Trong những ngày được trải nghiệm và uống trà theo phong cách Trung Hoa, mình được tiếp cận với văn hoá uống trà và mở mang thêm những kiến thức về Trà.
Ban đầu mình nghĩ uống trà đơn giản chỉ gồm ấm, chén trà như các cụ nhà mình hay ngồi uống với nhau. Tuy nhiên những người thưởng trà chuyên nghiệp thường có những bộ trà cụ đầy đủ cho một bàn trà. Thật là cầu kỳ nhỉ?
Vậy một bàn trà theo phong cách người Hoa sẽ gồm những dụng cụ cơ bản gì?
Ấm trà là vật đầu tiên cần có trên bàn trà. Ta thường thấy chất liệu ấm gốm sứ, thuỷ tinh, tử sa. Ấm thường nhỏ hơn ấm thông thường.
Ấm gốm sứ lưu giữ nguyên bản hương vị trà, đây là lựa chọn tuyệt vời cho người mới chơi trà. Nhược điểm là sau một thời gian, ấm sẽ bị bám cao trà -màu trà vàng ố, gây mất thẩm mỹ, khi đó ta phải đổi ấm mới.
Ấm thuỷ tinh kích thích mắt nhìn. Vì thuỷ tinh trong suốt nên bạn có thể nhìn được nước trà vàng óng. Thông thường ấm này sẽ hợp để pha trà hoa vì khi pha cánh hoa nở trong ấm rất đẹp.
Ấm tử sa là loại ấm đặc biệt nhất. Ấm được làm từ đất tử sa vùng Nghi Hưng, Trung Quốc. "Tử" là tím, "sa" là cát. Một trong số màu của chúng có ánh tím. Loại đất này chứa nhiều khoáng chất mà không nơi nào có. Trà sẽ dần tăng vị khi ngấm chất đất tử sa chứa khoáng, càng uống càng ngon. Một điểm nhỏ là ấm tử sa không lưu giữ mùi hương và vị nguyên bản trà như ấm sứ. Vậy nên khi thử trà mới, dùng chất liệu sứ sẽ cho ra hương vị ban đầu hơn là ấm tử sa.
Ấm tử sa Nghi Hưng thường được những người sành trà yêu mến. Thông thường họ sẽ dùng một ấm cho riêng một loại trà để không bị lẫn hương vị trà khác. Những nghi thức cho ấm tử sa cũng phức tạp hơn như "khai ấm tử sa" và "dưỡng ấm tử sa", tức là có sự chăm sóc đặc biệt cho ấm, nâng niu gìn giữ như đồ cổ vậy. Ấm sẽ bóng đẹp hơn qua thời gian.
Chén trà cũng có những chất liệu tương tự. Chén thuỷ tinh giúp kích thích thị giác. Chén sứ lưu giữ hương vị trà như ban đầu, nhưng dùng lâu dễ bám cao trà. Chén tử sa tuy không lưu hương vị nguyên bản nhưng chất liệu đất tử sa chứa khoáng chất làm vị trà được tăng thêm rất nhiều lần. Thường người chủ sẽ chọn riêng cho mình một chén riêng gọi là chén chủ, để phân biệt với chén của khách.
Chén Tống tựa như một chiếc bình có vòi để rót trà, còn gọi là Chuyên trà. Chuyên dùng để rót nước trà từ ấm sang, sau đó mới rót trà vào các chén. Chuyên sẽ làm giảm nhiệt độ của nước, tránh khách thưởng trà bị bỏng khi uống trà quá nóng, làm đều màu nước trà, không bị chỗ đậm nhạt.
Chén Tống có ba chất liệu thường gặp thuỷ tinh, tử sa, sứ với ưu điểm tương tự như hai loại ấm chén trên. Chén Tống thuỷ tinh được nhiều người lựa chọn do ta có thể quan sát được màu nước trà, lưu giữ hương vị nguyên bản, giá thành hợp lý. Nhược điểm là nước trà mau nguội hơn, dễ bám cao trà. Chén Tống thường có dung tích xấp xỉ dung tích ấm trà là vừa vặn nhất.
Chén Khải là loại chén có nắp phía trên, kèm với đĩa nhỏ phía dưới.
Ồ bạn có thấy quen thuộc chứ? Chúng xuất hiện trong nhiều bộ phim Trung Hoa thời vua chúa ta vẫn xem. Chén này pha được mọi loại trà, nhìn rõ được cọng trà sau khi pha. Mình thấy dùng cho cá nhân khá tiện lợi. Chén có thể thay thế cho chén uống trà, uống trực tiếp, hoặc thay cho ấm trà. Khi pha các loại trà cọng to có thể để vào chén Khải. Bạn cũng cần tìm hiểu về cách cầm chén Khải sao cho không bị phỏng tay. Mình dùng Chén Khải đôi khi không quen, vẫn có cảm giác nóng tay. Để hiểu sơ lược về cách cầm Chén Khải, bạn có thể xem tại đây.
Khay trà là một dụng cụ chuyên để bày ấm chén lên.
Bình trà để đựng trà. Ta cần biết rằng trà cần phải có nơi bảo quản kín, tránh ánh sáng trực tiếp, không lẫn mùi tạp chất, để xa phòng bếp, tránh trà bị mất mùi hương. Không nên dùng bình thuỷ tinh vì có ánh sáng chiếu vào làm trà mau hư. Hoặc giản dị thì có túi zip cứng cũng ổn lắm.
Kháo trà là một cái âu lớn để đựng bã trà hoặc bỏ ấm chén trà vào đó, vệ sinh ấm chén khi uống, làm nóng dụng cụ (tráng nước sôi) trước khi pha trà
Lọc trà sẽ lược bỏ các vụn trà, cặn trà trong nước trà để giúp nước trà trong hơn, đẹp mắt, đạt độ thẩm mỹ, khi mời khách rất lịch sự, làm khách thưởng trà trong thích thú. Có các chất liệu lọc trà sứ, kim loại, tử sa. Bạn để lọc trà lên trên Chén Tống để lọc nha.
Bộ dụng cụ nhỏ trên bàn trà không thể thiếu như gắp trà, cây gạt trà, cung nhãn trà, kim trà...
Kẹp trà là để gắp chén trà khi đưa cho khách. Bạn tránh được việc chạm tay lên miệng chén. Khi vệ sinh nước sôi chén, dùng cái kẹp gắp chén cũng tránh bị phỏng tay.
Muỗng xúc trà là một cái thìa để xúc trà từ bình trà ra.
Cây gạt trà là để gạt trà vào ấm.
Cung nhãn trà là vật chứa trà khô, không biết nên hình dung sao nhỉ, trông giống cái máng cong, ta đổ trà khô ra vật này rồi lấy cái gạt trà đổ vào ấm, tránh làm gãy vụn lá trà, rơi trà ra ngoài, tránh sự tiếp xúc của tay với lá trà, giúp đong ước lượng lượng trà pha cho ấm.
Kim trà là một cây que có đầu nhọn để lấy các lá trà nhỏ bị tắc trong ấm trà, nhất là nơi có nhiều lỗ nhỏ trong ấm.
Một bàn trà phải thật sạch sẽ và gọn gàng phải không? Ta cũng nên có một chiếc khăn nhỏ sạch mềm bên cạnh để lau nữa nhé.
Thường bàn trà điệu đà hơn sẽ có ấm đun nước sôi pha trà cách điệu, đẹp mắt kèm bếp hồng ngoại nhỏ xinh bên cạnh.
Thường bàn trà điệu đà hơn sẽ có ấm đun nước sôi pha trà cách điệu, đẹp mắt kèm bếp hồng ngoại nhỏ xinh bên cạnh.
Khá là nhiều dụng cụ phải không? Còn nhiều dụng cụ nữa nhưng có lẽ mình tạm liệt kê tới đây.
Người thưởng trà ban đầu theo mình chỉ cần ấm trà, chén trà, chén Tống là cơ bản rồi, hoặc một cái Chén Khải là đủ giản dị để thưởng thức ly trà ngon.
Hít một hơi, nhấp một ngụm trà, thấy lòng khoan khoái, bao mệt nhọc tan biến...
Hít một hơi, nhấp một ngụm trà, thấy lòng khoan khoái, bao mệt nhọc tan biến...
Một chút chia sẻ nhỏ. Mong nhận được thêm góp ý từ các bạn^^
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất