Khuyến cáo: Bài dài và rất lan man.
Tóm tắt: Tự sự nhảm nhí của một chàng sinh viên sắp kết thúc năm nhất, về những điều đã được trải nghiệm trong một năm qua, và những kinh nghiệm để tránh đi theo vết xe đổ của cậu ấy.
Bắt đầu thôi.
Welcome to Đại học :)
Thực ra thì tính đến thời điểm viết những dòng này, mình vẫn chưa kết thúc năm nhất. Đối với những trường khác thì đây là thời điểm sinh viên bắt đầu nghỉ hè, hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện. Còn với trường mình (Đại học Bách Khoa Tp.HCM) thì sinh viên có thể đăng ký học trong hè, và sau một phút giây dại dột nhấn nút đăng ký, mùa hè của mình đã chính thức… biến mất.
Thầy cô trường mình hay bảo rằng, “10 đứa đi học hè thì 9 đứa là do rớt môn, giống như đứa còn lại”. May mắn thay là mình vẫn chưa rớt môn nào. Bằng một phép màu thần kỳ nào đó mà điểm của mình đủ để qua cái môn có tỉ lệ sinh viên rớt mỗi kỳ xấp xỉ 70% (hoặc là do thầy cô chấm bài của mình dễ tính, em đội ơn thầy cô T.T)
Tạm biệt mùa hè, năm sau mình gặp nhau nhé! 🙂
Mình là một đứa lười. RẤT LƯỜI. Lười đến mức mà lúc mình còn ở nhà, ba mẹ mình luôn than vãn, “lười như mày sau này làm sao đi học Đại học, rồi làm sao lấy vợ, rồi làm sao abc xyz…” Đến khi lên Đại học, cái sự lười của mình cũng không giảm đi được một tẹo nào, mà thậm chí còn vươn mình trỗi dậy hết sức mạnh mẽ.
Ở trọ mà, thích dậy giờ nào thì dậy. Thời cấp Ba thì cứ đúng sáu giờ sáng là phải chăn gối gọn gàng, đánh răng rửa mặt sạch sẽ chuẩn bị đi học. Còn giờ, nếu thích thì ngủ đến sáng hôm sau dậy cũng được. Đại học mà, thích học thì đi, không thích học thì cúp (trừ những môn có điểm danh nhé). Trong đầu lúc nào cũng nghĩ, “mấy môn đại cương cần quái gì lên lớp, ở nhà đọc giáo trình, đọc slide cũng học được vậy”.
Cho đến khi “đại vương” thi giữa kỳ, cuối kỳ xuất hiện, bạn mới nhận ra sự ngu ngốc của bản thân. Và tất nhiên, chẳng có Doraemon nào xuất hiện và lôi bạn vào máy thời gian trong ngăn bàn, để trở về thời điểm đầu kỳ và học hành một cách chăm chỉ cả.
Và thế là cắm đầu học. Mục tiêu là phải học những kiến thức được giảng dạy suốt 4 tháng trong vòng… 4 ngày. Và dĩ nhiên là chẳng đứa nào mơ mộng rằng học kiểu đó sẽ giúp bản thân được điểm 9, 10 trong bài thi cuối kỳ. 3 điểm qua môn đã là may lắm rồi.
Hoá ra, hình như chẳng phải mỗi bản thân mình rơi vào tình trạng như vậy. Thư viện  những lúc bình thường luôn vắng vẻ, đìu hiu; đến mùa thi cuối kỳ thì tìm mỏi mắt cũng không thấy một cái ghế trống nào. Hình như chẳng phải mỗi bản thân mình lười, mà chắc là… hầu hết mọi người đều lười. Ừ, mình đọc cuốn “Sapiens: Lược sử loài người”, cũng có đoạn nói rằng suy nghĩ ngắn hạn là bản chất di truyền của loài người, nên cũng chẳng trách được. Di truyền nó vậy rồi, hehe.
“Nước đến chân mới nhảy”? Không, ở Bách Khoa tụi tui không làm vậy 🙂

Đọc thêm:

Mình có một đứa bạn, thời Trung học nó giỏi cực kỳ, thi Đại học 2018 được 28,3 điểm (bạn nào 2k như mình chắc sẽ hiểu được mức điểm ấy kinh khủng như thế nào), thủ khoa đầu vào trường mình luôn. Vào Đại học nó học còn ác liệt hơn, nên dĩ nhiên điểm của nó lúc nào cũng trong top của khoa.
Khác với hầu hết sinh viên trong trường, nó luôn học với tinh thần tiếp thu tri thức, chứ không phải để đối phó với bài thi. Mình nghĩ đó là sự khác biệt rõ nét nhất giữa những sinh viên tiêu biểu với phần còn lại của trường Đại học.
Mình từng đọc được một câu rất hay: “Khi lên Đại học, sẽ có những người lúc nào cũng bận rộn, và có những người lúc nào cũng rảnh rỗi”. Đại học phần lớn là tự học, và ai rèn được cho bản thân tính kỷ luật sẽ chiến thắng trong cuộc chơi.
Nói như vậy, để thấy được rằng Đại học nó vừa có nét tương đồng, vừa có nét khác biệt so với Trung học. Tương đồng ở chỗ những ai giữ được thói quen học tập như lúc cấp Ba, và không mang tư tưởng “lên Đại học để xả hơi sau những ngày tháng cấp Ba căng thẳng” sẽ giữ được phong độ của mình.
Còn khác biệt ở chỗ, điểm số ở Đại học phản ánh chân thực hơn nhiều lần lượng thời gian và công sức bạn bỏ ra cho một môn học nào đó, so với ở cấp Ba. Thầy cô cấp Ba thường hay du di, thậm chí “nâng” cho học sinh (không phải theo nghĩa tiêu cực, mà thầy cô thương, không muốn học sinh mình mất đi danh hiệu Học sinh giỏi chỉ vì thiếu 0.1, 0.2,…) Vả lại, thường ở cấp Ba các bài kiểm tra thường nằm ở một số dạng bài nhất định, nên đôi khi chỉ cần làm đi làm lại nhiều lần mà không cần nắm quá vững bản chất, cũng có thể lấy điểm giỏi như thường.
Đại học là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có những môn học mà nếu bạn không nắm vững kiến thức, dù có làm đi làm lại hàng trăm bài đi chăng nữa, thì trong đề thi bạn vẫn có thể gặp những câu bạn… chưa thấy bao giờ. Đến khi đó, chỉ có hiểu bản chất mới giúp bạn được điểm cao, còn không thì… nên bắt đầu lấy 450 nghìn nhân cho số tín chỉ môn đó thôi…
It was at this moment he knew… he fucked up 🙂

Đọc thêm:

Năm nhất, theo mình nghĩ là giai đoạn quan trọng thứ nhì trong suốt quãng thời gian học Đại học, chỉ đứng sau giai đoạn thực hiện và bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Vì năm nhất phần nhiều là những môn đại cương, và đó là cơ hội để tích luỹ điểm số, nhằm bù đắp cho những môn chuyên ngành “khó nhằn” ở những năm tiếp theo. Tiếc là đến khi hết năm nhất mình mới nhận ra điều này, và lúc đó đã là quá muộn… T.T
Một lý do nữa để năm nhất trở nên quan trọng: đây là giai đoạn làm quen và hoà nhập với một môi trường học tập và sinh hoạt mới. Nếu như trước đây, mình chỉ quen với những người bạn học trong trường, hay xa lắm là những người bạn qua mạng xã hội; thì khi vào Sài Gòn, mình được tiếp xúc với rất nhiều người, đến từ nhiều nơi khác nhau. Có những người thật sự khiến mình ngưỡng mộ, và cũng có những người làm mình cảm thấy hối hận vì đã quen họ. Giống như một chú cá từ cái hồ nhỏ bơi ra đại dương lớn, nếu không cẩn thận, bạn có thể sẽ bị ăn thịt bởi những chú cá tưởng chừng thân thuộc.
Vả lại, Đại học không chỉ có chuyện học, nó là cơ hội để bản thân tìm kiếm những mối quan hệ cho cuộc sống sau này. Mình cũng khá là may mắn, khi hầu hết những người bạn bây giờ của mình đến một cách khá là… tự nhiên: học Quân sự xong quen nhau; làm bài tập nhóm xong quen nhau; vào câu lạc bộ xong quen nhau… Mình thích những mối quan hệ như vậy: đến với nhau chân thành, chứ không phải cố gắng tạo ra, để rồi đến khi không còn sử dụng được nữa thì vứt bỏ.
Có bạn thì tất nhiên là vui hơn rất nhiều. Trừ những lúc có đứa combat ngu để cả team thua game thì lúc nào chúng mình cũng sống chan hoà với nhau cả.
Đôi khi tui rất là mệt mỏi, vì phải gánh trên vai lũ bạn của tui…
Sài Gòn rất rộng. “Rộng” ở đây không phải theo nghĩa địa lý, mà là theo nghĩa không gian. Mỗi ngày mới bước ra đường, mình luôn gặp được những hình ảnh, những con người mới mẻ. Thời điểm mới “chân ướt chân ráo” vào đây, mình khá sợ. Sợ rằng bản thân không đủ khả năng để làm quen với nhịp sống quá nhanh và vội vã ở nơi này. Sợ rằng mình không đủ chín chắn và khôn ngoan để sống giữa một thành phố đầy phức tạp.
Nhưng sau gần một năm, mình lại thấy thích cái bầu không khí ở Sài Gòn, thích sự phát triển, năng động và náo nhiệt không ngừng nghỉ ở đây. Mình nhận ra rằng, đôi khi cứ để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, cứ để thử thách đập vào mặt mình, đừng sợ hãi. Lúc đó, bản năng sẽ giúp mình vượt qua mọi chuyện. Tự tin và bước tiếp thôi.
Vài đứa em của mình nhắn tin, hỏi mình xem nên học Đại học ở đâu. Mình trả lời: “Thực ra học ở đâu cũng được. Quan trọng là bản thân phải thích nghi được với cuộc sống ở đó”.
“Nhưng mà nếu có điều kiện thì nên học ở Sài Gòn. Dù gì thì đây cũng là trung tâm kinh tế của Việt Nam mà, phát triển bản thân nhiều hơn, cơ hội việc làm sau này cũng đa dạng hơn”.
Một góc mình khá là thích :))
Nếu bạn đang đọc những dòng này, thì mình vô cùng biết ơn bạn. Từ lúc mình bắt đầu viết, ai cũng nói những bài viết của mình… dài quá, không đọc nổi.
Thực ra mình cũng không thích viết dài, nhưng mà khổ nỗi mình là một đứa… hay quên. Nếu giờ không viết ra hết thì khoảng nửa tiếng nữa mình sẽ… quên hết những điều định viết.
Nói về chuyện viết, lại nhớ đến Ban (tên gọi thân thương của một tổ chức có tên chính thức không được ngắn cho lắm: Ban Truyền thông Đoàn trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Đến với Ban là một cái duyên, ở lại Ban là một cái… nghiệp. “Nghiệp” vì thích quá, không dứt ra được.
Ban như một ngôi nhà thứ Hai. Ở đó mọi người sống với nhau như một gia đình. Dù cho có những mâu thuẫn, cãi vã trong quá trình làm việc, nhưng mọi người vẫn thông cảm cho nhau, vẫn “quẩy” với nhau hết mình.
Và dù cho, thật sự thì vì một vài lý do, nhiệt huyết của mình không còn tràn đầy như những ngày trước nữa, nhưng nó vẫn đủ để mình cống hiến hết khả năng của mình cho ngôi nhà mà bản thân gắn bó.
Hy vọng rằng, bản thân của năm tiếp theo sẽ tìm lại được cảm hứng như ngày xưa.

Tóm lại thì, năm nhất Đại học đã cho mình kiến thức, những góc nhìn về ngành mà mình muốn theo đuổi mà trước đây mình chưa từng biết.
Năm nhất Đại học cho mình những người anh, người chị, người bạn. Dù biết không có điều gì là mãi mãi, nhưng ngay giây phút này, được biết, được giao lưu với mọi người đã là niềm may mắn lớn nhất đối với mình.
Năm nhất Đại học cho mình những trải nghiệm mà mười tám năm qua mình chưa từng trải qua. Mình biết được thế giới này rộng lớn nhường nào, và làm thế nào để thích nghi với thế giới đó.
Và năm nhất Đại học cho mình những suy nghĩ khác. Về cách nhìn nhận vấn đề, về những mối quan hệ, về cuộc sống, và về bản ngã thực sự của mình.
Hy vọng rằng năm hai sẽ có nhiều điều thú vị hơn. 🙂