Tại sao đảo Hải Nam không giàu có như Đài Loan? [Phần 1]
Nguồn: https://qr.ae/TZCnzx Trả lời bởi Janus Dongye Qimeng, Hứng thú với lịch sử và địa lý Trung Quốc Dành cho những ai chưa...
Nguồn: https://qr.ae/TZCnzx
Trả lời bởi Janus Dongye Qimeng, Hứng thú với lịch sử và địa lý Trung Quốc
Dành cho những ai chưa biết đảo Hải Nam ở đâu, thì đây là bản đồ.
Cả hai đều khá gần với Trung Hoa đại lục và có kích thước tương đương nhau. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc chúng tôi thích so sánh hai hòn đảo này với nhau.
Câu trả lời này sẽ dài đấy nhé, tôi sẽ giải thích nguyên nhân vì sao đảo Hải Nam không giàu như Đài Loan xét theo các yếu tố lịch sử và địa lý. Sau đó, tôi sẽ thảo luận làm thế nào để chính phủ Trung Quốc có thể thu hẹp khoảng cách kinh tế giữa hai nơi.
ĐÀI LOAN, SỐ PHẬN LỊCH SỬ MAY MẮN HAY BẤT HẠNH?
Giai đoạn I: Đứa con nuôi của Nhật Bản (1895 - 1945)
Năm 1895, chính quyền Nhà Thanh đã bị đế quốc Nhật đánh bại trong cuộc chiến tranh Thanh – Nhật. Nhà Thanh đã phải nhượng lại Đài Loan cho Nhật Bản trong Hiệp ước Shimonoseki (马关条约). Kể từ đó, Đài Loan nằm dưới sự cai trị của Nhật Bản trong vòng 50 năm cho đến năm 1945.
Sau khi tiếp quản Đài Loan vào năm 1895, ban đầu, người Nhật muốn xây dựng Đài Loan thành một trung tâm nông nghiệp để có thể trồng lương thực, nuôi sống đế quốc Nhật Bản (giống như những gì người Anh đã làm với Ấn Độ).
Sau khi chiến thắng chiến tranh Nga – Nhật năm 1905 và chiếm được bán đảo Triều Tiên vào năm 1910, đế quốc Nhật muốn dần dần biến Đài Loan thành một phần lãnh thổ đúng nghĩa của mình (内地延長主義). Do đó, Nhật Bản bắt đầu phát triển Đài Loan một cách nghiêm túc như chính quốc gia của mình.
Vậy trong hơn 50 năm cai trị của Nhật Bản, người Nhật đã làm gì để phát triển Đài Loan?
1. Giáo dục Nhật Bản
Đầu tiên, Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều tiền bạc để loại bỏ văn hóa Trung Quốc và đào tạo người Đài Loan trở thành người Nhật. Vào thời điểm đó, Đài Loan chỉ là một hòn đảo nông nghiệp với khoảng hơn 2 triệu nông dân và ngư dân mù chữ di cư từ Phúc Kiến.
Nhật Bản đã cho xây dựng hàng trăm trường học trên khắp Đài Loan và thực thi chương trình giáo dục bắt buộc đối với trẻ em địa phương. Tất nhiên, bọn trẻ được dạy bằng tiếng Nhật nhằm tẩy não và ủng hộ mẫu quốc. Với hệ thống giáo dục bắt buộc, hầu hết người dân Đài Loan đều có một nền giáo dục cơ bản đàng hoàng, mặc dù chỉ bằng tiếng Nhật.
Đọc thêm:
2. Bùng nổ phát triển cơ sở hạ tầng
Bên cạnh giáo dục, người Nhật cũng đổ một lượng tiền khổng lồ vào Đài Loan để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ nhất, họ cho xây dựng nên một mạng lưới đường sắt và đường bộ gần như hoàn chỉnh trên toàn bộ hòn đảo. Hầu hết các tuyến đường sắt vẫn còn đang được sử dụng cho đến ngày nay.
Người dân có thể đi từ Đài Bắc đến Cao Hùng chỉ trong một ngày vào năm 1920. Đây là một sự cải tiến rất lớn trong ngành giao thông vận tải cũng như nâng cao hiệu suất trên đảo Đài Loan. Trong khi đó, toàn bộ Trung Quốc đại lục chỉ có hai tuyến đường sắt chính là tuyến Bắc Kinh – Hán Khẩu và tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải được xây dựng sau cuộc Khởi nghĩa Nghĩa Hòa Đoàn (1899) với sự tài trợ của các cường quốc phương Tây.
Thứ hai, Nhật Bản đã cho xây dựng nên một loạt các nhà máy điện than và nhà máy thủy điện trên khắp Đài Loan. Một vài nhà máy vẫn đang được Đài Loan cải tiến và sử dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, ở Trung Quốc lại không có một nhà máy thủy điện nào và rất ít nhà máy điện than vào thời điểm đó.
Thứ ba, người Nhật đã cho xây dựng một hệ thống hồ chứa và kênh rạch trên khu vực đồng bằng Gia Nam. Nhờ thế, những người nông dân Đài Loan không còn phải hứng chịu những đợt lũ lụt nghiêm trọng nữa. Năng suất cây trồng đã được nâng cao đáng kể nhờ hệ thống tưới tiêu có kiểm soát cùng với công nghệ canh tác hiện đại nhất thời bấy giờ được mang đến từ Nhật Bản.
Đọc thêm:
Thứ tư, Nhật Bản đã thiết kế lại toàn bộ các thành phố lớn ở Đài Loan. Đường phố và các tòa nhà được quy hoạch dựa trên lý thuyết thiết kế đô thị châu Âu, cùng với những cải tiến giúp mạng lưới đường bộ thân thiện với xe hơi trong tương lai.
Điều trớ trêu là hầu hết các tòa nhà của Nhật vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay, nhưng chính phủ Đài Loan hiện tại lại làm chúng mất đi vẻ đẹp vốn có.
Cách quy hoạch đường phố này khá phổ biến ở châu Âu, chẳng hạn như Barcelona.
Thứ năm, người Nhật đã xây dựng rất nhiều cảng biển và sân bay tại Đài Loan nhằm thúc đẩy giao thương giữa các thuộc địa. Họ đầu tư mạnh vào hai cảng lớn của Đài Loan: Cơ Long và Cao Hùng. Sơ đồ bản vẽ của hai cảng đã được tạo nên bởi người Nhật và sau đó được hoàn thiện và mở rộng trong thời cai trị của Tưởng Giới Thạch.
Thứ sáu, Nhật Bản đã giúp phát triển nhiều ngành công nghiệp nhẹ bao gồm chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng v.v tại Đài Loan. Nhiều ông trùm và gia tộc trong giới thượng lưu Đài Loan đã nổi lên từ thời kì này, hậu duệ sau này của họ vẫn có tầm ảnh hưởng đến chính trị Đài Loan ngày nay.
Phần 2:
Để xây dựng những công trình đồ sộ như vậy, Nhật Bản sẽ phải cướp đất của người dân và bắt giữ những kẻ phản đối. Đúng, như thế là độc tài nhưng lại hiệu quả. Những điều trên mang lại cả tác động tích cực lẫn tiêu cực đến Đài Loan. Tất nhiên, do sự nhạy cảm chính trị của cuộc chiến tranh xâm lược, cả Trung Hoa Dân Quốc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đều tập trung vào mặt tiêu cực của đế quốc Nhật trong hệ thống giáo dục của họ.
Nhưng chúng ta không thể chối bỏ một sự thật rằng Đài Loan đã nhanh chóng biến đổi từ một hòn đảo nông nghiệp lạc hậu thành một hòn đảo công nghiệp dưới sự cai trị 50 năm của Nhật Bản. Kết quả là dân số Đài Loan đã tăng từ 2,6 triệu vào năm 1895 lên 6,5 triệu vào năm 1945.
Trong khi đó, ở phía bên kia eo biển, người dân Trung Quốc đại lục vẫn phải chống chọi với những cuộc nội chiến liên miên, nền kinh tế lạm phát và nạn đói hoành hành. Ai lại có thời gian chú ý đến Hải Nam, một hòn đảo đơn thuần chỉ có ngư dân và cướp biển với dân số khoảng 2 triệu người.
Giai đoạn II: Đứa con rơi của Trung Hoa Dân Quốc (1945 - 1949)
Giai đoạn thứ hai của lịch sử Đài Loan bắt đầu vào năm 1945. Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã gần đi đến hồi kết, Hoa Kỳ đã ném bom Đài Loan nhằm phá hoại các ngành công nghiệp trọng yếu trên hòn đảo để đánh bại đế quốc Nhật. Và đây là cuộc chiến duy nhất ở Đài Loan trong thế kỷ XX.
Kết thúc chiến tranh, Nhật Bản đã đầu hàng và phải trả Đài Loan về cho Trung Hoa Dân Quốc. Vào thời điểm đó, mặc dù bị Mỹ ném bom, Đài Loan vẫn phát triển hơn rất nhiều so với bất kỳ thành phố nào của Trung Quốc đại lục.
Đây là một vấn đề đối với Đài Loan. Nó giống như một đứa trẻ từng được nhận nuôi bởi một gia đình giàu có, đột nhiên trở về với gia đình nghèo ban đầu. Vì hầu hết người dân Đài Loan đã được giáo dục bởi văn hóa Nhật Bản (皇民化), họ sẽ ít khoan dung và thất vọng hơn với chính quyền mới nếu họ không quản lý Đài Loan tốt như Nhật Bản.
Thế nhưng, sau năm 1945, Quốc Dân Đảng lại bận rộn chiến đấu với chính quyền Cộng Sản ở đại lục và không thể quan tâm đến Đài Loan. Không may, vào năm 1947, sự kiện bạo loạn 28 tháng 2 đã nổ ra ở Đài Loan, giết hại nhiều thường dân vô tội. Chủ tịch Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch nghĩ rằng vụ việc này được tổ chức bởi phe Cộng Sản vì có rất nhiều cuộc bạo loạn tương tự khác đang diễn ra ở Trung Quốc. Cuộc bạo động nhanh chóng bị đàn áp bằng vũ lực.
Nhưng chỉ 2 năm sau, Quốc Dân Đảng bất ngờ bị Đảng Cộng Sản đánh bại ở đại lục. Tưởng phải rút lui về đảo Đài Loan và mang theo tất cả những gì có giá trị.
Giai đoạn III: Cuộc di cư của Ngoại Tỉnh Nhân (1949 - 1969)
Trong cuộc rút lui năm 1948 và 1949, Tưởng Giới Thạch đã mang hết mọi thứ có giá trị đến đảo Đài Loan. Đó là những gì?
Ước tính có khoảng 1,2 triệu thường dân và binh lính Trung Quốc chuyển đến Đài Loan. Những người này được gọi là Ngoại Tỉnh Nhân (外省人). Hầu hết trong số họ là địa chủ, giới thượng lưu và các nhà tư bản ở Trung Quốc ghét Đảng Cộng Sản. Họ sợ sẽ bị phe Cộng Sản thanh trừng và phân phối lại của cải cho người nghèo, vì vậy họ đã mang phần lớn tài sản của mình đến Đài Loan.
Trong khi đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cũng chuyển toàn bộ lượng vàng trong ngân hàng trung ương đến Đài Loan. Ước tính có đến 163 tấn vàng đã được chuyển đi, chiếm hơn một nửa trữ lượng vàng của Đài Loan ngày nay. Đây là cơ sở cho đồng đô la Đài Loan và nhiều lĩnh vực tài chính khác.
Hơn nữa, mặc dù Đảng Cộng Sản đã tiếp quản Trung Quốc và thành lập nên Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào năm 1949, phe thất bại Quốc Dân Đảng vẫn giữ lại khoản dự trữ ngoại hối 120 triệu USD của Tưởng tại Hoa Kỳ (đồng đô la lúc đó rất đắt). Trong khi đó, phe Cộng Sản lại chẳng có gì. Họ đã phải vay tiền từ Liên Xô để thiết lập nên đồng nhân dân tệ và hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Tưởng cũng mang hầu hết các cổ vật từ Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, các tàu thương mại dọc theo các bờ biển của Trung Quốc, các thiết bị công nghệ, các sơ đồ và bản vẽ nhà máy cùng tất cả các tài sản trí tuệ đến Đài Loan. Hơn thế nữa, những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của Trung Quốc cũng được khuyến khích hoặc bị bắt cóc đến Đài Loan, khiến chính quyền Trung Quốc hoàn toàn nghèo nàn về kiến thức.
Cho đến tận ngày nay, nhiều người vẫn đổ lỗi cho sự nghèo đói lạc hậu ở Trung Quốc đại lục thời bấy giờ là do Đảng Cộng Sản mà không biết rằng phần lớn tài nguyên quốc gia đã bị Quốc Dân Đảng mang đến làm giàu cho Đài Loan.
Ồ, nhân tiện, vào năm 1950, Hoa Kỳ cũng đã đầu tư 1,5 tỉ USD để tái thiết Đài Loan nhằm ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. 1,5 TỈ ĐÔ LA! Gấp hơn 100 lần viện trợ của Liên Xô cho Trung Quốc.
Với rất nhiều tài sản và nguồn lực như thế, Tưởng Giới Thạch sẽ làm gì?
Phát triển kinh tế Đài Loan?
Còn lâu!
Tưởng đã không làm thế bởi vì ông nghĩ rằng mình vẫn còn cơ hội để chống lại phe cộng sản và giành lại Trung Hoa đại lục. Vì vậy, hầu hết tiền bạc đã được sử dụng cho các hoạt động quân sự. Đồng thời, Tưởng nghĩ rằng thất bại của ông chủ yếu là do các điệp viên cộng sản gây ra. Vì vậy, ông đã tuyên bố thiết quân luật ở Đài Loan, bắt giữ những người nghi là cộng sản và giám sát chặt chẽ người dân Đài Loan.
Mãi đến năm 1967, sau khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thử thành công tên lửa hạt nhân, bom hydro và tên lửa đạn đạo, Tưởng cuối cùng đã từ bỏ ý định chiếm lại đất liền. Con trai của ông, Tưởng Kinh Quốc, đã tiếp quản Đài Loan và tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng của hòn đảo.
Giai đoạn IV: Thời kì hoàng kim của Đài Loan (1969 - 1999)
Từ những năm 1970, Tưởng Kinh Quốc đã lãnh đạo mười công trình lớn ở Đài Loan bao gồm đường cao tốc, cảng, nhà máy thép, nhà máy điện, v.v. được gọi chung là Thập Đại Kiến Thiết (十大建設). Đồng thời cũng cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có của Nhật Bản trên toàn đảo. Tưởng cũng thúc đẩy phát triển các đặc khu kinh tế (出口加工区) để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển ngành sản xuất cấp thấp. Nhờ đó, Đài Loan nhanh chóng biến mình thành một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.
Vào thời điểm đó, nhiều sinh viên Đài Loan tài năng đã sang Mỹ du học. Thung lũng Silicon có rất nhiều sinh viên Đài Loan tốt nghiệp từ các trường đại học thuộc Ivy League, họ trở thành những nhà khoa học và kỹ sư hàng đầu thành thạo nhiều công nghệ. Ngược lại, những tài năng từ Trung Quốc đại lục bị cấm học ở Mỹ, trừ khi họ phải thề ghét cộng sản.
Một số các nhà khoa học và kỹ sư đã quay về Đài Loan để phát triển các ngành công nghiệp mới. Sau nhiều năm nỗ lực, họ đã trở thành những người đi đầu trong công nghệ chế tạo và sản xuất. Nhiều công ty bán dẫn nổi tiếng đã được sinh ra và phát triển ở Đài Loan từ thời kì này.
Kết quả, Đài Loan đã trải qua thời kỳ hoàng kim của tăng trưởng kinh tế từ năm 1985 đến năm 1997. Cuối năm 1997, GDP của Đài Loan đã đạt 300 tỉ USD, chiếm 40% tổng GDP của Trung Quốc và gấp 250 lần so với GDP của đảo Hải Nam. Đài Loan đứng đầu bốn Con Hổ Châu Á (Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc) về tăng trưởng GDP.
Giai đoạn V: Ngọn hải đăng của châu Á tự do (1996 đến nay)
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, Hoa Kỳ nghĩ rằng họ đã chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh. Từ đó, bắt đầu quá trình ban phát nền dân chủ tự do phương Tây ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.
Đài Loan là một trong số đó. Tưởng Kinh Quốc đã buộc phải từ bỏ quyền lực của mình và dỡ bỏ thiết quân luật. Năm 1996, Đài Loan đã tổ chức tổng tuyển cử tự do đầu tiên và Lý Đăng Huy trở thành tổng thống. Đầu tiên ông trung thành với Quốc Dân Đảng nhưng sau đó hóa ra lại là một kẻ ly khai độc lập cực đoan với nhiều hoạt động hỗ trợ bí mật cho phong trào độc lập Đài Loan, và liên quan đến tham nhũng. Đài Loan rơi vào chia rẽ giữa một phe ủng hộ Quốc Dân Đảng và Ngoại Tỉnh Nhân (những người di cư đến Đài Loan sau năm 1949 và hậu duệ) và một phe ủng hộ Dân Tiến Đảng của các hậu duệ người Đài Loan từ thời Nhật thuộc.
Trong hai thập kỷ tiếp theo từ 1999 đến 2019, Đài Loan đã tổ chức 5 cuộc tổng tuyển cử và đã nếm trải được hương vị của một xã hội “tự do và dân chủ” là như thế nào. GDP của Đài Loan vẫn tăng trưởng tốt đồng thời ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử vẫn phát triển.
Vào tháng 5 năm 2019, Đài Loan đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính mặc dù cuộc trưng cầu dân ý trước đó đã từ chối.
Cho đến nay vào năm 2019, Đài Loan là một nền kinh tế với GDP 602,67 tỉ USD (danh nghĩa), sức mua tương đương đạt 1.250 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,7%, GDP bình quân đầu người 25.534 USD (danh nghĩa, 2018), sức mua tương đương trên đầu người 52.960 USD (2018).
Bài dịch của Huynh Gia Bao tại group Quora Việt Nam.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất