HẠNH NHÂN : BI KỊCH GẶP BI KỊCH - BẤT HẠNH GẶP BẤT HẠNH
Đọc và cảm nhận tác phẩm Hạnh Nhân của Sohn Won –Pyung
Cảm nhận về tác phẩm Hạnh Nhân của Sohn Won –Pyung
Tôi đọc Hạnh Nhân trong 2 ngày cuối tuần, tác phẩm này đã chinh phục tôi về từng nhân vật cũng bối cảnh tác phẩm, mỗi cuộc sống của mỗi nhân vật đều là bi kịch nối tiếp bi kịch.

Hạnh nhân là tác phẩm của nhà văn người Hàn Quốc - Sohn Won Pyung, kể về chuyện đời của cậu bé có tên là Seon Yoo Jae, bị mắc chứng bệnh Alexithymia (không bộc cảm xúc, không biết cười cũng như đau đớn hay kinh hãi như thế nào), em phải học từng câu nói, từng cách bộ lộ cảm từng chút thông qua sự hướng dẫn của mẹ và bà ngoại. Tác phẩm cũng nói về tình bạn kỳ lạ của Seon Yoo Jae với cậu bé ngỗ ngược – Gon và tình yêu học trò với Lee Dora.
TÁC GIẢ SOHN WON - PYUNG
Sohn Won-pyung đã chứng tỏ sự đa tài của mình khi thành công dù với tư cách là đạo diễn, biên kịch hay nhà viết tiểu thuyết. Cô lấy bằng Cử nhân khoa học xã hội và triết học tại Đại học Sogang và đạo diễn phim tại Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc. Trước khi ra mắt giới văn học, cô đã viết và đạo diễn cho một số bộ phim và giành giải thưởng Nhà văn Khoa học giả tưởng với “I believe in the moment” (2006).
Hạnh nhân là cuốn tiểu thuyết dài đầu tay giúp cô nhận được giải thưởng Changbi ở hạng mục tiểu thuyết dành cho giới trẻ cùng với sự đón đọc nồng nhiệt từ độc giả. Ở nhiều tác phẩm và giải thưởng sau này Sohn Won-pyung càng khẳng định vị trí của mình với tư cách là một thế hệ kể chuyện mới của văn học xứ Hàn Quốc.
TIỂU THUYẾT HẠNH NHÂN
Nếu ta chỉ nhìn vào cuộc sống bên ngoài của một cá nhân thì đã vội vàng đánh giá người ta hạnh phúc hay bất hạnh nhưng người ta thực sự chẳng bao giờ biết thế giới bên trong những con người đấy thì họ đã phải sống, phải chiến đấu như thế nào.
“Trên thực tế cả tôi, cả bạn hay bất kỳ ai cũng mãi mãi không thể biết được một câu chuyện nào đó rốt cuộc là bi kịch hay hài kịch” (Trích phần mở đầu - Hạnh Nhân)
Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, mỗi người đều có cuộc sống mà chẳng ai biết bên trong họ đã làm gì. “HẠNH NHÂN” là cuốn sách chỉ là bi kịch nối tiếp bi kịch của từng nhân vật góp mặt trong đó.
BI KỊCH CỦA MẸ VÀ BÀ NGOẠI CỦA SEON YOO JAE
Đó bi kịch của bà ngoại Seon Yoo Jae, chồng mất vì ung thư khi mẹ của Seon Yoo Jae còn chưa ra đời. Bà quyết định không tái giá, để nuôi mẹ của Seon Yoo Jae lớn khôn và đứa con gái đã không phụ lòng, đã đậu đại học. Bà đặt tên cho đứa con tên là Ji Eun (trong tiếng Hàn có nghĩa là người viết).
Bà mong muốn đứa con gái có thể thành nhà văn, nên dù gia đình không khá giả nhưng bà vẫn mua rất nhiều sách cho cô con gái “độc nhất” đọc nhưng rồi lớn lên khi còn học đại học thì đứa con gái này đi quen và yêu mến một người đàn ông hành nghề bán đồ “trang sức giả” trước cổng trường đại học của Ji Eun .
Sau đó, đứa con gái này bỏ nhà theo trai, bà đã “từ mặt” đứa con gái này. Cả một đời bà hy sinh tần tảo đế nuôi con gái và muốn nó thành một người “tầm cỡ” có tý chức quyền hay cũng là một nhà văn viết sách, không lấy chồng. Nhưng mọi mong muốn và ước mơ của bà mẹ đều dang dở vì đứa con gái chẳng thực hiện ước mơ của bà mà bỏ nhà theo một người đàn ông “vô tích sự”.
Nhưng bi kịch lại ập đến với Ji Eun khi chồng bà đang ngồi bán hàng thì một gã say r_ư_ợu lái xe đâm vào gian hàng. Chồng của Ji Eun – bố của Seon Yoo Jae “tử vong” tại chỗ. Ngày đó Seon Yoo Jae còn quá nhỏ nên những hình ảnh về cha chẳng có gì. Bi kịch từ mẹ đến con gái đều goá bụa từ sớm nhưng bà ngoại của Seon Yoo Jae đã sống gần hết đời người, còn mẹ của Seon Yoo Jae – bà Ji Eun chỉ sống đến năm 40 đã phải ra nằm bệnh viện với "đời sống thực vật" mãi mãi.
SEON YOO JAE - ALEXITHYMIA VÀ HẠNH NHÂN
Mở đầu tác phẩm Hạnh Nhân và câu chuyện của Seon Yoo Jae – 4 tuổi chẳng bộc lộ cảm xúc vui, buồn, sợ hãi mà trơ trơ như một tảng đá trước bất kỳ tình huống nào xảy ra trong cuộc sống dù đứng trước xác chết, ở một mình ở đồng cảnh sát…một mình hay tiến tới gần một con chó hung dữ và một điều khác biệt là Seon Yoo Jae không biết cười.
"Không lâu sau khi chào đời, tôi đã bắt đầu khác những đứa trẻ khác. Nếu bạn thắc mắc tôi khác ở điểm nào thì đó là: Tôi không hề cười." (Trích Hạnh Nhân)
Mẹ em phải dẫn cậu đi nhiều bệnh viện để tìm nguyên nhân, những ngày cùng mẹ đi hết bệnh viện này đến bệnh việc khác nhưng chẳng ai biết em bị bệnh gì dù câu vẫn phát triển bình thường từ chiều cao đến cân nặng chỉ có một là Seon Yoo Jae và bộc lộ cảm xúc : vui, hay buồn, cười hay khóc bất cứ biểu hiện cảm xúc nào. Mẹ lại mua cho Seon Yoo Jae rất nhiều hạnh nhân vì bà mẹ tin rằng ăn nhiều hạnh nhân sẽ phát triển trí óc, sẽ khiến cho Seon Yoo Jae trở lại cậu bé bình thường nhưng cũng chẳng có tác dụng gì với não cậu bé 4 tuổi. Cậu bé ăn hạnh nhân thay cơm, 1 ngày 3 bữa.
"Mẹ cho tôi ăn rất nhiều hạt hạnh nhân. Nói tới hạnh nhân, tôi đã ăn đủ các loại cả hạnh nhân trồng trong nước lẫn hạnh nhân nhập khẩu từ Úc, Trung Quốc, Nga. Loại của Trung Quốc có vị đắng rất khó chịu, loại của Úc không hiểu sao vừa có vị chua chua lại có mùi như mùi bùn. Tuy hạnh nhân cũng được trồng phổ biến ở Hàn Quốc và cũng khá ngon nhưng với riêng tôi thì loại của Mỹ, đặc biệt là hạnh nhân California mới ngon nhất." ( Trích Hạnh Nhân)
HẠNH NHÂN LÀ GÌ?
Hạch hạnh nhân (hạch amygdaloid) là một cụm tế bào hình quả hạnh nằm ở gần đáy não, có kích thước lẫn hình dáng đều giống hạt hạnh nhân, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và điều chỉnh cảm xúc của chúng ta. Mỗi người đều sở hữu hai hạch hạnh nhân, một ở mỗi bán cầu của não, tạo nên một hệ thống phức tạp có ảnh hưởng lớn đến trạng thái tâm lý và hành vi.
Khi có kích thích từ bên ngoài, trong hạch hạnh nhân sẽ xuất hiện một ngọn đèn màu đỏ. Dựa theo tính chất của kích thích, hạch hạnh nhân sẽ giúp chúng ta nhận thức được nỗi sợ hãi, cảm thấy tồi tệ, hoặc cảm nhận được những cảm xúc yêu, ghét.
Thế nhưng có vẻ như hạch hạnh nhân trong đầu Seon Yoo Jae đã hỏng hóc ở đâu đó. Dù bị kích thích đến mấy thì đèn vẫn không đỏ. Chính vì thế câu bé không hiểu vì sao người khác lại cười hay khóc. Đối với cậu niềm vui hay nỗi buồn, tình yêu hay nỗi sợ hãi đều rất mông lung. Cả những từ như “cảm tình” hay “đồng cảm” với Seon Yoo Jae cũng chỉ là những khái niệm mơ hồ không thể gọi tên hay biểu cảm gì ở khuôn mặt.
Các bác sĩ đã chẩn đoán Seon Yoo Jae mắc chứng mất khả năng biểu đạt cảm xúc, hay có tên gọi khác là Alexithymia.
ALEXITHYMIA LÀ GÌ?
Alexithymia hay Chứng mất khả năng diễn đạt cảm xúc là một dạng khuyết tật về cảm xúc, được báo cáo lần đầu vào năm 1970. Theo đó, chứng bệnh này thường xảy ra ở người gặp khó khăn trong giai đoạn phát triển cảm xúc hay gặp phải sang chấn về tâm lý thời nhỏ, hoặc có kích thước hạch hạnh nhân nhỏ bẩm sinh. Trường hợp kích thước hạch hạnh nhân nhỏ, trong số các cảm xúc, người bệnh đặc biệt không cảm nhận được nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, cũng có báo cáo chỉ ra rằng một phần của hạch hạnh nhân liên quan đến nỗi sợ hãi hay sự bất an có thể phát triển nhờ vào luyện tập thường xuyên.
Rồi mẹ của Seon Yoo Jae hàn gắn với bà ngoại vì chính Seon Yoo Jae – người mang căn bệnh Alexithymia (Chứng mất khả năng cảm nhận và biểu đạt cảm xúc) vì bà đã cảm thấy kiệt sức sau những lần dẫn con đi khám và chữa bệnh, vừa phải lo kinh tế. Bà ngoại vì thương thằng cháu tội nghiệp nên chấp nhận lời xin lỗi của đứa con gái "bất hiếu" này.
Cả 3 người sống chung ở nhà bà ngoại Seon Yoo Jae. Vì thương thằng cháu nên bà mới chấp nhận lời cầu xin của đứa con gái mà bà hay gọi là “đồ thối tha”. Mỗi khi có cơ hội thì bà đều mắng đứa con gái chẳng làm nên tích sự gì, và gọi thằng cháu đáng thương là "quái vật đáng yêu".
Bà Ji Eun - mẹ Seon Yoo Jae, mở một tiệm sách cũ kinh doanh gần nhà bà ngoại, cứ tưởng cuộc sống 3 người êm đềm nhưng rồi một lần nữa bi kịch lại ập đến. Trong một lần ra ngoài ăn mừng sinh nhật của Seon Yoo Jae vào đêm giáng sinh thì bà ngoại mất vì bị “đâm” và mẹ Seon Yoo Jae bị đánh bất tỉnh bởi một người đàn ông “tâm thần” đang cầm “búa và dao” lang thang ngoài đường. Khi người đàn ông này thấy 2 người đang cười nên đã tấn công mẹ và bà ngoại của Seon Yoo Jae . Bà Ji Eun bất tỉnh, sống đời thực vật trong bệnh viện, bà ngoại đã không qua khỏi.
Cuộc sống đang bình thường, mẹ và bà ngoại đang dạy cho Seon Yoo Jae cách bộ lộ cảm xúc với “hỷ nộ ái ố ai lạc dục” bằng những mảnh bìa dán đầy nhà thì bỗng nhiên Seon Yoo Jae phải sống trơ trọi một mình, chẳng còn một người thân nào. Trong đám tang thì Seon Yoo Jae chẳng có một giọt nước mắt nào, không bộc lộ cảm xúc gì.
Vì cảm xúc và cảm giác này thì Seon Yoo Jae không biết bộc lộ ra sao, phản như thế nào. Em không biết vui hay buồn, hay thất vọng, cô đơn…..để diễn tả cảm xúc lúc này của bản thân thì đối với Seon Yoo Jae là quá khó vì căn bệnh Alexithymia.
Cho tới ngày Seon Yoo Jae gặp Gon ở lớp học và cha của Gon là giáo sư Yoon Kwon Ho đang dạy ở một trường đại học, đến nhờ Seon Yoo Jae đóng giả thành Gon đến gặp vợ ông một lần cuối trong đời vì bà đang bệnh nặng vì ông không muốn Gon đến gặp mẹ - người đang dần kiệt sức vì bệnh.
BI KỊCH CỦA GON - YOON YI SU
Trong một lần dẫn Gon đi chơi và mẹ của Gon bận nghe điện thoại, sau đó thì Gon bị lạc vì mẹ mả mê nghe điện thoại, lúc đó Gon mới 3 tuổi. Từ đó bà đã sinh bệnh, tiều tuỵ vì sự lơ đễnh của bản thân mà đánh mất con.
Gon trôi dạt từ trung tâm bảo trợ trẻ em rồi vào một gia đình nhận nuôi nhưng bị trả lại trung tâm bảo trợ sau 2 năm, rồi Gon sống cùng 1 cặp vợ chồng Trung Quốc, họ giấu Gon trong nhà không cho ra đường nhưng họ cũng bỏ rơi Gon. Gon tiếp tục trôi dạt vào trung tâm bảo trợ cho tới ngày người ta thông báo cho giáo sư Yoon Kwon Ho đã thấy con ông, chính là Gon.
Gặp Gon thì giáo sư Yoon Kwon Ho hoàn toàn thất vọng, nên ông đã tìm Seon Yoo Jae để nhờ em đóng giả thành Gon gặp mẹ của Gon lần cuối trước khi bà mất. Ông đã tình cờ thấy Seon Yoo Jae trong bệnh viện nơi mẹ em đang điều trị, vì ông thấy Seon Yoo Jae và Gon bằng tuổi và nhiều nét tương đồng, nên ông muốn nhờ em đóng giả thành con trai của ông để vợ ông gặp lại đứa con trai thất lạc và bà - vợ giáo sư Yoon Kwon Ho thanh thản trước khi trút hơi thở cuối cùng. Sau lần gặp Seon Yoo Jae thì bà cũng đã cũng không qua khỏi.
Giáo sư Yoon Kwon Ho cảm thấy hoàn toàn thất vọng vì đứa con trai mà ông vừa tìm lại được, vì Gon không sống như kỳ vọng của ông, không chú tâm học hành mà chỉ phá phách và trốn học. Nhưng làm sao trách được Gon khi từ nhỏ em đã không sống cùng cha mẹ trong tình thương của họ. Đứa trẻ tự mình lớn lên, trở nên mạnh mẽ, quậy phá để che đi cái bất hạnh tuổi thơ cùng sự tổn thương trong lòng. Một mình tập thích nghi và sống sót nên sự ngỗ nghịch là điều không tránh khỏi.
Kể từ đó Seon Yoo Jae và Gon trở thành kẻ thù, khi 2 đứa gặp nhau trong đám tang vợ của giáo sư Yoon Kwon Ho – mẹ của Gon. Trong một lần Gon đánh Seon Yoo Jae bầm dập và giáo sư Yoon Kwon Ho phải đi xin lỗi nhà trường, xin lỗi Seon Yoo Jae và ông đã cho Gon một trận đòn ra trò.
TÌNH BẠN NẢY SINH GIỮA SEON YOO JAE VÀ GON
Kể từ lần đó, Gon tìm hiểu tình cảnh của Seon Yoo Jae, dường như cậu hiểu điều gì đó từ những bất hạnh của Seon Yoo Jae và muốn giúp cậu trở thành một con người bình thường. Gon thường đến tiệm sách của Seon Yoo Jae nhiều hơn, mỗi ngày mỗi lần ghé qua và trong một lần mang theo cả con bướm để dạy Seon Yoo Jae cảm xúc là gì nhưng lại một lần nữa Gon thất bại (niềm kiêu hãnh của đứa trẻ 17 tuổi bị xúc phạm) vì chính căn bệnh Alexithymia nên Seon Yoo Jae chẳng có tý cảm xúc nào. Gon không đến hiệu sách cũ của Seon Yoo Jae nữa từ lúc đó.
Gon và Seon Yoo Jae chỉ là 2 cậu bé 17 tuổi đều mắc kẹt trong bi kịch của cuộc đời. Trong một cuộc nói chuyện Gon đã nói Seon Yoo Jae:
"Mày và tao ai bất hạnh hơn nhỉ ? Một thằng từng có mẹ nhưng giờ không còn nữa. Một thằng chẳng có ký ức gì về mẹ thì đội nhiên mẹ lại xuất hiện rồi lăn ra chết." (Trích Hạnh Nhân)
Câu hỏi này là quá khó đối với một người Seon Yoo Jae vì đến cả việc sống bình thường là như thế nào khi nghe lời khuyên của tiến sĩ Shim. Em muốn ông giải thích sống bình thường là sao, sống như thế nào.
Gon từ một kẻ cù bất cù bơ, bỗng nhiên trở thành chủ nhân của một ngôi nhà sang trọng, có người giúp việc nhưng tình cảm với cha ngày càng xa cách. Em nói giáo sư Yoon chỉ là một người gọi là cha thôi vì ông không bao giờ tâm sự hay nói chuyện với Gon mà chỉ bắt ép cậu phải làm này làm nọ nhưng Gon chẳng bao giờ làm theo ý ông. Gon đã nói với Seon Yoo Jae về người cha của em như sau :
"Chưa một lần hỏi tao đã sống thế nào trong thời gian qua, cũng chưa từng hỏi tao đã làm những việc gì ở đó, đã chơi với đứa nào. Cả việc tao mới ước muốn cái gì, tuyệt vọng vì chuyện gì. Nhưng ông ta chỉ nghĩ tới việc trát một lớp xi măng lên cuộc đời tao rồi xây dựng toà nhà do ông ấy tự thiết kế. Tao đâu phải thằng như vậy. Tao không phải con trai ông ta, chỉ là thứ vô dụng mà ông ta lỡ tìm về."
Bi kịch của Gon và Seon Yoo Jae chỉ là bề nổi của cuộc sống hiện đại khi cha mẹ chẳng bao giờ hiểu con cái muốn gì, cần gì mà chỉ bắt ép chúng nó phải sống đúng như kỳ vọng của họ. Cho nên có những tác phẩm văn học ra đời để phản ánh những tư tưởng và một hiện tượng xã hội đương thời. Tôi phải thức đêm để đọc cuốn sách này vì tôi nhìn thấy bản thân tôi của ngày xưa trong hình bóng của Gon và Seo Yoo Jae.
Dĩ nhiên câu chuyện vẫn chưa phải là đoạn kết của cuốn sách, nhưng đây là đoạn tôi cảm thấy hay nhất khi một tình bạn của 2 con người đối lập tính cách, khác nhau hoàn toàn trở thành bạn thân. Đúng như
lời Tiến sĩ Shim – người trở thành giám hộ của Seon Yoo Jae đã nói Seo Yoo Jae khi em kể chuyện này với ông, khuyên Seo Yoo Jae đến gặp Gon
“Gon muốn làm bạn với cháu đấy, hãy đi tìm cậu ấy”
Sau đấy chính Seo Yoo Jae đã đi tìm Gon, và họ trở thành đôi bạn thân như thế.
BI KỊCH CỦA TIẾN SĨ SHIM
Trong Hạnh Nhân ngoài câu chuyện của Seo Yoo Jae thì Tiến sĩ Shim cũng có bi kịch của riêng mình, từ một bác sĩ giỏi với học hàm tiến sĩ trong ngành tim mạch nhưng vì cái chết của vợ vì chính căn bệnh tim tại một hòn đảo xa xôi khi ông cùng vợ đang nghỉ dưỡng ở đây. Ông đã bỏ hết sự nghiệp, trở thành một người đàn ông học làm bánh và đi bán bánh để tưởng nhớ người vợ quá cố, trong một của hàng bình thường, sống cuộc đời lặng lẽ không có ai bên cạnh, và ông cũng không thuê nhân viên phụ giúp tiệm bánh.
Ông và mẹ Seon Yoo Jae là bạn thân, ông kinh doanh tầng 2, tầng 1 là tiệm sách của mẹ Seon Yoo Jae. Bà vẫn thường đến mua bánh của ông, kể sự tình thằng con cho ông tiến sĩ nghe. Trong lúc Seo Yoo Jae gặp bi kịch thì ông trở thành người giám hộ - cha đỡ đầu của em và không phán xét bất cứ hành động hay suy nghĩ nào của Seon Yoo Jae.

Nhớ những lời chỉ dạy của mẹ, của bà ngoại thì Seon Yoo Jae cũng
đã nhận ra :
“Cuộc đời này chẳng có đáp án nào được định sẵn. Vì thế ta không nhất thiết phải có một phản ứng nhất định với một lời nói hay hành động của một người khác. Bởi mọi người đều khác nhau nên những phản ứng khác thường của tôi cũng có thể là đáp án đúng cho một ai đó.”
SEON YOO JAE GẶP LEE DO RA
Công việc kinh doanh ế ẩm, Seon Yoo Jae quyết đóng cửa hiệu sách cũ và quyên góp sách cho trường học. Trong một lần mang sách đến trường và được hướng dẫn vào phỏng thể chất thì Seon Yoo Jae gặp Do Ra đang ở đây tập chạy bộ. Họ đã có những câu chuyện xã giao, khi nói chuyện Do Ra thì Seon Yoo Jae vẫn chưa hiểu những câu hỏi của cô ấy là sau khi tốt nghiệp cấp 3 thì em muốn làm gì vì chưa ai dạy cho Seon Yoo Jae phải trả lời những câu hỏi như thế nào ? Rồi Do Ra hẹn đến tiệm sách của cậu tham quan.
Do Ra là đứa trẻ trái ngược hoàn toàn với Gon. Nếu Gon dạy Seon Yoo Jae biết thế nào là khổ sở, tội lỗi và đau thương thì Do Ra lại dạy Seon Yoo Jae về hoa và hương thơm, về gió và mơ ước. Giống như một bài hát tôi lần đầu được nghe. Do Ra là người có khả năng hát một bài hát mà mọi người đều biết theo cách thức hoàn toàn mới lạ.
