“Ở cái tuổi lên bảy, mọi đứa trẻ đều cần có siêu anh hùng. Những ai không chấp nhận điều đó cần phải xem lại đầu óc của mình.” – Đó là câu mở đầu của cuốn sách, hơi kì cục, nó khiến tôi phải nhướn mày một phát rồi suy nghĩ đến chuyện đi xem lại đầu óc của mình.
Tôi thích cuốn sách này. Cũng giống như Người đàn ông mang tên Ove, từ nội dung cho đến câu chữ của Fredrik Backman luôn rất dễ chịu, dễ thương và ấm áp. Nội dung nhẹ nhàng, nhưng đáng yêu và đầy nhân văn. Tôi dễ rơi vào những cuốn sách như thế này, những cuốn sách mà khi gấp lại, tôi lại có thể cảm thấy yêu thương mọi người hơn một chút, có lòng tin vào mọi người hơn một chút.
Elsa là một cô bé gần tám tuổi. Nhưng nó không giỏi làm một cô bé bảy tuổi cho lắm. Và Elsa có bà ngoại, bà bảy mươi bảy tuổi, gần bảy mươi tám tuổi. Nhưng bà ngoại của Elsa lại không giỏi làm một bà già bảy mươi bảy tuổi cho lắm. Nhưng bà là siêu anh hùng của Elsa. Thật ra, bà là siêu anh hùng của tất cả mọi người. Nếu đọc mấy chương đầu tiêu, thì chuyện bà ngoại Elsa là một siêu anh hùng nghe sẽ hơi vô lý một chút. Vì làm gì có siêu anh hùng bảy mươi bảy tuổi nào lại “trốn khỏi bệnh viện để trèo vào sở thú lúc 11 rưỡi đêm và sau đó ném phân vào cảnh sát” (mặc dù bà có cãi đó chủ yếu toàn là đất thôi). Còn Elsa thì lại là một cô bé hơi khác biệt so với đám bạn cùng tuổi, và nó không có người bạn nào khác ngoài bà ngoại, nó biết nhiều hơn những cô bé bảy tuổi sáng nhờ Wikipedia, nghiền Harry Potter, X-men (những thứ văn chương có chất lượng) và trong túi áo luôn có một cái bút dạ đỏ để đi sửa lỗi chính tả của người khác.
Tôi thích cái cách tác giả lồng các câu chuyện cổ tích của bà ngoại vào cuộc sống của Elsa. Tôi thích cách cô bé đếm thời gian bằng những đời cổ tích, hay bằng nhịp đập của cánh chim ruồi. Và dù câu chuyên được kể theo ngôi thứ ba, thì tất cả vẫn diễn ra dưới con mắt của một đứa trẻ bảy tuổi (gần tám tuổi) hơi cụ non và biết tuốt. Tất cả đều trở nên đáng yêu. Những triết lí khiến người lớn phải suy ngẫm, dưới suy nghĩ của một đứa bé bảy tuổi sẽ trở nên dễ vào đầu hơn nhiều. Ví dụ nhé: khi người lớn nói với Elsa rằng:
“Nếu cháu nhìn xuống vực thẳm quá lâu, vực thẳm sẽ nhập vào cháu. Nếu cháu căm thù ai đó, cháu có nguy cơ trở thành giống người đó”
Và vai của Elsa sẽ nhô cao lên tận mang tai. Nó sẽ dịch lại bằng ngôn ngữ của bà ngoại là: “Đừng đá đống phân, vì nó sẽ dây ra khắp nơi.” Và cá nhân tôi thấy như vậy dễ nhớ hơn.
Kể cả những lỗi lầm cũng trở nên đáng yêu và hoàn toàn có thể tha thứ. Bởi vì sau tất cả, mọi người nên tha thứ cho nhau. Bởi vì chẳng có ai là rác rưởi hoàn toàn, và cũng không ai là hoàn toàn không rác rưởi cả. Vì cuộc sống vừa phức tạp lại vừa đơn giản. Vậy nên ai cũng xứng đáng được ăn những chiếc bánh giấc mơ.
(Và tôi vẫn giữ quan điểm không spoil tí nào nội dung cuốn sách đâu ạ).
P.S/ Với lại, rồi tôi nhận ra tôi cũng có siêu anh hùng của riêng mình khi tôi là một con bé bảy tuổi, gần tám tuổi. Dù hồi ấy tôi khá nghiền Thuỷ thủ mặt trăng, nhưng Sailor Moon vẫn xếp sau mẹ. Các cậu có hình dung ra trên chiếc xe đạp, mẹ có thể chở được cả hai chị em tôi, Tùng Anh ngồi ghế em bé ở yên sau, tôi ngồi vắt vẻo ở đằng trước, mẹ ngồi giữa, và đưa tôi đi học, hằng ngày luôn đấy.