F.O.M.O là từ viết tắt của Fear Of Missing Out, hiểu nôm na sang tiếng Việt có nghĩa là sợ bị bỏ rơi, mất cơ hội. Những người khi mắc phải hội chứng F.O.M.O thường sợ rằng người khác luôn vui vẻ và đầy đủ hơn mình. Chính cảm giác này tác động không nhỏ đến suy nghĩ và hành vi của bạn dẫn đến những quyết định dựa trên cảm tính chứ không phải nhu cầu thực tế hay mong muốn bản thân. Ai cũng mắc phải F.O.M.O, theo cách này hay cách khác. Ví dụ tiêu biểu về F.O.M.O là các bạn trẻ thường lướt Facebook để liên tục cập nhật những thông tin mới về cuộc sống, làm đẹp, phim ảnh… để không bỏ lỡ khiến bạn trở thành người tối cổ khi nói chuyện cùng bạn bè.
Trong thị trường chứng khoán, thì FOMO là cảm giác khi một cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn, lúc này bạn sẽ nghĩ đến việc các nhà đầu tư khác đang kiếm được nhiều tiền và điều này thúc đẩy bạn mua đuổi cổ phiếu đó ngay lập tức để kiếm lời, hành động này của bạn được gọi là hội chứng F.O.M.O. Các Cá Mập (những người sở hữu lượng cổ phiếu lớn) lợi dụng tâm lý F.O.M.O tạo ra các đợt bơm giá mạnh trong thời gian ngắn, khiến hàng loạt nhà đầu tư nhảy vào mua và đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn nữa, đó cũng là lúc Cá Mập chốt lời (ra hàng) dần số cổ phiếu họ đang giữ.
Dân đầu tư chứng khoán có thời gian hoạt động tính bằng năm như mình và các anh em đồng nghiệp chắc không lạ gì với thuật ngữ này. Ngày hôm qua vừa cắt lỗ, ngày hôm nay lại lao vào mua cho bằng được vì sợ thằng hàng xóm mua có lãi hơn mình, cái hiệu ứng F.O.M.O nó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư như thế đó. Năm 2020 còn đặc biệt ở một điểm, chính các Fn (những nhà đầu tư già gân, kinh nghiệm) cũng bị cái hiệu ứng F.O.M.O ảnh hưởng, mà nguồn cơn của tâm lý đó đến từ những nghé non F0 – những nhà đầu tư trẻ, khoẻ, năng động và nhiều tiền, những người đã đẩy thị trường chứng khoán vào một cơn sóng điên cuồng, nơi mọi định giá, phân tích cơ bản chẳng còn nhiều ý nghĩa.

Đọc thêm:

F.O.M.O có lợi hay có hại? Nó có lợi chứ, một tinh thần ganh đua cao, một ý chí chiến đấu mạnh mẽ luôn cần thiết cho một chiến binh ở bất kỳ mặt trận nào, dù là tình trường, thương trường hay chiến trường. Tuy nhiên, cái hại lớn nhất, đáng lo nhất đó là nó khiến ta mất bình tĩnh và đi quá xa khỏi cái vòng tròn kiến thức của ta. VD: chúng ta là người đã tìm hiểu kỹ lưỡng về ngành bán lẻ, phân phối nhiều năm rồi, nhưng năm nay ngành của ta khó khăn, trong khi ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí thì cứ tăng ầm ầm. Trong khi ta chưa hiểu điều gì dẫn đến sự việc đó, cái tâm lý F.O.M.O cứ vô thức khiến ta đua lệnh, không thể đứng ngoài khi cả thị trường đang hỷ hả với phú quý vinh hoa được. Và đó là khi ta bị úp bô…

Giống như khi bạn chơi cờ bạc vậy, Poker là một ví dụ hay, F.O.M.O sẽ khiến bạn nghĩ rằng bài trên tay bạn sẽ ăn được cả bàn, và nếu bỏ sau khi mở 1 cây, thậm chí 2 cây là hèn. Kể cả khi thằng đối diện nó raise khá tự tin. Người chiến thắng là người ngồi lại cuối cùng, không phải người thắng ván to nhất.
Chế ngự F.O.M.O có lẽ không phải cách mang lại lợi nhuận lớn nhất, nhưng sẽ là tấm khiên giúp bạn mất ít nhất nếu có thảm hoạ xảy ra. Mình có vài gợi ý theo kinh nghiệm cá nhân như sau:
– Có một định hướng đầu tư theo khoảng thời gian rõ ràng, ngắn hạn – trung hạn – dài hạn đều được nhưng phải kiên định.
– Tập trung đầu tư vào những doanh nghiệp nằm trong vòng tròn hiểu biết của mình, đừng lan man, đừng nghe theo đội lái, cá mập rỉ tai.
– Học cách kiên nhẫn rình mồi để mua được giá tốt, hơn là mua đuổi giá cao (nên bỏ công sức học phân tích kỹ thuật).
– Nếu cổ phiếu mình đầu tư có những dấu hiệu vi phạm nguyên tắc đầu tư của mình, hãy cắt lỗ không thương tiếc, một lần bất chung, vạn lần bất dung.
– Và luôn tâm niệm rằng, thị trường có vô vàn cơ hội trong tương lai, bạn chỉ cần còn sống thì còn cơ hội!
Minh Hiếu
26/01/2021.