Có được tên tuổi ở thập niên 1950, nghệ sĩ dương cầm Glenn Gould đã bắn nhạc cổ điển vào các bảng xếp hạng bằng cách thể hiện đầy sáng tạo, giàu năng lượng của mình các tác phẩm của Bach và Beethoven, cùng với sức hút của tâm thế phản anh hùng. Từ giã ánh đèn sân khấu ở tuổi 33, Gould đã quy ẩn ở ngôi nhà của ông ở Toronto và vào chính mình. Giờ đây, ba thập kỷ (ND: 2012) sau khi ông qua đời, đời sống riêng tư của Gould đón nhận tiếng huyền thoại không thua gì các bản thu của ông.
Hàng năm, hàng trăm lượt du khách hành hương đến tòa nhạc theo phong cách Art Deco khác thường có tên gọi Park Lane Apartments ở công viên Deer, Toronto. Họ đến để bày tỏ lòng tôn kính với Glenn Gould quá cố, một trong những nghệ sĩ biểu diễn dương cầm và soạn nhạc nổi tiếng nhất – và là một người quái gở và vô cùng kín tiếng.

Gould dọn đến sống ở Park Lane Apartments năm 1960 và sống ở đó đến khi ông qua đời năm 1982, ở tuổi 50. Căn hộ cao cấp 902 là ngôi nhà “trưởng thành” đầu tiên của ông; cho đến tuổi 28, ngôi sao quốc tế đã chọn sống với gia đình ở Beach, khu ngoại ô cho giới trung lưu ở Toronto. Dù không có ý nghĩa kiến trúc quan trọng, tòa nhà – nhất là căn penthouse ở tầng 9 – lại là nơi mà Gould có thể thật sự sống cuộc đời nghệ sĩ mà không khán giả.
Nhiều người xem thành tựu âm nhạc quan trọng nhất của Gould là bản thu năm 1955 của biến tấu Goldberg, sáng tác của J.S. Bach, một tác phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao dành cho piano, viết ban đầu cho harpsichord. Album là một trong những tác phẩm cổ điển ghi âm bán chạy nhất lịch sử âm nhạc, làm fan của Bach lẫn Gould phấn khởi và cải đạo cho cả một lớp khán giả mới bước chân vào nhạc cổ điển. Năm 1964, Gould quyết định không bao giờ còn muốn trình diễn trước công chúng, một tâm thế mà ông giữ đến cuối đời. Nhưng ông lại tiến hành ghi âm hơn 50 album, bao gồm phiên bản thứ hai của biến tấu Goldberg (ND: năm 1981), phát hành trước khi qua đời. Album lại là một thành công thương mại khác.
Gould đạt đến địa vị siêu sao ở Canada, cạnh tranh với danh tiếng Leonard Cohen (người sinh sau mình chỉ hai năm trong nước Canada hậu đại khủng hoảng). Cả hai nghệ sĩ dành được danh tiếng quốc tế và không muốn tự bó buộc mình vào duy nhất một biểu đạt nào. Nhưng trong khi Cohen lưu diễn thế giới, thậm chí còn sống ở nhiều quốc gia khác nhau, Gould vẫn ở tại quê nhà. Ông đến New York để ghi âm và trình diễn cho đến khi công bố ngưng tham gia biểu diễn và rằng sẽ chuyển mọi hoạt động ghi âm về Toronto, chủ yếu vì ghét đi máy bay. Vào thời điểm khi hầu hết nghệ sĩ và tác giả rời bỏ Canada, việc Gould không có máu tha hương là một phần nguyên nhân ông được xem là một anh hùng dân tộc. Và ông còn có một nét quyến rũ riêng có: Gould là một phản anh hùng hướng nội, với phẩm chất không bao giờ biết khoan nhượng. Ông còn có hấp lực giới tính, bất chấp những chuyện kể về bệnh tật và một sự vô tâm dành cho tất cả mọi thứ khác ngoại trừ âm nhạc.

Ngày nay, một sự tri ân nho nhỏ dành cho Gould đã được cất lên ngay trước tòa nhà căn hộ của ông ở Deer Park, tóm lược sự nghiệp của Gould. Đám đông bỏ qua những tư liệu ghi âm vô tuyến phá cách, sự sâu sắc trong cảm xúc mà ông khơi dấy ở hàng ngàn người đã mua và lắng nghe ông trình diễn: những người ủng hộ và đồng cảm với hội chứng Asperger, người đồng tính, những người yêu thích vô tuyến và những người Canada yêu nước nằm trong số nhiều nhóm hâm mộ đã tự hào rước xem Gould (đúng hoặc trật lất) là người ủng hộ mình. Ông là chủ đề cho một truyện ngắn Glenn Gould cùng tên của Lydia Davis, và cũng là một trong những nhân vật chủ chốt trong tiểu thuyết The Loser của Thomas Bernhard. Ông thậm chí còn truyền cảm hứng cho một tập Simpsons.
“Tôi thu thập tài nguyên cho tâm trí mình từ bên ngoài,” Gould từng tuyên bố, nhưng ông lại trứ danh với hình ảnh chuột chũi lầm lũi trong nhà, màn sẫm kéo rũ và một kệ sách chắn ngang cửa sổ phòng ngủ. Theo Kevin Bazzana, một người viết tiểu sử Gould nổi tiếng, tác giả quyển Wondrous Strange, Gould sử nhiệt độ sưởi trong phòng luôn ở mức 27 độ C và cửa số niêm chặt, quanh năm suốt tháng. Để tránh vi khuẩn, ông thường quấn khăn tay quanh miệng và không chịu uống nước vòi. Khi đi bơi, ông nhất quyết phải mang găng tay cao su dài quá chỏ. Cùng một lý do, ông thường nhúng tay vào nước nóng suốt 20 phút trước mỗi buổi diễn. Và ông thích ăn vặt, trong khi lò và bếp vẫn giữ gần như mới, với trợ giúp từ bánh Ritz, nước canh và cà phê không caffeine. Khách đến thăm nhà có thể biết trước sẽ được mời bánh quy sắn dây và cà phê làm từ nước vòi.
căn nhà thời nhỏ của Glenn
Bà Florence Gould, mẹ ông, người đầu tiên phát hiện ra con trai mình có nhận dạng nốt hoàn hảo khi mới 3 tuổi, chính là người dạy piano duy nhất cho Gould đến khi 10 tuổi. Sau đó, ông học tại nhạc viện Toronto với Alberto Guerrero, người chịu trách nhiệm lớn nhất cho kỹ thuật chấm phím đặc trưng của Gould. Cây piano ưa thích của ông là một cây Chickering loại baby grand chế tạo năm 1895, trở thành cây đàn lý tưởng của nghệ sĩ – một tiêu chuẩn luôn đeo bám ông mỗi khi bắt gặp những cây piano khác nhưng không sao giống với cây này. Ông nhắc rằng, “Nó không giống với bất cứ cây piano đời mới nào khác trên thế giới, một cây piano vô cùng thấu đáo, và một sự gần gũi quá đỗi gần như của một cây harpsichord.” Cây Chickering về sau được đặt đối lưng với một cây baby grand khác trong phòng khách. Suốt sự nghiệp, ông luôn đòi hỏi sự gần gũi của cây Chickering, đến mức giải phẫu thay thế các cây piano khác để tái hiện nó. Một trong những người chỉnh dây cho Gould ở Toronto giải thích rằng, “Ông ấy thích bấm phím rất khẽ… Phím bấm thông thường sẽ nhún chừng 1 centimet. Ông ấy chỉ muốn phím nhún nửa centimet, nhưng lại luôn, luôn luôn, thử nghiệm, đổi ý, và điều này thay đổi xoành xoạch mỗi ngày.”
Gould cũng cụ thể không kém về ghế sử dụng. Năm 1953, cha ông sửa một chiếc ghế gấp để cậu bé Gould ngồi, bằng cách cắt bỏ đi 10 centimet chân. Nếu ghế piano chuẩn sẽ cách mặt đất nửa mét, ghế của Gould chỉ cách 35 centimet, tạo cho ông một giao tiếp hoàn toàn khác với phím đàn, và một dáng ngồi kinh khủng. Ông đi khắp mọi nơi với cùng chiếc ghế này và chiếc ghế vẫn còn dùng ở một cây đàn ở nhà. Một số bức ảnh chụp cho thấy Gould ngồi thoải mái trên ghế mà đệm lót đã bong cả ra ngoài. Khi chiếc đệm không còn sử dụng được nữa, Gould vẫn tiếp tục dùng chiếc ghế, giữ thăng bằng trên một thanh ngang bằng gỗ duy nhất.
Glenn thời thơ ấu
Rõ ràng là, ông ấy kém tỉ mỉ về chỗ nội thất còn lại trong nhà, mà người ta kể lại đều là hàng đã qua sử dụng hoặc chẳng có gì đặc sắc. Do chỉ còn ít ỏi ảnh chụp, căn hộ của Gould chỉ có thể được tái hiện theo lối pháp y, chắp ghép lại với nhau dựa trên những bức ảnh và vài giai thoại lưu truyền. Các chi tiết về chỗ Gould sống soi rọi nhiều về lối sống của ông: cách ông xoay sở, tự an ủi và trình diễn khi không ai quan sát. Khi ông bị bế tắc ở piano phải sử dụng một cây piano không hợp với mình, liều thuốc ông chọn là dùng tâm trí chuyển mình trở về căn hộ 902. Ông giải thích: “… Tôi ngồi trong xe băng qua một đụn cát và quyết định hình dung tôi đang ở trong phòng khách … và trước hết là tưởng tượng ra phòng ấy, vốn cần chút sức lực vì tôi đến lúc này đã rời khỏi nhà 3 tháng trời, và tôi cố hình dung xem mọi thứ đang ở đâu trong phòng, và rồi mường tượng ra cây piano, và … nghe có vẻ giống mấy món của thuật sĩ du già (yoga), tôi chưa từng làm gì như những mô tả như vậy hay cách nào mô tả chính xác về chuyện đó trước đây … nhưng cách này lại giúp ích được cho tôi.”
Trên hình chụp, một căn phòng nhòm như một kho lưu trữ với hàng đống tài liệu chưa xử lý, nhưng đó lại là kết quả của một trạng thái mặc định: không thể lau dọn, phân loại hay bỏ đi. Một tấm ảnh khác chụp căn phòng này cho thấy một tượng Grammy dùng làm chặn giấy, đang chông chênh sắp rớt bật ra. Những tệp hồ sơ màu vàng, vương vãi khắp phòng và được tìm thấy sau khi ông chết, cho thấy cảm giác của Gould về trật tự sinh hoạt ra sao. Hầu hết những gì chứa bên trong là những danh sách cưỡng chế. Gould ghi chép lại rất nhiều chức năng khác nhau, duy trì những danh sách liên quan đến thị trường chứng khoán, thức ăn, các triệu chứng xảy ra với cơ thể, và các kế hoạch tương lai.
Với người hâm mộ và nhiều nghệ sĩ cùng thời, sự quái gở của Gould là bằng chứng cho thiên tài của ông, nhưng cách của ông không làm đẹp lòng tất cả đồng nghiệp. Chẳng hạn, có những chỉ huy phàn nàn về thói quen dùng tay trái chỉ đạo dàn nhạc trong khi tay phải đang đánh. Gould biện minh cho thói kiểu cách của mình trong một phỏng vấn tiến hành năm 1974 với tờ Rolling Stone, khẳng định rằng chỉ đạo ấy “thuần túy là một vấn đề cá nhân giữa tay trái và tay phải của tôi, và tôi không hề thấy vì sao đó lại là chuyện người khác phải bận tâm.” Khi hầu hết những người viết tiểu sử đều gán các bệnh chứng của Gould là bệnh tưởng, ai cũng biết Gould bị đau lưng và cao huyết áp cũng như sự lệ thuộc quá mức vào thuốc kê toa. Tủ thuốc của Gould bao gồm Diazepam, Fiorinal, tetracycline và rất nhiều loại thuốc ngủ do nhiều bác sĩ khác kê toa. Để bảo vệ danh tiếng của mình, Gould khăng khăng rằng, “Tổ hợp thuốc men này của tôi luôn bị phóng đại trầm kha. Vì sao, một phóng viên đã viết rằng tôi đi diễn với cả một vali đầy thuốc. Thực ra, chúng đã đầy đâu.”
Ngày nay, ông nhiều khả năng sẽ nhận được chẩn đoán đau cơ toàn thân, giải thích cho nhiều triệu chứng tưởng chừng chẳng có chút gì liên quan, chẳng hạn nỗi âu lo thái quá về các vấn đề sức khỏe. Ông đã từng nói những vấn đề với bàn tay của mình là bệnh viêm xơ, một từ đã lỗi thời mà thời đó ít còn ai dùng nữa.

Gould không hoàn toàn đóng khép, bất kể người đòi có nói gì về ông. Ông lui tới nhiều không gian như những gian phụ của căn hộ đang ở, bao gồm một phòng thu tạo riêng ở một khách sạn tại vùng, các studio của CBC và xe hơi. Nhà chép tiểu sử Kevin Bazzana gọi xe của ông là căn hộ bốn bánh. Ông đặc biệt thích đi ra ngoài vào ban đêm.
Ông giải thích: “Tôi chẳng quan tâm lắm về ánh sáng mặt trời, và màu sáng bất kỳ nào cũng làm tôi thảm não. Tôi lên kế hoạch đi ra ngoài càng khuya càng tốt, và thường xuất hiện bên cạnh lũ dơi và gấu mèo.” (trích The Life and Times of Glenn Gould) Một điểm đến đêm muộn quen thuộc là Fran’s, một nhà ăn mở cửa 24 giờ gần căn hộ. Ông thường ngồi ở cùng một chỗ và gọi cùng một món: trứng, salad ăn kèm, Sanka, nước ép cà chua và kem sherbet vị cam.
Bạn thân của Gould từ chối không xem Gould là lập dị hay lạnh lùng. Họ chỉ đến thói quen sử dụng điện thoại nhiệt thành của ông để nối kết với người khác – đôi khi quá mức – hay những buổi trò chuyện kéo dài đến hai giờ. Ông thích nói chuyện trên điện thoại đến nỗi ông gắn vào xe một trong những đời điện thoại di động đầu tiên có trên thị trường.
Dù thế, kể cả với điện thoại, Gould vẫn có sự kiểm soát: Ít khi nào ông nhấc máy khi có người gọi, mà chỉ muốn nói khi ông là người bắt chuyện. Mô tả của Gould trong căn hộ ông sống ở Park Lane thoạt nghe có vẻ giống như số phận của một thiên tài thất bại hay một gã độc thân không phương hướng, nhưng người ta có thể nói rằng ông đã miệt mài nghiên cứu về truyền hình và vô tuyến, hai thứ ông quan tâm sau khi chấm dứt trình diễn. Và Gould trong giai đoạn này vừa thành công lại vừa phong phú sức sáng tác. Dù có những bình luận khinh rẻ về truyền hình nói chung, ông vẫn có những chương trình truyền hình yêu thích: Vào thập niên 70, ông là một khán giả trung thành của The Mary Tyler Moore Show. Ông thường xem truyền hình khi đồng thời nghe hai chương trình vô tuyến khác đang phát sóng. Ông tin rằng “chúng ta có thể làm nhiều việc cùng một lúc”, suy nghĩ đã dẫn dắt cách ông sống, sáng tác, và về sau, những chương trình vô tuyến thể nghiệm của Gould.
Gould đã chọn sự cô độc làm chủ đề của chương trình phát thanh vô tuyến đầu tiên của mình, tên gọi The Idea of North, phát trên CBC năm 1967. Ông bị sự cô độc hoàn hảo đến cực đoan thu hút, và xem những thỏa hiệp của riêng mình – chẳng hạn, xem truyền hình – là những yếu kém. Ông xem bản thân là một ẩn sĩ, dù sự xa lánh thế gian của ông không trọn vẹn. Trong quá trình thực hiện tư liệu, ông đã bày tỏ sự sùng kính dành cho lối sống khổ hạnh đích thực.

Bản thân Gould không thể đạt đến cùng cực ấy, một phần vì ông không thể tự chu cấp cho bản thân. Nhưng ông cảm thấy bị sỉ nhục vì chưa lần nào được mời tham gia chương trình vô tuyến Hermit’s Choice. The Idea of North đầy tính cách mạng, áp dụng những nguyên lý âm nhạc vào quá trình thực hiện. Gould đưa ra khái niệm “vô tuyến đối âm” để mô tả phong cách mới này. Vô tuyến đối âm lấy cảm hứng từ nhạc đối âm trong đó nhiều giai điệu độc lập được diễn cùng lúc. Với The Idea of North, Gould phỏng vấn năm người về các chủ đề của cô độc, và bắc Canada, chen giọng nói với âm thanh ambient. Ông tiếp tục cách làm này với The LatecomersThe Quiet in the Land; ngày nay, những chương trình này đã gộp thành Bộ ba Cô độc – The Solitude Trilogy.
Glenn Gould bị đột quỵ chỉ hai ngày sau sinh nhật thứ 50 của mình và qua đời vào ngày 4 tháng 10, 1982. Sau nhiều năm kiểm soát những gì xung quanh mình, nơi an nghỉ sau cùng của ông – Nghĩa trang Mount Pleasant – được du khách và người hâm mộ địa phương trang hoàng hàng tuần bằng những món trang trí từ hoa cúc và hoa hồng Gerbera đến những hình nhân và đá. Bia mộ của ông không viết từ ngữ mà bằng nốt nhạc. Chúng đang phai nhạt theo thời gian, nhưng đó cứ vẫn là ba ô nhạc đầu tiên của biến tấu Goldberg. Dù người hâm mộ vẫn đổ đến nghĩa trang, nó không thể nào sánh được với căn hộ nơi ông từng sống khi nói đến con người rất đỗi riêng tư này. Nhưng đấy chính là nơi duy nhất mà người hâm mộ có thể đặt chân vào. 
Tác giả bài viết gốc: Hagit Hadaya