Giải cứu thế giới
"Yêu bản thân" được người đời tán tụng và dạy bảo nhau một cách quá thường xuyên đến nỗi phản tác dụng, nó trở nên sáo rỗng; và vì...
"Yêu bản thân" được người đời tán tụng và dạy bảo nhau một cách quá thường xuyên đến nỗi phản tác dụng, nó trở nên sáo rỗng; và vì được nghe quá nhiều, người ta tưởng họ hiểu rõ lắm, ai cũng tin họ đã biết tường tận bản thân và biết thừa làm thế nào để yêu.
Nhưng đó chỉ là kiến thức của người khác thôi. Bạn có thể đọc 10 cuốn sách về trồng cây, nhưng nếu bạn không cầm xẻng một ngày nào, bạn vẫn không biết cách trồng cây. Bạn có thể đọc 100 cuốn sách dạy yêu đương trai gái nhưng nếu chưa từng thực sự trong một cái relationship, những kiến thức đó chỉ là học vẹt. Bạn biết-về-nó, không phải biết-nó.
Và thật đáng tiếc nếu chỉ vì thuộc làu một đống sách dạy yêu bản thân mà bạn tự tin mình đã thông thạo, rồi bạn dừng lại; hoặc tệ hơn, bạn tiếp tục đắm chìm trong cuốn sách khác, những tưởng mình đang tốt hơn. Giờ đây bạn không chỉ như cũ mà còn nhận thêm một vật cản đường: sự chủ quan. Bạn không chỉ là một người chưa-biết-yêu-bản-thân, sau một đống sách, giờ bạn là người chưa-biết-yêu-bản-thân-nhưng-chủ-quan-mình-đã-biết.
Tôi tin rằng yêu bản thân là điều kiện tiên quyết để bạn làm tốt, và làm đúng, mọi thứ khác trên đời. Tôi nghĩ tình yêu và sự hiểu biết chính mình là móng của căn nhà. Mọi thứ khác sẽ bám vào đó. Nếu móng căn nhà của bạn hỏng hóc, lung lay, thậm chí nát vụn, thì bạn làm gì cũng dở. Ngôi nhà không móng của bạn yếu ớt trước gió. Chỉ cần một cơn mưa (ví dụ, lời chê bai của ai đó), cũng khiến ngôi nhà bạn xiêu vẹo, nứt nẻ. Không sửa lại móng thì bạn định làm gì? Bắt trời không được mưa nữa?
"Tôi đã cố hết sức để có hạnh phúc, bạn không thấy à?"
Bạn nói, và tôi muốn chỉ cho bạn rằng cái "cố hết sức" của bạn mới chỉ là sửa lại chỗ tường nứt, sơn lại bức tường để người ngoài tưởng nhà đẹp lắm. Bạn ăn mặc đẹp đẽ chụp ảnh đăng FB, có khác gì sơn lại tường? Bạn đi ăn đi chơi để quên đi nỗi buồn, sự tự ti, có khác gì chắp vá lại chỗ tường nứt? Nhưng bạn lại chẳng quay vào mà sửa lại móng. Bạn làm tất cả những việc râu ria nhỏ nhặt ở bên ngoài, bồi chỗ này đắp chỗ kia, nhưng bên trong bạn, tình yêu bản thân đang lung lay vỡ vụn như chiếc móng nhà tan nát. Một ngày nọ, móng sập, cả căn nhà sơn sửa đẹp đẽ đổ ầm.
Thế rồi, vẫn với bộ móng nhà lung lay ấy, bạn hỏi tôi làm sao bạn có thể giúp người khác. Bạn muốn làm bệ đỡ cho những ngôi nhà khác. Bạn muốn làm nơi để những ngôi nhà khác ngồi tạm một thời gian. Bạn không nhận ra ư, nếu bạn yếu, việc giúp họ sẽ làm bạn càng yếu hơn, rồi bạn sập, và những người được bạn bê đỡ cũng đổ theo. Cả hai đều nát. Thấy người bị gãy chân chúng ta đi gọi bác sĩ. Nhưng thấy người trầm cảm, nhiều khi ta lại nhảy bổ vào đòi giúp. Bạn có chắc bạn biết cách đối xử với bệnh tâm lý không? Sẽ thế nào nếu đó là gãy chân và chúng ta tự tiện đòi băng bó giúp? Họ sẽ đau nặng hơn, thậm chí trong lúc đau quá, họ có thể phang cho chúng ta một phát. Cả hai đều nát.
Thế nên, nếu bạn băn khoăn làm sao để giúp đời, thì trước hết hãy nghĩ lại xem:
- Bạn đã yêu bản thân đủ chưa?
- Tình yêu của bạn, ngôi nhà của bạn có đủ sức gánh thêm những ngôi nhà yếu ớt khác không?
Các nhà sư thường nói: một vốc muối bỏ vào chén nước thì nước sẽ mặn chát, uống không nổi. Nhưng một vốc muối đổ xuống sông thì nước sông vẫn trong lành mênh mông bát ngát, dòng sông rộng lớn đã chuyển hoá khiến muối không còn mặn. Họ nói, trái tim con người có dung lượng vô hạn, nhưng cái vô hạn đó cần qua rèn luyện mới thành. Khi chưa được rèn luyện, có khi dung lượng chỉ bằng cái chén. Bao giờ luyện được trái tim đủ to thì hẵng nghĩ đến chuyển hoá vốc muối. Còn nếu bạn mới có một chiếc chén nhỏ thì liệu mà chăm sóc chén trước đã. Không lại mặn chát.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất