"Em sẽ không như Naoko biến mất trong khu rừng già, phải không?“
Lần đầu nghe Con Dế Mèn Hát Vào Mùa Hè là vào một quãng thời gian lạ lùng. Tôi nghĩ hẳn ai cũng sẽ có những khoảng thời gian đứt gãy...
Lần đầu nghe Con Dế Mèn Hát Vào Mùa Hè là vào một quãng thời gian lạ lùng. Tôi nghĩ hẳn ai cũng sẽ có những khoảng thời gian đứt gãy như vậy khi nhớ về những đêm mơ của tuổi trẻ. Cái khoảng thời gian gấp gáp và chậm chạm, cùng một lúc. Khoảng thời gian chúng ta bám víu lấy nhau tựa như những mảnh ghép chưa bao giờ có ý nghĩa ghép với nhau, mà là đặt cạnh nhau, chồng lên nhau, không thể khít.
Tôi nghe bài hát trong những đêm khuya, khi bóng đêm và tĩnh lặng bao trùm lấy vạn vật, giọng rap thủ thỉ và phần hát ma mị như ôm lấy bất kì nỗi buồn nào tôi có, trước khi nó lan ra xung quanh, trước khi tôi bị nhấn chìm trong chính những suy nghĩ của mình.
Tôi tham gia một hội chụp ảnh film, dù trong tay không sở hữu bất kì máy ảnh film nào, chỉ bởi tôi thích thú với sự hoài cổ của những cuộn outdate mang lại. Tôi thích ngắm nhìn thế giới của người khác qua lăng kính của một chiếc máy ảnh không-thể-nhanh. Không như ảnh kỹ thuật số, chơi film mắc hơn tẹo, cũng phải cẩn thận hơn...nhiều tẹo để ra đời những bức ảnh nghệ, chưa kể còn cả quá trình tráng phim sau đó. Vì lẽ đó, dân chơi film cũng có cái vẻ gì đó rất...mộng mơ rất "điên" hơn dân chơi thuần ảnh số (tôi cũng tham gia một số group chơi ảnh số nữa).
Bài hát là thánh địa bất khả xâm phạm của riêng tôi, là bài hát tôi ích kỉ giữ cho riêng mình, dù tôi có là con người thích chia sẻ âm nhạc của mình thế nào, vẫn là luôn có ranh giới. Và đó là ranh giới của tôi.
Một ngày, tôi chưa từng thấy ở bất kì đâu, có người trích câu "Em sẽ không như Naoko biến mất trong khu rừng già phải không?" làm caption cho một bức ảnh film trong hội. Trái với suy nghĩ bài hát ấy hiếm ai biết dựa trên số view ít ỏi (hồi đấy) của audio official chỉ có trên dưới chục ngàn, rất nhiều người trong hội nhận ra bài hát. Tôi đoán rằng bằng cách nào đó, những con người giống nhau sẽ luôn có cách để quy về một mối, để tìm thấy nhau. Đó cũng là lúc tôi biết Naoko là nhân vật trong Rừng Nauy nổi tiếng của tác giả Haruki Murakami bởi hơn một nửa những người bình luận bên dưới nhắc đến.
Và lúc ấy tôi nhận ra, rằng bằng cách nào đấy, dù tôi nói tôi không ưa tác phẩm của ông như thế nào, bởi thế mà tôi cũng chẳng ưa nổi ông ra sao, thì tôi, đi một vòng lớn, vẫn bị kéo về thế giới của ông. Như cái cách tên nhân vật Naoko xuất hiện trong bài hát quý báu của tôi bấy lâu này. Như cái cách câu
Chuyện gì sẽ xảy ra khi con người mở lòng mình ra?""Họ sẽ thấy tốt hơn."
ghim trong đầu tôi nhiều tháng. Như cái cách, dạo gần đây, vào khoảng thời gian khủng hoảng thi cử, tôi làm một lựa chọn liều lĩnh nhất, là bắt đầu đọc một tác phẩm khác của ông chỉ bởi ấn tượng sâu sắc bởi dòng quote được trích từ sách:
Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương.
Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương.
Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”
Haruki Murakami, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương.
Ngày cuối cùng của tháng 4, tôi làm một việc điên rồ, trong mùa thi cử, tôi bước chân vào thế giới của ông, lần nữa. Dưới là vài dòng tôi viết như một kiểu đánh dấu, như kiểu người sắp bơi ra xa cứu lấy người đuối nước bằng cách cuốn dây thừng quanh người, nhờ người trên bờ cầm để nếu có bất kì bất trắc nào thì đều có thể dùng sợi dây ấy để kéo lại. Dòng trạng thái tôi đăng lên trang facebook cá nhân của tôi dưới đây chính là một kiểu bảo hiểm như thế:
Mỗi tác phẩm của Haruki Murakami mà tôi từng đọc, tôi đều phải đọc lại hai lần.
Đó không phải là kiểu đọc một lèo rồi lâu lâu thấy hay quá rồi đọc lại. Hai lần ở đây là kiểu đọc hai lần cho hầu như từng đoạn văn, bởi sự choáng ngợp trước sức nặng mà từ ngữ ông mang lại.
Tôi không ưa ông. Hẳn là bởi vì cái cách ông xây dựng nhân vật của mình giống "loài" hơn giống "người", cách ông lột từng lớp mặt nạ của một nhân vật, đặt họ vào tình huống mà những khao khát thăm thẳm và cuồng nộ cùng nực cười nhất của một con người, có cơ hội nảy mầm, có cơ hội tắm dưới ánh nắng của hiện thực cùng ảo cảnh.
Tôi không ưa ông, hẳn là về cái cách nhân vật ông xoay quay tình dục: man dại, đam mê, trần tục. Cách ông cho họ đắm chìm trong đó mê mải, cách ông ngấm ngầm nhắc nhở độc giả của ông rằng, cho dù hàng vạn năm tiến hóa, chúng ta cũng chỉ là những động vật được thuần hóa dưới cái cái sân rộng mang tên xã hội.
Nhưng tôi, một cách chậm chạp, vẫn tiếp tục chọn những tác phẩm của ông để gửi gắm tâm trí mình, hết lần này tới lần khác. Mặc cho tôi biết rằng khi kết thúc cuốn sách của ông, tôi sẽ chỉ càng không ưa ông hơn, như cái cách tôi có thể kháng nghị 1000 từ về cái cách nhân vật Hajime của ông xử lý bản thân cùng những mối quan hệ xung quanh anh ấy trong Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời.
Một cách không tự nguyện, tôi bị thu hút bởi từ ngữ của ông. Bởi dù tôi có không thừa nhận thế nào, chối bỏ nó ra sao, thì tôi vẫn lặng lẽ nghiêng mình trước cái chạm tinh tế của những câu từ ấy tới linh hồn mình.
Rằng một cách nghiêm cẩn nhất của một nhà văn, ông dùng cách của mình, khiến tôi trở nên nhỏ bé thế nào."30042020, cái ngày tôi bước vào thế giới của ông một lần nữa
Đêm nay tôi đã đọc hơn chục bài review về Rừng Nauy. Phải, bạn không đọc nhầm đâu, tôi đọc review về nó chứ không phải tác phẩm của ông mà tôi đang đọc gần đây. Bởi bộ phim tôi xem tối nay, lại lần nữa có dính líu tới Rừng Nauy. Mối quan hệ của nhân vật chính trong phim được nhận xét là nhiều điểm tương đồng với mối quan hệ giữa Toru-Naoko-Midori. Tôi quyết tâm tìm hiểu nhanh chóng về Naoko, về khu rừng mà cô bước vào, và về tác phẩm Rừng Nauy nổi tiếng nhất của Murakami. Và dòng review chung nhất mà tôi thấy ở hầu hết các bài review mà nó khiến tôi lặng người, ấy là xuyên suốt tác phẩm Rừng Nauy, nói về việc cái chết không phải điều đối nghịch với sự sống, mà là một phần của nó.
Năm 2017, tôi từng viết một truyện ngắn trong đó nhân vật chính tự tử và gặp cái Tôi của mình trong bối cảnh một tiệm trà vãn khách, trong đó nhân vật của tôi từng bảo rằng anh ta, với tư cách Thần Chết, muốn xin từ chức, để có thể hiểu về sự sống, chứ không phải cái chết. Bởi vì, anh ta quan điểm cái chết sẽ được hiểu như một phần của sự sống.
Vì thời điểm sáng tác quá lâu, tôi không nhớ liệu khi tôi viết nên nó, tôi có bị ảnh hưởng bởi bất kì câu trích dẫn nào của ông tôi tình cờ đọc được ở đâu đó, khiến tôi có suy nghĩ như thế. Hay đó đích thực là quan điểm nguyên bản của chính tôi bấy lâu nay.
Dù có thế nào, tôi cũng không thích cái cảm giác mà tôi đang cảm thấy, rằng tôi không ưa ông, luôn tỏ thái độ không hòa hoãn với bất kì ai mỗi khi nhắc đến những tác phẩm của ông, là bởi vì tôi...
"cảm" được ông.
Tôi biết, nói rằng cảm được một tác gia nổi tiếng là hành động kệch cỡm cỡ nào, nực cười ra sao. Người ta thường nói rằng họ đồng cảm với nhân vật, đồng cảm với tác phẩm. Nhưng bằng cách nào đấy, tôi trực tiếp thấy con người ông qua hàng sách. Thái độ bài trừ của tôi với thế giới của ông, với nhân vật ông tạo ra, thậm chí tôi còn không ưa cả ông, hóa ra nhìn lại, là bởi vì tôi sợ hãi.
Tôi sợ mình sẽ sa chân rơi vào thế giới tăm tối, không phân định thực ảo, như cái cách nhân vật trong truyện của ông rơi vào. Bởi tôi "cảm" được từ ngữ của ông sâu sắc đến mức nó gần như gây đau đớn. Ngôn từ ông biểu trưng của bóng tối/phần tối (the shadow).
Bởi tôi sợ, nếu tôi nhìn sâu vào bóng tối, bóng tối cũng sẽ nhìn lại tôi.
Và tôi sợ nếu tôi đã lọt vào tầm mắt của bóng tối, tôi sẽ bị nuốt chửng.
Tôi sẽ bị nuốt chửng bởi chính bóng tối của bản thân mình.
Đó chưa bao giờ là về Haruki Murakami cả, mà là về bản thân tôi.
Và giờ, khi phát hiện ra một điều nữa bản thân đang trốn tránh trong vô thức, tôi lại cảm giác tôi lại tăng hạng thêm vậy.
Đã thấy rồi, thì phải đối mặt thôi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất