nhận và dám sửa sai, bạn sẽ thành công với chính bản thân của mình.
Hà Nội, 9/4/2021
Một con mèo hay cười.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất