[Góc điện ảnh] - Khi cùng nhau ta ngược dòng (Upstream)
Cổ cồn trắng hay xanh, thì rút cuộc thì tất cả chúng ta đều là những con chuột chạy trong hệ thống mà thôi.
Xin chào các bạn,
Gần đây tôi mới xem một bộ phim của Trung Quốc là Upstream trên Netflix, và đây là lần đầu tiên tôi xem phim xã hội Tàu mà không phải là dã sử. Dù bộ phim không đạt mức là tuyệt đối điện ảnh theo chuẩn mực của tôi, nhưng câu chuyện và thông điệp là tương đối ấn tượng với những ai đang sống và làm trong ngành công nghệ. Bộ phim thực sự vô cùng đúng chất "Đời" mà có lẽ ở một phiên bản cao cấp nào đó phim Trấn Thành nếu làm được cũng sẽ chạm đến nhiều người trong xã hội ta.
Hãy cùng tôi đi nhanh vào nội dung câu chuyện, và cùng phân tích thông điệp giữa phim và đời nhé.
Đọc thêm góc nhìn của tôi về một của phim Trấn Thành ở đây 👇
Bối cảnh câu chuyện
Cao Chí Luỹ, một lập trình viên già, sau hơn hai chục năm cống hiến cho một doanh nghiệp công nghệ, bị sa thải. Anh là trụ cột gia đình, cần kiếm tiền nuôi vợ và con nhỏ, cùng bố mẹ già. Anh cũng cần phải trả góp tiền nhà hàng tháng do mua vay ngân hàng. Khó khăn chồng chất khi anh không thể xin được việc do quá tuổi, và anh không còn cách nào khác phải đi chạy làm shipper. Và từ một kẻ xây dựng hệ thống, giờ anh phải chật vật hạ cái tôi xuống để kiếm đồng tiền từ khách hàng, cũng như xin bí kíp từ những người shipper khác để có thể leo rank thi đấu trong chính hệ thống công nghệ do những người như anh tạo ra.
Chất đời của phim
Bộ phim có màu u tối và hiện thực của các bộ phim xã hội xưa, nhưng lại vô cùng hiện đại, khiến cho những người như tôi ngay lập tức nhìn thấy một viễn cảnh có lẽ đang diễn ra ở Đại Lục (tôi chưa đi Trung Quốc, và đang rất tò mò không rõ thực tế ở đó có giống như phim không). Câu chuyện của phim cực kỳ quen thuộc với những người đang kiếm cơm và là trụ cột gia đình như tôi.
Phim từ từ kéo chúng ta vào một viễn cảnh ác mộng của mọi gã đàn ông có bằng cấp và làm văn phòng: mất việc, không kiếm được tiền, sống với bố mẹ già, bị các cụ nguyền rủa, phải đi làm việc chân tay ở tuổi ngoài 30.
Những tình huống địa ngục trần gian được thể hiện nhanh chóng: Bố già cố gắng quá sức nên đột quỵ và cần thêm tiền chữa trị, con cái dù cố gắng nhưng không được theo học trường quốc tế, bật khóc khi vợ mắng vì dám giấu vợ khi bị đuổi việc, xin nợ tiền nhà nhưng bị chửi, đi xin việc với những cậu thanh niên trẻ măng và bị chê là quá già...
Từ một dân văn phòng sẵn sàng bực bội và to tiếng với shipper, anh ngậm ngùi khoác áo shipper và làm lính mới ở đơn vị có của người shipper bị anh to tiếng. Chưa kể, từ một người trưởng bộ phận bị đuổi việc, anh giờ khoác áo shipper và giao đơn cho mấy cậu lính mới trẻ măng tại cơ quan đã đuổi mình, và bùi ngùi nhận tiền boa từ nhân viên cũ,...
Và còn đó ti tỉ những tình huống tréo nghe, thử thách khi làm shipper: bản đồ đểu, biển chỉ dẫn sai, khách bom hàng, khách giục đơn, khách không nghe máy,... mọi thứ ảnh hưởng đến tốc độ đều đánh thẳng vào kinh tế, khiến cho mọi hy sinh có thể đổ xuống sông xuống bể, ...
Với những cú đánh đau đớn và đầy thương cảm thế này, nửa đầu phim tạo ra một nam châm ghê gớm về sức hút, khiến cho người xem ngày càng chìm sâu xuống những bi kịch đang đổ dồn dập lên đầu nhân vật. Và khi nỗi đau càng thấm, sự liên kết, đồng cảm càng tăng, đấy là lúc tuyệt vời để đưa ra những phép màu của cuộc sống.
Cú lật và thông điệp
Bộ phim đưa ra một vấn đề mới và chân thực, và cũng có cách giải quyết nó khéo léo, nhưng chưa triệt để. Đấy là lý do vì sao tôi không xếp hạng nó quá cao về điện ảnh.
Số phận nhân vật chính cuối cùng cũng tốt lên, nhưng câu chuyện của anh ta không quá thú vị bằng bức tranh xã hội mà bộ phim đã kể ra.
Dưới đây là một số chi tiết nhỏ trong phim đáng suy ngẫm mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn.
Chúng ta đều có thể bị thay thế
Nhân vật chính bị đuổi việc, dù làm việc chăm chỉ, có thành tích trong nhiều năm, làm đến béo phì cả người, và mang bệnh tật.
Anh ta hẳn là nghĩ công việc sẽ đủ để nuôi anh mãi, anh đã đặt cược cả gia đình vào đó, với gánh nặng tài chính khi vay ngân hàng mua nhà, con học trường quốc tế,...
Từ người con lý tưởng của một gia đình kiểu châu Á (con trai trưởng duy nhất, có bằng đại học tử tế, có nghề nghiệp xịn,...), anh trở thành nỗi nhục của gia đình khi mất việc.
Từ một nhân viên cống hiến có tâm, hy sinh thời gian và sức khoẻ cho sứ mệnh của tổ chức, anh bị vứt ra đường khi công ty có người mới trẻ hơn, cày trâu hơn anh.
Cơn ác mộng chưa dừng lại...
Anh đi xin việc với những đứa bằng tuổi cháu mình. Trong ngành IT, dev tuổi càng cao càng bất lợi khi không level up kịp thời. Chẳng ai muốn lead một dev già hơn mình cả, lại còn lương cao nữa.
Chưa kể, nếu công nghệ và chuyên môn của bạn nắm đã lỗi thời, hoặc đơn giản mà là hệ thống bạn là chuyên gia giờ không cần bạn nữa, thì bạn chẳng khác gì lính mới khi phải nhập vào một hệ thống khác.
Công nghệ thay đổi ngày một nhanh, trong khi con người càng già học càng chậm.
Giống như một con lừa già hết sức, bạn sẽ bị thải loại để dành chỗ cho những con khác khoẻ hơn.
Điều này tưởng chỉ đúng với những việc tay chân, nhưng không hề. Nó đúng với cả các ngành đòi hỏi nhiều chất xám nhất, kể cả IT.
Tôi đã từng chứng kiến những dev già nghỉ việc, đi phỏng vấn, bị những lead IT trẻ hơn của công ty mới vặn hỏi, và giáo dục là họ đần lắm, làm mãi ở một chỗ làm một thứ quá lỗi thời, ít việc, và giờ chẳng có tư duy và kỹ năng mới mà công ty mới cần.
Có những người đang dựa mãi vào việc debug và maintain cho một hệ thống đang chạy, và nắm nhiều nghiệp vụ quan trọng không được lưu lại qua tài liệu, mà nằm trong đầu họ. Họ sẽ bất tử khi công ty bất tử, và an tâm ấm chỗ hưởng lương dù không phải còng lưng mỗi ngày.
Nhưng liệu giá trị của họ có còn nguyên khi họ mất đi công việc đó, liệu họ có tìm được công việc mới nếu chẳng may mất công việc này?
Hãy thử đánh giá lại xem công việc của mình là liquid hay illiquid, để biết rằng bạn có đang thực sự an toàn?
Hãy dành thời gian sở hữu những kỹ năng có giá trị, để yên tâm khi mình nghỉ việc, không quá khó để tìm phương án khác.
Hãy chuẩn bị phương án tồi tệ nhất cho bạn từ bây giờ, đừng dồn trứng vào rổ.
Vì cuộc đời ở Việt Nam cũng phũ lắm, nhiều đoạn gần với phim phết đấy.
Điểm mù của những thiết kế sản phẩm
Và có nằm mơ thì nhân vật chính cũng không ngờ, có ngày thì mình phải khoác áo shipper.
Bộ phim đã mô tả quá chân thực những tình huống khó khăn mà shipper gặp phải. Giao thông trên đường phố Bắc Kinh quả thật diễn ra với một tốc độ nghẹt thở, và nhịp sống nhanh và gấp gáp đó còn được đẩy nhanh hơn với cơ chế tính điểm thời gian giao hàng.
Mình đoán là tài xế Grab và Be Việt Nam hiện chưa bị tính thời gian chặt như thế này. Từng đơn hàng bị chậm hơn so với tốc độ chung sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương, từng đánh giá tệ đều đau như những bản án phạt 05 triệu mỗi khi vượt đèn đỏ vậy.
Shipper bị đẩy vào một cuộc đua hối hả để hài lòng khách hàng, thậm chí còn bất chấp rủi ro. Họ là một trong những nhóm người dùng của chuỗi sản phẩm, nhưng không phải là người để app cần làm hài lòng. Họ là nô lệ của app, và app hoàn toàn quyết định cuộc sống công việc của họ.
Một trong những tình huống tréo ngoe khiến mình ấn tượng nhất, đấy là khi app bắt phải kiểm tra khuôn mặt cười theo đúng tiêu chuẩn của ngành ship, ngay sau khi nhân vật chính vừa bị ngã xe và giao đơn trễ. Hình ảnh nụ cười gượng gạo, cố gắng mấy cũng bị méo xệch và không thể lừa được thuật toán nhận diện khuôn mặt, để rồi bị khoá app vài ngày, thật đúng là tột cùng đau khổ.
Hình ảnh này nó quá ám ảnh, vì ngay thời điểm này chúng ta bây giờ gửi tiền hơn 10 triệu đều phải nhận diện khuôn mặt. Không phải app nào và người dân nào cũng set-up việc đó được dễ dàng.
Hẳn đã có nhiều cơn đau được trải qua và dập tắt...
Nghe nói sắp tới chúng ta sẽ phải nhận diện khuôn mặt cho mọi giao dịch...
Nhưng ở ngoài kia, phim có cho thấy rằng shipper có thể bị bắt phải cười thật tươi mới được nhận tiền, và cười đều đặn.
Không rõ logic này có thật sự tồn tại ở Trung Quốc không, nhưng thật sự nó nói lên một thực tế có thật ở các nước châu Á như chúng ta...
Đấy là có những tính năng và logic được sinh ra không phải để giải quyết đau khổ của người dùng, mà là để gây thêm khổ đau dẫu cho đằng sau là những mong muốn tốt đẹp của ai đó.
Và những logic đó được thiết kế có lợi cho một bên nào đó, bất chấp sự đánh đổi của bên còn lại.
Mọi đơn hàng cần phải ship nhanh hơn để có lợi cho người đặt hàng, dù shipper có thể không đủ khả năng đáp ứng.
Những tuyến đường sai địa chỉ, những vấn đề logistic ngoài app như đỗ xe, tắc đường, phạt đèn đỏ,... không nằm trong thiết kế.
Người thiết kế sản phẩm ngồi văn phòng và tưởng tượng ra một cuộc đua chuột ấy, để rồi khi họ già và hết đát, họ phải tham gia cuộc đua do chính họ tạo ra.
Đây không phải là tuyệt đối điện ảnh.
Nhưng nó là tuyệt đối thông điệp.
Vì nó có tính chất vòng lặp, luân hồi và vô cùng đạo lý (đạo lý của karma).
Lao động là vinh quang
Khi người ta ở dưới đáy vực, thì chẳng có đường nào thoát ngoài việc bò lên.
Và Cao Chí Luỹ đã dần bò lên từ đáy vực, dù theo logic mình chẳng tin có người đàn ông 40 tuổi có thể đánh bại các cậu nhóc trẻ hơn trong mấy việc cần chân tay và thể lực.
Một chi tiết thú vị đấy là dù shipping mệt mỏi, nhưng Cao Chí Luỹ đã dành thời gian vẽ lại bản đồ đường phố theo con đường thực tế của các shipper. Đây là các con đường ngầm, ngõ nhỏ,... chỉ các shipper hạng cao mới biết, và nhân vật chính của chúng ta đã tự xây một ứng dụng dựa trên những thứ mà dân văn phòng ngồi dùng vệ tinh chiếu đường sẽ khó mà biết.
Thôi thì cứ tạm là chấp nhận ngây thơ vì nghệ thuật (suspension of disbelief), nhưng mình khá chắc ông nào chạy xe xong về còn lâu mới có sức để code tiếp ứng dụng.
Nhưng cái hay ở đây là do ông code này kiêm luôn shipper, nên việc onboarding users khá dễ dàng. Độ thấu cảm của ông với user lái xe phải nói là tuyệt đối. Ông có thể dễ dàng tiếp cận và code nhanh cho cả đơn vị ông dùng.
Ông cũng khéo léo xây một mini app trên ứng dụng chat quốc dân của Trung Quốc, cứ như là Zalo mini App của chúng ta vậy.
Một người có bộ skill đa năng như thế thì làm quái gì thất nghiệp được cơ chứ 😭.
Vĩ thanh
Tuy nhiên, một điều ai cũng phải ghi nhận, đấy là dù thiết kế hệ thống có thế nào, thì sự chăm chỉ cố gắng luôn xứng đáng được tưởng thưởng để hệ thống có thể chạy tốt.
Và những shippers cũng vẫn có thể giàu được, nếu chiến thắng được những trò chơi hệ thống của những tay văn phòng thiết kế ra nó.
Và thay vì bực mình với shipper vì hẹn xuống lấy đơn mà xuống rồi vẫn chưa thấy họ đâu, có lẽ tôi sẽ cần thông cảm hơn với họ.
Ai cũng mưu sinh cả thôi mà, dân văn phòng như tôi hay họ.
Đằng sau từng phút đến muộn của họ, hay sự sai lệch về thời gian, thì cũng chỉ là nỗ lực chạy deadline giống tôi mà thôi.
Tôi muốn nhận đơn nhanh thì họ cũng muốn giao nhanh để nhận đơn khác.
Cổ cồn trắng hay xanh, thì rút cuộc thì tất cả chúng ta đều là những con chuột chạy trong hệ thống mà thôi.
Đọc thêm
Đừng quên đăng ký blog chính của tác giả ở đây
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất