HẢI CHIẾN HOÀNG SA VÀ GẠC MA. ÂM MƯU BÀNH TRƯỚNG TRUNG QUỐC
Quần đảo Hoàng Sa bao gồm hai nhóm chính: nhóm An Vĩnh (ở phía Đông) và các nhóm Nguyệt Thiềm (ở phía Tây), cách nhau khoảng 70 km....
Quần đảo Hoàng Sa bao gồm hai nhóm chính: nhóm An Vĩnh (ở phía Đông) và các nhóm Nguyệt Thiềm (ở phía Tây), cách nhau khoảng 70 km. Quần đảo Hoàng Sa nói riêng và biển Đông nói chung sở hữu một vị trí quan trọng. (1) Biển Đông là khu vực địa chiến lược quan trọng trong thương mại và hàng hải quốc tế: án ngữ trên tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới, nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. (2) Khu vực này chứa lượng tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là dầu mỏ, băng cháy) hết sức phong phú. Một vùng biển đa dạng sinh học, giàu hải sản. (3) Khu vực có vị trí địa chính trị và an ninh quan trọng. Nếu nước nào kiểm soát được Biển Đông, đặc biệt chiếm được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì có thể ưu thế trong việc khống chế được vùng an ninh rộng lớn của Tây Thái Bình Dương và 1 phần của Ấn Độ Dương. Có thể thấy, Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược, không gian sinh tồn và chiếm vị trí địa chính trị quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực mà còn cả của Châu Á – Thái Bình Dương.
Từ giữa thế kỷ XX, nhận thấy vị trí chiến lược cũng như tầm quan trọng của biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng, một số quốc gia đã xâm chiếm bất hợp pháp các vùng lãnh thổ này của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc. Trung Quốc luôn coi biển Đông, đặc biệt là các quần đảo của Việt Nam cửa ngõ để thực hiện chiến lược bành trướng xuống Đông Nam Á. Vị trí địa chính trị của Trung Quốc không thuận lợi để tạo nên vị thế siêu cường: Phía bắc tiếp giáp người khổng lồ Nga, phía đông tiếp xúc Hàn Quốc, Nhật Bản - 2 đồng minh chiến lược của Mỹ. Phía Tây giáp Ấn Độ đang trỗi dậy (bản thân Hoa Kỳ đang xây dựng mối quan hệ với nước này). Khi không gian phát triển bị kìm kẹp việc xây dựng các sân sau và đồng minh Nếu ví Trung Quốc là một ‘con gà trống đang gáy’, thì Bắc Triều Tiên là ‘mỏ’ - vũ khí sắc bén trong cuộc đôi co với siêu cường hiện tại Mỹ, Việt Nam là ‘chân’ - bàn đạp để đế chế Trung Hoa bành trướng sức mạnh. Hiển nhiên, việc chinh phục Biển Đông mang những giá trị nền móng trong thời kỳ ‘giấu mình chờ thời’ và mang ý nghĩa sống còn trong ‘giấc mộng Trung Hoa’ của ‘Hoàng đế Đỏ’.
Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 được đặt vào bối cảnh đỉnh điểm chiến tranh Lạnh với sự thay đổi quan hệ chiến lược giữa các nước lớn: chiến lược ngoại giao của Trung Quốc làm ấm lên quan hệ Trung - Mỹ và căng thẳng giữa quan hệ Trung - Xô (và đồng minh khi đó là Việt Nam). Ngày 15/1/1974, chưa đầy một năm sau khi ký kết Paris xóa bỏ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Bắc Kinh đã đổ quân ở các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa. Trong vài ngày sau cho đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc tấn công và hoàn toàn xâm chiếm các hòn đảo mặc dầu kháng cự quyết liệt của hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Mỹ khi ấy đã giữ thái độ “không phản ứng rõ rệt, im lặng, không can thiệp” nhưng thực chất đã ngầm gây sức ép lên chính quyền VNCH trong kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa sau đó. Mỹ muốn đạt được hai mục đích quan trọng: (1) giữ mối quan hệ mới chớm nở với Trung Quốc và (2) muốn khoét sâu thêm sự chia rẽ giữa các nước xã hội chủ nghĩa. Bằng một thái độ lạnh nhạt, Mỹ và các đồng minh của mình đã cảnh báo đồng minh Sài Gòn không nên đưa vấn đề Hoàng Sa ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngày 23/1/1974 Ngoại trưởng Mỹ Kissinger tuyên bố trong cuộc gặp với ông Hàn Tự, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của Trung Quốc tại Washington: “Mỹ không có lập trường trong việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nam Việt Nam tại các đảo này". Với tư cách là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã ngăn chặn và phủ quyết việc VNCH đưa vấn đề Hoàng Sa lên Hội đồng. VNDCCH lúc đó im lặng. Sự im lặng này đã khiến Bắc Kinh cho rằng Bắc Việt Nam không coi trọng vấn đề biển đảo và lơ là, không chiếm trọn và xây dựng căn cứ quân sự tại Hoàng Sa và Trường Sa thời điểm đó.
Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến đối ngoại mới bằng cách thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Mỹ, cao trào là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Richard Nixon tháng 2/1972. Sau chuyến công du đó, Trung Quốc trở thành “đồng minh giai đoạn” của Mỹ để kìm chân và chống lại Liên Xô. Không khó để thấy rằng, Mỹ không muốn quan hệ chiến lược này bị rạn nứt vì vụ Hoàng Sa. Trung Quốc đã thực hiện ‘đi đêm’ với Mỹ: Trung Quốc ‘cho phép’ Mỹ ném bom thủ đô Hà Nội trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2 và Mỹ ‘cho phép’ Trung Quốc chiếm đóng một số đảo.
Hải chiến Trường Sa năm 1988 diễn ra trong bối cảnh cuối chiến tranh Lạnh với khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội ở Liên Xô và khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở Việt Nam. Bắc Kinh tự nhận là ‘NATO phương Đông’ để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trung Quốc đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận kinh tế và hạn chế ngoại giao đối với Việt Nam.
Thời điểm tấn công đã có sự tính toán. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm nổ súng rơi đúng vào ngày 14/3/1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội!
Trong thế ‘thân cô thế cô’, lại thêm gánh nặng khủng hoảng, Việt Nam không đủ tiếng nói cũng như sức mạnh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mặt khác, với hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang ‘thả neo’ để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ! Việc đánh chiếm trở nên ‘hợp lý’. 64 tiếng nói cũng như sự dũng cảm ở Gạc Ma không thắng nổi họng pháo và được ghi ơn trọn vẹn.
Việc đánh chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc diễn ra trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, khi toàn nền kinh tế phải phục vụ cho chiến tranh dân tộc và chiến lược ngoại giao của Việt Nam bị chi phối (Liên Xô, Hoa Kỳ). Trong thời đại ngày nay, khi Trung Quốc nổi lên như một thế lực mới, đối trọng với siêu cường hiện tại là Hoa Kỳ, Mỹ sẽ càng theo sát mọi động thái của Trung Quốc (nhất là với tổng thống Donald Trump). Lợi ích các bên trên biển Đông ngày càng rõ rệt và được thể hiện qua chính sách trên biển Đông của Nhật Bản, Hàn Quốc trong tư cách là đồng minh của Mỹ. Cùng với đó, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao với việc tổ chức các hội nghị quốc tế: tổ chức thành công APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều, liên tiếp là khách mời tại các hội nghị G7 và G20. Việt Nam được đề cử trở thành đại diện duy nhất của nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2020-2021. Sau khi đắc cử, Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên tổng thống Trump đặt chân và đến 2 lần - chưa có tiền lệ qua các đời tổng thống Mỹ (kể cả với đồng minh tại khu vực là Thái Lan). Như vậy, Việt Nam với một vị thế là một nền kinh tế đang lên - có vị trí địa chính trị quan trọng trong chiến lược toàn cầu của các cường quốc Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt, biển Đông nói riêng và Việt Nam nói chung có vị trí quan trọng trong chiến lược xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương và kiềm chế Trung Quốc.
Mặt khác, Việt Nam đang sở hữu trong tay quân bài lợi hại trong ván bài chính trị biển Đông - cảng nước sâu Cam Ranh. “Có lẽ cả châu Á cũng không thể tìm kiếm được quân cảng nào độc đáo và “nguy hiểm” như quân cảng Cam Ranh của Việt Nam”, tạp chí Tuần Tin tức của Trung Quốc viết, đồng thời trích dẫn nhận xét của báo chí Mỹ: “Ai chiếm được vịnh Cam Ranh, người đó sẽ chiếm được một nửa Trung Quốc, có thể kiểm soát được tuyến đường giao thông biển Á-Âu…”. Cam Ranh là quân cảng lợi hại hiếm có - dễ thủ khó công. Bán đảo Cam Ranh chạy từ Bắc xuống Nam và được bao quanh bởi rất nhiều đảo to nhỏ khác nhau, biến Cam Ranh trở thành một cảng nước sâu tránh gió rất tuyệt vời. Bên cạnh lối ra vào nhỏ hẹp, Cam Ranh còn được các dãy núi cao khoảng 400m vây quanh nên không những gió bão không thể xâm nhập mà địa thế cao điểm này có thể khống chế cả khu vực xung quanh cảng một cách rất dễ dàng và quân cảng này trở thành một pháo đài vô cùng lợi hại, khó công, dễ thủ. Cửa vào Cam Ranh tuy nhỏ nhưng tổng diện tích mặt nước rộng 98 km2, nước sâu phổ biến ở mức 16-25m, nơi sâu nhất có thể lên đến 32m, cho phép đồng thời khoảng 40 tàu chiến cỡ lớn cùng neo đậu, kể cả tàu sân bay.
Nếu bố trí tên lửa phòng không ở vịnh Cam Ranh và những cao điểm xung quanh thì toàn bộ eo biển Malacca và eo biển Singapore đều nằm trong tầm khống chế của hỏa lực những tên lửa đó. Ngoài ra, vịnh Cam Ranh còn có thể cho phép triển khai hệ thống giám sát điện tử để kiểm soát toàn bộ khu vực Bắc Ấn Độ Dương, vịnh Persia, biển Hoa Đông và Nam Hải (Biển Đông).
Vừa có lợi thế tự nhiên rất có lợi cho quân sự, quốc phòng lại cận kề tuyến đường vận tải biển quốc tế trọng yếu nên từ hàng trăm năm nay vịnh Cam Ranh luôn được hải quân các cường quốc coi là “trung tâm dịch vụ hậu cần” quan trọng. Sân bay quốc tế Cam Ranh với đường băng dài hơn 3.000m đủ khả năng đón máy bay chở khách cỡ lớn. Sân bay có thể đảm bảo cho các máy bay vận tải hạng nặng (C-141, C-5 Galaxy, Il-76), máy bay ném bom chiến lược (B52, Tu-95) cất/hạ cánh.
Nước nào giành quyền sở hữu được cảng Cam Ranh và Subic (Philipines) thì chẳng khác nào đang có chiếc kéo cắt phăng lưỡi bò 9 đoạn Trung Quốc. Trong chính sách với cảng Cam Ranh, Việt Nam đang “hợp tung liên hoành” và cũng không muốn bị các nước lớn thao túng, nên có xu hướng chính sách ngoại giao cân bằng với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ. Việc Việt Nam quyết định cho nước nào ‘thuê’ hay ‘sử dụng’ cảng cũng làm thay đổi cục diện của ván bài biển Đông.
Như vậy, cục diện biển Đông thời điểm hiện tại không còn bất lợi cho Việt Nam như những năm 1979 và 1988. Việt Nam với một vị thế của một ‘cường quốc tầm trung’ đang tăng cường sức mạnh hải quân sẽ đối đầu với một cường quốc đang lên với ‘giấc mộng Trung Hoa’ đầy tham vọng. Lợi ích của các nước trong khu vực và các cường quốc sẽ khiến Biển Đông sẽ là một ‘chiến trường’ trọng điểm trong thập kỷ tới. Tự do hàng hải được xác lập. Các bên trong khu vực đã ký Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông. Sân chơi bắt đầu có sự minh bạch và quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Hiện tại, tuy Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ (khả năng chiến tranh lạnh xảy ra khá thấp do 2 nước vẫn còn những ràng buộc thương mại và đầu tư) nhưng biển Đông, với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - có vị trí trên con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, vẫn sẽ nằm trong chính sách quân sự và ngoại giao ưu tiên của Bắc Kinh trong thập kỷ tới. Xảy ra xung đột vũ trang sẽ khó xảy ra trong tương lai gần. Việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 năm 2014 coi như là một bước thử để thăm dò phản ứng của các bên. Tuy nhiên, với một thế giới đầy biến động với những biến số khó lường, việc chiếm đóng quân sự trên các quần đảo sẽ được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng khi có sự chuẩn bị kỹ càng để đối đầu cả về mặt quân sự và ngoại giao. Kịch bản tại biển Đông càng lúc càng khó lường.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất