Tác giả: Nguyễn Đỗ Thuyên
“Các cuộc tấn công vào giáo dục khai phóng đã có hiệu quả”, “ý tưởng rằng giáo dục khai phóng giờ đã lỗi thời đã đạt được điều hiếm có tại Washington: sự nhất trí của hai đảng” – Fareed Zakaria bình luận đầy mỉa mai trong cuốn sách được xuất bản năm 2016 của ông - “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng”. Rốt cuộc, giáo dục khai phóng (liberal arts education) đã chịu những cáo buộc gì trong “phiên tòa giáo dục” này, và phiên bào chữa của Zakaria liệu có thành công?
Fareed Zakaria - sau khi thể hiện vai trò của một nhà bình luận chính trị xã hội xuất sắc trong những tác phẩm bestseller như “Tương lai của tự do” (“The Future of Freedom”), “Thế giới hậu Mỹ” (“The Post-American World”) – giờ đây vào vai một luật sư để bào chữa cho nền giáo dục khai phóng trước những cuộc tấn công liên tiếp từ nhiều phía. Nếu phiên tòa “xét xử giáo dục khai phóng” là có thật, thì công tố viên sẽ là các thống đốc bang muốn ngưng bảo trợ cho các môn khai phóng, còn luật sư bên nguyên sẽ là các nhà giáo dục đề cao nền “giáo dục kỹ năng”. Bồi thẩm đoàn sẽ bao gồm các phụ huynh – những người đang phân vân trước các lựa chọn định hướng giáo dục của con mình, và các doanh nhân – những người tiếp nhận sản phẩm đầu ra của nền giáo dục. Không có ai phù hợp với vị trí thẩm phán hơn Tổng thống Mỹ tại thời điểm đó – Barack Obama.
Thế nhưng vị thẩm phán này ngay lập tức thể hiện sự thiên vị. Năm 2014, ông Obama đưa ra một phát biểu gây tranh cãi: “Tôi cam đoan với bạn, về tiềm năng mà nói, ta có thể kiếm được nhiều tiền với tay nghề cao trong sản xuất hoặc trong các ngành thương mại hơn là với một mảnh bằng lịch sử nghệ thuật”. Cái nhìn của Obama cũng là quan điểm của nhiều người Mỹ lúc đó: Sinh viên tốt nghiệp đại học nên tập trung vào các công cụ giúp họ kiếm được công việc tốt, và không phải giáo dục khai phóng, mà chính giáo dục kỹ năng sẽ giúp họ đạt được điều đó. Tình thế của giáo dục khai phóng được Fareed Zakaria mô tả là: “Những người ủng hộ thì dè dặt với ưu điểm của nó, còn những người phản đối thì coi nó là thứ đắt đỏ và gây phản tác dụng. Trong thời đại của các ứng dụng này thì theo học văn học hay ngôn ngữ liệu thực sự có ý nghĩa chăng?”
Đóng vai “luật sư bên bị” trong phiên tòa giả định này, hẳn Fareed Zakaria hiểu được tình thế khó khăn đến mức nào khi mà giáo dục khai phóng đang chịu sự cáo buộc từ cả nhà nước, thị trường lẫn cộng đồng. Để thuyết phục bồi thẩm đoàn tin rằng giáo dục khai phóng vô tội, ông cần phải sử dụng các nhân chứng tốt nhất và tìm kiếm các bằng chứng phù hợp nhất. Nói như viên luật sư Arnold Pearson trong tác phẩm “Kẻ mạo danh” của Jeffrey Archer, Zakaria sẽ phải “đếm từng viên gạch lát vỉa hè trên quãng đường từ hiện trường đến nhà nghi phạm” – hàm ý rằng ông sẽ không nên để lọt bất cứ chi tiết nào dù là nhỏ nhất.
Giáo dục khai phóng trên bục nhân chứng
Khi bắt đầu màn hỏi đáp với thân chủ, các luật sư bào chữa sẽ luôn đặt các câu hỏi nhằm làm rõ tính cách và đặc điểm của thân chủ mình, không gì ngoài mục đích tạo ra nhiều thiện cảm hơn cho thân chủ trong ấn tượng của bồi thẩm đoàn. Fareed Zakaria đã tuân thủ chiến thuật đó trong hai chương sách đầu tiên: Ông đưa ra và trả lời hai câu hỏi: (1)“Giáo dục khai phóng là gì?”, (2) “Nó có ích gì cho xã hội?”
Không dễ trả lời câu hỏi đầu tiên, nhất là khi giáo dục khai phóng mang trong mình một lịch sử phát triển hơn hai ngàn năm, trải dài qua nhiều nền văn minh, được bồi đắp bởi nhu cầu xã hội và tư tưởng giáo dục của nhiều thời kỳ khác nhau. Điều không thay đổi trong suốt tiến trình phát triển này chính là tinh thần tự do trong học thuật. Tinh thần này đã luôn được duy trì, kể từ khi người La Mã gọi cách tiếp cận giáo dục này là “liberal” – “khai phóng” (mà trong nguyên nghĩa Latin thì tức là “của hay thuộc về người tự do”); cho đến khi cố Chủ tịch trường Harvard Charles Eliot tạo ra một chương trình giảng dạy cho phép sinh viên có thể tự do lựa chọn các khóa học (với rất ít các môn bắt buộc). Sẽ dễ hình dung hơn nếu so sánh cách làm của Harvard với các trường dạy “giáo dục kỹ năng”, nơi có khung sườn học tập cụ thể với nhiều môn bắt buộc hơn nhằm đảm bảo định hướng đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Giáo dục khai phóng – trái lại – tôn trọng tối đa lựa chọn của người học. Những nhà cải cách giáo dục như Eliot tin rằng “một chàng trai 18 tuổi được đào tạo tốt có thể tự chọn cho mình một khóa học tốt hơn so với bất kỳ ban giảng viên nào - những người không quen biết cậu ta, ông cha và cuộc sống trước đây của cậu”. Từ sự tự do đó, sinh viên được kỳ vọng có thể gợi mở trí tưởng tượng và tìm ra ngành nghề mình thật sự đam mê. Điều thú vị là Fareed Zakaria đã dùng chính trải nghiệm của mình để chứng minh cho lập luận này.
Fareed Zakaria là một sản phẩm đúng nghĩa của nền giáo dục khai phóng Mỹ, vì vậy đọc cuốn sách của ông, người đọc có dịp theo chân một du học sinh Ấn Độ đã dần dần bị nền giáo dục khai phóng hấp dẫn và thuyết phục. Zakaria đã từng rất kinh ngạc khi xem qua chương trình học vô cùng đa dạng của Đại học Harvard với rất nhiều các môn tự chọn – điều rất khác so với Ấn Độ những năm 1970, nơi đa phần chỉ có các môn học bắt buộc cố định. Đến từ một đất nước xem trọng giáo dục kỹ năng, Zakaria đã từng băn khoăn xem có nên học lập trình máy tính ở Đại học Yale hay không, cho đến khi ông tìm thấy môn học yêu thích “Lịch sử chiến tranh Lạnh”. Chính ở lớp học khai phóng này, Zakaria nhận ra rằng “nên xem xét niềm đam mê của mình một cách nghiêm túc, ngay cả khi không chắc là nó sẽ đưa mình đi đâu về mặt nghề nghiệp”, để rồi cuối cùng lựa chọn Lịch sử làm chuyên ngành chính. Thế giới có thể đã thiếu đi một lập trình viên máy tính, nhưng đã có thêm một tiến sĩ sử học, một nhà báo và một tác giả bestseller.
Nhưng nếu tinh thần tự do của nền giáo dục khai phóng là tích cực, điều gì đã khiến các “công tố viên” buộc tội nó? Điều gì khiến các Thống đốc tiểu bang đòi cắt giảm tiền tài trợ cho các môn khai phóng? Đó là lúc Zakaria phải trả lời câu hỏi thứ hai.
Phản bác những lời buộc tội của thị trường
Có nhiều lí do khiến người ta ngày càng coi trọng “giáo dục kỹ năng” hơn “giáo dục khai phóng”. Chẳng hạn ở quê hương Ấn Độ của Fareed Zakaria, người ta chú trọng đến công nghệ và tính thực dụng vào thập niên 1970 trong bối cảnh lạm phát tăng vọt, nền kinh tế suy giảm mạnh. Cũng dễ hiểu, khi kinh tế thiếu thốn thì điều đầu tiên người ta nghĩ đến thường sẽ là những lợi ích vật chất có thể đo đếm được thay vì những giá trị “tốt đẹp nhưng mơ hồ”. “Giáo dục kỹ năng” - vốn chú trọng đào tạo chuyên ngành hẹp với định hướng rõ ràng sau khi ra trường (học kỹ thuật để làm kỹ sư, học lập trình để làm lập trình viên…) – dĩ nhiên sẽ là sự bảo chứng tốt hơn cho một công việc tốt, ổn định, lương cao. Còn giáo dục khai phóng thì sao? Thống đốc Rick Scott của bang Florida – “công tố viên” của phiên tòa giả tưởng này – hỏi và tự trả lời: “Có thêm nhiều nhà nhân chủng học là lợi ích sống còn của nhà nước ư? Tôi không nghĩ vậy”.
Thái độ của Rick Scott cũng như phát biểu của Barack Obama cho thấy một điểm chung: giáo dục khai phóng bị chê bai vì những ngành nghề nó đào tạo ra như nghiên cứu nhân chủng học, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật không tạo ra lợi ích đủ nhiều cho xã hội và cho chính nó. Quan điểm này không chỉ tồn tại trong giới lãnh đạo nước Mỹ mà còn thể hiện trong lựa chọn của sinh viên. Frank Rhodes trong cuốn sách “Tạo dựng tương lai – Vai trò của các Viện đại học Hoa Kỳ” nhận xét rằng: “Ngày càng nhiều các sinh viên coi trường đại học như nơi học để ra kiếm việc làm, họ có xu hướng theo học những chuyên ngành chính hẹp, có tính chất hướng nghiệp giúp họ kiếm việc sau này thay vì theo đuổi một văn bằng chung chung hơn trong các ngành khai phóng”. Thực tế, số sinh viên nhận bằng cử nhân trong các ngành khai phóng và khoa học đã giảm từ 47% trong tổng số bằng cử nhân (năm 1968) xuống còn 26% năm 1986, theo Rhodes. Những số liệu gần hơn của Zakaria cho thấy con số này là khoảng 33% (năm 2012).
Nhưng có đúng là thị trường lao động đánh giá thấp những người tốt nghiệp các ngành khai phóng? Fareed Zakaria đáp trả các luận điểm tấn công này bằng hai vũ khí: trích dẫn các lãnh đạo doanh nghiệp quan trọng – những người đủ tư cách nói về nhu cầu của thị trường lao động; và sử dụng các kết quả nghiên cứu đáng tin cậy. Khảo sát của Hiệp hội các trường và đại học Mỹ năm 2013 cho thấy, đúng là các sinh viên học giáo dục kỹ năng sẽ có mức lương khởi điểm cao hơn các sinh viên hệ khai phóng (lí do là sinh viên học giáo dục kỹ năng sở hữu một vốn kỹ năng rõ rệt có thể áp dụng ngay khi vừa gia nhập các công ty). Nhưng khoảng chênh lệch này sẽ bị thu hẹp qua thời gian khi những sinh viên tốt nghiệp hệ khai phóng tiếp tục học hỏi chuyên môn trong quá trình làm việc, đồng thời phát huy được thế mạnh trong kiến thức khai phóng. Nói như Norman Augustine (cựu CEO tập đoàn Lockheed Martin): “Ngành kinh doanh cần gì từ hệ thống giáo dục? Nó cần thêm nhiều nhân viên xuất sắc về kỹ thuật. Nhưng đó chỉ là khởi đầu. Người ta không thể chỉ sống bằng các phương trình. Nhu cầu ngày càng tăng là phải có những người lao động có kỹ năng ngoại ngữ tốt hơn và một kiến thức rộng hơn về kinh tế, lịch sử và địa lý. Và liệu có ai muốn một nền kinh tế dựa trên công nghệ khi những người lèo lái nó không được đào tạo căn bản trong các lĩnh vực như đạo đức?...”
Rất rõ ràng, không phải những cử nhân hệ khai phóng tạo ra ít lợi ích hơn cho bản thân, doanh nghiệp và xã hội. Sự thật là họ có thể tạo ra lợi ích nhiều hơn, nhưng lợi ích này đến muộn hơn. Theo thời gian, những kỹ năng mà sinh viên hệ khai phóng sở hữu sẽ càng phát huy giá trị và làm gia tăng khả năng được thăng tiến. Các CEO nổi tiếng như Norman Augustine, Jeff Bezos đều đề cao những nhân viên có khả năng viết rõ ràng, nói mạch lạc, trình bày trước đám đông… vốn là nhóm kỹ năng được hun đúc từ chương trình giảng dạy khai phóng. Để tăng tính thuyết phục, Zakaria có thể mời lên bục nhân chứng hai nhà nghiên cứu Richard Arum và Josipa Roksa. Tromg cuốn sách “Bất định về học thuật – Tình trạng học tập hạn chế trong trường đại học”, Arum và Roksa đã chỉ ra rằng các sinh viên ngành khai phóng (nhân văn, khoa học xã hội…) chiếm ưu thế áp đảo so với các ngành giáo dục kỹ năng (kinh doanh, truyền thông, cơ khí, khoa học máy tính…) trong việc tham gia ít nhất một khóa học đòi hỏi hơn 20 trang viết và hơn 40 trang đọc mỗi tuần.
Hóa ra, những kỹ năng được thị trường lao động coi trọng nhất đã được hình thành tốt nhất trong môi trường khai phóng. Có lẽ vì vậy mà 74% nhà tuyển dụng ở Mỹ khuyến cáo nên giảng dạy một nền giáo dục khai phóng đúng nghĩa cho sinh viên. Và nếu ai đó còn nghi ngờ về lợi ích có thể đo đếm được của hệ khai phóng, Fareed Zakaria có thể trích dẫn nghiên cứu năm 2017 của Richard Detweiler cho lần tái bản sách kế tiếp. Detweiler chỉ ra rằng những sinh viên dành hơn một nửa thời gian học cho các môn không liên quan đến chuyên ngành (đây vốn là đặc điểm của các trường khai phóng) có khả năng kiếm được thu nhập nhiều hơn 100.000 đô la mỗi năm so với những những người còn lại.
Giáo dục khai phóng đã chứng minh được giá trị của nó trong chính khía cạnh mà nó từng bị buộc tội: tạo ra lợi ích cho xã hội và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nhưng như thế có đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều nên học giáo dục khai phóng? Và liệu giáo dục khai phóng có phải là con đường duy nhất để đạt được thành công? Đó là những điều Fareed Zakaria đã không nhắc đến trong phiên biện hộ.
“Và bồi thẩm đoàn tuyên bố…”
Không phải tất cả lí lẽ biện hộ của Fareed Zakaria dành cho “thân chủ giáo dục khai phóng” đều hoàn hảo. Những lập luận của ông – như đã nói ở trên – cần có sự bổ sung dẫn chứng đáng kể từ những nghiên cứu khác. Ngoài ra, Zakaria không có sự tách bạch rõ ràng giữa các khái niệm: (1) Môn học khai phóng (nhân văn, khoa học xã hội…), (2) Thiết kế giảng dạy kiểu khai phóng (tăng số bài đọc, bài viết, tăng số môn tự chọn, bãi bỏ các phân khoa…), (3) Cách giảng dạy mang tính khai phóng (nhấn mạnh vào phương pháp khoa học hơn dữ liệu khoa học, coi trọng tự do tư duy, khuyến khích phản biện…), (4) Cơ sở hạ tầng hỗ trợ giáo dục khai phóng (hệ thống ký túc xá, phòng tập thể giúp tạo ra các trải nghiệm “sống – học tập” (living – learning), “bạn bè học lẫn nhau” (peer-to-peer education)…).
Các khái niệm này đều có nội hàm ẩn chứa những liên hệ đến tinh thần khai phóng, mà nếu không phân tích kỹ, sẽ dễ dẫn đến ngộ nhận. Chẳng hạn, nếu không bóc tách rõ vai trò của thành tố cơ sở hạ tầng - ký túc xá đối với giáo dục khai phóng mà chỉ áp dụng rập khuôn việc xây ký túc xá cho sinh viên, các trường đại học rất có thể sẽ phạm sai lầm như mô tả trong trong nghiên cứu năm 2009 của Grisby, “College life through the eyes of students”. Đó là khi họ thiết kế nên những khu ký túc xá “theo dạng căn hộ riêng, các cánh cửa thường đóng lại, tương tác giữa các cá nhân ít khi xảy ra, không khí tương tự như các khu chung cư hiện đại”. Mặc dù đều là ký túc xá, nhưng những ký túc xá truyền thống với phòng tắm tập thể, các cánh cửa mở rộng mới là môi trường nuôi dưỡng nên văn hóa “học tập đa chiều” (lateral learning) của giáo dục khai phóng. Những căn hộ đóng kín không giúp ích gì cho văn hóa học tập đa chiều cả. Rõ ràng, chỉ một sự hiểu sai trong khái niệm có thể tạo ra những nhầm lẫn đáng tiếc.
Tương tự, nếu nhập nhằng giữa “môn học khai phóng” với “thiết kế giảng dạy kiểu khai phóng”, người ta dễ lầm tưởng rằng chỉ có các môn học khai phóng mới là con đường duy nhất giúp nâng cao kỹ năng đọc và viết. Thực ra, điều này chủ yếu phụ thuộc vào thiết kế giảng dạy. Và như thế, sinh viên của hệ giáo dục kỹ năng cũng hoàn toàn có thể có cơ hội nâng cao những kỹ năng đó nhờ một thiết kế chương trình tốt hơn. Giống như Frank Rhodes đề xuất, các trường hoàn toàn có thể tổ chức các lớp dạy kỹ năng viết cho bất cứ sinh viên nào muốn học, tùy theo năng lực: lớp “Writing in the Majors” (kỹ năng viết trong chuyên ngành) dành cho sinh viên năm cuối; những lớp viết mang tính tổng quan hơn cho sinh viên năm hai, năm ba.
Những chỗ thiếu hụt của Zakaria – thật may mắn – đã không ảnh hưởng đến bản chất phiên bào chữa cho giáo dục khai phóng. Không những tránh thoát khỏi mọi cáo buộc, giáo dục khai phóng – trong lập luận của Zakaria – còn đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong cuộc sống đương đại. “Những người học viết mã nguồn cho máy tính chỉ cách đây mười năm trước bây giờ phải đối diện với một thế giới mới của các ứng dụng và thiết bị di động”, Fareed Zakaria đã dùng ví dụ này để minh họa cho một thực tế mà tất cả chúng ta - dù muốn hay không – đều phải thừa nhận: Những gì chúng ta học được trong trường đại học rồi cũng sẽ trở nên lạc hậu với công việc hàng ngày của chúng ta. Thế giới đang thay đổi quá nhanh theo những tiến bộ vũ bão của công nghệ, các ngành nghề mới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, kèm theo sự đào thải nhiều ngành nghề hiện tại. Kiến thức của ngày hôm qua thì hôm nay đã cũ, vì vậy học tập và tái học tập, trang bị và tái trang bị công cụ trở thành vấn đề then chốt của nền kinh tế hiện đại. Có thể tìm thấy lời giải ở đâu? Nhiều người, trong đó có Chủ tịch Đại học Harvard Drew Faust tin rằng giáo dục khai phóng có thể là một lựa chọn đáng để xem xét: “Giáo dục khai phóng sẽ giúp người ta chuẩn bị sẵn sàng cho công việc thứ sáu, chứ không phải công việc đầu tiên của họ”.
Còn bạn, nếu được mời làm bồi thẩm viên trong phiên tòa giáo dục này, bạn sẽ nói gì?
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất