Nối tiếp bài viết trước, bài viết này đề cập đến con đường lây nhiễm, giai đoạn sau khi nhiễm bệnh, biện pháp phòng tránh và cơ chế điều trị HIV. Ngoài ra, bài viết sẽ trả lời một số câu hỏi về lây nhiễm HIV. Tại sao người không bị nhiễm HIV thông qua muỗi? Có cách nào mẹ nhiễm HIV mà con không bị nhiễm HIV?

1. Các con đường lây nhiễm HIV.

Không còn xa lạ, 3 con đường lây nhiễm chính: con đường máu, từ mẹ sang con, con đường tình dục.

1.1 Xâm nhập qua đường máu

Do HIV có nhiều trong máu toàn phần cũng như trong các thành phần của máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương, các yếu tố đông máu. Do đó về nguyên tắc, mọi sự tiếp xúc trực tiếp của da, niêm mạc với máu của người mà ta chưa biết chắc chắn là chưa nhiễm HIV đều có thể có nguy cơ bị lây nhiễm HIV. Ví dụ như dùng chung kim tiêm, dao cạo, bàn chải đánh răng,…

*Dùng lửa hơ dao lam đã dùng với người nhiễm HIV thì có tiêu diệt được virus này không?

Có tiêu diệt được virus, HIV tồn tại được ở nhiệt độ 32-36 không quá 5 phút. Với nhiệt độ của lửa, hơ dao trong khoảng thời gian 30 giây đến 1 phút có thể tiêu diệt virus.

1.2 HIV xâm nhập vào thai nhi khi người mẹ mang thai và cho con bú

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ: Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi (20-30%). Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ qua các vết thương hở, chuyển dạ kéo dài có thể gây ra dập nát nhiều tổ chức của mẹ và thai có thể nuốt phải virus trong máu, dịch âm đạo của mẹ làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên. Khi cho con bú: Sữa mẹ cũng có virus HIV với nồng độ không cao nhưng khi bú HIV từ sữa xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm tại miệng, mẹ có tổn thương tại đầu vú hay cho con bú trong thời gian dài.

*Có cách nào để mẹ bị nhiễm HIV mà con không bị?

Cách 1 : người mẹ uống thuốc điều trị HIV để lượng HIV trong máu xuống thấp nhất đến mức không xét nghiệm ra được trong suốt quá trình mang thai và sinh nở, sau sinh cho em bé uống thuốc này 4-6 tuần sau sinh thì tỉ lệ đứa bé mắc HIV là dưới 1%
Cách 2 : Sau khi người mẹ uống thuốc, lượng virus vẫn còn tồn tại nhiều, sinh mổ sẽ làm giảm nguy cơ lây lan do em bé không phải tiếp xúc với dịch âm đạo của người mẹ có chứa nhiều virus.
Cách 3: không bú sữa mẹ để tránh nhiễm virus qua đường dịch cơ thể người mẹ.

1.3 HIV xâm nhập vào cơ thể qua đường tình dục

HIV có nhiều trong dịch sinh dục như tinh dịch của nam và dịch tiết âm đạo của nữ với số lượng lớn. HIV có thể xâm nhập qua cả những vết trầy xước nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy trong quá trình quan hệ. Do vậy tất cả các hình thức quan hệ tình dục với một người nhiễm HIV mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.

*Hẳn có những thắc mắc như: Tại sao quan hệ bằng miệng, quan hệ bằng tay, tại sao hai cơ quan sinh dục không tiếp xúc với nhau nhưng vẫn bị nhiễm HIV.

Như đã đề cập ở phần lây nhiễm, HIV lây nhiễm qua đường máu. Có những vết thương trên da rất nhỏ mắt thường không thể nhìn được, vết rách trong niêm mạc miệng, vết xước trên tay, vết xước trên cơ quan sinh dục,… Do đó, mặc dù hai cơ quan sinh dục không tiếp xúc trực tiếp với nhau nhưng vẫn có thể lây nhiễm qua con đường máu nhờ các vết thương ngoài da.

*HIV có lây nhiễm qua đường muỗi đốt không? Câu trả lời là không.

Các loại virus bao gồm: sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, Ebola,… khi được đưa vào cơ thể muỗi sẽ tồn tại bên trong đó và phát triển ngày càng mạnh điều này khiến cho muỗi có thể truyền những căn bệnh trên sang cho người khác.
Tuy nhiên, đối với virus HIV thì khi chúng vào đến dạ dày đã bị acid phá hủy nói cách khác là đã bị tiêu hóa mất. Do đó, HIV không thể tồn tại và phát triển trong ruột muỗi. 
Ngoài ra, nguyên nhân khiến cho HIV không thể lây nhiễm sang muỗi là vì trong cơ thể chúng không có thụ thể mà HIV cần sử dụng. Chính vì thế, khi virus này không thể xâm chiếm vào các tế bào để thực hiện nhân lên và tiếp tục lây lan. 
Trong vòi của muỗi chỉ có chứa nước bọt hạn chế đông máu mà HIV không lây truyền qua nước bọt. Đó cũng là lý do gì sao HIV không lây truyền qua đường muỗi đốt. 
Để có thể truyền HIV từ người này sang người khác thì tỷ lệ virus cũng cần phải đạt đến con số nhất định. Trong khi đó, số lượng HIV trong muỗi lại quá ít. Lượng virus này không đủ để khiến người khác mắc bệnh. Theo như ước tính thì 1 người phải bị khoảng 10 triệu con muỗi mang HIV đốt thì mời nhiễm đủ lượng virus gây nhiễm bệnh.

2.      Các đặc điểm lâm sàn khi nhiễm HIV.

HIV chia làm 4 giai đoạn nhiễm bệnh chính:
Giai đoạn cấp tính, giai đoạn không có triệu chứng, giai đoạn có triệu chứng nhẹ, giai đoạn tiến triển nặng.

Trước tiên là giai đoạn cấp tính.

Đây là giai đoạn đầu của HIV, người bệnh có thể gặp triệu chứng giống cảm cúm, có thể là sốt nhẹ khoảng 38,8 độ C, triệu chứng này thường kéo dài khoảng một tháng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị sốt, đau đầu, suy nhược, sưng hạch đặc biệt ở cổ và bẹn sau khi nhiễm từ 2- 4 tuần. Phản ứng của hệ miễn dịch cũng có thể khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và buồn ngủ, thường cảm thấy đau cơ, khớp hoặc buồn nôn, tiêu chảy.
Đây là thời điểm virus di chuyển vào trong máu và bắt đầu nhân rộng với số lượng lớn. Các hiện tượng viêm, sưng chính là phản ứng của hệ miễn dịch.

Thứ 2, giai đoạn không có triệu chứng

Ở giai đoạn này, người sống chung với HIV có thể không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào. Lúc này bạch cầu chỉ bị tiêu diệt một số lượng nhỏ không đáng kể. Nhưng thực chất, virus HIV vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhìn bề ngoài không ai có thể biết được bệnh nhân đã bị nhiễm HIV, ngay cả chính bản thân người bệnh (nếu chưa xét nghiệm máu). HIV vẫn có thể lây truyền sang người khác trong giai đoạn này ngay cả khi họ không có triệu chứng nào.

Thứ 3, giai đoạn có triệu chứng nhẹ

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: sút cân nhẹ, loét miệng, phát ban sẩn ngứa, herpes zoster, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát, ví dụ như viêm xoang hoặc viêm tai tái diễn. Đây còn gọi là giai đoạn cận AIDS.

Thứ 4, giai đoạn tiến triển nặng

Giai đoạn này còn gọi là AIDS. Đây là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV và cũng là kết thúc bi thảm khó tránh khỏi ở những người bệnh. Biểu hiện lâm sàng của AIDS là các rối loạn liên quan đến suy yếu hệ miễn dịch.
Người bệnh bắt đầu nổi hạch toàn thân kèm theo đó là những cơn sốt . Cùng với đó là các hiện tượng tiêu chảy kéo dài đến hơn một tháng, cùng sự sụt cân mạnh (khoảng 10% thể trọng cơ thể), do cơ thể mất đi hàng rào bảo vệ nên bất kỳ vi khuẩn, virus nào cũng có thể dễ dàng tấn công và gây bệnh.
Giai đoạn này hệ miễn dịch bị tàn phá gần hết, người bệnh dễ dàng tử vong vì các nhiễm trùng cơ hội như viêm màng não, viêm phổi, viêm ruột hoặc ung thư mạch máu, ung thư hạch... Giai đoạn này thường kéo dài không quá 2 năm, có một số thuốc được dùng nhưng chỉ giúp kéo dài sự sống thêm một thời gian ngắn, còn không thể hoàn toàn điều trị dứt bệnh.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, cơ thể người bệnh chỉ còn lại “da bọc xương” do sụt cân mạnh, nấm miệng, u phổi phát triển không ngừng... Các bệnh lý về cơ xương khớp hay viêm loét miệng bị hoại tử rất nhanh.

3. Phòng bệnh.

Như đã nói ở phần trước, virut HIV lây qua các con đương như máu, dịch cơ thể, vì vậy: Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp an toàn khác bất cứ khi nào có quan hệ tình dục, không quan hệ tình dục bừa bãi. Không sử dụng chung bơm kim tiêm đã dùng rồi. Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người khác. Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,...
Đối với một số người có nguy cơ cao nhiễm HIV cần được điều trị dự phòng phơi nhiễm trước (PrEP). PrEP được viết tắt của cụm từ tiếng Anh - Pre-Exposure Prophylaxis – có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV – Sử dụng thuốc kháng HIV cho các cá nhân chưa bị nhiễm HIV (HIV âm tính) và có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự xâm nhập và nhân lên của vi rút HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới.
PrEP là sự kết hợp của 2 loại dược phẩm kháng vi rút là TENOFOVIR DISOPROXIL FUMARATE (TDF) 300mg và EMTRICITABINE (FTC) 200mg trong một viên nén với liều dùng mỗi ngày một viên. PrEP hàng ngày đạt được tỉ lệ bảo vệ khỏi lây nhiễm HIV lên tới 99%. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu ghi nhận có giảm chức năng thận và giảm mật độ xương ở những người dùng PrEP vì thế sử dụng PrEP chống chỉ định với một số người. PrEP là thuốc kháng HIV, do vậy một người muốn dùng PrEP cần gặp bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và chỉ định, hướng dẫn cụ thể.

4. Phát hiện bệnh:

Phát hiện HIV bằng phương pháp xét nghiệm: gồm 3 loại xét nghiệm chính, bao gồm:
Xét nghiệm axit nucleic (NAT).
Xét nghiệm kháng nguyên/kháng thể.
Xét nghiệm kháng nguyên.

5. Điều trị:

Hiện tại chưa có cách điều trị HIV khỏi hoàn toàn trong hầu hết các trường hợp nên kết cục đều chết. Các liệu pháp điều trị hiện nay chỉ có thể kiểm soát lượng vi rút và giúp duy trì hệ thống miễn dịch. Ví dụ là thuốc AntiRetrovirut (ARV) có thể làm hạn chế sự sinh sôi, phát triển của virus HIV, giảm mức RNA HIV trong huyết tương xuống mức không phát hiện được (nghĩa là <20 đến 50 bản sao/mL), khôi phục lại lượng CD4 đến một mức bình thường (phục hồi miễn dịch hoặc tái tạo)

6. Cơ chế và tác dụng phụ của một số nhóm thuốc AntiRetrovirut (ARV):

Các nhóm thuốc AntiRetrovirut (ARV):

Nucleoside/Nucleotide Reverse Transcriptase Inhibitors
NON – Nucleoside/Nucleotide Revers Transcriptase Inhibitors
Protease Inhibitors
Integrase Inhibitors
Fusion Inhibitors

6.1 NRTI’s 

Cơ chế: NRTI sẽ chiếm chỗ của primer strand → block quá trình phiên mã ngược bằng cách ngăn chặn liên kết 3’-5’ phosphodiester.
Các loại thuốc: Abacavir, Didanosine, Emtricitabine, Lamivudine, Stavudine, Tenofovir, Zidovudine
Tác dụng phụ:
Ảnh hưởng đến thần kinh ngoại biên → gây trầm cảm, đau đớn nở tay và chân, yếu sức, cũng ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể như tiêu hóa, bài tiết, hô hấp.
Nhiễm toan acid lactic (là do sự tích tụ axit lactic thừa trong máu. Bình thường nguồn sản xuất acid lactic chủ yếu là hồng cầu, cơ vân, da và não. Gan và thận thực hiện chuyển ngược acid lactic thành glucose và oxy hóa nó. Tình trạng cơ thể sản xuất thừa acid lactic hoặc giảm thải trừ đều gây tích tụ acid lactic trong cơ thể dẫn đến nhiễm toan acid lactic.)
Viêm tụy (xảy ra khi các enzym tiêu hóa được kích hoạt khi vẫn còn trong tuyến tụy, gây kích ứng các tế bào của tuyến tụy và gây viêm. Với các đợt viêm tụy cấp lặp đi lặp lại, tổn thương tuyến tụy có thể xảy ra và dẫn đến viêm tụy mãn tính.)
Thiếu máu

6.2 NNRTI’s: 

Cơ chế: Bám vào phía khác của phức hợp phiên mã ngược Reverse Transcriptase và tạo nên một hộp kị nước làm chậm quá trình hình thành DNA, ko hiệu quả với HIV2
Các loại thuốc: Efavirenz, Delaviridine, Nevirapine
Phản ứng phụ: Nổi mẩn đỏ, viêm gan, ác mộng

6.3 Protease Inhibitors:

Cơ chế: Block HIV-1-Protease là một enzyme chỉnh sửa protein sau dịch mã→ Hiệu quả trong việc block sự nhân lên của virus.
Tác dụng phụ: đường huyết cao, loạn dưỡng mỡ, bệnh thận IgA,
Các thuốc: Atazanavir, Indinavir, Ritonavir

6.4 Intergrase Inhibitors: 

Cơ chế: Ngăn cản DNA phiên mã ngược từ RNA của virus chèn vào DNA của cơ thể vật chủ.
Tác dụng phụ: Tăng nồng độ enzyme CK (Creatine Kinase (CK) là enzyme xúc tác hỗ trợ phản ứng sinh hóa chuyển creatine thành phosphocreatine. Nồng độ CK máu sẽ phản ánh tình trạng cơ bắp và sức khỏe tim, đặc biệt trong các trường hợp cơ bắp, cơ xương hoặc tim bị tổn thương.)
Các loại thuốc: Dolutegravir, Elvitegravir, Raltegravir
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) giúp cho những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, có thể dự phòng lây nhiễm HIV tới trên 90% qua đường tình dục.
----- Trên đây là một vài thông tin về HIV mình tổng hợp được, rất mong nhận được sự đóng góp góp ý để bài viết được hoàn thiện hơn!
------
Tài liệu tham khảo:
1. The Structural Biology of HIV, Pdb101: https://cdn.rcsb.org/pdb101/
2. Human Immunodeficiency Virus (HIV), PMCID: PMC4924471 PMID:27403093
3. Virology Principles and Applications 2007, John Carter.
4. Youtobe: HHMI BioInteractive Video.
5. Youtobe: HIV life of cycle, Animated HIV science.
6. Encyclopedia of AIDS, HIV life of cycle overview, 2018.