“Mình là ai” sẽ là một đề bài khó mà mỗi người sẽ mất mỗ i khoảng thời gian khác nhau để giải quyết được câu đố cho chính mình. 

Một số người - vì khó quá mà sẽ bỏ qua, nhưng một số người - bằng sự tò mò thỏa mãn nội tâm bản thân - sẽ tìm cách để giải câu hỏi lớn ấy. Người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi này khi thực sự bước chân vào cuộc đời (tức là độc lập tồn tại trong quy trình vận hành của cuộc sống) và rõ rằng tìm ra được câu trả lời “Mình là ai” - dù mơ hồ hay rõ ràng, sắc nét - thì cũng sẽ là một điều tốt đẹp giúp họ nắm bắt tốt hơn quy tắc vận động của cuộc sống.

Cuộc sống được vận hành giống như một cỗ máy khổng lồ mà mỗi người trong cuộc sống sẽ là một thành phần nào đó có ý nghĩa cho sự vận động này. Giống như bất kỳ cỗ máy nào khác, cuộc sống cũng có những quy tắc cơ bản để thế giới vận động tốt nhất và để mỗi người phát huy cao nhất vai trò xuất hiện của họ trong trái đất 9 tỷ người này. Người ta (cứ cho là các thánh bên trên hay là quy luật sinh tồn tự nhiên đi) sẽ luôn tối ưu cỗ máy với 2 quy tắc rất cơ bản: 1 là tốt giữ, xấu bỏ; 2 là sắp xếp mỗi thành tố đúng vị trí, đúng chức năng, đúng thời điểm. Quy tắc 1 là động lực giúp người ta luôn nỗ lực trở nên tốt hơn để được “giữ” (tùy theo định nghĩa tốt của mỗi hoàn cảnh, mỗ i con người và mỗi quan điểm cá nhân) còn quy tắc 2 là động lực để người ta nỗ lực đi tìm cho mình vị trí phù hợp với chức năng cá nhân và thời điểm mà bản thân đang sinh sống sao cho cuộc đời riêng của họ hoạt động trơn khớp với cuộc đời chung của cỗ máy trái đất. Dựa trên quan điểm cá nhân, quy tắc 1 giống như điều kiện cần để sinh tồn còn quy tắc 2 mới là điều kiện đủ để người ta sống thực đúng với nhiệm vụ mà họ có thể đạt tới.


Câu hỏi “Mình là ai” là đề bài đầu tiên mà mỗi người cần trả lời để tìm được cho mình cách vận hành phù hợp quy tắc 02 (còn sau đó, người ta vẫn còn phải trả lời hàng tá câu hỏi khác mà người ta càng trả lời được nhiều, được sâu thì người ta càng thấu hiểu bản thân và đưa ra được cho chính mình cách hoạt động đúng đắn). Trong phạm vi của bài viết, mình sẽ chỉ đưa ra quan điểm cá nhân sâu hơn vào cách trả lời câu hỏi này để hiểu về cách làm sao người ta có thể bắt đầu bắt nhịp chuẩn với quy tắc vận hành 02 của cuộc sống.

Thử giải đề bài này theo kiểu một bài tập làm văn xem.


Bước 1: Nghiên cứu, tìm kiếm và gạch ý:
Cứ tìm kiếm thôi, bừa bãi, vô lối và cũng chẳng cần định hướng, bất cứ thứ gì tìm kiếm được đều sẽ có ý nghĩa vô cùng.

“Mình là ai?” là một câu hỏi rộng, vậy nên bằng việc tìm kiếm thông tin phù hợp và gạch ý, người ta sẽ dễ dàng hơn trong việc khoanh vùng (bằng cách loại bỏ hay đồng tình) những ý kiến mà mình cần triển khai trong bài tập làm văn lớn. Mỗi người sẽ có một cách tìm kiếm thông tin khác nhau mà với quan điểm của mình, người ta có thể tách thành những câu hỏi nhỏ hơn từ câu hỏi lớn này để đưa ra góc nhìn phù hợp. “Mình là ai” tức là bao gồm hai ý rất rõ “Mình” và “Là ai?”.

Để trả lời câu hỏi “Là ai?”, tại sao ta không bắt đầu từ việc đưa ra những định nghĩa “ai?” có thể có - tức là có rất nhiều cái “ai” - nhiều cái “tôi” khác nhau cùng tồn tại, và nhiệm vụ của chúng ta là hiểu về từng cái “ai” đấy để biết rằng cái “ai” của “mình” sẽ nằm ở đâu trong những ý gạch đó. Cách tốt nhất để đi tìm được những cái “ai” đấy là tiếp xúc, quan sát và trải nghiệm từ cái “ai” của người khác: có những cái “ai” yêu danh vọng, có những cái “ai” thích sự khiêm nhường, cũng có những cái “ai” tôn thờ chủ nghĩa bản thân, sống song song bên những cái “ai” khác thích coi lợi ích tập thể là niềm hạnh phúc của chính mình,... Mỗi một cái “ai” như thế cho người ta một góc nhìn rõ hơn về hành vi ứng xử, lối suy nghĩ, biểu hiện thực tế... mà tất cả những điểm đó, khắc họa nên tính cách của một con người.
Và rồi từ những ý gạch cho câu hỏi “Là ai?” ấy, người ta bắt đầu đi vào hành trình tìm kiếm câu trả lời về “Mình”. Mỗi một cái “mình” đều có những hành vi ứng xử, lối suy nghĩ, biểu hiện thực tế... rất riêng và tồn tại sâu trong tiềm thức của người ta theo một cách tự nhiên, xuất phát từ bản năng sinh tồn. Dù mơ hồ đến mấy, người ta đều có khả năng tự nhận thức được cái “mình” của chính họ méo mó, tròn vo ra làm sao: trong hoàn cảnh ấy, “mình” đã hành động như nào?; trong hoàn cảnh ấy, “mình” đã suy nghĩa ra sao; trong hoàn cảnh ấy, “mình” đã cảm thấy thế nào?... Người ta sẽ cần nhiều thời gian hơn để trải nghiệm, để liên tục thử bản thân cho tới khi tìm được câu trả lời cụ thể của cái “mình” - ví như cách mà ta làm thí nghiệm: liên tục thử phản ứng của vật thí nghiệm (cái “mình”) trong một điều kiện thí nghiệm giống hay khác nhau (hoàn cảnh/tình huống sống) để đưa ra được kết luận cuối cùng. Sau rất nhiều những thí nghiệm như thế, bằng một cách nào đó, rồi người ta cũng sẽ gạch ra được vài cái đầu dòng để phác thảo ra một cái “mình” rất riêng biệt, độc lập, độc đáo.
Hai giai đoạn tìm ý cho những câu hỏi này, mỗi một giai đoạn đều có những cái khó khác nhau mà cái khó nhất, theo quan điểm đánh giá của chính mình là sự khách quan (để không thiên vị bản thân hay thiên vị đánh giá người đối diện), sự bình tĩnh (để dám nhìn nhận vào những thực tế dù tốt hay không một cách tỉnh táo) và sự can đảm (để dám bước vào những tình huống thí nghiệm cho “ai” hay cho “mình”).
Dù sao thì, đối với cá nhân, đây là giai đoạn thú vị nhất, điên cuồng nhất khi tự đẩy mình vào rất nhiều trải nghiệm với rất nhiều người để tìm ra càng nhiều góc nhìn càng tốt.

Bước 2: Chắt lọc thông tin và lên dàn ý:
Đã đến lúc để dừng gạch ý và bắt đầu suy nghĩ về dàn ý cho đề bài văn lớn của chính mình.

Người ta thường khuyên nhau “Hãy ngồi lại một phút tĩnh lặng để suy nghĩ cho cuộc đời mình” - đây chính là giai đoạn “một phút” ở trong câu trên. Tất nhiên “một phút” chỉ là cách nói mang tính biểu tượng, có những người mất một tháng, một năm hay thậm chí hàng năm trời để thực sự hiểu câu nói trên và bắt đầu lập dàn ý cho bài văn của mình. Khi người ta quá sa đà vào việc tìm những cái “ai” của người khác và mông lung với những cái na ná “mình”, người ta dễ mất định hướng bởi đây là thời điểm kinh nghiệm - trải nghiệm - góc nhìn đã có một lượng thông tin khổng lồ, cần được xử lý bài bản để tìm được các ý sắc cho câu hỏi “Mình là ai?”

Mỗi một người sẽ có những cái dàn ý với các thông tin chắt lọc khác nhau dựa trên tính cách bản ngã của họ nhưng tư duy logic đơn giản nhất ở đây chỉ là: Lấy những cái mơ hồ về “mình” ghép với tất cả các cái “ai” đã tìm kiếm cho tới khi ra được một kết quả phù hợp - tức là cho tới khi tìm ra một cái “ai” phù hợp với cái “mình”. Nói cho dễ hiểu, cái này giống như một phản ứng hóa học: “Mình” là “O2”, nếu O2 của “mình” đi kèm với cái “ai” là CO, vậy phương trình ấy sẽ cho ra một CO2 còn nếu O2 của “mình” đi kèm với cái “ai” là H2, vậy phương trình ấy sẽ cho ra H2O (tất nhiên dựa trên một yếu tố cân bằng phù hợp). Thích làm CO2 hay thích làm H2O thì tự bản thân sẽ biết được đâu là kết quả tốt nhất với “mình”.
(Mà dù là CO2 hay H2O thì ra được một kết quả như vậy cũng sẽ là ý nghĩa hơn nhiều nếu lấy O2 của “mình” đi tác dụng với “Au” của một “ai” khác.)
Ghép thử sẽ là cách đơn giản nhất cho đến khi tìm ra được những phản ứng hóa học/những ý thực sự tốt cho dàn ý của mình: một số người may mắn sẽ sớm tìm ra được đâu là cái “ai” phù hợp, một số khác thì cần kiên nhẫn hơn khi phải dùng phương pháp loại trừ cho đến khi tìm ra cái “ai” đấy. Tuy nhiên, không quan tâm là dùng phương pháp nào thì miễn là đến cuối vẫn có kết quả thì ấy cũng là điều đáng mừng cho người làm bài.
Quá trình lên dàn ý từ đây đã bắt đầu đơn giản hơn nhiều bởi người ta đã tìm được những ý viết phù hợp bản thân. Người ta có thể dùng phương pháp quy nạp: gạch ra rất nhiều ý cho câu hỏi “mình là ai” để đi đến kết luận cuối cùng, cũng có thể dùng phương pháp diễn dịch: tự khẳng định “mình là ai” rồi dùng từng đoạn văn để chứng minh cho điều ấy hoặc là tổng phân hợp: kết hợp cả hai phương án trên cho luận điểm của mình. Hoàn toàn tự do dựa trên cách diễn giải của mỗi người. Người ta cũng có rất nhiều cách để phân nhóm cho các nhóm luận điểm (cái mà sẽ được viết thành đoạn văn về sau) sao cho logic nhất: phân tích “Mình là ai?” dựa trên nhóm câu hỏi luận điểm về Biểu hiện - Hành động - Suy nghĩ - Lời nói của “mình”; cũng có thể phân tích dựa trên sự bóc tách về từng tính cách trong “mình” mà mỗi tính cách đều có những luận chứng và chứng cơ đi kèm;... Cũng hoàn toàn tự do dựa trên cách diễn giải của mỗi người.

Bước 3: Viết văn
Viết bài thôi để hiểu bản thân theo cách chi tiết nhất.

Dàn bài là khung sườn cho việc giải đề còn câu từ hoàn chỉnh mới tạo ra đáp án cuối cùng cho câu hỏi lớn. Tạo ra được một dàn ý tốt đã là một điều chẳng dễ gì nhưng tạo ra một bài văn tốt dựa trên dàn ý ấy lại càng khó khăn hơn nữa. Cách người ta viết bài văn cho câu hỏi này cũng tương tự như cách mà người ta trả lời cho câu hỏi của chính mình một cách tỉ mỉ và chi tiết. Khi chấm văn, người ta thường chia trên các thang như thế này: 0 - 5 điểm cho việc đủ dàn ý; 6 - 8 điểm cho một bài văn rõ ràng; 9 - 10 điểm cho một bài văn từ hay đến xuất sắc. Sự khác nhau trong các bài văn thường đến từ cách sắp xếp đoạn, cách sắp xếp câu và cách lựa chọn câu chữ. Sự khác nhau giữa việc thấu hiểu “Mình là ai?” cũng có nét tương tự: sự khác nhau về mức độ thấu hiểu bản thân của mỗi người nằm ở mức hiểu mình trong tính cách cơ bản (tương tự với cách xác định các đoạn văn lớn), trong biểu hiện tính cách qua hành động (giống như cách xếp câu trong đoạn) và từ ngữ phát ngôn trong hành động ấy (giống như cách chọn chữ trong câu). Người ta có thể giống nhau về tính cách nhưng xác suất để giống trong từng hành động đến ngôn từ sẽ thấp dần cho tới mức không thể. Do vậy hiểu “Mình là ai?” chính là biết rằng trong cùng một tình huống, kể cả cùng một tính cách hay cùng một hành động xử lý tình huống nhưng cái “mình” của chính ta sẽ khác biệt so với cái “mình” của người khác thông qua tiếng nói cá nhân.
"[...] nhưng cái “mình” của chính ta sẽ khác biệt so với cái “mình” của người khác thông qua tiếng nói cá nhân"

Mỗi người đều có những cách thức khác nhau để trả lời câu hỏi này. Bài viết không hi vọng sẽ mang lại một kết quả nào đó cho người đọc bởi tất cả những cách tư duy trên đều chỉ xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của mình. Mình mất 4 năm để đi tìm những cái “ai” của người khác, để bắt chước những cái “ai” mà mình rất tôn thờ cho đến lúc cái “mình” thực sự thấy không ổn - rằng cái mà mình đang bắt chước không phải cái mà “mình” có trong tiềm thức, bởi vậy mình tiếp tục mất 1 năm để thử nghiệm, để suy nghĩ và để lựa chọn cho tới lúc trả lời được câu hỏi “mình là ai?”. Câu trả lời cho câu hỏi ấy mang lại cho mình một cảm giác hạnh phúc mà mình mong người khác cũng sẽ có cảm nhận ấy như mình: mình biết giới hạn của mình đến đâu, mình biết điểm mạnh - điểm yếu của mình, mình nhìn thấy mình của hiện tại và tìm thấy mình sẽ ra sao trong tương lai, mình hiểu mình sẽ cần đi con đường nào để giúp cái “mình” này “ô-kê” hơn nữa. Tầm này năm ngoái, khi mà ở giai đoạn chuẩn bị ra trường, bản thân mông lung trong việc kiếm tìm vị trí đứng của bản thân trong xã hội, câu hỏi này đã khiến mình băn khoăn không ngừng. Mình tin cũng vào tầm này năm nay, sẽ có những người giống như mình - cần trả lời cho câu hỏi ấy trước khi độc lập bước vào nhịp vận động của cuộc sống.

Chỉ là, chúc người may mắn.

Nguồn ảnh: Unsplash =))