“Đừng kể cho tôi, bạn sẽ làm hỏng bữa ăn của tôi mất!”
Đó là cách mà sự ngu dốt đã và đang thống trị loài người trong một khoảng thời gian dài. Chúng ta không ngu dốt vì chúng ta không biết sự thật, chúng ta ngu dốt vì chúng ta không muốn biết sự thật. Và một trong những sự thật mà con người đã che dấu cùng nhau là việc động vật bị giết tàn bạo như thế nào để cung cấp cho chúng ta những “nhu yếu phẩm” mà ta vẫn sử dụng hàng ngày.
Với dân số hơn 7 tỷ người, hơn 6 triệu động vật bị giết để làm thức ăn mỗi giờ. Xã hội càng phát triển, người ta nói đến “nhân đạo” nhiều hơn, làm sao để các sinh linh bé nhỏ ấy được chết một cách ít đau đớn nhất, một phần vì nhân đạo là bản chất đáng quý của con người, môt phần khác là để ta có thể trọn vẹn thưởng thức miếng thịt của mình từ một chú bò hạnh phúc đã sẵn sàng dâng hiến sinh mạng cho loài người vĩ đại. Nhưng làm sao ta có thể đưa ngần ấy động vật tới cái chết không đau đớn (euthanasia) bằng 6 triệu mũi euthasol mỗi giờ, khi chi phí cho điều đó là quá lớn (thực tế là cũng chưa có euthasol cho gia súc). Cách giết nhanh nhất và ít tốn kém nhất vẫn là cắt cổ (neck cutting). Một số trại mổ cũng đã áp dụng phương pháp làm bất tỉnh động vật trước khi giết chúng, bằng cách dùng một loại súng nén khí (captive bolt) bắn vào đầu chúng. Nghe thì có vẻ nhân đạo khi mà tưởng rằng chúng sẽ không cảm thấy gì trong khi bất tỉnh, nhưng thực tế hiệu quả của phương pháp này không mấy khả quan. Nhiều người ở lò mổ đã thừa nhận việc động vật tỉnh táo trở lại ngay sau khi bị rạch cổ là việc không hiếm. Chúng giãy giụa trong khi bị treo lộn ngược xuống sàn nhà, máu từ cổ họng chảy ra xối xả, tràn vào cả khí quản. Chúng thở chính máu của chúng. Và đó là dấu chấm hết cho cuộc đời của một chú bò từ lúc sinh ra đến lúc lớn lên đã bị o ép trong khung chuồng không rộng hơn cơ thể chúng là bao, cơ bắp không phát triển do thiếu vận động, bị cắt sừng, dán nhãn bằng cách nung lên mặt, cho uống nước để cơ thể trương phình, dùng kháng sinh và chất kích thích ăn,… Thử tưởng tượng bấy nhiêu căm phẫn, sợ hãi, thù hận ngấm trong từng thớ thịt được bày biện đóng gói đẹp đẽ trong cửa hàng, liệu chúng ảnh hưởng đến cơ thể ta như thế nào sau khi ăn?
Kết quả hình ảnh cho cow in factory farm

Sự thật trên chỉ là một ví dụ cho hàng trăm hình thức bóc lột khác mà ta đang đối xử với loài vật. Sự man rợ đó đến từ các nước phát triển như Mỹ, nơi mà nhu cầu về thực phẩm động vật là rất lớn. Có người sẽ cho rằng những nước như Việt Nam, nơi mà những chú bò hàng ngày thơ thẩn trên những đồng cỏ mênh mông, băng qua đường cao tốc mà không chút e dè, động vật sẽ có một cuộc sống an nhiên và cái chết sẽ ít đau đớn hơn. Tôi chưa từng chứng kiến tận mắt một chú bò bị giết hại, nhưng tin tôi đi, nỗi đau vẫn sẽ rất lớn, đến mức không ai trong chúng ta có thể mường tượng. Tôi tin những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ đến cái giai đoạn của các nước phát triển hiện tại, vì đó là điều mà mỗi quốc gia hướng tới. Và khi đó, sẽ không còn những chú bé chăn bò thả diều trên những cánh đồng bát ngát, bởi vì những chú bò đã được đưa vào trại tập trung, nơi mà chúng dành cả quãng đời cựa quậy vừa đủ trong căn xà lan gỗ.
Nếu ngay cả sau khi biết đến những sự thật về sự đau khổ mà các loài động vật đang gánh chịu, mà bạn vẫn không cảm thấy thuyết phục để xem lại hành vi của chính đồng loại của mình, thì có một sự thật nữa bạn cần biết. Đó là nói riêng việc chăn nuôi động vật cho ngành công nghiệp thực phẩm cũng đã và đang làm chính con người đau khổ. Trung bình 20,000 lít nước được sử dụng để sản xuất ra 1 kilogram thịt bò, 1,000 lít nước cho 1 lít sữa, 4,000 lít nước cho 1 kilogram trứng. Ngành nông nghiệp động vật sử dụng lên đến 1/3 nước sạch trên toàn thế giới và 1 tỷ người đang thiếu nước sạch. Các loài vật nuôi và sản phẩm của chúng “đóng góp” 51% lượng khí nhà kính, nhiều hơn tất cả các loại phương tiện cộng lại, và chúng ta đang cố cắt giảm lượng khí này bằng các loại phương tiện thân thiện với môi trường, riêng tôi việc tắt máy xe khi dừng đèn đỏ hơn 20 giây có vẻ như là vô nghĩa. Rồi một trang trại 2,500 chú bò sữa đáng yêu có thể tống ra lượng chất thải bằng một thành phố 411,000 người, chất thải của chúng ngoài đóng góp tạo nên hiệu ứng nhà kính, còn làm ô nhiễm nguồn nước sạch của con người và các loài động vật khác. Và còn hàng trăm con số thống kê khác để chứng minh rằng việc giết thịt loài vật không những gây nên đau đớn cho chúng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của loài người. Bộ phim tài liệu rất hay nói về vấn đề này mà mọi người có thể tham khảo là Cowspiracy sản xuất năm 2014.

Đây là cách mà ta đang đối xử với loài vật – những cư dân đang cùng cộng sinh với loài người trên hành tinh này. Tất cả những sự bất công này diễn ra chỉ bởi vì chúng ta là loài động vật thông minh nhất. Từ một loài đứng giữa trong chuỗi thức ăn tự nhiên, sau những chủng thú săn mồi vượt trội về cả thể chất lẫn kỹ năng săn mồi (họ nhà báo, hổ, vv), ta nhảy lên vị trí cao nhất trong một khoảng thời gian ngắn do sự đột biến về mặt ngôn ngữ kéo theo sự phát triển về trí thông minh. Có lẽ việc từ một kẻ bị săn đuổi, bỗng nhiên nắm trong tay quyền năng vô hạn của tự nhiên ban tặng, đã khiến loài người trở nên hung dữ và tàn bạo hơn bao giờ hết. Một sự trả thù ngọt ngào. Bản chất ấy đã nằm trong DNA của mỗi chúng ta trong suốt mấy chục ngàn năm qua, để đến bây giờ, khi dù đã đủ cơm ăn áo mặc, con người vẫn bộc lộ sự hung bạo ấy qua hàng vạn cách thức cướp đi sinh mạng muôn loài.
Phải chăng đã đến lúc để chúng ta thức tỉnh chính mình và đồng loại, tự xem xét và điều chỉnh hành vì của mình đối với loài vật, trước tiên là chế độ ăn uống. Chúng ta được sinh ra giữa một cộng đồng ăn thịt, vì vậy chúng ta ăn thịt, không hề hay biết rằng điều đó đang đưa chủng tộc người thông minh Homo Sapiens đến gần hơn với mồ chôn tập thể. Chúng ta được bảo rằng phải ăn thịt mới đủ sức khỏe nhưng thực tế rất nhiều người ăn chay đã và đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới. Phương Tây, xuất phát từ những vấn đề thực tế mà họ gây ra, đã bắt đầu theo đuổi giá trị mà Phương Đông đã thực hiện hàng ngàn năm trước. Dù lý do là gì đi chăng nữa, tất cả đều sẽ quy về một mối, bởi vì chân lý chỉ có một.
People speak their languages, but truth is only one.
Kết quả hình ảnh cho vegetable vs meat

Loài người sẽ phải thay đổi. Mong rằng sẽ có một ngày, không chỉ những nhà hoạt động vì môi trường, những người làm trong các tổ chức bảo vệ động vật, những nhà sư mới có ý thức về việc tạo lập lại kết nối với tự nhiên, mà chính mỗi cá nhân bé nhỏ trong cộng đồng cũng sẽ được sinh ra mang trong mình tư tưởng ấy. Chỉ khi hàng triệu, hàng tỷ người cùng chung tay, thế giới mới có hy vọng thay đổi quỹ đạo, hướng đến một tương lai đẹp đẽ hơn cho cả hành tinh này.
==============================================================
Nguồn tham khảo:
1. Kip Andersen, Keegan Kuhn (Producer), & Kip Andersen, Keegan Kuhn (Director). (2014). Cowspiracy [Motion picture]. United States: A.U.M. Films, First Spark Media.
3. Shaun Monson, Libra Max, Nicole Visram, Brett Harrelson, Babak Cyrus Razi, Maggie Q, Persia White (Producers), & Shaun Monson (Director). (2005). Earthlings [Motion picture]. United States: Nation Earth.
4. Harari, Yuval N. author. Sapiens : a Brief History of Humankind. New York :Harper, 2015. Print.