Sau khi tự tay tái thiết lại ngành công nghiệp ô tô, mạng xã hội và cuộc đua vào vũ trụ, Elon Musk giờ đây hướng sự chú ý của mình vào chính trị. Trong vài tháng qua, Elon Musk đã trở thành gương mặt đại diện cho chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump. Kể từ khi đắc cử, Musk ngày càng gần gũi hơn với Tổng thống đắc cử Trump. Vào đêm ngày 12 tháng 11, Trump tuyên bố Musk sẽ lãnh đạo một cơ quan chính phủ mới.
Donald Trump công bố một loạt các bổ nhiệm chức vụ cho chính quyền mới của mình, bao gồm trong đó là vai trò dành cho Elon Musk lãnh đạo một bộ phận chính phủ hoàn toàn mới tập trung vào sự hiệu quả. Hiệu quả là điều mà Elon ám ảnh trong nhiều năm. Sau khi gần như tránh xa chính trị trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, việc ông ngồi cùng phòng với Donald Trump vào đêm bầu cử là một sự kiện mà không ai tưởng tượng nổi.
Elon Musk thực sự tin rằng mục tiêu sống và sứ mệnh của mình là cứu nhân loại. Ông đã biến mục tiêu đó thành trọng tâm của tất cả các công ty mình sở hữu. Ví dụ, ông thành lập SpaceX hơn hai thập kỷ trước với mục tiêu đưa nhân loại lên sao Hỏa trong trường hợp có chuyện gì đó xảy ra với Trái Đất. Ông là cũng một trong những nhà đầu tư ban đầu của Tesla và sau đó trở thành CEO vì ông lo lắng về nhiên liệu hóa thạch. Và Elon đã trở thành người giàu nhất thế giới khi thực hiện tất cả những dự án này.
Trong thời gian đầu của sự nghiệp, Elon Musk có khuynh hướng Dân chủ, thực ra thì ông cũng không hề quan tâm đến chính trị. Tuy nhiên, một vài sự kiện trong bốn năm qua đã khiến ông thay đổi.

Mâu thuẫn với chính quyền Biden

Bắt đầu từ năm 2020, thời điểm xảy ra đại dịch, bang California đã áp dụng hàng loạt lệnh hạn chế đối với người dân và doanh nghiệp. Hầu hết hoạt động của các công ty của Elon Musk đều diễn ra ở bang này, vì vậy ông đã lên tiếng phản đối những lệnh cấm này. Elon cực kỳ phản đối các quy định và ghét việc chính phủ hoặc bất kỳ ai ra lệnh cho mình phải làm gì. Vậy nên việc phải đóng cửa các nhà máy Tesla khiến Elon vô cùng tức giận. Và cuối cùng, ông ấy đe dọa sẽ di dời các nhà máy của Tesla ra khỏi California.
Một sự kiện vào năm 2021 đã khiến Musk tức giận hơn cả. Chính quyền Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về xe điện và mời tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn trên khắp cả nước đến tham dự, ngoại trừ Tesla của Elon Musk. Ông ấy đã rất tức giận và sẽ không bao giờ bỏ qua sự khinh miệt mà chính quyền Biden dành cho mình.
Sự kiện này đã tạo ra căng thẳng giữa Tesla và chính quyền Biden đến mức khiến Elon bắt đầu hành trình chính trị của mình. Musk thực sự khó chịu không chỉ vì lý do kinh doanh mà thực sự nó trở thành một mối thù cá nhân và hình thành một ý thức hệ mới.

Một tư tưởng chính trị mới

Vào năm 2022, ông ấy mua lại Twitter, đổi tên thành X với mục tiêu biến nó thành một nền tảng tự do ngôn luận. Ông ấy nghĩ rằng những người bảo thủ đã bị kiểm duyệt trên Twitter. Tại thời điểm ấy, Donald Trump đã bị cấm khỏi Twitter cũng như những tiếng nói bảo thủ khác. Elon Musk muốn Twitter trở thành nơi tự do ngôn luận với mọi hình thức.
Vào khoảng thời gian này, ông ấy bắt đầu thay đổi nội dung các bài viết trên X tập trung hơn vào thứ mà ông ấy gọi là vi-rút “thức tỉnh” (Woke Virus). Tư tưởng Woke tuyên truyền ủng hộ các biện pháp về tăng cường tính đa dạng, công bằng, hòa nhập, quyền của người chuyển giới, và cách sử dụng đại từ.
Ông ấy bắt đầu đăng bài về vi-rút “thức tỉnh” ngày càng nhiều. Elon đã thực sự lún sâu vào chủ đề này khi Vivian, một trong những đứa con lớn của ông công khai là người chuyển giới. Musk từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông ấy đã bị lừa ký vào đơn y tế cho Vivian thực hiện quá trình chuyển đổi khi cô ấy 16 tuổi. Ông bảo mình không biết về điều này. Elon nói rằng cô ấy đã bị giết bởi loại vi-rút “thức tỉnh”. Vì vậy, ông ta đã thề sẽ tiêu diệt nó.
Vivian đã có một số phản hồi chọn lọc đáp lại rằng cha mình đã không hề bị lừa để ký vào mẫu đơn đó. Nhưng toàn bộ sự việc trên cho thấy cách suy nghĩ của Elon đã thay đổi và trở nên cực đoan hơn như thế nào trong vài năm trở lại đây.
Một ví dụ khác về sự thay đổi tư tưởng của Elon Musk là vấn đề nhập cư. Thật trớ trêu vì bản thân Elon cũng là người nhập cư đến từ Nam Phi. Trong vài năm trở lại đây, ông ấy bắt đầu tập trung vào những người nhập cư bất hợp pháp. Elon liên tục nói về việc mình cảm thấy Đảng Dân chủ đang cho phép những người nhập cư bất hợp pháp vào để họ có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Tất cả những điều trên giúp chúng ta hiểu rằng đến năm 2024, Musk đã ngày càng liên kết với hệ tư tưởng cánh hữu. Nhưng từ khi nào Musk và Trump đã thực sự hợp tác với nhau?

Elon Musk bắt đầu hợp tác với Donald Trump

Thật khó để nói vì Elon sống rất khép kín. Nhưng chúng ta có thể thấy lý do tại sao, tại thời điểm này, ông ấy và Trump lại liên kết chặt chẽ với nhau như vậy. Vì hai người rất giống nhau. Cả hai đều giàu có và sở hữu quyền lực khủng khiếp. Musk và Trump đều hành động như những người ngoài cuộc với tư duy nạn nhân. Điều quan trọng nhất là cả hai đều nghĩ rằng hệ thống chính trị Hoa Kỳ đã bị phá hoại nghiêm trọng và họ là những người có thể sửa chữa nó.
Vào đầu năm nay, Musk đã gặp một vài người bạn tỷ phú của mình, một trong số họ đã khuyến khích ông nên tham gia quyên góp cho chiến dịch tranh cử. Không lâu sau đó, Elon Musk đã gặp ông Trump. Vào tháng 6, ông ấy đã thành lập một Super PAC sẵn sàng đầu tư vào chiến dịch của Donald Trump. Super PAC này đã quyên góp hơn một trăm triệu đô la, điều khá bình thường với một tỷ phú hoặc với một nhà tài trợ khác. Nhưng điều bất thường ở đây là Super PAC của Musk được gọi là America PAC, nơi ông và các cộng sự đã đến gõ cửa 11 triệu ngôi nhà ở các tiểu bang chiến trường để kêu gọi người dân đi bầu cử.
Điều tuyệt vời nhất là khi Elon Musk có mặt tại các cuộc mít tinh, ngay trên sân khấu cùng ông Trump, giống như ông ấy chính mình đang tranh cử tổng thống vậy. Người đàn ông này đang điều hành sáu công ty với mục tiêu thuộc địa hóa sao Hỏa. Làm sao ông ấy có thời gian cho tất cả những việc này?
Musk có rất những người rất giỏi để giúp ông điều hành các công ty của mình. Để thực hiện hóa mục tiêu cứu nhân loại, chính xác những gì ông ấy nghĩ mình nên làm bây giờ là tham gia vào chính trị. Trên thực tế, ông ấy đã nói rằng mình vẫn thực sự không muốn. Nhưng ông ấy phải làm thế vì nền văn minh nhân loại đang bị đe dọa.
Vào đêm bầu cử, một bức ảnh của gia đình ông Trump có Elon Musk ngay bên cạnh. Vài ngày kể từ cuộc bầu cử, ông ấy luôn ở Mar-a-Lago. Musk được cho là đã có mặt trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Trump. Ông ấy đã tư vấn cho vị tân tổng thống về các vị trí trong nội các mới. Và sau đó, như chúng ta đã biết vào đêm thứ Ba, Musk được bổ nhiệm vào vị trí của riêng mình.

Mối quan hệ của Elon Musk với chính phủ liên bang

Người ta đã không đánh giá đúng mức độ mà Elon Musk đã dựa vào chính phủ liên bang để xây dựng sự giàu có và quy mô của các công ty của ông. Musk có ít nhất một trăm hợp đồng khác nhau đang chờ xử lý với chính phủ liên bang trực thuộc 17 cơ quan khác nhau.
Phần lớn hợp đồng là với SpaceX, công ty thực sự tồn tại phần lớn là nhờ vào NASA đã cung cấp cho SpaceX số tiền để chế tạo tên lửa Falcon 9. SpaceX đã nhận được 10 tỷ đô la hợp đồng từ chính phủ liên bang trong năm năm qua để vận chuyển hàng hóa lên vũ trụ. Bao gồm hàng hóa và phi hành gia lên Trạm vũ trụ, vệ tinh do thám, hệ thống phòng thủ tên lửa và hàng chục mặt hàng khác cho chính phủ liên bang.
SpaceX không giống bất kỳ công ty vũ trụ thương mại nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ, xét về mức độ thống trị và số tiền thu được từ việc cung cấp các dịch vụ đó cho chính phủ.

The Department of Government Efficiency

Kể từ khi Musk thành lập SpaceX vào năm 2002, ông đã hoàn toàn tập trung vào việc đưa con người lên sao Hỏa. Và một trong những điều khiến ông vô cùng thất vọng là khi gặp phải các yêu cầu về giấy tờ và sự chậm trễ trong quy định. Ông thường bình luận về cách mình có thể chế tạo tên lửa còn nhanh hơn cả tốc độ chuyển giấy tờ từ bên này sang bên kia bàn làm việc của các viên chức liên bang. Điều đó thực sự khiến Musk phát điên.
Và đó là một phần lý do khiến ông tham gia nhiều hơn vào chính trị. Ông nghĩ rằng điều đó giúp mình vô hiệu hóa quy định hạn chế quyền lực và giảm bớt những gì ông coi là các yêu cầu thừa thãi hoặc vô lý nhằm xóa bỏ sự chậm chạp khiến ông thất vọng. Và Musk đã nói rõ trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng ông muốn được bổ nhiệm vào một vị trí trong chính phủ của ông Trump, nơi sẽ trao cho ông quyền lực để giúp giám sát việc cắt giảm đáng kể các quy định, nhân viên và chi tiêu của liên bang.
Ông thích gọi đùa đây là “Department of Government Efficiency”, viết tắt là DOGE, cùng tên với một trong những đồng tiền điện tử yêu thích của ông. Musk có xu hướng thích những cái tên như vậy để ông có thể nhắc đến trong những trò đùa của mình. Elon sẽ trở thành ông trùm giám sát phạm vi hoạt động của chính quyền liên bang và tìm cách loại bỏ những gì ông coi là các quy định liên bang thừa thãi và cắt giảm tới 2 nghìn tỷ đô la chi tiêu liên bang, một mục tiêu điên rồ và thực sự không thể đạt được, nhưng đó là những gì ông ấy muốn làm.
Ông Trump thích nói với Elon Musk rằng ông ấy vô cùng ấn tượng với những gì Musk có thể làm được tại Twitter. Ông gọi đùa Elon là Cutter In Chief. Ông thấy Musk có khả năng đáng kinh ngạc trong việc tìm ra cách giảm chi phí và loại bỏ lãng phí. Và thực tế là tại Twitter, Musk đã cắt giảm khoảng 2/3 nhân viên. Và dù ban đầu có chút gập ghềnh, nhưng X vẫn hoạt động tốt chỉ với số nhân viên còn lại. Vì vậy, Trump tin tưởng rằng Musk là người mà ông thực sự cần để cắt giảm đáng kể các quy định và chi tiêu của liên bang.
Nhưng một công ty công nghệ hoạt động khác hẳn so với một cơ quan chính phủ. Việc Elon bước vào và cắt giảm một loạt việc làm chỉ sau một đêm như những gì ông ta đã làm với Twitter, rồi hy vọng mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường có vẻ là không khả thi. Đó sẽ là mức cắt giảm chi tiêu và quy định chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ. Và khi nói đến việc thực sự cắt giảm các quy định, sa thải nhân viên và cắt giảm chi tiêu của liên bang, thì đây là một quá trình mà Quốc hội có tham gia vào. Vì vậy, việc này sẽ khó hơn rất nhiều so với việc chỉ đơn giản tuyên bố một ngày nào đó sẽ sa thải hàng nghìn người như tại một công ty tư nhân.

