Trong một cuộc trò chuyện cùng Jamie Carragher, khi được hỏi về người đàn anh Franco Baresi, Paolo Madini đã nhận xét như sau: “Anh ấy là một người rất đặc biệt.” Chỉ trong một cụm từ đơn giản như vậy, hậu vệ huyền thoại người Italia đã gói gọn toàn bộ những phẩm chất tinh túy và đẳng cấp nhất của một trong những Libero xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới. Ông là vị anh hùng vĩ đại của các tifosi trên khán đài phía nam Curva Sud tại Stadio Giuseppe Meazza San Siro, và được AC Milan treo vĩnh viễn chiếc áo số 6 như một sự tôn kính tuyệt đối. Franco Baresi là người đàn ông có-một-không-hai mà Italia đã sản sinh ra.
Baresi sinh ra tại Travaglito, vùng Lombardy, nơi sẽ mất khoảng một tiếng đồng hồ để đi đến Milano. Người dân Lombardy luôn tự hào khi họ sở hữu La Scala, nhà hát Opera nổi tiếng bật nhất thế giới. Tại nơi đây, nhà soạn nhạc opera vĩ đại nhất Italia đồng thời cũng là một trong những nhà soạn nhạc có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, Guiseppe Verdi, cho ra mắt vở opera đầu tiên của ông, Oberto, Conte di San Bonifac. Cũng tại nơi đây, ở sân vận động nổi tiếng nhất vùng Lombardian - nơi được mô tả là “nhà hát” của thể thao Italia - San Siro, chàng trai trẻ Franco Baresi đã trình diễn tài năng xuất chúng của mình và những phẩm chất đã giúp ông thành danh, đồng thời được biết đến như một tượng đài vĩ đại của bóng đá thế giới.
Sự nghiệp của ông là một câu chuyện tôn vinh lòng trung thành và danh dự, một huyền thoại kể về người anh hùng sẵn sàng chết trong vinh quang để bảo toàn khí tiết trong cuộc chiến chứ không có khái niệm thỏa hiệp. Cuộc đời của Baresi gắn liền với Milan, ông dành toàn bộ sự nghiệp của mình với Rossoneri, kể cả khi đội bóng này ở bên bờ vực suy tàn, hay thậm chí có hàng tá gã khổng lồ của bóng đá châu Âu trải thảm đỏ để mời ông về. Không chỉ dành được những thành tựu, danh hiệu và vinh quang, mà còn là sự tôn sùng tuyệt đối từ các Milanista để đáp lại lòng trung thành không thể lung lay của ông. Tại San Siro, Baresi không khác gì một vị chúa.
Trong một nền bóng đá nổi tiếng với việc sản xuất ra những ngôi sao phòng ngự xuất chúng, không có gì đáng ngạc nhiên khi một hậu vệ như Franco Baresi xuất hiện. Tuy nhiên, nếu so với các hậu vệ cùng thời - kể cả ở Italia - thì Baresi thật sự rất khác biệt khi chỉ cao 1m76 và chỉ đứng đến vai của những người khác.
Nhưng trong vóc dáng nhỏ bé ấy là một con người vô cùng quyết đoán trong mọi tình huống và luôn làm việc cực kì cẩn trọng. Baresi là ví dụ hoàn hảo cho một người lãnh đạo đích thực: Không có nhu cầu thể hiện bản thân khác biệt với các đồng đội, luôn hoàn thành tốt vai trò duy trì kỷ luật phòng ngự và tổ chức đội bóng; đó là biểu hiện rõ rệt nhất của bất kì tập thể nào được ông dẫn dắt ở Milan trong sự thay đổi đội hình qua nhiều năm. Tuy nhiên, Baresi không chỉ là một hậu vệ đơn thuần, ông sở hữu khả năng đọc trận đấu tuyệt vời, không chỉ hỗ trợ phòng ngự, mà còn sẵn sàng tự mình dẫn bóng lên phần sân của đối phương, và khi dâng cao, Baresi thể hiện hình ảnh của một tiền vệ suất xắc.
Đó chính là phong cách khiến ông được so sánh với Franz Beckenbauer - người đã tạo ra vai trò “Libero”. Trong khi đa số đều cho rằng huyền thoại của Bayern Munich luôn gây ấn tượng trong việc dâng cao khỏi hàng phòng ngự và có thể chơi xuất sắc ở cả vị trí tiền vệ, thì chắc chắn cũng sẽ rất ít người phản đối việc Baresi không hề thua kém Franz. Mặc dù mỗi người đều mang phong cách riêng của họ.
Trong 20 năm khoác áo đỏ đen, Baresi không chỉ có một sự nghiệp vinh quang và hàng loạt danh hiệu, mà còn chứng tỏ được lòng trung thành tuyệt đối bằng thái độ quyết không rời bỏ A.C. Milan dù đã hai lần phải xuống chơi ở Serie B. Điều này khá kì lạ, khi trước đó, nếu một kịch bản khác xảy ra thì Baresi đã khoát lên mình màu áo Xanh-đen của đối thủ truyền kiếp Inter Milan, chứ không phải là màu đỏ-đen, và những người đã-và-đang tôn sùng ông sẽ là những Interista ở phía đối diện của San Siro, trên khán đài phía Bắc Curva Nord, chứ không phải Curva Sud.
Franco Baresi sinh ra vào ngày 08 tháng 5 năm 1960, là em trai của Giuseppe Baresi, người lớn hơn ông 2 tuổi. Hai anh em mất cả cha lẫn mẹ khi Franco chỉ mới 16 tuổi, lúc này, cả hai đã quyết định rằng họ muốn trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, và đã đến Internazionale để thử việc. Nerazzurri thu nhận ngay người anh, nhưng Franco đã bị từ chối vì thể trạng thấp bé và ốm yếu, họ cho rằng ông sẽ không thể chịu được sự khắc nghiệt của Serie A.
Baresi hồi tưởng lại: "Anh trai tôi đã chọn chơi cho Inter . Tôi muốn ở bên anh ấy, vì vậy, tôi đã có cuộc thử sức đầu tiên với Inter, và họ nói , ‘Cậu hãy trở lại vào năm sau’. Nhưng huấn luyện viên của tôi đưa tôi đến Milan, và ở đó, tôi đã được chấp nhận, mặc dù phải mất một vài thử nghiệm." Ông mới chỉ 14 tuổi vào thời điểm đó, tuy Inter là sự lựa chọn đầu tiên, nhưng Milan mới là đội bóng đã đặt hy vọng vào Baresi và phát triển tài năng của cậu bé này. "Tôi luôn là một Milanista. Và điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời của tôi là được chơi cho AC Milan.”
Hai anh em chuyển đến thành phố Milano, Franco đã được gửi đến đến luyện tập tại trung tâm đào tạo thể thao nổi tiếng của AC Milan là Milanello. Chính tại nơi này, cậu bé nhút nhát 14 tuổi lúc ấy đã dần phát triển và bước ra ánh sáng. "Tôi rất nhút nhát ... lúc mọi thứ bắt đầu, tôi mới chỉ là một thằng bé 14 tuổi, và tôi được thấy tận mắt tất cả các ngôi sao của Milan, nhìn họ cứ như đến từ một hành tinh khác vậy. Tôi thường tránh không lảng vảng quanh đường đi của họ, bởi nhìn họ khá khó gần và cứ như là không ai có thể chạm tới vậy. Bây giờ bọn trẻ trưởng thành và tự tin hơn bọn tôi hồi đó nhiều.” Khi lớn lên, do tài năng của Baresi ngày càng bộc lộ rõ, ông đã dần trở nên nổi tiếng trong ban huấn luyện câu lạc bộ.
Vào thời điểm đó, Giuseppe Baresi đã là một ngôi sao và dần chiếm chỗ đứng trong Nerazzurri. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi cậu em trai Franco nhanh chóng bị người ta gắn nhãn “một Baresi khác” . Chỉ có điều, khi sự nghiệp của họ đều lên đến đỉnh cao, thì danh xưng này lại được chuyển sang cho người anh trai.
Cựu huấn luyện viên của Milan, Nils Liedholm, nhận xét về Baresi tại thời điểm đó: "Năm 18 tuổi, cậu ta đã sở hữu những kinh nghiệm như một cựu binh chinh chiến lâu năm." Vị chiến lược gia người Thuỵ Điển đã cho Baresi cơ hội được ra mắt ở Serie A trong trận đấu với Verona vào tháng 4 năm 1978. Chỉ sau một mùa giải, Baresi chính thức trở thành thành viên của đội 1 Milan. Sau một buổi tập, Liedholm đã hẹn gặp riêng và đề nghị cậu bé của ông thử sức ở vị trí Libero. Và đó chính là vị trí mà Franco sẽ nắm giữ trong suốt hơn hai thập kỉ.
Vì được đôn lên đội 1 trong lúc còn khá trẻ, cộng thêm vóc dáng nhỏ bé, nên Baresi thường được các đồng đội gọi bằng biệt danh Piscinin (Người tí hon). Mặc dù là một người khá trầm tính, nhưng Baresi tỏ ra không thích thú với biệt danh này cho lắm và cũng không muốn nó đi theo mình trong cả sự nghiệp. “Điểm mạnh của tôi chưa bao giờ là thể lực hay sức vóc. Tôi là một cầu thủ rất nhanh, nhưng trên hết là nhanh trong suy nghĩ. Chính điều đó đã giúp tôi rất nhiều. Phẩm chất này không dạy được, nó là năng khiếu. Tất nhiên bạn có thể cải thiện thông qua tập luyện và rút kinh nghiệm khi thi đấu, nhưng đó là một trong những món quà của tạo hóa.” Ông nói.
Mặc dù vậy, đối tác phòng ngự lâu năm của Baresi, Paolo Maldini, đã không đồng ý với cách ông tự nhận xét về mình, theo Paolo : "Ông ấy không giống như Stam, một gã to con có sức mạnh và tốc độ. Baresi sở hữu sự bền bỉ, mặc dù ông ấy chỉ nặng 70kg thôi. Để tôi nói cho anh nghe – khi anh bị ông ấy xoạc bóng, anh sẽ cảm thấy mình bị một sức mạnh phi thường tấn công.”
Sau này, Baresi đã cảm thấy thoải mái hơn với cái cách mọi người cảm nhận về ông vào thời điểm đó, và có thể vui vẻ chấp nhận nickname “Piscinan”. "Tôi đã nhận nó khi tôi khoảng 17 hay 18 tuổi, bởi vì tôi là người nhỏ nhất trong đội," ông kể lại. "Người xoa bóp của đội đã đặt cho tôi biệt danh ấy, đấy cũng là người chứng kiến sự trưởng thành của tôi từ một cậu bé đến khi có được những đột phá đầu tiên trong đội bóng." Khi sự nghiệp của ông bắt đầu nở rộ , biệt danh đó biến mất và được thay thế bằng cái tên đầy kiêu hãnh “Kaiser Franz”, một phần cũng bởi sự tương đồng trong lối chơi của Baresi và huyền thoại Franz Beckenbauer của Tây Đức.
Mùa giải đầu tiên của Baresi cũng là lúc mà Milan đang thống trị Serie A và trở thành nhà vô địch ngay trong năm ấy. Đó là danh hiệu Scudetto thứ 10 của câu lạc bộ và cũng là khoảng thời gian quý báu cho phép chàng hậu vệ trẻ này tích lũy kinh nghiệm khi được chơi bóng bên cạnh những ngôi sao như Fabio Capello và Golden Boy của bóng đá Italia - Quả bóng vàng châu Âu - Gianni Rivera.
Libero chính là vị trí lý tưởng nhất để Baresi có thể phát huy hết khả năng của mình. Khả năng đọc tình huống xuất sắc giúp cho ông hình dung được đối thủ sẽ triển khai bóng như thế nào và ngăn chặn chúng ngay từ khi còn chưa bắt đầu. Cùng với đó là khả năng bọc lót, chọn vị trí, xoạc bóng và đánh chặn tuyệt vời, lên công về thủ nhịp nhàng; ông chính là người thủ lĩnh thực thụ của hàng phòng ngự Rossoneri. Bên cạnh khả năng chơi bóng, Baresi còn được đánh giá cao ở cách ông giành được sự tôn trọng của các đồng đội. Ông hiểu rõ về các tiêu chuẩn cần phải duy trì để có thể giữ vững hình ảnh của một đội trưởng: "Khi các đồng đội nhìn vào mình, bạn buộc phải cư xử thật chuẩn mực. Từ tập luyện, thi đấu cho đến cách hành xử với CĐV, tất cả đều không được phép xem nhẹ”.
Khi được hỏi về các hậu vệ mà ông ngưỡng mộ, câu trả lời của Baresi đã tiết lộ triết lý thi đấu của ông: "Tôi thích những người như Ruud Krol với lối chơi thanh lịch, biết chơi bóng bên cạnh nhiệm vụ phòng ngự." Maldini từng nhận xét: "Ông ấy không cao lắm, hơi gầy nhưng rất mạnh mẽ. Ông ấy có thể bật rất cao. Cái cách mà ông ấy thi đấu trên sân như là một tấm gương cho những người khác. Baresi không phải là người thích la hét và lớn tiếng, hoàn toàn không. Cách ông ấy chơi bóng, tập luyện, đó mới là minh chứng. Với tôi, ông ấy là một hình mẫu lý tưởng. Ông ấy như là cuốn sách tham khảo vậy. Xử lý và làm chủ trái bóng rất tốt. Rất rất rất tốt. Thật khó để tìm ra một hậu vệ giỏi mà lại mạnh mẽ và xử lý bóng tốt như ông ấy.”
Tuy sở hữu những kỹ năng của một tiền vệ, như Maldini nhận xét, nhưng không có nghĩa là Baresi có thể làm bất cứ điều gì, mặc dù vậy, với tư cách là một cầu thủ phòng ngự thì khả năng phát động tấn công, đi bóng, kiến tạo và ghi bàn của Baresi có thể nói là rất xuất sắc.
Trong thời gian diễn ra World Cup 1994 tại Mỹ, Italy đã nằm cùng bảng với Ireland, Na Uy và Mexico. Sau thất bại ngay trận đầu tiên trước đội bóng của Jack Charlton, họ phải đối đầu với Na Uy trong trận đấu thứ hai. Một thất bại nữa sẽ là thảm họa. Sau một pha cản phá mạnh mẽ, Baresi đã gặp vấn đề với đầu gối phải. Lúc đó, Azzurri đã phải chơi với chỉ 10 người trên sân sau khi thủ môn Gianluca Pagliuca dính thẻ đỏ sau tình huống chạm bóng ngoài vòng cấm, Italia đang gặp khó khăn thật sự.
Bất chấp những nỗ lực dũng cảm để tiếp tục thi đấu, Baresi buộc phải rời sân sớm. May mắn là sau đó, trong hiệp hai, Italia đã dành chiến thắng nhờ bàn thắng của Dino Baggio. Ở tuổi 34 , dường như đây sẽ là kì World Cup cuối cùng của Baresi, vì vậy, ông quyết tâm trở lại thi đấu bất chấp chấn thương đang mang.
"Tôi muốn trở lại thi đấu với đội tuyển", ông tuyên bố. Vì vậy, thay vì trở lại Ý để phẫu thuật và phục hồi sức khoẻ để sẵn sàng cho mùa giải mới, việc điều trị của Baresi diễn ra ngay trên đất Mĩ. "Thành thật mà nói, tôi không tin rằng mình có thể trở lại trước khi giải đấu kết thúc," ông hồi tưởng.
Những trận đấu sau đó, Italia đã thi đấu tốt lên hẳn và liên tiếp giành chiến thắng. Họ đã thắng trận đấu cuối cùng tại vòng bảng trước Mexico và đủ điều kiện để lọt vào vòng Knock out. Họ đánh bại Nigeria 2-1 ở vòng 1/8 trước khi tiếp tục đánh bại Tây Ban Nha ở vòng tứ kết và Bulgaria ở bán kết cũng với tỷ số tương tự. Azzurri tiến thẳng đến trận chung kết, còn Baresi đang chạy đua với thời gian để kịp bình phục chấn thương với hy vọng có thể tham gia trận đấu quan trọng nhất giải đấu. 25 ngày sau khi gặp chấn thương, ông trở lại đội tuyển và sẵn sàng cho trận chung kết với Brazil diễn ra ở Pasadena. Ông nói: “Tình hình của đội tuyển càng tiến triển, thì tôi lại càng tăng cường làm việc và luyện tập chăm chỉ. Tất cả đều diễn ra một cách tự giác. Không có thời gian biểu, cũng không có bất cứ ai quản lý." Đúng vậy, những cố gắng của Baresi chỉ đơn giản là đến từ sự quyết tâm của ông.
Mặc dù Baresi và đồng đội đã phong tỏa hoàn toàn các chân sút của Brazil, khiến trận đấu kết thúc hai hiệp đấu chính thức và cả hai hiệp phụ mà không có bàn thắng nào được ghi, thế nhưng Azzurri đã thất bại trên chấm Penalty đầy nghiệt ngã. Người ta sẽ không bao giờ quên được hình ảnh của người đội trưởng dũng cảm tiếp nhận vai trò là người đá quả luân lưu đầu tiên, nhưng lại thất bại, sau đó anh lặng lẽ trở về vòng tròn giữa sân, có người nói rằng lúc đó Baresi đã rơi nước mắt. Luyện tập chăm chỉ hết sức mình hàng tuần liền, nhưng cuối cùng thứ người đàn ông này nhận được lại là một thất bại.
Sau thành công ở mùa giải đầu tiên, Baresi được lên đội một và cùng Milan vô địch Scudetto, nhưng chỉ một năm sau đó, Rossoneri đã bị đánh rớt hạng Serie B sau khi dính vào vụ scandal dàn xếp tỉ số “Totonero” chấn động Italia. Baresi quyết định ở lại, trung thành với đội bóng kể cả khi Milan đang gặp phải vô số khó khăn, và ngay trong năm đó, Milan vô địch Serie B để trở lại Serie A như một phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng của Baresi. Tuy nhiên, sóng gió vẫn tiếp tục diễn ra khi mà ngay mùa giải sau đó, Milan lại tiếp tục xuống hạng khi chỉ xếp vị trí thứ 3 từ dưới đếm lên của BXH.
Đối với một cầu thủ đầy tài năng đã từng là thành viên của đội tuyển Italia tham dự World Cup 1982 - mặc dù gần như ông chỉ ngồi dự bị cả giải - Baresi hoàn toàn có thể chuyển đến những đội bóng lớn khác, và cũng có hàng tá ông lớn sẵn sàng chi tiền khủng ra để đón siêu sao người Italia về, đương nhiên, kèm theo đó sẽ là những mức đãi ngộ cao hơn gấp nhiều lần ở Milan, tuy nhiên, một lần nữa, Baresi chọn ở lại. Ngày nay, khi được hỏi ông có cảm thấy thất vọng khi các cầu thủ của bóng đá hiện đại không còn lòng trung thành giống những người như ông ở thế hệ trước, Baresi trả lời: ”Không, đấy là 2 thời đại khác nhau, hiếm có cầu thủ nào trung thành với chỉ một đội bóng ngày nay. Thời đại này áp lực và cám dỗ nhiều hơn, bạn có nhiều cơ hội để thay đổi hơn. Khó mà chờ đợi một Maldini thứ 2 xuất hiện. Bạn không thể so sánh thời của chúng tôi với hiện tại.” Ông nói hoàn toàn đúng, nhưng có một điều chắc chắn rằng, cho dù có sinh ra trong thời đại này và được lựa chọn lại, thì câu trả lời của Baresi, cũng sẽ vẫn không thay đổi, như ông đã nói: “Milan là đội bóng trong trái tim tôi, và tôi luôn là một Milanista.”
Năm 1982, với tài năng chơi bóng cũng như phẩm chất lãnh đạo bẩm sinh, Baresi đã được Milan chọn làm đội trưởng khi chỉ mới 22 tuổi. "Tôi không có bất kì vấn đề gì với việc này cả" ông kể lại. "Bình thường thì đây là một chuyện khá kì lạ khi một cầu thủ trẻ như vậy lại có thể mang băng đội trưởng, nhưng nên nhớ rằng, Milan lúc đó cũng đang ở trong một tình huống không bình thường chút nào; Chúng tôi bị đuổi xuống Serie B vào năm 1982. BLĐ đội bóng đã lên kế hoạch tái thiết và xây dựng lại mọi thứ, họ muốn tôi là nhân tố chủ chốt cho kế hoạch này."
3 năm sau đó, Milan liên tục ở trong vòng xoáy khủng hoảng, cho đến khi Silvio Berlusconi đến và mua lại quyền sở hữu đội bóng, những năm sau, dưới sự điều hành của người đàn ông này, một Milan thành công nhất lịch sử đã được tạo ra. Những ngày đầu, doanh nhân người Italia gây ra vô số tranh cãi khi đưa một huấn luyện viên vô danh tên là Arrigo Sacchi đến San Siro để ngồi vào chiếc ghế huấn luyện, và sau đó là 3 bảng hợp đồng bom tấn với 3 ngôi sao người Hà Lan: Ruud Gullit, Marco van Basten, Frank Rijkaard - đến và kết hợp với những Maldini, Costacurta và Donadoni - để tạo nên một trong những đế chế hùng mạnh nhất bóng đá châu Âu - dĩ nhiên Franco Baresi chính là thủ lĩnh của những ngôi sao này.
Sự thống trị của Milan không làm người ta cảm thấy bất ngờ, khi mà thành phố này vốn đã có lịch sử lâu đời về sự bành trướng và thống trị đất nước của các thế lực sinh ra tại đây. Đầu tiên là những ảnh hưởng của dòng họ quyền quý Visconti từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, và sau đó là danh tiếng lẫy lừng của dòng họ Sforza vào thời kỳ Phục hưng. Sau thời đại của Sacchi với bộ ba Hà Lan bay, lại đến lượt thời đại của Fabio Capello với những Marcel Desailly, Zvonimir Boban và Dejan Savićević. Nhưng có một điều không hề thay đổi ở cả hai thời đại trên - đó là đội trưởng Franco Baresi.
Trong thời gian này, Milan đã giành sáu Scudetto, 3 cúp C1, sáu Suppercoppa Italia, ba siêu cúp châu Âu và hai Cup Liên lục địa. Mặc dù thành công của Milan nhờ công lớn bởi một hàng công khủng khiếp, nhưng một hàng phòng ngự chắc chắn với sự dẫn dắt của Baresi chính là mảnh ghép không thể thiếu để hoàn thiện Milan hùng mạnh nhất.
Ví dụ như mùa giải đại thành công 1987/88, Milan chỉ để thủng lưới vỏn vẹn 14 bàn. Đóng góp của ông cho Milan đã được công nhận vào năm 1999 khi ông được bầu chọn là Cầu thủ vĩ đại nhất AC Milan thế kỷ 20. Năm 2004 , ông tiếp tục được Pelé đưa vào danh sách 125 cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất FIFA, đồng thời cũng được đưa vào danh sách Hall of Fame của bóng đá Ý vào năm 2013. Baresi giành được danh hiệu Quả bóng bạc châu Âu 1989, khi chỉ xếp sau người đồng đội Marco Van Basten.
Franco Baresi cũng khá thành công trên đấu trường quốc tế. Sau khi vô địch World Cup 1982, lọt vào đội hình tiêu biểu của FIFA World Cup 1990 khi Italia kết thúc ở vị trí thứ ba và - như đã đề cập - là ở giải đấu năm 1994 khi Azzurri thất bại trong trận chung kết với Brazil.
Sự nghiệp quốc tế của Baresi bắt đầu vào năm 1980, trong khi vẫn còn chơi cho đội U21 Italia, ông và Giuseppe Baresi đã góp mặt trong đội hình chuẩn bị Euro 80 diễn ra tại Italia. Hai năm sau, World Cup 1982 diễn ra tại Tây Ban Nha, ở giải đấu này, mặc dù Italia đã lên ngôi vô địch, nhưng Baresi không ra sân trận nào. Ông thi đấu và ghi bàn tại Olympic 1984, nhưng sau đó, Italia đã thua Brazil trong trận bán kết và tiếp tục thua Nam Tư trong trận tranh huy chương đồng.
Cựu huấn luyện viên của Azzuri, Enzo Bearzot, từ giai đoạn 1975–1986 đã có lần muốn để Baresi chơi ở vị trí tiền vệ chứ không phải Libero, khi vị trí này đang được đảm nhiệm bởi một Gaetano Scirea quá xuất sắc, và cũng bởi vì như đã đề cập ở trên, khả năng của Baresi cho phép ông có thể thi đấu xuất sắc ở tuyến giữa. Nhưng trớ trêu thay, ở chính vị trí này, Baresi cũng phải cạnh tranh với những cái tên đã-và-đang thể hiện phong độ rất tốt và gần như không có lý do gì để loại họ ra, 2 trong số đó là Marco Tardelli và anh trai của ông - Giuseppe Baresi. Cuối cùng, Franco gần như không được chọn để đá chính dưới thời Enzo.
Khi Azeglio Vicini lên thay Bearzot, ông đã thực hiện rất nhiều thay đổi, một trong số đó là việc đưa Baresi lại đúng vị trí sở trường của mình, và kể từ đó, số 6 huyền thoại đã nhanh chóng trở thành thành viên thường xuyên của đội tuyển và thi đấu tất cả các trận tại Euro 1988, giải đấu mà Azzurri lọt vào bán kết. Khi World Cup 1990 diễn ra ngay tại đất nước hình chiếc ủng - tất cả mọi người đều tin rằng, Baresi sẽ là chìa khóa dẫn đến thành công của Italia.
Và không ngoài dự đoán, Baresi đã chơi cực kì xuất sắc trong kì World Cup đầu tiên được đá chính. Hàng phòng ngự Azzurri dưới sự chỉ huy của Baresi đã giữ sạch lưới 5 trận liên tiếp, hơn 500 phút bị không thủng lưới và sau đó chỉ có 2 bàn thua trong cả giải. Thật không may, trong trận hòa không bàn thắng sau 90 phút và cả hai hiệp phụ trong trận bán kết với Argentina, Azzurri đã thất bại ở loạt đá luân lưu với cú sút hỏng của Roberto Donadoni.
Tại World Cup 1994 tổ chức tại Mĩ. Baresi nhận chiếc băng đội trưởng thay cho Giuseppe Bergomi, bởi vì đây có thể sẽ là kì World Cup cuối cùng ông tham dự, nên đương nhiên, tham vọng vô địch luôn hiện hữu trong đầu Baresi. Nhưng một lần nữa Italia lại thất bại trên chấm phạt đền định mệnh, và như những gì đã biết, chiều hôm đó tại Pasadena, ông nhìn chiếc cúp vàng vuột khỏi tay mình.
Sau trận hòa 1-1 với Slovenia vào tháng 9 năm 1994, Baresi chính thức giã từ đội tuyển quốc gia sau 81 trận khoát áo thiên thanh.
Có thể nói, Franco Baresi là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá thế giới, mặc dù chỉ xếp thứ 20 trong danh sách FIFA 100. Năm 1997, Baresi chính thức thông báo giải nghệ, với Baresi, ông biết một cầu thủ xuất sắc không chỉ ở cách thể hiện trên sân mà còn phải tự hiểu rõ khi nào nên dừng lại, ông nói: “Thật khó khăn để đưa ra quyết định nghỉ hưu, nhưng trong mùa giải cuối cùng, tôi đã gặp khá nhiều chấn thương và không thể tập luyện như bình thường, vì vậy, tôi nghĩ rằng đã đến lúc nên dừng lại sau 27 năm.”
Để tri ân những cống hiến của Baresi trong suốt 2 thập niên và tỏ lòng tôn trọng đến ông, Milan đã quyết định treo vĩnh viễn chiếc áo số 6 sau khi ông giải nghệ.
Trang web chính thức của AC Milan ghi chép về Franco Baresi như sau: "Trong lịch sử bóng đá Italia, rất ít cầu thủ có thể được coi là một huyền thoại thực sự tại đội bóng của họ, nhưng Franco Baresi chắc chắn là một huyền thoại vĩ đại của AC Milan." Trong bóng đá, các hậu vệ hiếm khi nhận được những lời ca ngợi mà lẽ ra họ xứng đáng có. Các danh hiệu cá nhân cao quý nhất thường được dành cho những ngôi sao tấn công. Pele, Maradona, Cruyff , Messi và Ronald; sẽ không ai trong số họ có thể được hưởng cái danh tiếng mà họ đang có nếu thi đấu ở hàng phòng ngự.
Trong danh sách FIFA 100, trong top 10 chỉ có duy nhất một cầu thủ chơi ở vị trí phòng ngự là Franz Beckenbauer. Còn Baresi ở tận vị trí thứ 20. Nhưng thực ra cầu thủ vĩ đại người Đức lại xuất thân là một là một tiền vệ và người ta chỉ đơn giản là tìm ra một vai trò mới để ông có thể phát huy hết khả năng, đó chính là Libero, chứ không phải bản thân Beckenbauer là một hậu vệ bẩm sinh. Còn Baresi là người xuất sắc nhất ở vị trí của mình, đến mức mà tên của ông cũng có thể được xem như một trong các biểu tượng ở vị trí hậu vệ.
Sau buổi ra mắt tại La Scala, Giuseppe Verdi đã đi lên đỉnh cao của nền âm nhạc thế giới và trở thành một trong những nhà soạn nhạc opera vĩ đại nhất mọi thời đại. Cùng thời với ông là Richard Wagner - Dù có theo cách kỳ quặc đến đâu thì định mệnh cũng đã gắn liền Wagner với Verdi khi họ cùng sinh năm 1813: Wagner tại Leipzig, Đức, vào ngày 22 tháng Năm; Verdi tại thị trấn nhỏ Roncole, Italia, thuộc lãnh địa của công quốc Parma, vào ngày 9 tháng Mười. Chắc chắn, sẽ luôn có một sự cạnh tranh giữa hai tín đồ của hai trường phái khác nhau sinh ra trong cùng một thời đại này chỉ để tìm xem ai là người giỏi hơn. Nhưng thật sự là hai người bọn họ xứng đáng được tôn vinh như nhau bởi tài năng xuất chúng của cả hai chứ không phải là đem ra để so sánh.
Nhưng ngay cả khi Baresi và Beckenbaur là hai con người không cùng thế hệ với nhau, nhiều người vẫn muốn so sánh xem ai là người giỏi hơn bằng cách nhìn vào vai trò và tầm ảnh hưởng của họ ở cả ĐTQG và câu lạc bộ. Với tư cách đều là những nhạc trưởng, những so sánh trên chẳng có nghĩa lý gì cả. Hai người đều sở hữu những tài năng đặc biệt mà người kia không có, và họ cũng khác nhau cả về cách tiếp cận lẫn triển khai trận đấu. Nhưng trong khi Beckenbauer được xem là người vĩ đại nhất - đứng ở vị trí thứ 4 trong FIFA 100 - thì thật không công bằng khi Baresi lại đứng thấp hơn rất nhiều, chỉ ở top 20.
Tât nhiên, đó chỉ là những xem xét mà người ta đưa ra để tham khảo vào thời đại bây giờ. Còn lúc này, chúng ta chỉ cần tận hưởng và tỏ lòng tôn kính với những người như Baresi - những người đã biến phòng ngự trở thành một nghệ thuật. Và cho dù có đứng ở vị trí chót bảng trong FIFA 100 đi chăng nữa, thì cũng không ai có thể phủ nhận, Franco Baresi chính là một trong những hậu vệ vĩ đại nhất mọi thời đại.
__________
Biên tập: Kinh Luân.
Dịch và biên soạn từ bài viết trên These Football Times, ra ngày 21/06/2015 với title: “HOW FRANCO BARESI BECAME ONE OF FOOTBALL’S GREATEST DEFENDERS.”