Bài viết có sự tư vấn từ hai tiền bối (thành viên giới cổ phong) là Phach Ho Nguyen và Phan Đông Du, xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Phi Khanh tên thật là Nguyễn Ứng Long, hiệu là Nhị Khê, đến đầu đời Hồ (khoảng năm 1401) đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, sinh khoảng năm 1355 (?) tại Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Tổ tiên xa đời của ông vốn ở xã Chi Ngại huyện Phượng Nhãn trấn Kinh Bắc.
Năm Giáp Dần (1374), ông thi đậu Tiến sĩ, nhưng không được dùng. Đến triều Hồ, Nguyễn Phi Khanh mới được bổ dụng. Tháng 12 năm Tân Tỵ (1401), tức tháng Giêng năm 1402, ông được cử làm Học sĩ Viện Hàn lâm. Sau đó lần lượt được thăng lên Thông chương đại phu; Đại lý Tự khanh kiêm Trung thư thị lang; Thái tử tả tán Thiện đại phu, Tư nghiệp trường Quốc tử giám…
Năm 1407, quân Minh sang xâm lược nước ta, nhà Hồ thất thủ. Nguyễn Phi Khanh bị giặc đưa về phương Bắc. Theo gia phả họ Nguyễn Nhị Khê thì Nguyễn Phi Khanh mất tại Trung Quốc năm 73 tuổi, như vậy là vào khoảng năm 1428 (?).
Nguyễn Phi Khanh là thân sinh của Nguyễn Trãi - một trong những khai quốc công thần nhà Lê và hiện nay được coi là một anh hùng dân tộc. Bởi vậy, trong văn hóa đại chúng hiện nay, ông hiện lên với tư cách một nhà nho yêu nước và liêm khiết, đời sống ngay thẳng, chẳng may sa cơ lỡ vận bị giặc bắt, nhưng vẫn gạt bỏ tình riêng mà khuyên con là Nguyễn Trãi trốn về mà tìm cách cứu lấy quốc gia. Vậy liệu hình tượng thật sự của Nguyễn Phi Khanh trong lịch sử có tốt đẹp như cái cách mà truyền thông đại chúng ngày nay tuyên truyền?

CHUYỆN LẤY VỢ

Với câu đặt nghi vấn vừa rồi, hẳn ai cũng nhận ra được một vấn đề mà bài viết muốn làm rõ: đạo đức của Nguyễn Phi Khanh ắt hẳn phải có điểm gì đó không tốt nhưng không hề xuất hiện trong các miêu tả của truyền thông đại chúng. Và vấn đề đầu tiên liên quan tới đạo đức của Nguyễn Phi Khanh đó là ông đã thông dâm với nữ học trò của mình là Thái. Việc này đã được ghi nhận trong Đại Việt Sử ký Toàn thư như sau:
“Nguyên Đán có hai người con gái, con trưởng tên là Thái, con thứ tên là Thai, sai nho sinh đem văn học dạy cho hai người. Nguyễn Ứng Long dạy Thái, Nguyễn Hán Anh dạy Thai. Ứng Long nhân gần gũi lả lơi, làm thơ ca quốc ngữ khêu gợi Thái, thông dâm với Thái, Hán Anh cũng làm thơ quốc ngữ bắt chước Ứng Long. Thái có thai, Ứng Long bỏ trốn. Đến ngày Thái đẻ, Nguyên Đán hỏi Ứng Long ở đâu. Người nhà trả lời là Ứng Long sợ tội trốn đi rồi. Nguyên Đán nói: "Vận nước sắp hết, biết đâu chẳng phải là trời xui nên thế, vị tất không phải là phúc". Bèn cho gọi hai chàng về bảo rằng: 'Người xưa cũng đã có chuyện này. [Các ngươi] không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như hay sao. Nếu [các ngươi] làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta'. Hai người cảm ơn sâu nặng, chăm chỉ học hành. Đến khi thi, cả hai đều đỗ.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Phế Đế
Dĩ nhiên, phê phán thì phải phê phán cho chuẩn. Dù rằng, từ thời Trần, việc tự nhận thức rằng văn hóa Đại Việt thuộc về văn hóa Á Đông đến mức tự nhận bản thân mình là Trung Quốc, thế nhưng thực sự quan niệm này mới chỉ tồn tại ở dạng bề mặt, hoặc gói gọn ở phạm vi giới trí thức nho học. Còn về sâu bên trong, văn hóa Đại Việt nhìn chung vẫn giữ lại tương đối những nét văn hóa bản địa, trong đó có cả sinh hoạt tình dục. Mọi người cần phải hiểu rằng, vào thời điểm ấy việc trai gái quan hệ tình dục với nhau trước hôn nhân là một điều bình thường. Thậm chí, các sự kiện có phần được xem là dâm dật diễn ra trong tầng lớp bình dân tương đối phổ biến. Điều này đã được phản ánh thông qua các ghi chép của người Trung Quốc tới hoặc có tìm hiểu về phong tục xứ An Nam trong giai thuộc Minh:
“Thượng thư tích sử An Nam quốc, danh sĩ làm An Nam đồ, núi non rộng lớn sông ngòi phức tạp, đường sá hiểm trở, thung sâu, mây dày mịt mờ, Kim Ngưu xúc thạch, tán dập diệu hương [...] Phong tục đồi bại, con người thô thiển và độc ác, dám nhân cơ hội thể hiện lòng lang dạ sói xâm lăng, ngang nhiên công khai giao chiến.” Cao Đắc Dương, Tiết Am tập, Đề nghiêm chấn thẳng thượng thư phụng mệnh đi sứ Nam Quốc đồ
“Trộm nhìn phong tục An Nam, lũ man rợ sống chung chạ, không biết lễ nghĩa; thể hiện sự hung hãn khi tranh đấu với nhau, chẳng biết trồng trọt cấy cày, được cái giỏi tắm rửa và bơi lội.” Đặng Cầu Biên, Hoàng Minh Vịnh hóa Loại biên, Quyển CXXVIII, mục Tứ Di, tiểu mục An Nam
“Phan thị mô tả xã hội An Nam thực tế và khách quan dựa trên những gì bản thân mình đã nhìn thấy, và có một sự khinh miệt đối với phong tục của nơi này, cũng như thể hiện sự tán thưởng với thiên triều. Quan điểm chung là "nơi này nhỏ bé và vắng vẻ", phong tục thì mọi rợ", "vẫn còn quen thói xảo trá".” Phan Hi Tằng, Tấu nghị, Trúc giản tập, Quyển I, Cầu phong sơ
“Tục nước đó, cha với con ở không chung một nhà, nấu không cùng một bếp, chuyện cưới hỏi không qua mai mối. Trai gái lấy nhau hỗn loạn, chỉ lấy trầu cau làm tin, rồi sau cứ thế đưa nhau về nhà. Nhược bằng vợ ai tư thông với kẻ khác, thì liền bỏ chồng cũ, người chồng cũ lại đi lấy vợ mới [...] Đàn ông thích làm trộm cướp, đàn bà ưa sự dâm loạn.” Vương Kỳ & Vương Tư Nghĩa, Tam tài Đồ hội
Dĩ nhiên, các ghi chép này có phần tiêu cực, do đã bị cực đoan hóa bởi đây là góc nhìn của người Trung Hoa khi hướng tới một xứ được xem là kém văn minh hơn (nằm ngoài trung tâm văn hiến là Hoa Hạ), vừa mới chiếm được nên cần phải tích cực giáo hóa. Tuy nhiên, chúng cũng ít nhiều phản ánh sự tự do trong đời sống tình dục của người An Nam đương thời.
Tới đây, thì nhiều người sẽ nghĩ rằng việc quan hệ trước hôn nhân của Nguyễn Phi Khanh và Thái là chuyện cũng bình thường, không có gì quá đáng để lên án, không hề phù hợp với cái từ “thông dâm” như cái cách Đại Việt Sử ký Toàn thư dùng từ. Cũng có phần đúng, đấy là nếu Nguyễn Phi Khanh không phải là một nhà nho và bỏ trốn sau khi làm Thái có thai.

ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG

Đầu tiên là về đạo đức của một nhà nho. Thời Trần, nền Nho học xứ An Nam là một nền nho học trên đà phát triển lớn mạnh. Theo giáo sư Trần Văn Giàu, tuy thực sự có hiện tượng “Tam giáo đồng nguyên” (Nho-Phật-Đạo) nhưng về cơ bản, nhà Lý lẫn nhà Trần (với nhiều thành viên hoàng thất ưa chuộng Phật giáo) để duy trì quyền lực và tổ chức quản lý xã hội đã lựa chọn một công cụ đáng tin hơn hẳn là Nho giáo. Bởi vậy, không lí gì mà Nguyễn Phi Khanh, một người phải học chữ Thánh hiền để có thể tiến thân mà không biết tới bổn phận của một nhà nho cả. Và bổn phận của một nhà nho là phải rèn giũa bản thân cho phải đạo Thánh hiền, biết đấu tranh với những thứ được xem là suy đồi xấu xa, là man di mọi rợ. Do đó, nhà nho mỗi khi nhắc đến vấn đề trinh tiết thì đều duy trì một quan điểm khắt khe. Bản thân các nhân vật thuộc giới trí thức Đại Việt có hiểu biết về Nho học (chứ chưa nói đến các nhà nho chân chính) khi bình luận về các phong tục bản địa có yếu tố tự do tình dục thì đều duy trì quan điểm tiêu cực, thậm chí là cực đoan bởi những phong tục bản địa này trái ngược với đạo Thánh hiền:
“Người nay chẳng biết, lại quý vật mà rẻ thân, chẳng hay thân mình có ba điều khó gặp […] Một là, trong lục đạo chỉ có người là quý […] có kẻ bị đọa xuống đạo Địa ngục, A Tu La, Ngạ quỷ, Súc sinh, không được làm người […] Hai là, đã được sinh ra làm người nhưng lại có kẻ sinh ra ở nơi man di, tắm thì chung sông, nằm thì rọ chân, sang hèn ở lẫn, trai gái sống chung, chẳng đượm gió nhân, chẳng nhuần giáo hóa […] Ba là, đã được sinh ra ở “trung quốc”, nhưng sáu căn không đủ, bốn thể chẳng toàn, mù điếc ngọng câm […] tuy ở trong Hoa Hạ cũng hệt như ở ngoài hoang dã. Nay đã làm người, được sinh ra ở “trung quốc”, lại có đủ sáu căn, há chẳng quý lắm sao?” Trần Thái Tông, Thiền Tông khóa hư ngữ lục
“Mậu Thìn [Thái Hòa] năm thứ 6 [1448], (Minh Chính Thống năm thứ 13). Tháng 2 [...] Ngày Giáp Tuất, vua ngự về Lam Kinh, Thái hậu và các vương đều đi theo. Sai Đại tư đồ Lê Thận và Đô áp nha Lê Bí ở lại giữa Kinh sư. Dân Thanh Hóa thấy xa giá đến,trai gái đem nhau đến hát rí ren ở hành tại. Tục hát rí ren này, một bên con trai, một bên con gái dắt tay nhau ca hát, có lúc tréo chân tréo cổ nhau gọi là cắm hoa, kết hoa, trông rất là xấu. Đài quan Đồng Hanh Phát bẩm với Thái úy Khả rằng: 'Đấy là thói dâm tục xấu, không để nhảm nhí trước xa giá'. Khả lập tức sai cấm hẳn.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển XI, Kỷ nhà Lê, mục Nhân Tông Tuyên Hoàng Đế
Để nói về những trường hợp được xem là mẫu mực, thì đó phải là những người biết giữ mình, không để sa đà bản thân vào thói dâm tục. Những trường hợp như vậy hầu hết đều được ca ngợi, được đem ra làm tấm gương cho mọi người. Có thể kể đến các ví dụ sau:
“Ất Mùi, [Hưng Long] năm thứ 3 [1295], (Nguyên Thành Tông Mộc Nhĩ Nguyên Trinh năm thứ nhất) [...] Mùa hạ, tháng 6 [...] Ngày 13, người đàn bà ở phường Tây Nhai phía hữu kinh thành là Lê Thị Ta nghe tin chồng là Phạm Mưu đi sứ nước Nguyên ốm mất, thương nhớ không ăn 3 ngày rồi cũng mất. Việc ấy tâu lên, [vua] cho bạc lụa để viếng. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng, kêu gào mãi rồi chết; Lê thị nghe tin chồng chết, không ăn mà chết; Mỵ Ê phu nhân tiết nghĩa không thờ hai chồng, nhảy xuống sông mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa chồng, cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Mấy người này đức hạnh thuần hiếu, trinh tiết, trên đời thực không có nhiều. Các vua đương thời nêu khen họ để khuyến khích đời sau thực là phải lắm! Nhưng Thiều Dương và Nguyễn thị chưa được nêu khen, cho nên bàn chung cả ở đây.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Quyển V, Kỷ nhà Trần, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Ngày 11, quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh. Bọn vệ quân Vương Sài Hồ 7 người bắt được Quý Ly ở bãi Chỉ Chỉ [...] Duy có Hành khiển tham tri chính sự Ngô Miễn, trực trưởng Kiều Biểu nhảy xuống nước chết. Khi Miễn chết, vợ là Nguyễn thị ngửa mặt lên trời than rằng: 'Chồng ta thờ chúa, một đời ăn lộc, ngày nay giữ tiết nghĩa mà chết, thế là chết xứng đáng, còn oán hận gì nữ? Nếu thiếp muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không còn chỗ đến nữa hay sao? Nhưng đạo chồng, ơn vua, một chốc mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào! Chi bằng, xin theo nhau!' Nói xong, cũng nhảy xuống nước chết. Sử thần Ngô Sĩ Liên bình: Vợ Ngô Miễn là Nguyễn thị, không những chỉ chết vì nghĩa mà thôi, câu nói cũng đủ làm lời khuyên cho đời, nên chép ra đây để nêu gương.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ Hậu Trần, mục Giản Định Đế
Đối với những trường hợp biết giữ đúng khí tiết của một con người văn hiến (theo góc nhìn của Nho giáo) thì dù có là ngoại dân cũng được ca ngợi:
“Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ở thuyền ngự. Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Phu nhân giữ nghĩa không chịu nhục, chỉ theo một chồng cho đến chết, để toàn vẹn trinh tiết của người đàn bà. Người làm tôi mà thờ hai vua tức là tội nhân đối với phu nhân. Vua khen là trinh tiết, phong làm phu nhân để khuyến khích người đời sau là đáng lắm.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Thái Tông Hoàng Đế
Như đã thấy, vậy mà Nguyễn Phi Khanh đã chẳng giữ đạo làm một nhà nho chân chính, mà còn khiến cho Hán Anh bắt chước mình buông bỏ lễ giáo. Thật là quá đáng hổ thẹn. Dưới góc nhìn của một nhà nho, Nguyễn Phi Khanh là một kẻ tu tập theo đạo Thánh hiền mà lại không biết giữ mình.
Có thể bàn thêm rằng, nếu thực lòng Nguyễn Phi Khanh và Thái yêu nhau và Nguyễn Phi Khanh thực sự mang trong tâm khảm khí phách của một nhà nho thì cả hai đã có thể chọn cách thề nguyền đính ước, sau đó đường hoàng đến xin Trần Nguyên Đán tác hợp. Rõ ràng, xét tâm thế của Trần Nguyên Đán thì việc cưới hỏi sẽ diễn ra suôn sẻ khi lịch sử đã chứng minh rằng ông không chỉ gả Thái cho Nguyễn Phi Khanh mà còn gả luôn cả Thai cho Hán Anh. Rõ thấy xử trí như giả định này thì mới là thượng sách, biết vận dụng cái tình để hành sự.
Hoặc giả như Trần Nguyên Đán không đồng ý ngay, hay lo sự khó thành thì Nguyễn Phi Khanh vẫn có thể dùng một cách đường hoàng khác, đó là “khoán” một cái hẹn với Trần Nguyên Đán, đợi mình đỗ đạt công danh rồi thì sẽ cưới Thái. Việc này không phải là không khả thi, có thể lấy Hoàng Sầm thời Mạc làm ví dụ:
“Ông Hoàng Sầm, ở Thù Sơn, đời đời làm nghề cày ruộng [...] năm 24 tuổi, vẫn chưa biết một chữ nào cả. Cùng huyện có quan Thượng Nguyễn Công Doãn trí sĩ về làng. Quan huyện bắt dân ra đón rước. Ông cũng ở trong số ấy, sung vào chân khiêng kiệu của tiểu thư. Khi khiêng, ông liếc mắt nhìn trộm, thấy tiểu thư là một người tư sắc tuyệt vời, bất giác lòng rung động. Về nhà, ông nói với mẹ muốn được lấy cô con gái ấy [...] Quan Thượng nói: - Con gái nhà quan không lẽ gả cho người bạch ốc. Anh sau này làm nên sự nghiệp như ta mới có thể lấy con ta được. Ông lạy hai lạy nói: - Xin vâng theo mệnh. Nhưng mong quan lớn đừng sai lời. [...] Khoa Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính đời nhà Mạc, ông 27 tuổi, thi đậu Thám hoa. Hôm vinh quy, làm lễ cưới ngay ở sân nhà quan Thượng.” Phạm Đình Hổ, Tang thương ngẫu lục, Truyện ông Hoàng Sầm
Phương án này đối với Nguyễn Phi Khanh vốn chẳng phải là khó khăn gì. Để được Trần Nguyên Đán vời vào dạy văn cho con gái, hẳn ông ta cũng thực sự tài giỏi và có được thiện cảm từ vị quý tộc nhà Trần ấy. Vả lại, như chính sử đã chép, thì ngay sau đó chẳng phải cả Nguyễn Phi Khanh lẫn Hán Anh đều ghi danh bảng vàng với vị trí rất tốt đó sao? Nếu Nguyễn Phi Khanh biết lựa chọn phương sách này, thì đến lúc đỗ đạt có thể chễm chệ ngồi kiệu về làng, đường hoàng đến xin cưới theo đúng lời hẹn xưa. Có oai không? Có đáng mặt đàn ông không? Nhà vợ có kính nể mình không? Rõ ràng, nếu biết hành động như thế này thì mới đáng là nhà nho, mới là biết dùng cái đầu và cái tình để đạt được mục đích.
Một trường hợp khác với những điều kiện khó khăn hơn nữa, đó là Trần Nguyên Đán vừa không đồng ý, lại tự cảm thấy thực lực của mình không đủ cao để chạm tới danh hiệu Trạng nguyên, Thám hoa hay Bảng nhãn, thì Nguyễn Phi Khanh vẫn còn một con đường khác ít đoàng hoàng hơn nhưng vẫn không mang cái tiếng nhà nho mà đi ăn cơm trước kẻng: đó là đưa nhau đi trốn. Khi ấy, chỉ cần thì cùng bà Thái thu vén hành lý, nửa đêm học kế của Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân bỏ nhà đi trốn đến đâu đó xa xa rồi tự làm lễ cưới, sống với nhau một cách đường hoàng, chừng nào có vài mặt con và bố vợ nguôi giận thì về. Đây là đã là hạ sách lắm lắm, chỉ dùng khi mọi điều kiện ngăn trở mà hai người vẫn còn quyết đầu bạc răng long với nhau mà thôi.
Nhìn qua có thể thấy là cả ba kế lần lượt thi hành kiểu gì cũng được cả nếu hai người thực sự yêu nhau và nếu Nguyễn Phi Khanh thực sự có cốt cách của một nhà nho. Từ đó, ta có thể đi đến kết luận rằng: đó không còn là vấn đề tự do tình dục của thường dân An Nam nữa, mà Nguyễn Phi Khanh đã phá đi tiết tháo của một nhà nho, phạm phải tội thông dâm.
Dĩ nhiên, đến đây sẽ có nhiều kẻ vì thần tượng mà lập lờ đánh lận con đen rằng, có phạm phải thói tà dâm cũng chẳng phải việc gì to tát. Thậm chí, có nhiều kẻ còn đi xa hơn đến độ khẳng định rằng thông dâm thì cũng là bình thường, và sẽ lôi những vụ thông dâm xảy ra trong triều đình thời Lý - Trần ra làm cái cớ để ra để lấp liếm cho những hành động không tốt đẹp gì này của Nguyễn Phi Khanh. Có thể liệt kê luôn những sự kiện đó như sau:
“[Đỗ] Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu [...]” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Long Xưởng có tính hiếu sắc. Ở trong cung có cung phi nào được vua yêu quí, Long Xưởng cũng đều tư thông cả.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Anh Tông
“[...] Long Xưởng thông dâm với cung phi [...]” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Lúc bấy giờ vua thì còn nhỏ tuổi, Mạc Hiển Tích lại tư thông với bà Thái hậu.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Cao Tông
“[...] Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiên Cực tư thông, không ngờ qua khỏi cái giờ phút tư thông ấy thì đã sai hẹn nhau với người vùng Hồng rồi.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Cao Tông
“Tháng 6, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với Công chúa Thiên Cực tư thông [...]” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Huệ Tông
Sang tới nhà Trần, tuy vai trò của Nho giáo dần dà đã có phần nào đó quan trọng hơn so với triều Lý, vẫn tồn tại các ghi nhận về thói dâm tục:
“Ất Mùi, [Thiên Ứng Chính Bình] năm thứ 4 [1236], (Tống Đoan Bình năm thứ 2). [...] Mùa hạ, tháng 6, nước to, vỡ tràn vào cung Lệ Thiên. Bấy giờ Hiển Hoàng [Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Thái Tông Hoàng Đế
“Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam [...] Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng Đế
“Đinh Mùi, [Hưng Long] năm thứ 15 [1307], (Nguyên Đại Đức năm thứ 11). [...] Mùa đông, tháng 10, sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa Huyền Trân và thế tử Đa Da về [...] Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Buổi đầu dựng nước, thuyền buôn nước Tống sang dâng người nước Tiểu Nhân, thân dài 7 tấc, tiếng như ruồi nhặng, không thông ngôn ngữ, lại dâng một tấm vải hỏa hoãn giá mỗi thước 300 quan tiền, lưu truyền làm của quý. Sau đem may áo vua, cắt hơi ngắn, sai cất trong nội phủ. Bảo Uy tư thông với cung nhân lấy trộm áo ấy.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Dụ Tông Hoàng Đế
“Tân Mão, [Thiệu Phong] năm thứ 11[1351], (Nguyên Chí Chính năm thứ 11). [...] Bấy giờ Trâu Canh thấy vua bị liệt dương, dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ hiệu nghiệm. Vua làm theo, thông dâm với chị ruột là công chúa Thiên Ninh, quả nhiên công hiệu. Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng hoàng định bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Dụ Tông Hoàng Đế
“Ngày 15, Hiến Từ Hoàng thái hậu sai người đón con thứ của cố Cung Túc Đại Vương Dục là Nhật Lễ lên ngôi. Đổi niên hiệu là Đại Định năm thứ nhất. Nhật Lễ là con người làm trò tên là Dương Khương. Mẹ Nhật Lễ khi đóng trò có tên hiệu là Vương Mẫu (Trò có tích "Vương Mẫu hiến bàn đào ", Mẹ Nhật lễ đóng vai Vương Mẫu, nên lấy tên làm hiệu), đương có thai, Dục thấy nàng xinh đẹp, nên lấy làm vợ. Đến khi đẻ, Dục nhận làm con mình.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Dụ Tông Hoàng Đế
“Minh Tông đem công chúa Nguyệt Sơn gả cho [Ngô] Dẫn. Dẫn cậy giàu có thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục công chúa.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Dụ Tông Hoàng Đế
“Quý Dậu, [Quang Thái] năm thứ 6 [1393], (Minh Hồng Vũ năm thứ 26). [...] Mùa đông, tháng 10 [...] [Công chúa] Thái Dương nhân đi chơi Hồ Tây, thông dâm với Phủ quân ty là Nguyên Uyên (con của Cung Tín Vương Thiên Trạch).” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Thuận Tông Hoàng Đế
Dĩ nhiên, những kẻ này sẽ kể một hoặc một vài trong số các trường hợp phía trên, nhưng hầu hết là sẽ kể vắn tắt, hoặc bóp méo câu chuyện, khiến sự thông dâm ấy trở nên bình thường hóa. Dĩ nhiên, bất kì ai có một chút tư duy phản biện cũng có thể thấy ngay: một hiện tượng gì đó tồn tại phổ biến không có nghĩa là nó tốt và phù hợp đạo đức. Sau đây xin nêu ra cái kết của những trường hợp thông dâm đã kể trên:
“Lê Văn Hưu nói: Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với Thái hậu, không tội gì to bằng.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Long Xưởng có tính hiếu sắc. [...] Nhà vua rất ghét sự vô lễ ấy. [...] Vua giận, bèn phế Long Xưởng.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Anh Tông
“Giáp Ngọ, [Chính Long Bảo Ứng] năm thứ 12 [1174], (Từ tháng 2 về sau là niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm thứ 1; Tống Thuần Hy năm thứ nhất). [...] Mùa thu, tháng 9, Thái tử Long Xưởng có tội, phế làm thứ dân và bắt giam. Trước đó, Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết, cho nên có mệnh này. Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: "Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo [...]" Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Nhà vua sai Thái phó là Ngô lý Tín, Đô quan lang trung là Lê Năng Trường xét xử về cái vụ tranh tụng quan Thiếu sư là Mạc Hiển Tích [...] Năm Canh Tuất [1190] là năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 5: Mùa xuân, tháng 2 bà Thái hậu từ trần. Bà được đặt tên thụy là Linh Đạo. Nhà vua xuống chiếu lưu đày Mạc Hiển Tích ở trại Qui Hóa.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Cao Tông
“Biết đã đến lúc dân ở vùng Hồng đi đón rước mà Phạm Du còn cùng với Công chúa Thiên Cực tư thông [...] Phạm Du bèn lên thuyền theo đường sông mà đi, đi đến Cổ Châu mới dừng lại rồi theo đường bộ đến xã A Cảo thuộc vùng Ma Lãng thì bị người ở Bắc Giang là Nguyễn Nậu và Nguyễn Nải bắt đưa cho Vương Tử Sam giết đi.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Cao Tông
“Tháng 6, Tô Trung Từ ban đêm sang nhà ở Gia Lâm để cùng với Công chúa Thiên Cực tư thông, bị chồng của Công chúa làm Quan nội hầu là Vương Thượng giết chết.” Đại Việt Sử lược, mục nhà Lý, tiểu mục vua Huệ Tông
“Bấy giờ Hiển Hoàng [Trần] Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển làm Hoài Vương.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, kỷ nhà Trần, mục Thái Tông Hoàng Đế
“Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ. Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn vì là con trai Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thuỵ, lại công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, kỷ nhà Trần, mục Nhân Tông Hoàng Đế
“Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô. Hưng Nhượng Đại Vương [vì thế] ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: "Thằng này là điểm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần rồi mất về nó chăng?". Khắc Chung thường sợ hãi né tránh. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thói gian tà của Trần Khắc Chung thực quá quắt lắm! Không những hắn giở trò chó lợn ở đây mà sau này còn vào hùa với Văn Hiến vu hãm quốc phụ thượng tể vào tội phản nghịch, làm chết oan đến hơn trăm người. Thế mà hắn được trọn đời phú quý. Khổng tử nói: Kẻ gian tà được sống sót là may mà thoát tội chăng?". Song, sau khi hắn chết, gia nô của Thiệu Vũ [Vương] đào xác hắn lên mà vằm nhỏ ra thì lời thánh nhân càng đáng tin.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Anh Tông Hoàng Đế
“Một hôm Bảo uy mặc áo ấy vào trong rồi vào chầu, tâu việc trước mặt Thượng hoàng, để lộ ống tay áo ra. Thượng hoàng trông thấy có ý ngờ, sai người kiểm xét lại, quả nhiên chiếc áo cất giữ đã mất. Người cung nhân sai người thị tỳ già đến nhà Bảo uy lấy áo đem về, rồi ngầm đem vào cung dâng trình. Thượng hoàng không nỡ giết, đuổi Bảo Uy ra làm quan ở trấn ngoài. Đến sông Vạn Nữ, sai vũ sĩ đi thuyền nhẹ đuổi giết, vứt xác vào bãi cát rồi về, giáng làm Bảo Uy hầu.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Dụ Tông Hoàng Đế
“Tháng 6, tịch thu gia sản của Ngô Dẫn, trại chủ xã Đại Lai. [...] Dẫn cậy giàu có thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục công chúa. Công chúa đem việc ấy tâu vua. Dẫn được tha tội chết, nhưng bị tịch thu gia sản.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Dụ Tông Hoàng Đế
“Thái Dương nhân đi chơi Hồ Tây, thông dâm với Phủ quân ty là Nguyên Uyên (con của Cung Tín Vương Thiên Trạch). Thượng hoàng giận, đem gả cho Hãng là em Nguyên Uyên để làm nhục.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Thuận Tông Hoàng Đế
Những kết cục kể trên cho thấy rằng dù việc dâm tục vào thời Lý-Trần là có tồn tại, nhưng nó không hề được bình thường hóa một cách hoàn toàn, ít nhất là theo bộ quy tắc đạo đức của giới chính quyền. Cũng như những tệ nạn phổ biến hiện nay như ma túy, cờ bạc… vậy, không ai xem nó là bình thường và tốt đẹp cả, mà có chăng là chấp nhận, chịu đựng chúng như những tồn tại do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà chưa thể khắc phục được ngay, và khi có cơ hội thì sẽ thẳng tay tiễu trừ.
Cũng từ đây, ta có thể thấy rằng, thông dâm rõ ràng là phải chịu sự trừng phạt do đã vượt quá ranh giới đạo đức. Là một nhà nho, hẳn Nguyễn Phi Khanh đã biết tới điều ấy. Thế tại sao ông lại vẫn chỉ biết dùng nửa thân dưới để hành sự, làm ra chuyện vô sỉ ăn cơm trước kẻng, phá đi tiết giới nhà nho của mình? Đã vậy, đây lại còn là mối quan hệ thầy dụ dỗ trò, trong trường hợp tệ nhất có thể tạo thành những tiền lệ xấu về sau, quả thực là cực kì đáng lên án.

QUẤT NGỰA TRUY PHONG

Thứ hai, như đã nói ở trên, vi phạm đạo đức của một nhà nho là chưa đủ, Nguyễn Phi Khanh còn thực hiện một hành vi vô cùng đồi bại đó là bỏ trốn khi biết Thái có thai. Phải đến khi Thái sinh con, Trần Nguyên Đán biết chuyện chẳng thể thay đổi gì nữa, cho mời Nguyễn Phi Khanh tới thì nhân vật chính trong bài của chúng ta mới vác mặt trở lại:
“Đến ngày Thái đẻ, Nguyên Đán hỏi Ứng Long ở đâu. Người nhà trả lời là Ứng Long sợ tội trốn đi rồi. Nguyên Đán nói: "Vận nước sắp hết, biết đâu chẳng phải là trời xui nên thế, vị tất không phải là phúc". Bèn cho gọi hai chàng về bảo rằng: "Người xưa cũng đã có chuyện này. [Các ngươi] không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như hay sao. Nếu [các ngươi] làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta". Hai người cảm ơn sâu nặng, chăm chỉ học hành. Đến khi thi, cả hai đều đỗ.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Phế Đế
Rõ ràng, Nguyễn Phi Khanh đã lựa chọn hành động một cách không hề đáng mặt đàn ông chứ chưa nói đến đạo làm nhà nho: quất ngựa truy phong, bỏ mặc người tình suốt 9 tháng trời bụng mang dạ chửa và chỉ trở về khi được gọi (chắc không được gọi thì… khỏi về luôn). Cần phải nhắc lại đó là dù rằng thực sự có việc người An Nam thời đó tự do trong quan hệ tình dục, cưới hỏi theo ý thích, được phép quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng không có một ghi chép nào nói rằng việc khiến bạn tình có thai rồi bỏ trốn biệt tích được xem là bình thường cả. Xin nhớ rõ, 2 việc chẳng hề tương đồng. Việc quan hệ tình dục trước hôn nhân có thể là điều bình thường thời đó, nhưng nếu kết quả của hành động ấy là dẫn tới người nữ có thai, thì đã là phạm trù của trách nhiệm của người nam rồi. Nhưng Nguyễn Phi Khanh đã chọn cách bỏ chạy một mình. Không cần phân tích quá sâu, trước mắt nhìn vào thì ai cũng sẽ thấy đây rõ ràng là biểu hiện của một kẻ thiếu trách nhiệm, không dám đối mặt với hậu quả những gì mình làm.
Dĩ nhiên, có nhiều người muốn bênh vực Nguyễn Phi Khanh, sẽ lập luận rằng có nhiều vĩ nhân trong lịch sử không rõ danh tính của người cha, tức là cha của họ cũng giống như Nguyễn Phi Khanh, đều là những kẻ không dám chịu trách nhiệm mà bỏ đi khi người tình còn đang bụng mang dạ chửa. Thế nhưng họ đâu có nhận ra lý luận của mình chẳng ăn nhập vào vấn đề chút nào, bởi đâu có ai ca ngợi mấy người cha thiếu trách nhiệm kia đâu, mà chỉ ca ngợi chính bậc vĩ nhân đó vậy.
Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ luôn rằng, với những bậc vĩ nhân trong lịch sử nếu không có rõ danh tính của người cha (có thể là không còn lưu lại tên tuổi hoặc do vấn đề thời đại nên không thể nhắc tới, chứ chưa nói đến độ vô trách nhiệm như Nguyễn Phi Khanh), các ghi chép về thân thế người cha thường sẽ mang màu sắc huyền bí, kì ảo. Chúng ta có thể thấy điều đó đúng với những trường hợp như truyện bà Giản Địch nuốt trứng chim trời mà sinh ra Tiết (tổ tiên của nhà Thương bên Trung Quốc) hay ngay tại Việt Nam thì có thể kể tới Lý Công Uẩn (vị vua khai quốc của nhà Lý):
“Họ Lý, tên húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp1 Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh.” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý, mục Thái Tổ Hoàng Đế
Dưới nhãn quan thời xa xưa, việc quỷ thần cũng là việc có thực. Do đó, có thể thấy, để tránh cho các bậc vĩ nhân ấy phải mang tiếng không cha hoặc có một người cha tồi tệ, vô trách nhiệm đã bỏ rơi mình thì các ghi chép đều tìm cách gạt bỏ đi hình tượng thực tế xấu xí về người cha của họ, thay thế vào đó là một hình tượng phi nhân trác tuyệt, vượt quá hiểu biết của nhân loại để có thể hợp thức hóa sự phi thường của những vĩ nhân này, rằng sự vượt trội của họ đến từ các thế lực siêu nhiên cứ không phải được sinh ra bởi mã di truyền của mấy tên thất phu tầm thường bỏ rơi con cái vậy.
Có thể tóm gọn lại như sau: Quan hệ tình dục trước hôn nhân? Có thể, nhưng hơi tệ nếu như người đó là nhà nho. Thế nhưng để đến nỗi quất ngựa truy phong? Có là ai thì cũng chỉ có thể nói rằng vậy là hèn. Đến đây tưởng cũng chẳng cần nói thêm về nhân cách của Nguyễn Phi Khanh trong chuyện này rồi.

HAY CÓ THỂ NÀO ĐÓ LÀ MỘT VIỆC LÀM CÓ CHỦ ĐÍCH?

*Lưu ý: sau đây là phần giả thiết, chỉ là những suy đoán của tác giả. Vậy nên những ai chỉ quan tâm tới các thông tin đã được xác nhận chắc chắn trong chính sử thì có thể bỏ qua.*
Như đã được đặt vấn để ở ngay phần tiêu đề, việc Nguyễn Phi Khanh bỏ trốn rồi vác mặt trở về sau khi Thái đã sinh con thoạt đầu sẽ phác họa nên hình ảnh một Nguyễn Phi Khanh là một kẻ thiếu trách nhiệm. Nhưng nếu để ý kĩ sẽ thấy có một tình tiết có phần khá bất thường, đó là lúc Trần Nguyên Đán cho gọi Nguyễn Phi Khanh sau khi Thái đã sinh con, thì ông ta lại lập tức trở về ngay. Như vậy, hẳn Nguyễn Phi Khanh không trốn đi đâu xa, và cũng chẳng có tâm thế thực sự bỏ trốn mà chỉ đơn giản là náu ở đâu đó gần nhà, chỉ chực Trần Nguyên Đán gọi là liền về.
Đến đây, chúng ta có hai giả thiết. Một là sử nhà Lê đã cố tình bôi nhọ Nguyễn Phi Khanh nên mới bịa ra câu chuyện mâu thuẫn kia. Dĩ nhiên, giả thiết này không hề thuyết phục. Thực tế, Lê Thánh Tông đã minh oan cho dòng họ Nguyễn Trãi từ năm 1466, đến năm 1467 còn cho người đi thu thập thơ văn còn sót lại của Nguyễn Trãi trong dân gian, sau đó thì hình ảnh của Nguyễn Trãi và thân nhân của ông (trong đó tiêu biểu nhất là Nguyễn Phi Khanh) luôn được ngợi ca. Không lí gì Đại Việt Sử ký Toàn thư, một cuốn sử hoàn thành năm 1479 và phải được chỉnh sửa cho hoàn thiện mãi đến năm 1697 mới chính thức công bố lại phải đi bỏ công sức đặt điều cho Nguyễn Phi Khanh, mà lại còn là đặt điều vô lý đến sinh ra tình tiết có phần khó hiểu phía trên cả. Do đó, giả thiết này là cực kì không thực tế.
Giờ chúng ta có thể đi đến với giả thiết thứ hai, xem chừng vô lí nhưng cũng hết sức thuyết phục: Nguyễn Phi Khanh thực sự chỉ đang tìm cách leo cao, và quyến rũ Thái là phương tiện để thực hiện kế hoạch này. Nguyễn Phi Khanh đã cố tình làm Thái có thai rồi trốn đi, sau đó đợi khi đứa con - mối ràng buộc giữa ông ta và gia đình nhà Trần Nguyên Đán đã ra đời, đủ để làm sức nặng về mặt đàm phán thì mới thò mặt ra. Bởi không chắc rằng Thái sẽ toàn tâm toàn ý với mình (chính sử chỉ chép rằng Nguyễn Phi Khanh đã quyến rũ được Thái, không hề xác nhận rằng cả hai tâm đồng ý hợp quyết sống chết bên nhau đến độ Tư Mã Tương Như và Trác Văn Quân), lo rằng Trần Nguyên Đán sẽ không chấp thuận hôn sự và cũng chẳng tự tin năng lực của bản thân có thể ghi danh bảng vàng, Nguyễn Phi Khanh đã quyết định hành sự bằng nửa dưới để có thể chắc chắn rằng Trần Nguyên Đán phải gả Thái cho mình. Với giả thiết này, những tình tiết khó hiểu trong toàn bộ ghi chép của Đại Việt Sử ký Toàn thư đều có thể được lí giải ăn khớp với nhau một cách logic. Chưa hết, giả thiết này có thể được củng cố bởi một tình tiết đã được ghi nhận trong Đại Việt Sử ký Toàn thư như sau:
Đến khi thi, cả hai đều đỗ. Thượng hoàng nói: "Bọn chúng lấy vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng, bỏ không dùng." Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Phế Đế
Có thể thấy, Thượng hoàng không hề tập trung vào việc Nguyễn Phi Khanh đã làm Thái có thai trước khi kết hôn, mà chỉ tập trung vào hành động “phạm thượng” của Nguyễn Phi Khanh và Hán Anh, đó là lấy vợ giàu. Thực tế các trường hợp lấy vợ giàu của nho sinh nghèo cũng không phải là quá hiếm gặp trong lịch sử. Thế nhưng tại sao trường hợp của Nguyễn Phi Khanh lại bị bắt bẻ?
Chúng ta đều biết rằng quý tộc nhà Trần không chỉ thường gả con gái cho các mục tiêu chính trị để tạo dựng mối quan hệ mà còn có thói kết hôn trong họ với nhau để giữ địa vị và của cải. Do đó, việc Trần Nguyên Đán, một người đã có những hành động gửi gắm con cái cho các phe cánh để đảm bảo sự an toàn cho dòng dõi mình (gửi con trai là Mộng Dữ cho Hồ Quý Ly, để hai con trai khác là Thúc Dao và Thúc Quỳnh làm tướng quân nhà Hồ) thì không có lí gì mà lại đột ngột gả hai người con gái của mình, vốn đang được đào tạo thành những tài nữ (thể hiện qua việc mời thầy về dạy chữ) có thể gả tới các gia đình quyền quý hoặc có thế lực cho hai nam sinh nghèo còn chưa có một dấu hiệu nào chắc chắn sẽ thành danh trong tương lai cả. Vì Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại câu chuyện ở thời điểm nó đã diễn ra, nên việc Nguyễn Phi Khanh làm cho Thái có thai trước khi kết hôn đã được làm rõ. Nhưng vào thời điểm khi mà sự kiện đương diễn ra, thông tin về việc đó có thể vẫn chưa được biết tới, hoặc chưa thực sự được phổ biến và xác thực. Như thế, dưới góc nhìn của Thượng hoàng thì rõ ràng là gì đó mờ ám nên, vậy nên ngài mới đề phòng bằng cách bỏ không dùng cả Nguyễn Phi Khanh lẫn Hán Anh.
Thế nhưng, mọi chuyện chưa dừng ở đó. Một thời gian sau đấy thì:
“Sau Hán Anh làm quan đến chức Chuyển vận. Ứng Long đến nhà Hồ được cất nhắc sử dụng, đổi tên là Phi Khanh (Phi Khanh sinh ra [Nguyễn] Trãi, cũng đỗ thái học sinh).” Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Trần, mục Phế Đế
Có thể thấy, dù đều bị bỏ không dùng, thế nhưng về sau thì Hán Anh cũng đã được nhà Trần dùng, làm quan tới chức Chuyển vận còn Nguyễn Phi Khanh thì phải tới tận thời Hồ mới được cất nhắc. Nguyên nhân là vì đâu? Từ những suy luận phía trên, ta có thể chắc chắn rằng sau khi được điều tra kĩ lưỡng, thì triều đình đã biết được nguyên nhân của hai đám cưới này đều bắt nguồn từ hành vi của Nguyễn Phi Khanh, do đó mà Hán Anh đã được dùng trở lại, còn Nguyễn Phi Khanh thì phải tới tận thời nhà Hồ, thông qua mối quan hệ tốt của bố vợ với Hồ Quý Ly mà mới được thăng quan tiến chức. Điều này giải thích cho việc vì sao Đại Việt Sử ký Toàn thư lại có được những thông tin về việc làm của Nguyễn Phi Khanh một cách rõ ràng đến vậy.
Tóm lại, chiếu theo giả thiết khá khả thi này, rõ ràng Nguyễn Phi Khanh là một kẻ tâm cơ, quyết tâm leo cao bằng con đường tắt. Tuy nhiên, vải thưa thì không che được mắt thánh, Thượng hoàng đã dập tắt hy vọng này của Nguyễn Phi Khanh một cách phũ phàng. Dĩ nhiên, sự kiện này khiến Nguyễn Phi Khanh sau đó đã ngả sang phe Hồ Quý Ly, điều mà sẽ liên quan mật thiết với phần tiếp theo của loạt bài này.
Viết bài: Nguyễn Quốc Hoàn; biên tập và chỉnh lý: Hải Stark