Thực ra thì tôi đã đọc xong Lolita khoảng 2 tuần trước rồi, nhưng phần vì bận bịu quá, phần vì cũng lười (tỉ lệ 20/80 😊) nên tôi cứ delay việc viết về cuồn sách này mãi.

Lolita được xuất bản vào năm 1955 bằng tiếng Anh, sau đó được chính tác giả dịch sang tiếng Nga. Tác phẩm nói về Humbert, một gã tiến sỹ ngành văn chương 35 tuổi, mang trong mình nỗi ám ảnh và khát khao dành cho các “tiểu nữ thần” từ 9-14 tuổi. Gã đặc biệt si mê Dolores Haze, hay chính là Lolita của H.H khi tác giả thú nhận ngay những dòng đầu tác phẩm: “Lolita, ánh sáng đời tôi, ngọn lửa hạ bộ tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta”. Gã cưới mẹ của Lolita với mục đích được gần gũi cô con gái bé nhỏ ngang ngạnh của bà, và mọi chuyện trở nên vô cùng thuận lợi khi quý phu nhân của Humbert chết tức tưởi trong một vụ tai nạn, sau khi vừa phát hiện ra bí mật kinh tởm giấu trong những trang nhật kí cất sâu trong ngăn kéo của gã. Ngay sau khi an tang vợ mình, Humbert nhanh chóng đón Lolita từ trại hè, và kéo em đi khắp nước Mỹ, trong một cuộc hành trình dục cảm tội lỗi. (Về nội dung cuốn sách, các cậu tìm đọc ạ, tránh spoil nhé.)
Nói thật lòng, tôi đọc Lolita phần nhiều vì tò mò, (và vì tôi luôn dành sự ưu tiên cho những tác phẩm văn học kinh điển nữa). Chẳng phải tự nhiên một cuốn sách có thể trở thành tâm điểm tranh luận trong nhiều thập kỉ. Và lời nói thật lòng thứ hai, Lolita là tác phẩm khiến tôi vô cùng bối rối, không biết nên yêu thích hay căm ghét cuốn sách này. Tôi vẫn recommend cho những ai yêu thích văn học kinh điển, chỉ là nên cân nhắc trước khi đọc, vì chả dễ chịu gì lắm đâu.
Tôi hoàn thành việc đọc cuốn sách này một cách khá vất vả, và để nói một lời thật lòng, thì ngôn từ và cách biểu đạt văn chương hoa mỹ, sáng tạo và ma thuật mà Vladimir Nabokov sử dụng chính là yếu tố níu kéo tôi lại đọc cuốn sách cho đến những trang cuối cùng. Tôi biết suốt trong suốt 5 thập kỉ, công chúng đã không ngừng tranh cãi về nội dung của tác phẩm này. Có người ca ngợi Lolita là một bài ca dị biệt của tình yêu dung tục thuần khiết, nhưng đa số nhìn nhận Lolita là một bản bệnh án tâm thần gây nhức nhối và ngột ngạt. Tôi theo phe thứ hai.
Trầy trật đọc Lolita khiến cho tôi cảm thấy mình đang nói chuyện với một thằng cha bệnh hoạn nhưng có bằng tiến sỹ. Dù nhức nhối và hơi lợm người nhưng vẫn đọc cho hết, vì tò mò muốn biết rồi cuộc đời của gã và Lolita rồi sẽ đi về đâu, và đôi khi sẽ được an ủi bằng những câu từ dịu dàng, lấp lánh và lãng mạn của Humbert, nên tôi vẫn đi hết cuộc hành trình 400 trang sách này. Hoặc thú nhận trắng ra là tôi bị sập bẫy ngôn từ của Vladimir Nabokov. Tội ác của Humbert đã được lãng mạn hoá lên và núp dưới cái bóng tinh xảo của ngôn từ. Khi một gã đàn ông mắc chứng ái nhi và tâm thần bắt cóc một đứa trẻ 12 tuổi, hãm hiếp và bắt cô bé phục dịch 2 năm trời, thì tôi chả cần quan tâm xem liệu H.H có yêu Lolita thật không, dù Humbert có gọi Lolita là "mối tình Mỹ bất diệt đã chết của tôi", và cũng không màng đến việc thực ra Lolita cũng là một cô bé tinh quái, ngang ngược và lắm chiêu trò. Với tôi, Lolita không bao giờ là một tiểu thuyết tình yêu, chỉ là bản thú tội đầy bệnh hoạn nhưng hoa mỹ.
“Với tư cách là một hồ sơ bệnh án, “Lolita” chắc sẽ trở thành một tư liệu kinh điển trong giới y học tâm thần. Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, nó siêu việt trên khía cạnh chuộc tội của nó; và đối với chúng tôi, điều còn quan trọng hơn cả ý nghĩa khoa học và giá trị văn học, là tác động đạo lý mà cuốn sách sẽ tạo nên đối với độc giả nghiêm túc; vì trong nghiên cứu cá nhân xót xa này, ẩn chứa một bài học phổ quát; đứa trẻ ngang ngạnh, người mẹ ích kỉ, gã quỷ ám hổn hển, không phải chỉ là những nhân vật sống động trong một câu chuyện duy nhất; họ cảnh báo ta về các khuynh hướng nguy hiểm; họ chỉ ra những cái xấu đầy cường lực.
“Lolita” khiến tất cả chúng ta - những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục - phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn.” — Widworth, Mas. - 5 tháng 8 năm 1955