Tôi bắt đầu nghiện mua sắm mà cụ thể là mua mỹ phẩm online bắt đầu từ năm 2018 – khi gần tốt nghiệp đại học. Khi ra trường đi làm, bắt đầu có tài chính tôi lại càng săn sale nhiều hơn. Thậm chí còn lập hội thức đêm săn sale, lắc xu với đồng nghiệp và bạn bè. Chúng tôi đã thi nhau săn sale các món đồ 1k mà thường kết thúc của chúng là ở trong sọt rác vì không dùng được. Nếu không có COVID-19 và giãn cách xã hội có khi tôi sẽ không bao giờ nhận ra chứng nghiện mua sắm của mình.
Lúc giãn cách khi tôi dọn nhà, tôi lôi ra đống đồ mà mình giấu khắp phòng – sau khi bố mẹ cằn nhằn tôi mua quá nhiều. Tôi rảnh nên ngồi thống kê và tự sợ hãi khi con số đồ mỹ phẩm của mình lên đến gần 200 món, rất nhiều món đã hết hạn, màu son không còn trend hay không phù hợp với phong cách của tôi nữa. Tôi nhận ra mình không cần đến 80 thỏi son, gần chục loại kem nền, phấn mắt,...
Tôi cũng nhận ra mình có biểu hiện nghiện mua sắm như giấu đồ khi bị người thân cằn nhằn, cảm thấy bứt rứt, khó chịu khi không mua đồ, cảm giác tiếc nuối khi không mua đồ sale, mua quá nhu cầu cần thiết. Tôi mắc thêm bệnh khó lựa chọn và sợ bỏ lỡ, nếu thỏi son có 5 màu thì tôi luôn muốn mua cả 5. Tôi luôn sợ khi hết sale mình sẽ không bao giờ mua được giá hời nữa. Và kết quả là cả năm đi làm nhưng cứ đến gần cuối tháng là hết tiền và chẳng có tài khoản tiết kiệm nào.

Nguyên nhân

Tôi tự hỏi nguyên nhân do đâu mà mình lại trở thành con nghiện mua sắm mỹ phẩm. Nguyên nhân đầu tiên là do sự tự ti của bản thân. Tôi đã bị mụn từ năm học cấp 2 và luôn tự ti với ngoại hình của mình. Tôi tìm đến skincare và makeup để nâng cao sự tự tin. Tôi xem hàng loạt video của các beauty blogger về làm đẹp trên Youtube, đọc các trang blog mà không phân biệt được đâu là review thật, đâu chỉ là PR sản phẩm. Tôi còn xem những người có làn da hay khuôn mặt không giống mình từ đó tốn một đống tiền vào các sản phẩm không phù hợp. Tôi follow hàng loạt trang mỹ phẩm của các hãng, các nhà phân phối, các bạn order hàng xách tay để săn sale nhanh nhất.
Nguyên nhân thứ hai là tôi nghiện cảm giác thỏa mãn khi mua sắm. Tôi nhận ra mỗi khi bị stress, bực tức, gặp chuyện không vui tôi lại giải tỏa bằng cách lướt các trang thương mại điện tử và thường đặt mua rất nhiều thứ tôi không cần. Tôi nghĩ thói quen mua sắm kiểu giải tỏa cũng đến từ cả mẹ tôi nữa, mỗi khi mẹ tôi cãi nhau với bố tôi xong cũng đi mua quần áo. Bây giờ quần áo của mẹ có thể chất đầy cả một căn phòng.
Nguyên nhân thứ ba do công việc khá nhàn nên tôi có nhiều thời gian rảnh để dạo hết Shopee đến Lazada, Tiki,... Các sàn thương mại điện tử cũng tạo ra rất nhiều chương trình sale hấp dẫn vời những chiêu PR rất hiệu quả đánh trúng tâm lý và tôi lao vào như thiêu thân.

Giải pháp

Đầu tiên tôi bỏ follow và chặn quảng cáo của các hãng mỹ phẩm, beauty blogger trên tất cả mạng xã hội, YouTube. Tiếp theo tôi mở tài khoản tiết kiệm để mỗi khi lương về sẽ tống luôn tiền vào đó đề phòng việc vung tay quá trán. Sau đó tôi ra ngân hàng để hủy thẻ tín dụng chuyển về thẻ ATM bình thường tránh việc vay trước trả sau.
Bước 2: Tôi lập danh sách tất cả đồ mình sở hữu, phân loại một cách thật chi tiết. Sau đó tôi giữ lại những món đồ mình thật sự cần và đồ tôi tặng cho bạn bè, người thân. Tôi đã đăng bán đồ trên mạng, đẩy sale với các hội chị em bạn dì để thanh lý bớt.
Bước 3: Lập danh sách mua sắm, chỉ mua đồ tôi thật sự cần. Tôi mua một núi đồ khi tập makeup để rồi nhận ra mình không mấy khi dùng kem lót, phấn tạo khối, xịt khóa makeup, phấn mắt, phấn má, phấn kẻ mày, chì kẻ mày hay eyeliner. Mỗi khi tôi muốn mua gì đó tôi sẽ không mua ngay mà dành thời gian suy nghĩ và xem lại danh sách sản phẩm của chính mình xem tôi có thật sự cần chúng không.
Bước 4: Bỏ thói quen lướt Shopee, Lazada khi rảnh rỗi vì xem là kiểu gì cũng muốn mua. Không mua chỉ vì một sản phẩm đang được sale (tôi có 2 chai nước hoa giống hệt nhau chỉ vì nó sale), vì thật ra các sản phẩm sẽ được sale quanh năm. Không việc gì phải vội khi hết 4/4 sẽ đến 15/4 rồi 25/4, 5/5, 6/6,... Các sàn luôn liên tục tung ra sale để kích thích người mua. Chỉ sử dụng mã giảm giá chứ không phải mã hoàn xu. Vì tôi nhận ra số xu được hoàn có thời hạn và chỉ giảm được 50% giá trị đơn hàng dẫn đến việc tôi mua nhiều hơn cần thiết.
Bước 5: Kỉ luật với bản thân và giải quyết nguyên nhân. Tôi đặt ra quy tắc là nếu tôi muốn mua đồ mới tôi sẽ phải vứt bỏ hoặc đem đi cho những món đồ mà tôi có. Tôi tìm cách lấp đầy thời gian rảnh bằng việc có thêm những sở thích mới như đọc sách, học nấu ăn, pha chế. Và giải tỏa stress một cách lành mạnh hơn bằng cách đi bơi, tập thể dục. Còn với làn da mụn - nguyên nhân tự ti của mình thì sau khi được bác sĩ da liễu điều trị và skincare đúng cách mình đã khỏi mụn (chắc mình sẽ có một bài về hành trình chữa mụn. Hành trình này còn gian khổ hơn cả cai nghiện mua sắm =))) ).

Kết quả

Tôi bắt đầu thực hiện những biện pháp trên từ năm 2020 và cho đến nay tôi vẫn chưa cần mua thêm món đồ mỹ phẩm nào mới. Lúc đầu thực hiện cũng khó lắm đâu phải cái gì nói bỏ là bỏ được ngay. Hồi đầu tôi từng điên cuồng bỏ đồ vào giỏ hàng, day dứt không ngủ được vì muốn mua sắm. Tôi đã từng có những giây phút yếu lòng mua hàng trong đêm rồi tự nhủ vì mình xứng đáng =))). Xong rồi sáng hôm sau hối hận cuống cuồng hủy đơn hoặc năn nỉ shop chấp nhận yêu cầu hủy đơn.
Khi đỡ nghiện mua sắm tôi thấy sức khỏe cả về thể chất, tinh thần lẫn tài chính của mình được cải thiện rất nhiều. Không còn đôi mắt thâm quầng, đau đầu dai dẳng vì thức đêm săn sale. Không còn bực bội, tức tối khi săn sale hụt. Không cần thấp thỏm, lo lắng khi giấu đồ săn sale. Không còn lo lắng cho ví tiền khi gần cuối tháng.