Chính tại tiệm sách thì Seon Yoo Jae đã hiểu nụ hôn đầu đời và tình cảm nam nữ ra sao, từ đó hạch hạnh nhân trong đầu Seon Yoo Jae dần phát triển, cậu đã có những cảm xúc khác lạ và biết thể hiện cảm xúc như thế nào nhưng khả năng biểu đạt từ ngữ vẫn còn hạn chế nhưng chính Do Ra đã mang một làn gió mới cho Seon Yoo Jae để biết cảm mến một người khác giới như thế nào.
CÁI KẾT TÁC PHẨM HẠNH NHÂN
Gon (Yoon Yi Su) ngày càng ngỗ ngáo và quậy phá, bỏ học đi theo đám đàn anh xấu tính là Chul Sa. Yoon Kwon Ho cảm thấy bất lực, đến tâm sự với Seon Yoo Jae, ông muốn tim Gon nhưng không biết ở đâu. Chính lúc ấy Seon Yoo Jae biết bản thân nên làm gì, câu xung phong đi tìm Gon và bắt Gon trở về. Cậu đến tìm Bánh Bao (học sinh trường khác) và được cậu này nói là Gon đang chỗ Chul Sa. Seon Yoo Jae không ngần ngại đi đến sào huyện của trùm trộm cắp và giết người, là bạn của Gon trong thời kỳ ở trường giáo dưỡng. Tại đây, đã xảy ra hỗn chiến, đám đàn em của Chul Sa đã đánh Seon Yoo Jae bầm dập và chính Chul Sa đã tặng Seon Yoo Jae một nhát dao giữa ngực. Em nào đó và máu chảy đầm đìa cùng tiếng khóc của Gon (Yoon Yi Su).
Sohn Won-pyung tuyên bố là Seon Yoo Jae đã chết nhưng vẫn còn một cái kết khác ở phần ngoại truyện là chính Lee Dora đã nói Seon Yoo Jae đi tìm Gon cho giáo viên chủ nhiệm. Cô đã báo cảnh sát, họ tìm đến Bánh Bao và đến khu chợ chỗ Chul Sa đang ở và giải cứu Seon Yoo Jae và Gon thành công. Nhưng Seon Yoo Jae vẫn phải nằm viên điều trị vì vết đâm "trí mạng". Trong lúc đấy thì tiến sĩ Shim thay em chăm sóc mẹ và báo cho em một tin vui mẹ em đã tỉnh và dần dần bình phục. Cuộc đời Seon Yoo Jae lại sang một trang mới, trở thành một người bình thường và đã tốt nghiệp xon cấp 3.
LỜI KẾT
Hạnh nhân là tiểu thuyết Bildungsroman, là câu chuyện có thể làm lay động nhiều độc giả không chỉ ở Hàn Quốc mà toàn thế giới. Thông điệp mà Sohn Won-pyung truyền tải trong tác phẩm "Hạnh Nhân" là con người đâu ai biết trước bất hạnh của bản thân nên có những chuyện xảy ra thì ta chưa biết đó là bi kịch hay hài kịch nên chỉ cần chúng ta còn thở, còn sống đương đầu với nó thì dù chuyện có xảy ra thì ta biết ta đã có cố gắng như Seon Yoo Jae.
Seon Yoo Jae trong Hạnh Nhân, sinh ra đã gặp bất hạnh và chứng kiến cái chết của bà và mẹ sống đời sống thực vật nhưng bên cạnh em còn có tiến sĩ Shim, còn có Gon (Yoon Yi Su), còn có Lee Dora giúp em biết ý nghĩa cuộc sống này là gì.
--------------
Triệu Dương

Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Đức Nguyễn
rất hay, tự nhiên mình càng biết quý giá hơn cái cuộc sống còn nhiều thứ khó khăn của mình
- Báo cáo

Triệu Dương
cuộc sống mà, hãy luôn trân trọng những gì mình đang có !
- Báo cáo