Gọi tên đứa trẻ bên trong bạn
Dù bạn bao nhiêu tuổi thì bên trong bạn vẫn có những đứa trẻ tồn tại song song. Đó có thể là em bé năm 1 tuổi, 3 tuổi; là cô nhóc cậu...
Dù bạn bao nhiêu tuổi thì bên trong bạn vẫn có những đứa trẻ tồn tại song song. Đó có thể là em bé năm 1 tuổi, 3 tuổi; là cô nhóc cậu nhóc lớp 4 lớp 5 hay thiếu niên 16 17 tuổi, thậm chí là thanh niên 18 20 tuổi. Bạn có thể gọi với cái tên "đứa trẻ bên trong" hay bất cứ cái tên nào khác bạn thấy hợp lý để chỉ vô thức của mình đều được.
Trong bài viết về "Nghiệp gia đình" mình có nhắc đến giai đoạn thơ ấu và tiền trưởng thành (kéo dài từ 0-21 tuổi) là một phần rất lớn trong mỗi chúng ta, là những khoảnh khắc đầu tiên chúng ta tiếp xúc với những vòng lặp, thử thách của cuộc sống, hình thành những phản ứng, chiến lược tâm trí đầu tiên theo ta trong suốt cuộc đời.
Những đứa trẻ bên trong dạy chúng ta cách phản ứng với nỗi sợ, ham muốn, lo lắng và các tác động từ bên ngoài. Trong bài viết này, mình sẽ áp dụng 9 loại tính cách trong Enneagram và cách phân loại bác Đặng Hoàng Giang chia sẻ ở cuốn Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ đề cập đến các nhóm "đứa trẻ bên trong bạn". Bạn có thể nhận thấy mình qua nhiều nhóm tính cách khác nhau nhưng sẽ có một nhóm chủ đạo, nổi bật nhất cho tình trạng của bạn hiện tại. Hi vọng qua bài viết, phần nào đó có thể giúp bạn nhận diện được em bé đó và những mô thức mà nó đang vô tình điều khiển cuộc sống bạn. Đôi khi khoảnh khắc bạn nhận ra và gọi tên được chúng chính là lúc bạn tự giải phóng cho mình rồi.
Cuốn này của bác Giang mình đọc một thời gian và có nhắc đến trong bài viết love, grow & heal nhưng không nhớ rõ tên. Sau khi một bạn inbox nhờ gửi tên sách thì mình có lục và đọc lại thì vỡ ra khá nhiều điều mới khác. Nếu bạn nào quan tâm có thể tìm đọc nhé.
Nhóm 1: Những đứa trẻ có tuổi thơ vắng bóng người lớn/ cảm giác bị bỏ rơi
(Đây là nhóm có nhiều tổn thương và sử dụng đầu rất nhiều gồm nhóm 5-6-7 trong Enneagram)
Người quan sát (observer) - mẫu số 5
Trong giai đoạn trưởng thành, họ là những thường quan sát người khác thay vì hành động, dành nhiều thời gian suy nghĩ hơn làm điều gì đó (ví dụ: đứng xem các bạn chơi tá lả thay vì nhào vào chơi). Bên trong họ có quá nhiều NỖI SỢ và BẤT AN nên họ không thực sự sống cuộc sống của mình mà dành nhiều thời gian quan sát cuộc sống người khác (thậm chí là những người không quen biết).
Tính cách này hình thành do giai đoạn ấu thơ họ chịu khá nhiều sự bất an dồn dập và chứng kiến nhiều đổ vỡ, thất bại của người lớn quanh mình. Những đứa trẻ này thường phải chuyển nhà liên tục, thay đổi môi trường sống hoặc một số được bố mẹ gửi cho ông bà, cô chú, người khác nuôi nấng,... buộc chúng vào thế phải quan sát trước khi hành xử.
Chúng phản ứng với nỗi sợ bằng cách thoái lui thực tại, rút vào trong bộ não để suy nghĩ, xem xét tình huống. Chúng cũng là những đứa trẻ hay nhận được câu nói như: Liệu mà sống! hoặc Ăn xem nồi, ngồi xem hướng!
Người nghi ngờ sự trung thành (loyal skeptic) - mẫu số 6
Đây là nhóm chỉ tập trung vào lỗi lầm/ sai trái của người khác dành cho họ. Họ luôn giữ sự hoài nghi trước mọi hành động của người khác hoặc có suy nghĩ "why they do that?" liên tục. Nhóm này gặp nhiều khó khăn để đặt niềm tin lên người khác và có xu hướng phản đối, chống lại các tình huống.
Những đứa trẻ bên trong của nhóm người này là những đứa trẻ bị phản bội, bỏ rơi bởi người thân yêu hoặc đơn giản bị mất niềm tin từ những người chúng xem là quan trọng. Ví dụ, hết lần này đến lần khác người lớn hứa với em bé đó về một món quà, về sự đoàn tụ, về những điều tốt đẹp nhưng cuối cùng lại dùng các lý lẽ khách quan để bao biện cho việc thất hứa (đơn giản nhất là cuối năm mẹ về nhưng cuối năm nào thì mẹ không nói). Nhóm này cũng bao gồm các em nhỏ có bố mẹ ly thân, ly dị, liên tục có người mới hoặc chứng kiến sự thay đổi về thành viên trong gia đình một cách nhanh chóng (ví dụ: một xưởng gỗ có các nhân viên sống chung với chủ và đứa trẻ xem các anh chị như người thân sinh hoạt chung nhưng chỉ 1-2 năm là anh chị lại rời nó mà đi).
Chúng phản ứng với nỗi sợ và mong muốn bằng cách dự báo những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, tìm cách phòng ngừa hoặc bàn lùi. Một số khác còn đánh mất nhận thức về nỗi sợ và mong muốn để rồi chối bỏ nó để bản thân không bị đe dọa và cám dỗ. Chúng có thể là những đứa trẻ nghiện các cảm giác mạnh hoặc thường tự trách bản thân khi cuốn vào một lời mời gọi nào đó.
Người lạc quan, sành sỏi (optimist/epicure) - mẫu số 7
Đây là nhóm luôn nhìn thấy điểm tích cực bên ngoài của các vấn đề và con người. Họ có khả năng làm quen, tương tác, chơi với nhiều nhóm, tham gia các hoạt động thể loại khác nhau, liên tục thả mình vào các quan hệ xã hội hay bận bịu với công việc, xã giao. Tuy nhiên, sâu thẳm bên trong họ rất sợ đối diện và phải bóc tách nỗi đau. Thậm chí có những người đã tìm đến bác sĩ hoặc healer nhưng đều bỏ dở vì không chịu được thời gian đầu những vết thương bị mở ra. Nếu để lâu, họ dễ trở thành người hời hợt.
Thời thơ ấu lớn lên với QUÁ NHIỀU nỗi đau, sự éo le, khổ cực khiến cho đứa trẻ phải tìm cách chặn lại những nỗi đau đó bằng cách chỉ nhìn thấy mặt tốt, mặt tích cực của sự vật, sự việc. Những đứa trẻ này mình hay gọi là nhân vật cổ tích - những người vượt lên nghịch cảnh và luôn tin vào tương lai tốt đẹp. Chúng cũng là những đứa trẻ thực sự tiếp cận nhiều với truyện cổ tích, phim ảnh về thần tiên nơi người ta dạy chúng rằng: chỉ cần tích cực thì mọi chuyện sẽ tốt. Chúng xem thường và tỏ ra khó hiểu với những người bi quan vì trong hoàn cảnh của chúng thường khổ double hoặc triple họ (có thể là combo thiếu thốn tài chính, vật chất, tình thương lẫn danh dự,...)
Chúng lựa chọn đối diện với những tổn thương bên trong bằng cách cố gắng nhìn mọi chuyện dưới lăng kính màu hồng/ tìm đến chất hướng thần, thú vui tạm thời nhưng thực chất là né tránh và chạy trốn khỏi nỗi sợ và sự đau buồn. Chỉ khi chúng sẵn sàng đối diện, xoa dịu và chuyển hóa, chúng hoàn toàn mới có thể để đầu óc nghỉ ngơi và những cảm xúc thực sự được bung tỏa.
Nhóm 2: Những đứa trẻ nhầm vai đang vật lộn tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ
(Đây là nhóm rất nhạy cảm, tổn thương cảm xúc vùng tim và thường phải hay đóng kịch trong chính cuộc đời của họ. Họ là những đứa trẻ lẽ ra có người nâng đỡ thì lại vô tình phải nâng đỡ những người lớn quanh mình).
Người cho đi (giver) - mẫu số 2
Giai đoạn trưởng thành, nhóm người này là những người sẵn sàng cho đi mà không nghĩ suy. Họ tập trung nhiều vào nhu cầu, cảm xúc của người khác hơn bản thân nhưng sâu bên trong lại luôn trách móc vì sao mình không nhận lại được điều tương tự. Đây là nhóm cho đi nhiều nhưng không biết cách nhận hoặc để lâu sẽ trở nên bực dọc đè nén. Câu chuyện về nhóm này giống ông lão cho một đứa trẻ kẹo. Ngày nào ông cũng cho và đứa trẻ rất quý ông cho đến ngày ông chẳng còn gì để cho nữa thì đứa trẻ đó bỏ đi khiến ông rất đau khổ.
Đứa trẻ bên trong của nhóm này là những đứa trẻ từ sớm đã tự kết luận: không ai yêu nó một cách vô điều kiện cả. Nó cho rằng mình phải làm hài lòng người khác (people pleaser) thì mới được yêu thương. Nó bị dính mắc vào tình yêu có điều kiện bởi những trải nghiệm cảm xúc thời thơ ấu. Có thể nó đã từng bị người lớn nổi giận vì làm trái ý, có thể nó đã từng phải ăn đòn vì "không biết nghĩ cho cha mẹ", có thể nó đã bị đùa vu vơ "vì nó chỉ biết đi chơi nên chiếc bánh này dành cho chị nó",... Nó tự nhìn vào tấm gương phóng chiếu đó rồi cho rằng: Chỉ khi cho đi thứ gì đó mới mong nhận lại. Nó luôn tin rằng cuộc sống là giao kèo qua lại và chẳng ai cho không ai điều gì. Điều này được bồi đắp nhiều nếu đứa trẻ đó đọc hoặc chứng kiến những tình huống tương tự trong giai đoạn trưởng thành.
Tuy nhiên, những người cho đi quá nhiều, sau một thời gian sẽ bị kiệt sức, bởi bên trong họ trống rỗng, họ không có gì, còn gì để cho nhưng vẫn tiếp tục cho đi. Điều này khiến cho họ trở nên giống như những kẻ ăn xin nhưng lại không biết cách để nhận. Thay vì cố gắng tạo ra một hình ảnh đáng yêu, trông cậy vào đánh giá của người khác để khẳng định giá trị của mình, điều mà chúng nên làm là tin tưởng và chấp nhận mọi phiên bản của chính mình, tin rằng tình yêu ở khắp mọi nơi và nó xứng đáng. Cái cây chỉ cần là cái cây đã đủ rợp bóng mát cho những sinh vật cần nó. Đây là những đứa trẻ thay vì làm con sẽ làm cha mẹ của cha mẹ chúng.
Người hoàn thành (achiever/ performer) - mẫu số 3
Nhóm này khá thể hiện bản thân trước người khác và coi trọng việc hoàn thành, đạt được kết quả. Họ gần như không có khoảng thời gian yên tĩnh, liên tục làm điều này điều kia mà không ngưng nghỉ. Họ chỉ cảm thấy mình có giá trị khi làm xong, hoàn tất một điều gì đó, dần đà trở thành human doings thay vì human beings.
Đây là những đứa trẻ lớn lên trong môi trường có nhiều yêu cầu về sự hoàn tất hoặc bị ra điều kiện kiểu "con phải làm xong cái này cái kia thì mới được yêu được thưởng". Chúng là những đứa trẻ lớn lên với những "đứa trẻ lớn" khác không chịu được sự dở dang. Nếu có điều gì đó không được hoàn tất ngay (đơn giản như không rửa bát ngay sau khi ăn cơm hoặc không dọn dẹp ngay sau khi chơi), chúng sẽ được xem là những đứa không thương bố mẹ, ích kỷ hoặc hư hỏng. Tuy nhiên, việc hoàn tất việc chung nào đó vốn chẳng liên quan đến tình yêu giữa hai người. Đôi khi nó không rửa bát vì đang say đắm trong một tập phim Harry Potter nào đó và chắc chắn nó sẽ xử lý đống bát sau khi đã hài lòng là: Harry còn sống.
Nhóm này rất đề cao sự thành công, sự ngưỡng mộ và công nhận từ người khác. Họ thường lệ thuộc vào các con số, thành tựu, chức vụ,... và chỉ tôn trọng, đánh giá người khác qua kinh nghiệm lâu năm/ những gì người đó đạt được. Đây là những đứa trẻ rất cần self-coaching về khái niệm giá trị. Đây là những đứa trẻ nhầm vai mình với người lớn trong nhà, những đứa trẻ ôm trách nhiệm hoàn thành thay cho người khác.
Người lý tưởng hóa (idealist) - nhóm số 4
Đây là những người không chịu nổi sự "cá mè một lứa". Họ thấy khó chịu với những hoạt động, hành động, con người giống hệt nhau, lặp đi lặp lại, chán ngắt và vô vị. Họ luôn có nhu cầu cần phải khác người, phải tách biệt khỏi đám đông. Nếu là sếp họ chính là người hay thốt ra những câu kiểu: Làm cái gì đó khác đi được không? Khác biệt hoặc là chết!!! (?) Họ là người thường không xem một bộ phim mà cả thế giới đều xem, không kết hôn chỉ đơn giản vì sao ai cũng làm thế,...
Những đứa trẻ này lớn lên trong gia đình đông anh chị em hoặc có bố mẹ/ người nuôi dưỡng rất hay so sánh với "con nhà người ta" hoặc các anh chị em khác. Chúng lớn lên với những câu nói như: Tại sao mày không học nó? Học lấy người ta kìa. Con người ta thì... còn con mình chỉ.... Sao không làm được cái trò trống gì cho cha mẹ nở mày nở mặt hoặc đơn giản chỉ là những lời bóng gió về điều làm ai đó trở nên khác biệt. Chúng cũng có thể là những đứa vốn có sự khác biệt nào đó từ bé và được bồi đắp bởi phán xét của người khác hoặc nhồi nhét rằng: Bạn khác biệt và bạn sẽ đánh bại lũ giống nhau y chang ngoài kia.
Chúng cố gắng tạo ra một hình ảnh khác biệt và duy nhất, sử dụng độ nhạy cảm xúc của mình để bảo vệ bản thân khỏi sự từ chối, bỏ rơi từ người khác. Chúng cho rằng, nếu đặc biệt và có thứ gì khiến người ta ghi nhớ thì chúng nhất định sẽ được an ổn. Đây là những đứa trẻ nhầm vai mình với những người bằng vai phải lứa khác.
Chúng cố gắng tạo ra một hình ảnh khác biệt và duy nhất, sử dụng độ nhạy cảm xúc của mình để bảo vệ bản thân khỏi sự từ chối, bỏ rơi từ người khác. Chúng cho rằng, nếu đặc biệt và có thứ gì khiến người ta ghi nhớ thì chúng nhất định sẽ được an ổn. Đây là những đứa trẻ nhầm vai mình với những người bằng vai phải lứa khác.
Nhóm 3: Những đứa trẻ sống trong "Ngục tù của tình yêu"
(Nhóm này có trực giác rất nhạy, gặp nhiều tổn thương vùng bụng, thường có xu hướng thụ động hoặc bốc đồng. Chúng cảm giác bí bách bởi những lý lẽ nhân danh tình yêu của những người quan trọng nhất)
Người gây hấn/ thủ lĩnh (aggressor/ leader) - mẫu số 8
Họ là người có tính cạnh tranh cao, thường xuyên tìm cách làm thế nào để bản thân được điều khiển mọi thứ. Họ ghét sự yếu đuối và luôn tỏ ra mạnh mẽ, cáng đáng mọi tình huống để chứng tỏ bản thân.
