Cái bìa quyển mình đọc nó giống vậy nè. Có điều, quyển trên là tập 1, quyển tập 2 có màu đen còn quyển tập 3 có màu trắng. Nguồn ảnh: <a href="https://truyenfull.vn/chien-tranh-va-hoa-binh/">(*)</a>
Cái bìa quyển mình đọc nó giống vậy nè. Có điều, quyển trên là tập 1, quyển tập 2 có màu đen còn quyển tập 3 có màu trắng. Nguồn ảnh: (*)
Chào các bạn! Mình mới vừa đọc xong tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình của tác giả Lev Nikolayevich Tolstoy hay mình dùng tên Việt hóa là L.Tônxtôi cho nó gần gũi và dễ đọc một chút.
Về cơ bản mà phải nói thì đây có thể là tác phẩm rất là đồ sộ và đây là một trong những quyển sách có độ dày kinh khủng nhất mà mình từng đọc. Để mường tượng được thì quyển mà mình thấy nó có độ dày tương đương là quyển Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung hay bằng 2 lần quyển Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai của nữ văn sĩ Colleen McCullough.
Và tất nhiên với độ dài như vậy, nói ra hơi ngại nhưng mình tốn hết khoảng 1 năm gia hạn đi gia hạn lại quyển sách này của thư viện với bộ 3 tập. Song, khi đọc xong thì cảm thấy hơi tiếc vì quyển sách hay đã hết rồi. Mặc dù vậy, cũng cảm thấy thõa mãn vô cùng và rất là phiêu trong quá trình đọc. Và mình cũng tự hỏi và muốn gào lên với ông tác giả rằng: "SÁCH ÔNG HAY LẮM ĐẤY! SAO LẠI KHÔNG CÓ AI ĐỌC CƠ CHỨ ?" khi ông nói:
Lev Tolstoy (1887) do <a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/Ilya_Yefimovich_Repin">Ilya Yefimovich</a> vẽ - nguồn ảnh: <a href="https://vi.wikipedia.org/wiki/Lev_Nikolayevich_Tolstoy#/media/T%E1%BA%ADp_tin:Ilya_Efimovich_Repin_(1844-1930)_-_Portrait_of_Leo_Tolstoy_(1887).jpg">(*)</a>
Lev Tolstoy (1887) do Ilya Yefimovich vẽ - nguồn ảnh: (*)
"Thú thật tôi hoàn toàn không biết một trăm năm sau liệu có ai đọc các tác phẩm của tôi không..." (Thư ông gửi cho nhà nghiên cứu người Anh Uyliam Rôtxôn ngày 27-12-1878). [1]
À mà nãy giờ lan man hơi nhiều, giờ mình vô chủ đề chính nhé!
Về cơ bản thì quyển mình đọc là của các dịch giả Cao Xuân Hạo - Nhữ Thành - Hoàng Thiếu Sơn - Trường Xuyên được Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành. Cụ thể hơn thì:
Bản dịch Chiến tranh và hòa bình của Hoàng Thiếu Sơn, Trường Xuyên, Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, bao gồm xuất bản phẩm lần đầu tiên tại Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội: tập 1 với phụ lục tóm tắt nội dung và bảng tra danh từ riêng gồm 586 trang in năm 1961, tập 2 gồm 602 trang, tập 3 gồm 638 trang chia làm 3 phần gồm 34 chương có tóm tắt nội dung và bảng tra danh từ lịch sử, địa lý cuối sách; tập 4 gồm 544 trang đều in năm 1962. Tất cả các tập đều có cỡ 13×19 cm. Sau đó bản dịch này được tái bản có sửa chữa bổ sung, in tại Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội: tập 1: 719 trang in năm 1976; tập 2: 592 trang in năm 1976, tập 3: 558 trang in năm 1979; tập 4: 477 trang. In lại tại Nhà xuất bản văn học Hà Nội năm 2001: tập 1: 825 trang; tập 2: 724 trang; tập 3: 705 trang. [2]
Thì đó là quyển mình đọc và tất nhiên quyển này nó cũng đã cũ rồi vì in từ năm 2005 mà. Thế nên, có thể nó sẽ khác về từ ngữ dịch thuật với các bạn cũng là điều khó có thể tránh khỏi.
Mặc dù vậy trong bài này, mình sẽ tập trung vào 3 phần chính như sau:
+ Nội Dung.
+ Cảm Nhận.
Oke. Bắt đầu nhé!

Về Nội Dung

Ban đầu thì mình khá hoang mang khi hình như không có ai là nhân vật chính của bộ truyện cả. Lúc đầu mình tưởng Pierre Kirilovich Bezoukhov và công tước Andrei Nicolaievich Bolkonsky là hai nhân vật chính của tác phẩm song đến tập 3 thì công tước Andrei chết queo mất tiêu. Cuối cùng, mình mới nhận ra là tác phẩm không tập trung vào việc chọn ai là nhân vật chính cho lắm như trong video này (1) có đề cập. Mà tính ra đây cũng là cái hay, cái độc lạ của bộ truyện. Và điều bất ngờ nhất là cả cụ tổ, gia đình của tác giả cũng đều tham gia vào câu chuyện mới ghê cơ chứ! Lúc mình tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm mình mới ngộ ra sự thú vị này ấy. Chẳng hạn như Nữ công tước Maria Nicolaievna Bolkonskaia là lấy hình tượng từ mẹ tác giả hay Bá tước Nicolas Ilyich Rostov là lấy hình tượng từ cha của tác giả, còn Sonya Alexandrovna lấy hình tượng từ người nuôi dạy ông khi cha mẹ của ông qua đời. Sau khi mình biết về điều này, mình mới hiểu tại sao ở trong những hồi cuối của quyển tiểu thuyết, tác giả lại có những lời khen và sự tôn trọng của ông đối với họ. Ví dụ nhé!
Một đoạn nói về Bá tước Nicolas Ilyich Rostov - hình tượng người cha của ông:
" ...Và chính vì Nikôlai không cho phép mình nghĩ rằng mình làm một điều gì cho những người khác vì nhân nghĩa, cho nên tất cả những việc chàng làm đều có kết quả, tài sản của chàng tăng lên nhanh chóng, nông dân những vùng lân cận đến yêu cầu chàng mua họ và một thời gian dài sau khi chàng chết, nhân dân còn giữ một kỷ niệm trân trọng về cách cai quản của chàng. "Thật là một ông chủ... của nông dân trước đã, rồi sau mới đến mình. Nhưng cũng không phải là tay nhu nhược đâu. Tóm lại - thật là một ông chủ!". ..." trích từ trang 552, tập 3.
Hay trong xuyên suốt tác phẩm, lúc mình đọc, khi nói về người đã dành sự yêu thương để nuôi dạy mình lúc cha mẹ ông mất đi, ông luôn dành những lời lẽ có phần hơi bi đát song cũng dành một sự quan tâm đặc biệt để xây dựng, miêu tả, Sonya Alexandrovna. Đây là một đoạn miêu tả:
"... Một hôm, nàng nói chuyện với Natasa về Xonya và về sự bất công của mình đối với nàng, Natasa nói: - Chị đọc phúc âm nhiều thế, chị có biết trong ấy có đoạn thật đúng với Xonya không. - Đoạn nào? - Bá tước phu nhân Marya kinh ngạc hỏi. - "Kẻ nào có sẽ được cấp thêm, còn kẻ nào không có gì sẽ bị tước hết" chị nhớ đoạn ấy chứ? Chị ấy là con người không có gì. Tại sao? Em không biết, có lẽ vì chị ấy không ích kỷ, em cũng chẳng rõ nữa, nhưng người ta sẽ tước mất của chị ấy, và chị ấy đã bị tước hết. Đôi khi em rất thương chị ấy. Trước kia em tha thiết mong anh Nikôla lấy chị ấy, nhưng bao giờ em cũng linh cảm thấy rằng điều đó sẽ không được thực hiện. Chị ấy là một bông hoa không kết quả, như chị vẫn thấy ở trên cây dâu tây. Đôi khi em thương hại chị ấy nhưng đôi khi em cảm thấy hình như chị ấy không cảm thấy tủi như chúng mình sẽ cảm thấy nếu ở vào địa vị chị ấy. Tuy bá tước phu nhân Marya giảng giải cho Natasa rằng cần phải hiểu những câu phúc âm này một cách khác, nhưng khi nhìn Xonya nàng cũng đồng ý với lời giải thích của Natasa. Thật vậy, nàng thấy hình như Xonya không đau khổ về hoàn cảnh của mình và hoàn toàn cam tâm chịu đựng số phận của một bông hoa không kết quả, hình như nàng quý chuộng những người trong nhà thì ít, mà quý chuộng cả gia đình thì nhiều hơn. Cũng như một con mèo, nàng không gắn bó với người mà gắn bó với cái nhà. Nàng săn sóc lão bá tước phu nhân, nâng niu chiều chuộng bọn trẻ và bao giờ cũng sẵn sàng làm giúp những việc nhỏ mà nàng có thể làm, nhưng người ta bất giác chấp nhận những cái đó một cách quá tự nhiên, chẳng biết ơn nàng mấy đỗi. ..." trích từ trang 555 và 556, tập 3.
Tiếp theo đó, mình tưởng là tác giả đang kể lại các cuộc chiến tranh mà tác giả muốn đề cập. Song, sau đó mình mới nhận ra là tác giả sử dụng các cuộc chiến tranh đó để nêu lên quan điểm, suy nghĩ của mình. Và về vấn đề này, tác giả nêu bật các chủ đề rất rộng, từ vấn đề các cuộc chiến, ý nghĩa cuộc sống, quan điểm về tự do, dòng chảy của lịch sử, về các tướng lĩnh, chiến thuật tham gia,... Nói chung là rất nhiều thứ được tác giả bàn bạc đến.
Và mình nghĩ về phần nội dung nhiêu đây cũng tạm đủ rồi. Kế tiếp mình sẽ nói về cảm nhận của bản thân mình nhé!

Về Cảm Nhận

Về cơ bản, một điều mình phải khen tác phẩm là sự sâu sắc, ấn tượng, sự đồ sộ của tác phẩm cũng như tính chân thực mà tác giả dùng để miêu tả.
Cách tác giả miêu tả cuộc sống của người nông dân, của giới quý tộc thời ấy như cuốn hồn mình đưa về thời kì nước Nga khi ấy. Từ những cuộc rượu chè xa hoa, những buổi yến tiệc linh đình của giới quý tộc. Tới cách mà giới quý tộc, tướng lĩnh bàn về chiến thật đánh trận. Và một điều cực kì ấn tượng về một trong quan điểm của tác giả là kết quả của trận chiến không phụ thuộc về cách hành quân thiên tài, tướng lĩnh thiên tài, chiến thuật đỉnh cao mà nằm ở tất cả mọi thứ và tác giả dùng cách ví von nói như thế này: Sự thành bại của trận chiến không nằm ở những thứ mà bọn họ nói, không nằm ở chiến thuật, cách hành quân thiên tài, tướng lĩnh kiệt xuất, các sự việc, lệnh được cấp trên yêu cầu mà nó là tất cả những thứ khác. Đó là tiếng Ura của chiến sĩ lúc hô lên chiến đấu trên chiến trường, đó là những người dân thành Mát-xcơ-va quyết định bỏ thành phố,... Nó giống như phép tính vi tích phân vậy, nó là tổng của tất cả thành phần nhỏ cấu tạo nên kết quả chứ không phải là chiến thuật thiên tài, đường lối xuất chúng hay tướng lĩnh thiên tài gì cả. Và ông quan điểm một điều kinh ngạc hơn nữa khi ông cho rằng: Vĩ nhân về cơ bản cũng là nô lệ cũng dòng chảy lịch sử chảy qua.
Và nếu như bạn đã đọc tác phẩm, ông còn quan điểm về rất nhiều thứ khác nữa mà ông dành rất nhiều chương ở giữa các chương truyện được viết.
Một yếu tố khác cần được kể đến là cách ông miêu tả nội tâm nhân vật thật sự rất sâu sắc và chân thực. Nó thực tiễn, đậm màu sắc con người chứ không phải là một con người trong trí tưởng tượng và cách các con người đó tác động qua lại với nhau. Và trong câu chuyện là một hệ thống đồ sộ các nhân vật được ông dành công sức gây dựng.
Và đó chính là một số điểm ấn tượng và một điểm khác mà mình để cuối mới nói là quyển này khá là khó đọc nên nếu bạn chưa đọc quen thì đừng nên lựa quyển này đọc mà đợi có kinh nghiệm rồi thì hãy đọc còn không thì sẽ khá oải bởi diễn biến câu chuyện khá chậm, trôi theo dòng tư tưởng, nội tâm của các nhân vật, chưa kể đến các quan điểm của tác giả Tônxtôi được đưa ra nên mình không khuyến khích các bạn mới đọc hay đọc chưa quen đọc tác phẩm này đâu. Ban đầu, trước khi đọc, mình cũng đọc bài review của anh Andy Lương nói về việc này rồi mà nó còn trầm hơn mình tưởng nữa nên các bạn muốn đọc thì cũng phải kiên trì lắm đó và tất nhiên khi khi kiên trì thì trái ngọt sẽ đến với các bạn thôi^^
Mặt khác, nếu các bạn đọc quen rồi thì mình siêu siêu recommand các bạn đọc tác phẩm này luôn nhé!
Mình đề xuất các bạn xem thêm hai bài review cực kì chất lượng này luôn nhé^^
Bài review siêu chất lượng của anh Andy Lương:
Video của Ted-Ed:

P/S

Ban đầu mình tính cho thêm vài phần trích dẫn tâm đắc nữa, song cái nghĩ là cái mình thấy hay chắc gì các bạn thấy hay với lại có thể đối với một số bạn chưa đọc sẽ làm các bạn biết trước nội dung khi đọc tới khúc đó lại chán nên thôi mình bỏ phần đó luôn vậy. Anyway, đây là cảm nhận của mình, thế nên, mình cũng hy vọng các bạn đã đọc xong tác phẩm này bình luận thêm để đưa ra quan điểm về tác phẩm để mình cùng nhau trao đổi, chia sẻ thêm nhé^^
Thứ bảy, ngày 22 tháng 4 năm 2023
7:01 PM

TÀI LIỆU THAM KHẢO MÀ MÌNH THAM KHẢO THÊM

(1)
[1] Xem ngày 22 tháng 4 năm 2023.
[2] Xem ngày 22 tháng 4 năm 2023.