Năm mới khai bút tí chứ các bạn hữu nhỉ? Như mọi người có thể biết nếu theo dõi mình lâu nay thì mình là một thằng ất ơ rất hay viết về bò sát, NHƯNG năm nay là năm CON TRÂU nên mình xin mạn phép được lái qua và viết về một con chim...

Trước khi trả lời câu hỏi "bố nó là ai", chúng ta phải biết nó là ai trước cái đã! Hoatzin, hay dịch nguyên văn mấy cái tên tiếng Anh ra là: chim bò sát, chim thúi, chim chồn hôi hay trĩ Canje, danh pháp: Opisthocomus hoazin ILLIGER, 1811 (mình không ghi nhầm đâu, tên nó là "hoatzin" nhưng tên loài là "hoazin" đấy). Đây là một loài chim của vùng Nam Mỹ xa xôi, chúng cư ngụ trên những tán cây gần mép sông, những khu rừng ngập mặn và đầm lầy ở lưu vực sông Amazon và Orinoco. Vậy loài này có gì thú vị mà chúng ta phải tìm hiểu xem bố nó là ai? Để mình kể từ từ nhá...

Có thể là hình ảnh về chim và thiên nhiên
Ảnh: ebird.org
Tác giả: Angus Pritchard
Ngày xửa ngày xưa, khoảng 64 triệu năm trước, tức là trước cả khi tụi khủng long béo ị to xác mất hút khỏi Trái Đất này, một dòng dõi tập hợp những loài chim cổ đại không hiểu vì sao lại tách ra và tiến hóa theo một hướng rất riêng biệt (Prum et al., 2015). Rồi 1,5 triệu năm sau, 75% các loài động vật trên Trái Đất bị tuyệt diệt bởi vì không biết ai lại quăng nguyên một cục thiên thạch bự chà bá vào địa cầu, làm cho thiên tai xảy ra liên miên, tiêu diệt rất nhiều giống loài (Jablonski et al., 1994). Rồi lại thêm mấy triệu năm nữa, những loài chim cổ đại đấy cũng tuyệt chủng dần, không vì lý do này thì cũng vì lý do khác... Chỉ duy nhất loài hoatzin còn tồn tại cho đến bây giờ. Vậy thì tại sao nó lại có thể sống sót đến tận bây giờ? Liệu có ai chống lưng cho nó, hay bố nó chống lưng cho nó để nó có thể tồn tại được đến bây giờ? Vâng, và trước khi trả lời những câu hỏi đó, chúng ta phải biết bố nó là ai trước cái đã!

Lật lại những ghi chép với gia đình nó, chúng ta hãy bắt đầu với lũ chim non, phải biết lũ chim non như thế nào rồi mới có thể biết bố nó là ai. Lũ hoatzin non có thể nói là trông rất giống mấy con gà ác bị trụi lông, nhưng tụi nó lợi hại hơn rất nhiều. Khi mới nở, hoatzin non sẽ có 2 cái móng ở mỗi cánh trông na ná như mấy con chim thủy tổ trong những bộ phim về khủng long, bò sát cổ và chim cổ đại ấy. Nhưng mà khoan! Gà, đà điểu và một số loài chim khác cũng có móng ở cánh cơ mà, thế thì con này khác ở đâu? Tụi này khác ở chỗ, những cái móng của nó thực sự có công dụng, đó là dùng để... LEO CÂY! Hoatzin non có khả năng tự vệ bá đạo hơn rất nhiều mấy con chim non của những loài khác, khi bị đe dọa, chim non sẽ gieo mình từ trên tán cây xuống nước và BƠI, chúng sẽ bơi, thậm chí là lặn xuống nước, đến khi nào mối đe dọa không còn thì chúng sẽ trèo lên các cành cây gần mép nước và từ đó bò lại về tổ, vâng, chúng có thể leo trèo, bơi lội và bò. Động tác bơi của loài này cũng khá thú vị, chúng không bơi như những loài chim nước khác mà lại cử động như cách bơi ếch và bơi sải của người!

Nhưng mà được cái này thì mất cái kia, loài hoatzin này dù có thể leo trèo và bơi lội nhưng khả năng bay của chúng cực kỳ kém, chúng thường chao liệng giữa các nhánh cây và chỉ bay khi bất đắc dĩ mặc dù trông sải cánh của chúng khá lớn và khi nhìn vào thì kiểu "đáng lẽ mày phải biết bay chứ nhỉ", thậm chí, chúng bay cũng rất vụng về. Lý do là vì phần xương ức của chúng khá nhỏ, cơ ngực cũng vì thế mà nhỏ hơn nên không đủ khỏe và không hợp với việc bay lượn quá lâu. Sâu xa hơn nữa, đó là vì chế độ ăn thuần chay của tụi này, mà thức ăn của chúng là những loại lá cây rất dai và khó xơi (chúng có ăn trái cây nữa), thế nên diều của tụi hoatzin này rất phát triển cả về kích thước lẫn cấu tạo, chiếm hết chỗ ở phần ngực của chúng nên xương ức và cơ ngực mới không phát triển nổi để phục vụ cho việc bay lượn. Cơ mà bạn có biết rằng chúng còn được gọi là "những con bò biết bay" không? Đó chính là vì bộ phận diều của tụi này hoạt động giống như dạ cỏ của động vật nhai lại, chúng chứa vi sinh vật cộng sinh để lên men và giúp hoatzin tiêu hóa thức ăn, và cũng chính vì có vi sinh vật lên men cộng sinh, tụi này thường có mùi rất hôi, dẫn tới việc người ta gọi nó là "chim thúi" hay "chim chồn hôi".

Vậy thì những đặc điểm trên có giúp chúng ta trả lời câu hỏi "bố con hoatzin là ai" không? Về mặt phân loại học, xin thưa là KHÔNG! Hiện tại, những nhà khoa học vẫn đang đau đầu về việc nên xếp nó vào chung họ hàng với tụi vẹt, chim ưng hay cuckoo, bồ câu, hay thậm chí là sếu đây này, trước mắt, lũ hoatzin hôi rình này có nguyên một cái bộ riêng là Opisthocomiformes, và một cái họ riêng là Opisthocomidae. Nhưng mà theo logic thì bố nó chính là con chim trống mà đã giao phối với con chim mái, cho ra nó ấy! (Ai đặt câu hỏi vớ vẩn thế nhỉ?)

Thôi, khai bút đầu xuân cho nguyên năm trọn vẹn, chúc các năm mới vui vẻ, thành công trong sự nghiệp, học vấn và tình duyên nhé! Nhắc về chuyện tình duyên thì hoatzin khá là chung thủy... Thế nhé các bạn!

Ảnh: ebird.org
Tác giả: Angus Pritchard
Để xem thêm ảnh và nghe được tiếng kêu của loài này, mời các bạn truy cập vào link: https://ebird.org/species/hoatzi1