Những vấn đề về xung đột lợi ích

Chúng ta không biết mục tiêu đầu tiên của Elon Musk sẽ là gì. Nhưng có một vài việc khiến ông ấy thất vọng về những xung đột đã gặp phải với các cơ quan quản lý liên bang.
Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là SpaceX và sự việc đã xảy ra ở Boca Chica, Texas, gần biên giới Mexico, nơi đang thử nghiệm tên lửa Starship. SpaceX đã nhiều lần gây ra thiệt hại về môi trường ở khu vực nằm ngay ngoài rìa một khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia và một công viên tiểu bang. Khi phát triển tên lửa, SpaceX đã nhiều lần phớt lờ những quy định mà Cơ quan Cá và Động vật hoang dã và Bộ Nội vụ cho là giới hạn đối với hoạt động của công ty.
Ví dụ, trong một lần phóng gần đây, năng lượng phát ra từ tên lửa đã thổi bay cát và đá vào công viên tiểu bang, phá hủy một loạt các khu vực làm tổ của quần thể chim địa phương, xé vụn trứng và phá hủy tổ của những loài chim ở đó, cạnh tượng còn lại là lòng đỏ trứng nhuộm màu mặt đất. Đó là một vấn đề đang được Cơ quan Cá và Động vật hoang dã điều tra vì có khả năng gây hại cho các loài chim di cư.
Elon Musk rất thất vọng và ông ấy nghĩ rằng việc phóng viên đưa tin về vụ việc này là sự xúc phạm đến mức Elon tuyên bố sẽ không ăn trứng ốp la trong vài ngày. Ông ấy cho rằng thật nực cười khi chúng ta lo lắng về những tổ chim đã bị phá hủy. Vì vậy, Environmental Protection Agency (EPA) sẽ là mục tiêu đầu tiên trong danh sách việc cần làm của Musk. Sẽ không ngạc nhiên nếu đó là một trong những nơi đầu tiên mà ông ấy sẽ đến và cố gắng thu hồi một số quyền hạn quản lý mà cơ quan này có. Nhưng chắc chắn đó không phải là cơ quan duy nhất mà ông ấy muốn nhắm đến.
Elon Musk hiện đang bị điều tra hoặc bị kiện bởi một nhóm các cơ quan liên bang — Ủy ban Cơ hội Bình đẳng, Ban Quan hệ Lao động Quốc gia, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia, Bộ Tư pháp, tất nhiên là EPA. Tất cả họ đều đang điều tra Tesla và cho rằng công ty này đã vi phạm pháp luận. Các cáo buộc lo ngại về các công cụ lái xe tự động trên ô tô Tesla và liệu chúng có liên quan đến các vụ tai nạn chết người hay không.
Mọi thứ liên quan đến việc phá vỡ hoạt động của công đoàn, những công nhân tại các nhà máy ô tô và liệu Elon Musk có đối xử đúng mực với người tị nạn và những người xin tị nạn hay không. Ông ấy là đối tượng của rất nhiều cuộc điều tra đồng thời khác nhau. Và đó là một phần lý do khác khiến Musk hợp tác với Trump vì ông ấy muốn dẹp bỏ những cuộc điều tra đó. Và có khả năng là nhiều cuộc điều tra trong số đó sẽ hủy bỏ.
Những điều được nêu ra ở trên giúp chúng ta hiểu tại sao lợi ích kinh doanh cá nhân của Musk có thể được hưởng lợi từ môi trường pháp lý mà ông có khả năng sẽ định hình lại. Xung đột lợi ích thực sự có rất ít tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ. Đây là một người có hơn 10 tỷ đô la hợp đồng liên bang. Ông ta có một vài chục cuộc điều tra và vụ kiện liên bang đang chờ xử lý. Và tất nhiên, có những luật về xung đột lợi ích cá nhân mà chính phủ liên bang nghiêm cấm. Vậy làm sao Elon Musk có thể đồng thời đóng vai trò cắt giảm các quy định của liên bang nếu chính ông ta đang bị điều tra? 
Thông báo từ Trump vào tối thứ Ba thực sự ám chỉ rằng họ nhận ra có sự xung đột này và cố gắng tránh né bằng cách gợi ý rằng Musk bằng cách nào đó sẽ là người lãnh đạo của bộ phận hiệu quả của chính phủ liên bang mới, nhưng ông ta sẽ làm điều đó trong khi vẫn ở "bên ngoài chính phủ".
Về cơ bản, Musk có thể được tổng thống tin tưởng, nhưng lại không có vị trí chính thức trong chính phủ và tất cả những vấn đề đau đầu liên quan đến xung đột lợi ích. Nhưng đây là một thỏa thuận rất mơ hồ. Và tất cả những điều này giả định rằng ông Trump và Elon Musk sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Hai tính cách này có tiền sử bùng nổ với những người mà họ thân thiết, với các đối tác kinh doanh và thậm chí là một số nhân viên đáng tin cậy nhất của họ. Và vì vậy, họ là những người cũng giữ mối hận thù và hơi bốc đồng. Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng đây là một mối quan hệ sẽ kéo dài.

Mong đợi từ các nhà đầu tư chính trị

Điều thực sự hấp dẫn là mức độ mà chính quyền mới này sẽ được định nghĩa bởi mong muốn của các tỷ phú. Chính quyền trước của Trump thực sự tập trung nhiều hơn vào những thứ như ngành dầu khí và cánh hữu Cơ đốc giáo muốn thấy nhiều cuộc bổ nhiệm hơn vào Tòa án Tối cao. Nhưng mảng lợi ích kinh tế mà các nhà tài trợ tỷ phú thúc đẩy trong nhiệm kỳ thứ hai này rộng hơn nhiều và mối quan hệ bạn bè của họ với ông Trump cũng chặt chẽ hơn. Ví dụ như tiền điện tử, trí tuệ nhân tạo, và cách tiếp cận chống độc quyền mà chính phủ dành cho ngành công nghệ.
Có một nhóm người đang vây quanh Donald Trump, và Elon Musk là nhân vật trung tâm. Nhiều người trong số họ là bạn của Musk và ông ấy là người cầm đầu của cả nhóm. Họ sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn đến những gì xảy ra ở Nhà Trắng trong bốn năm tới. Các tỷ phú luôn có một số ảnh hưởng nhất định đến chính phủ, nhưng chúng ta chưa thực sự thấy được sự gần gũi giữa những người đàn ông vô cùng giàu có và quyền lực này, người đàn ông giàu nhất thế giới, và tổng thống Hoa Kỳ.
Lần này chỉ là một nhóm các tỷ phú, những người có lợi ích cố hữu trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. “Đầu sỏ chính trị” là một từ quá mạnh. Nhưng chúng ta đang bước vào giai đoạn mà những người có khối tài sản khổng lồ đang tương tác với một tổng thống Mỹ, người được biết đến là có lịch sử giao dịch cực kỳ phức tạp. Những người đã giúp Trump có được nhiệm kỳ thứ hai đang mong đợi sẽ thấy được lợi nhuận từ khoản đầu tư đó.