Những đứa trẻ bên trong họ vốn có thể là những đứa sinh ra hiếu động, yêu thích sự vui chơi tự nhiên hoặc được cổ vũ bởi bố mẹ hiếu chiến, không bao giờ muốn thua kém. Ví dụ khi con cái tát vào mặt cha mẹ thì lại xum vào bợ đỡ: Chà đáo để ghê! hoặc dạy con theo kiểu: đứa nào đánh mình thì đánh lại sợ gì. Chúng cũng có thể có những bố mẹ luôn khao khát con cái làm lớp trưởng, bí thư, nhóm trưởng,... khi đi học hoặc là nhóm bị chê yếu ớt từ bé và hay bị so sánh với những người khỏe mạnh hơn.
Vì thế, chúng có khuynh hướng biểu lộ sự giận dữ thường xuyên và trực tiếp, dễ bị kích bằng cách tấn công vào sự yếu kém, sự bất công, sự kém hiệu quả hay dối trá. Nhóm này tìm cách tấn công vì xem đó như một cách phòng thủ chủ động bất kể tình huống có thực sự cần như vậy hay không. Người lớn xung quanh những đứa trẻ này luôn nói yêu chúng, mong việc họ công kích là tạo động lực cho chúng phát triển, dẫn đầu nhưng trên thực tế đó lại là cách biểu thị tình yêu sai cách.
Người hòa giải (mediator/ peace maker) - mẫu số 9
Những người này luôn tập trung vào những mục đích hoặc động cơ bên trong của người khác và cố gắng giữ kết nối, hòa khí. Nhóm này luôn tránh đối đầu, tranh luận với người khác vì sợ làm nhau tổn thương. Họ là người hay bị các cặp đôi tìm đến trút hờn giận, là thùng rác phân xử các chuyện riêng tư.
Đứa trẻ bên trong họ là đứa trẻ giàu tình yêu thương, lớn lên với kết luận rằng: Nếu thương ai đó thì phải nhẫn nhịn và hi sinh. Đây là những đứa trẻ có bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng thường xuyên nói câu như: Con không thương bố mẹ à? Thương thì phải như thế này thế kia chứ. Tính cách này cũng được hình thành trong những gia đình luôn cãi vã, đánh nhau khiến đứa trẻ nghĩ nó phải nhận nhiệm vụ hòa giải, giữ hòa khí trong gia đình. Nhóm này khá giống với những đứa trẻ nhầm vai.
Chúng có xu hướng tránh giận dữ và xung đột trực tiếp, thích cảm giác giao hoà và thoải mái với mọi người, sự “giận giữ che giấu” của họ sẽ lộ diện dưới dạng “sự công kích thụ động” khi cảm thấy mình bị làm ngơ hoặc buộc phải làm gì đó.
Người cầu toàn (perfectionist) - mẫu số 1
Viết về nhóm này mình chỉ nghĩ đến Monica Geller trong Series Friends - một người luôn tập trung vào sai lầm, nhược điểm của người khác, của hoàn cảnh, và luôn có nhu cầu chỉnh sửa người khác.
Tính cách này được hình thành trên những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình quá nghiêm khắc, lỗi lầm không được chấp nhận, bố mẹ luôn mong đợi đứa trẻ phải hoàn hảo. Chúng đôi khi là ác mộng của nhóm gây hấn bởi đây là những đứa hay bị lôi ra so sánh nhất. Vô hình trung, sự hà khắc, truyền thông của cha mẹ khiến cho đứa trẻ nhận thức là những người không hoàn hảo thì không xứng đáng được yêu thương, và luôn cố gắng trở nên hoàn hảo để được yêu. Giống như Monica Geller dành cả cuộc đời để chứng minh mình không thua kém anh trai và bản thân mình là người hoàn hảo để rồi cuối cùng nhận ra cô chính là bản sao đầy độc đoán và chỉ trích như mẹ mình.
Chúng là đứa trẻ có xu hướng chỉ trích người khác lẫn chỉ trích chính mình.
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất