Có một số bạn có một số ý kiến phản biện về cách mà bạn GogoTV làm và nghi hoặc video bạn này kêu ca về cái xe là có đúng không, và nếu đúng thì có phải trách nhiệm của Vin phải giải quyết không. Có hai ý kiến mình thấy như sau:

1. Bạn này đi độ xe, bây giờ nó hỏng thì ăn vạ: Nếu như bộ phận hỏng nó không liên quan đến bộ phận độ, thì trách nhiệm để sửa bộ phận hỏng vẫn là trách nhiệm của nhà sản xuất. Ví dụ: mình đi dán đèn vào xe cho nó nhấp nháy là có độ xe lên. Một ngày đẹp trời cái động cơ nó hỏng, thì nhà sản xuất không thể nào đi phủi tay chối trách nhiệm cho cái động cơ vì thấy mình độ đèn được, vì rõ ràng cái đèn nhấp nháy của mình không thể nào làm cho động cơ hỏng. Trách nhiệm chứng minh là hỏng vì độ là trách nhiệm của nhà sản xuất, chứ người tiêu dùng không có trách nhiệm phải chứng minh ở đây.
Tôi từ chối bảo hành vì chiếc xe này đã bị độ
Ở Mỹ, người ta có những vụ án nổi tiếng về vụ từ chối bảo hành như thế này rồi, và phần thắng về phía người tiêu dùng. Sau đó, vụ án này được làm thành luật toàn nước Mỹ, gọi là Luật bảo hành Magnuson–Moss [1]. Ủy ban Mậu dịch liên bang (FTC) chính phủ Mỹ có hẳn một trang để nói về vấn đề độ xe bằng các bộ phận không chính thống [2], mình dịch ra như sau:
"Dùng bộ phận của hãng không chính thống, hoặc dùng bộ phận tái chế lại từ xe cũ có làm cho bảo hành hết hiệu lực không?
Không. [...] Nếu như đồ không chính hãng hay đồ lấy từ xe cũ mà bản thân nó hỏng, hoặc được cài đặt không đúng cách, và chính việc này làm cho bộ phận khác đang có bảo hành hỏng, thì nhà sản xuất hay nhà phân phối có quyền được từ chối bảo hành và có thể yêu cầu bạn phải trả tiền để sửa. Ủy ban Mậu dịch liên bang yêu cầu nhà sản xuất hay phân phối phải đưa ra được bằng chứng rằng chính bản thân bộ phận không chính thống hay tái chế là lý do xe phải đi sửa, trước khi được từ chối yêu cầu (bảo hành của người tiêu dùng)."
Hiểu biết này là thông lệ quốc tế và các hãng xe không phải là ngoại lệ. Mình nghĩ là ở nước có nền luật pháp không được rõ ràng như Việt Nam, thì người tiêu dùng càng phải biết quyền lợi chính đáng của mình. Tiền bỏ ra mua xe, mua đồ là mồ hôi nước mắt của ta, không thể để người ta nói cái lý do gì để từ chối trách nhiệm của họ cũng gật gù chịu. Ta đi từ chối quyền lợi chính đáng của người khác thì đến khi dịp khác ta bị từ chối quyền chính đáng của ta, ai sẽ đi bênh ta đây?

Ở trong trường hợp cụ thể này, bạn có thấy Vin đi chứng minh rằng bạn này độ cái gì làm cho cái xe nó treo, cái cần gạt nước nó gạt lung tung, cái xi nhan nó hỏng không? Hay họ đã đổ vấy lên, chụp mũ cho nhữn gì bạn chủ xe này phàn nàn là "không đúng sự thật và gây hoang mang" mà không đưa ra một bằng chứng cụ thể nào?

2. Bạn này đi cắt ghép, có vẻ có điều gì mờ ám, muốn giật tít câu view: Bạn phải tự hỏi xem rằng bạn ấy có thể đã nghĩ gì khi làm video này. Bạn này là một người lái xe Grab cũng như mình, trên răng dưới cát tút, có gì nói đấy. Bạn ấy bỏ cả gia sản ra để mua được một cái xe ô tô, nó chạy cà chớn. Bạn ấy đi thông báo với hãng thì họ không nghe, nên bạn ấy chỉ có cách duy nhất là đi kêu cứu trên Youtube. Ý tưởng lúc ấy của bạn ấy không phải là quay video làm bằng chứng là mình đi ra toà mà phải quay kín kẽ không có sơ hở gì. Khả năng dễ xảy ra hơn là bạn ấy muốn làm cho ai đó nghe thấy tiếng kêu cứu trong tuyệt vọng. Thử nghĩ trong trường hợp bạn, nếu ta bỏ tất cả tiền bố mẹ phải dành dụm cả đời để mua cho hy vọng là sẽ làm ăn được mà lỗi lên lỗi xuống không dùng được thì cũng sẽ làm y như bạn ấy thôi.

Mình đã nói ở post trước rồi, nhưng post này mình nhắc lại, dưới kinh nghiệm đã từng đi chạy Grab nhiều của mình, những gì bạn GogoTV nói không có gì là đáng nghi không thể xảy ra cả. Nhưng ngay cả những kêu ca này đáng nghi, thì một người biết suy nghĩ sẽ phải tự đặt câu hỏi là ai ở đây là người nên được tin hơn.
Với những gì mà mình được biết, bọn mình làm trong ngành phần mềm phần cứng, nhiều khi có những cái lỗi rất khó để làm lại được. Phải đúng một điều kiện nhất định, một phần cứng nhất định, ngày hôm ấy 7 7 49 chòm sao trên trời nó phải cân thẳng hàng thì lỗi nó mới diễn ra, phần mềm mới treo đơ. Thế nó mới gọi là lỗi khó. Trong cái xe càng như vậy, có những lỗi đi hàng triệu km trên hàng triệu chiếc xe mới thấy một lần. Mình thấy nó rất khó có khả năng xảy ra không phải là nó không xảy ra, có những lỗi mình phải theo dõi hàng tháng, hết ngày này tới ngày khác mới hiểu được tại sao nó xảy ra và điều kiện nào thì nó mới xảy ra. Làm việc như vậy phải luôn giữ thái độ trung dung, điềm tĩnh, thận trọng, luôn nghĩ rằng mình rất có thể có sai, có lỗi, có sơ hở. Nhưng ngay cả mình không thể nào hiểu nổi vấn đề, thì thái độ của mình là gì? Cùng lắm là mình sẽ nói rằng "Tôi chịu không thể nào làm gì để nó ra cái lỗi bạn đã gặp," chứ mình không bao giờ nói rằng "Gã cà chớn này nó bịa ra lỗi này để làm hoen ố hình ảnh của tôi."

Vì vậy, nếu chưa biết ai phải ai trái, thì người dùng luôn được ưu ái. Với tư cách người làm phần mềm, nhà sản xuất thì phải thận trọng, phải làm hết sức mình để hiểu được ngọn ngành vấn đề chứ không được kết luận đổ tội cho người ta. Việc này sẽ là việc để phân biệt người trưởng thành chín chắn, và một ông ngựa non háu đá, bao giờ mình cũng phải mạnh, phải đúng.

Để làm được những việc đó thì phải có nhật ký, có công cụ mà cái xe nó tự ghi lại để chẩn đoán những lỗi khó này bất cứ lúc nào, không phải chỉ dựa vào video hay mồm người ta nói với mình. Nếu không có công cụ để làm được việc đó thì phải làm ra công cụ để lần sau làm được. Nếu không có công cụ mà đấu nước bọt với khách hàng, dọa dẫm kiện cáo người ta, thì làm việc thế không phải là 4.0 mà là 0.04.