Thực ra mình vẫn cảm thấy việc học văn và phân tích câu từ thành 7749 nghĩa trước đây nó rất là hoa hòe hoa sói so với dụng ý của tác giả, cho tới khi mình thấy được tác dụng của việc phân tích đó nó ngấm vào máu mình. Và khi mình nghe câu hát của anh Đen, mình cảm nhận nó theo nhiều hướng khác nhau, tất nhiên mình rất tôn trọng và hiểu dụng ý của anh Đen trong câu hát đó và nó cũng quá rõ ràng để mà phải giải thích cho người khác hiểu. Mình cũng biết ngoài cái ý hiển nhiên đó của anh Đen thì anh cũng không gửi gắm gì thêm, nên câu này hoàn toàn hợp lý về cả ý nghĩa bề mặt và dụng ý của tác giả. Tuy nhiên thì cá nhân mình cứ thấy nó lấn cấn ở trong lòng, suy nghĩ mãi có nên viết một bài thể hiện một góc nhìn khác không liên quan gì dụng ý của tác giả hay không? Và kết quả là bài này đã ở đây rồi đó ạ :v
Đầu tiên thì mình xin được nhắc lại cái ý hiểu đơn giản nhất trong câu hát của anh Đen, "đừng mang ưu phiền về cho mẹ" có nghĩa là đừng khiến mẹ phải buồn lòng về mấy chuyện không tốt, chuyện tầm bậy tầm bạ (tức là "ưu phiền") mà chúng ta đã làm. Tóm lại là hãy sống tử tế để mẹ không phải phiền lòng về chúng ta. Chắc hẳn 100% những người nghe sẽ hiểu như vậy, và với ý nghĩa này của anh Đen nó rất là chí lý không có gì phải bàn cả.
Nhưng với câu này từ "ưu phiền" có thể hiểu theo một hướng khác, đó là những cảm xúc tiêu cực (những cảm giác khó khăn, cô đơn, bế tắc, thất bại...) của người con, nó không hẳn chỉ có nghĩa là những chuyện xấu, chuyện tầm bậy mà người con đã làm. Vậy thì chúng ta có nên thể hiện cảm xúc tiêu cực của mình với mẹ, và là một người mẹ thì có nên lắng nghe những chuyện tiêu cực của con cái hay không?
Câu trả lời là chúng ta nên thể hiện cảm xúc tiêu cực của mình với bố mẹ nếu nó được bố mẹ đón nhận và lắng nghe trong giai đoạn còn phụ thuộc
Theo mình thì với việc thể hiện cảm xúc tiêu cực nó nên nhưng ở giai đoạn khi chúng ta chưa trưởng thành, chưa có những sự kết nối khác an toàn, tin tưởng như là với bố mẹ của mình. Giai đoạn này thường trong khoảng 0-18 tuổi, đó là tuổi chúng ta còn phát triển, còn cần rất nhiều sự kết nối cũng như sự cỗ vũ và khuyến khích động viên kịp thời của bố mẹ, trong cả những điều vui và đặc biệt cần hơn là những lúc tiêu cực. Sự kết nối để hiểu và định hướng kịp thời của bố mẹ trong giai đoạn này, có thể giúp những đứa trẻ nhanh chóng cân bằng cảm xúc, giải tỏa nỗi lòng và vượt qua khó khăn của mình một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên việc này thường chỉ xảy ra trên lý thuyết, thực tế chủ yếu ở các gia đình Việt Nam thì con cái thường phải che giấu cảm xúc tiêu cực nhiều hơn, vì thường bị cha mẹ phán xét và trách mắng nếu chúng nói ra những khó khăn và nỗi buồn của mình. Ví dụ như bạn bày tỏ sự khó khăn của mình trong việc học môn toán và sẽ bị chửi là "có việc học cũng không xong" hay "mày ngu lắm có học cái này cái kia cũng không học được, mày xem con nhà người ta đi"... Cộng thêm việc bố mẹ thường có rất nhiều áp lực trong cuộc sống, trở về nhà là xả lên con cái khiến chúng bị dồn nén tầng tầng lớp lớp sự tiêu cực trong tinh thần. Và kết quả có thể biến thành một đứa trẻ nổi nóng, cáu giận và ngang bướng khi tất cả cảm xúc bùng nổ vào một thời điểm nào đó, đồng thời làm đứt gãy sự kết nối giữa một đứa trẻ với bố mẹ của chúng, gây nên sự xa cách giữa những người thân trong một nhà.
Còn trong giai đoạn trưởng thành trở đi, việc chủ động học cách cân bằng cảm xúc và vượt qua khó khăn của chính mình là một điều thường được làm, nếu có thể vẫn kết nối được với bố mẹ nó vẫn là một điều tốt, tuy nhiên mình thấy càng lớn thì thường chúng ta sẽ ít có xu hướng kết nối với bố mẹ trong những lúc cần sự giải tỏa, sự lắng nghe và thấu hiểu, mà sẽ chuyển sang có nhu cầu kết nối với bạn đời - những người ngang hàng và có thể hiểu chúng ta trong giai đoạn trưởng thành một cách sâu sắc; và việc ít kết nối với bố mẹ hơn một phần là do không muốn bố mẹ phải lo lắng và suy nghĩ nhiều về những vấn đề của chúng ta khi đã tự lập hoàn toàn. Vậy nên giai đoạn này thường sẽ không còn thích hợp cho việc giãi bày tâm sự với bố mẹ (theo cả xu hướng và cả suy nghĩ muốn tốt cho bố mẹ)
Và câu trả lời cho vế thứ hai: là bố mẹ thì rất nên lắng nghe cảm xúc tiêu cực của con cái - nếu mình là một người mẹ. Bởi vì sự chia sẻ đó của con là cho thấy chúng thoải mái, tin tưởng và mở lòng với mình kể cả trong những chuyện khó nói, đó là một dấu hiệu tốt cho sự kết nối giữa mình và con. Mặt khác như mình đã nói nó sẽ giúp can thiệp, hướng dẫn kịp thời với những chuyện mà con chưa có kinh nghiệm và chưa có kiến thức để giải quyết hay vượt qua. Sự kết nối này không chỉ tốt cho sự phát triển của con mà còn làm tình cảm và sự gắn bó giữa bố mẹ và con cái trở nên khăng khít hơn, giảm đi những khoảng cách thế hệ trong gia đình.
Tóm lại thì bài này mình chỉ mong muốn chia sẻ một chút về góc nhìn khác về câu hát của anh Đen, hy vọng là mọi người không cho là mình bới lá tìm sâu mà chỉ là mượn cái lá nói con sâu thôi.
=====================
Cảm ơn đã đọc hết bài viết, hy vọng có thể kết nối với mọi người nhiều hơn qua facebook và kênh vlog nha <3