Dũng cảm nhìn về sự yếu đuối của chính mình
Trở nên chai lì sao mà dễ, nhưng không dễ chút nào để một ngày có thể ngồi xuống tự ôm lấy chính mình, và cho phép mình được bật khóc một cách yếu đuối như vốn dĩ.
Vì bình minh luôn rực rỡ và thanh sạch nên kẻ đớn đau nhất định sẽ dũng cảm rời bóng tối để tiến về phía trước.
Chiều nay tôi đã xem lại những bài post cũ trên Instagram, giật mình vì rất nhiều trong số đó tôi đã từng có ý định tự sát, giày vò bản thân. Tôi của khoảng thời gian đó có thể được hình dung như sau: đêm về tiêu cực một mình và sáng lại đeo mang chiếc mặt nạ tươi tỉnh để trở thành một người đầy nhiệt huyết. Tôi soi gương, thấy phản chiếu bóng hình của bản thân vừa đi qua hành trình tự chữa lành, với cảm giác bình yên và hạnh phúc, tôi đã suýt khóc. Tôi nghĩ nếu có gì đó rơi ra, đó chắc chắn phải là giọt nước mắt của hạnh phúc.
Chuyện tự tử không phải là chưa từng xảy ra với tôi. Ở khoảnh khắc cô bé 14 tuổi nằm mơ màng trên giường, tay còn định tua thêm nửa chai thuốc ngủ còn lại, tôi đã thấy ánh sáng bao lấy mình. Nhưng kỳ thực đó không phải là ánh sáng của sự giải thoát, mà là ánh sáng của sự hối hận, sự day dứt muốn thoát ra của một tâm hồn đớn đau. Tôi nhớ rất rõ lúc đó mẹ mình đã khóc thế nào, và dĩ nhiên, chuyện này không còn ai trong nhà biết nữa. Quá khứ là một giấc mộng tôi từng cố gắng chối bỏ, thậm chí là muốn chúng tan biến đi lặng lẽ như cách mà trầm cảm đã đến trong cuộc đời tôi. Tuy nhiên, càng thoát ra, tôi càng thấy mình bị quấn lấy chặt hơn. Càng vẫy vùng, tôi càng thấy bất định. Tôi luôn tự cho rằng mình có thể kiểm soát mọi thứ trong đời mình rất tốt, bao gồm cả việc chôn vùi những bất ổn của mình. Nhưng sự thật dường như không phải như thế.
Ngày qua ngày, tôi nhận ra mình thật sự không thể lờ đi đứa trẻ tổn thương bên trong. Khi tôi cứ mải miết lớn, mải miết lao vào công việc, ước mơ, thì đứa trẻ ấy vẫn nằm mãi ở quá khứ, nơi mà những sang chấn tâm lí không được điều trị kịp thời. Năm 14 tuổi, tôi bước vào bệnh viện tâm thần, đối diện với bác sĩ, và cố tìm cách nói cho ông ấy hiểu rằng tôi đang cảm thấy thế nào. Thì 1 câu nói: ”con bị cận, dùng điện thoại nhiều nên ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề đau nửa đầu, và nó khiến con thấy khó chịu, mất ngủ,…” ấy đã đánh tan tất cả những gì tôi muốn nói. Vị bác sĩ ấy đã kê đơn cho tôi, dặn tôi đừng suy nghĩ quá nhiều. Tôi thấy thật may mắn vì mình đã tìm cách bỏ hết số thuốc đó. Bởi trầm cảm không thể được điều trị dứt điểm bằng thuốc, lại càng không thể được phục hồi từ toa thuốc của một người không cố gắng lắng nghe.
Trong cuộc tẩu thoát khỏi cơn ác mộng này, tôi tìm cách chung sống với những méo mó trong tâm lí của mình, chấp nhận nó, và tìm cách chiến thắng nó. Tôi nghĩ ý nghĩa của hai từ ”chiến thắng” này vô cùng to lớn đối với những ai vô tình rơi vào đại dương đen, nơi mà những người trầm cảm đã từng vô lực và đánh mất chính mình trước khi đánh mất cuộc đời mình. Ai cũng muốn vượt qua những ngày như thế, nhưng không phải ai cũng may mắn và đủ mạnh mẽ để làm điều này. Lao vào công việc không giúp cuộc sống tôi vui vẻ hơn, nhưng ngược lại, nó cho tôi cảm giác mình đang tồn tại một cách chân thật nhất. Tôi không cố chứng minh mình với ai, tôi chỉ đang tìm cách kéo chính mình ra khỏi những hố đen bằng tư duy của một người không ngừng khát khao. Tôi đã luôn cố gắng sống một cuộc đời tử tế, nhiệt thành và ý nghĩa như những gì tôi mong đợi. Nhưng thỉnh thoảng, ý nghĩ tự sát vẫn tìm đến tôi, trong những ngày vinh quang lẫn chơi vơi và cô độc nhất.
Từ nhỏ đến lớn, tôi tự thấy mình là một người rất lì. Tôi không sợ hãi bất cứ điều gì, cũng chưa từng chịu thua số phận, dẫu cho số phận luôn kéo tôi về cực âm. Nhưng sau nhiều chiêm nghiệm, tôi nhận ra mình cần nhìn thẳng vào sự yếu đuối của mình chứ không phải là cố trở thành một con nhím hay một chiến binh. Trở nên chai lì sao mà dễ, gan dạ và dũng cảm sao mà dễ, bỏ mặc tất cả sao mà dễ. Nhưng không dễ chút nào để một ngày có thể ngồi xuống tự ôm lấy chính mình, và cho phép mình được bật khóc một cách yếu đuối như vốn dĩ. Chỉ khi nhìn vào chính mình, tôi mới hiểu sự hữu hạn của hạnh phúc, cảm giác hồi sinh, nước mắt từ đâu ra, và tại sao có những lúc tôi luôn muốn làm đau chính mình.
Tôi cũng từng cho rằng những gì mình trải qua trong quá khứ đã quá đủ để kết vẩy những nỗi đau. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh và day dứt nhất đến tận hôm nay, chính là việc mất đi những người tôi yêu thương nhất. Đã có vài việc tác động mạnh mẽ đến tôi, tưởng như một con thuyền có thể bị nhấn chìm xuống ngàn băng vạn trượng không lối thoát. Kỳ lạ là tôi lại không khóc được. Tôi chỉ biết rằng mình đang đeo mang thêm nhiều vai trò khác, và càng hiểu mình phải sống tiếp để làm cho kỳ hết những gì mình cần làm. Càng về sau này, tôi bắt đầu có nhiều nỗi sợ vụn vặt hơn. Như việc mỗi khi nghe tiếng xe cấp cứu, người tôi run lên, nóng lạnh, và cảm giác tim mình nặng nề hơn hệt như khoảnh khắc ngồi trong xe cứu thương bên thi thể ba tôi lạnh ngắt. Hay cả việc ai đó nhắc về người thân, tôi chỉ muốn quay đi để chôn cho kỳ hết những cuộn trào trong lồng ngực. Những lúc về quê một mình, chuyến xe trở nên cô đơn và xa xôi hơn vì tôi biết sẽ không còn ai đưa đón nữa. Kể cả khi tâm trí tôi trở nên cứng cỏi hơn, nội lực vững vàng hơn, thì những điều nhỏ bé như thế vẫn âm thầm đánh gục tôi. Đó là lúc tôi biết mình thật sự yếu đuối, chẳng thể làm gì khác ngoài việc tự động viên chính mình.
Nếu ai đó hỏi tôi về khoảnh khắc thay đổi cuộc đời, điều gì khiến tôi quay đầu lại, tôi nghĩ đó là lúc tôi được ‘nhận quà’ từ một bệnh nhân tâm thần khi tôi vừa từ phòng khám ra ngồi chờ người thân đến rước. Người đó đã cười rất ngô nghê, cho tôi một cây kẹo như cách mà anh ta trao đi niềm vui vụn vặt hằng ngày. Mọi người có thể cho rằng anh ta mơ màng suốt phần đời còn lại, nhưng đối với tôi mà nói, lúc đó, tôi thấy anh ta tỉnh táo hơn bao giờ hết. Tôi tự hỏi vì sao mình lại đánh mất nụ cười, có phải vì biến cố gia đình, có phải vì những ký ức tồi tệ đã dai dẳng trong đời tôi không, hay vì điều gì khác. Tôi phát hiện là không phải. Những điều đó cho dù có tồi tệ thế nào, thì chúng đã xảy ra, và tôi đã sống cùng với những điều đó từ lúc 6 tuổi. Tôi không phải một đứa trẻ hồn nhiên, đã rẽ ở những đoạn đường định mệnh, và tôi biết cuộc đời mình có những câu chuyện khắc sâu hơn như thế. Vậy nếu tôi chọn cái chết, tôi có xứng đáng với cuộc đời mình và gia đình mình hay không?
Từ năm 2013 đến 2021, một hành trình 8 năm dài đằng đẵng tôi tìm cách vượt qua trầm cảm. Chữa lành thật sự là một khái niệm xa xỉ với tôi lúc đó. Nhưng tận sâu bên trong, tôi biết đứa trẻ ấy đã gào khóc thảm thiết, và đớn đau đến nhường nào. Tôi cứ va lấy tất cả mọi thời gian trong ngày, lấp đầy chúng bằng ước mơ, mục tiêu, công việc,…. Tôi không cho phép mình có thời gian nghĩ tiêu cực. Nhưng áp lực và tiêu cực từ công việc cũng lớn dần từ những năm tháng đó, biến tôi từ một người dửng dưng với thế giới bên ngoài trở thành một phiên bản đầy bão tố bên trong. Tôi vắt kiệt mình, và cũng vô tình kéo theo mọi người xung quanh. Tôi cứ cắm đầu mà đi, hân hoan, rồi lại hụt hẫng, rồi lại chạy đuổi theo chinh phục những mục tiêu khác. Nó cứ như dưỡng khí, cứ đầy, rồi vơi, rồi lại tuần hoàn. Chưa một phút nào trong lòng tôi thấy yên bình, hay có cảm giác trân trọng những gì mình đạt được, dù cho tôi biết đó là thứ tốt nhất tôi có thể làm tại thời điểm ấy. Tôi xây một thành trì vững chắc về sự lạnh lùng và dứt khoát, dẫu cho trái tim và tâm trí tôi luôn bị chinh phục bởi những điều nhỏ bé dịu dàng.
Sự mâu thuẫn là một phần tất yếu trong cuộc sống của tôi, nơi tôi nhận ra mình có quá nhiều phân mảnh, và quá nhiều tính cách trái ngược. Tôi vừa rất lý tính, nhưng lại vô cùng cảm tính. Tôi khao khát tự do, nhưng lại luôn tìm cách kỷ luật với bản thân và tất cả những gì đang diễn ra với mình. Tôi không bao giờ nói ra những lời yêu thương, nhưng lại rất để ý những mối quan hệ xung quanh. Càng đi sâu vào bên trong, tôi càng phát hiện mình thật mâu thuẫn. Đại loại như việc đông đặc những giọt nước mắt trước những biến cố nhưng lại để mặc cho nó rơi ra khi đọc những dòng tin nhắn chân thành từ ai đó. Tôi nghĩ những giọt nước mắt này đang muốn nói với tôi rằng đứa trẻ bên trong tôi đã dần được chữa lành, đã học được cách thể hiện cảm xúc, cởi mở hơn. Như dòng tin nhắn từ một người chị đã gửi Thy trong ngày đầu năm 2022 về cảm giác dũng cảm nhìn về sự yếu đuối của chính mình vậy. Đó là lời chúc ý nghĩa nhất, mà cũng xúc động nhất mà tôi đã nhận được trong năm nay.
Tôi đã từng kể về nhiều cuộc đời của các nhân vật mà mình được tiếp xúc, nhưng chưa bao giờ tôi tìm cách kể về chính mình. Tất cả mọi thứ tôi viết đều là những thông tin rời rạc, có những thứ tôi không muốn nhớ lại vì thật vất vả mới có thể xếp nó vào một góc. Tôi chỉ biết rằng, những năm tháng tuổi thơ đầy nước mắt đã qua, tôi cũng đã tự dày vò mình quá lâu, thì bây giờ cũng là lúc tôi nên đặt xuống tất cả những nỗi buồn, để bình yên sống tiếp quãng đời phía trước. Mà cảm giác tự chữa lành này chỉ thật sự xuất hiện cách đây gần 2 năm, khi tôi phát hiện mình đã đứng sát bờ vực, không còn cách nào khác ngoài việc phải thay đổi
Và đó là lý do vì sao tôi luôn trân quý 2 năm nay, khi không thể ra ngoài nhiều hơn, tôi có thể hoàn toàn đi vào trong tâm trí. Tôi có nhiều thời gian ở nhà, lắng nghe chính mình, chấp nhận tất cả những chuyện đã xảy ra, tha thứ cho bản thân, và học cách chữa lành từng chút một. Đó là một hành trình sớm không đến, muộn không đến, nhưng lại đến đúng lúc kiệt cùng nhất. Trạng thái rũ bỏ từng chiếc áo nặng nề khỏi mình khiến tôi thấy mình tự do, và thật sự không có gì để hối tiếc.
Cách đây mấy năm, tôi có viết một vài dòng tặng cho bản thân vào ngày sinh nhật 20 tuổi, và nó vô tình trở thành khuôn mẫu cho những gì đã và đang xảy ra với tôi.
Tôi yêu những người có thể mỉm cười trong gian khó, tìm được sức mạnh từ đau thương, và trở nên can đảm nhờ suy ngẫm. Những điều này có thể làm chùn bước một tinh thần yếu đuối, nhưng những người có trái tim kiên cường và hành động không trái với lương tâm sẽ theo đuổi các nguyên tắc của mình tới chết
Nói thật, tôi chưa bao giờ dám nghĩ có một ngày thức dậy sẽ thấy biết ơn ngày cũ, biết ơn những mất mát, biết ơn tất cả những điều bất hạnh. Tôi càng không thể tin mình có thể thay đổi rất nhiều điều từ bên trong: thực hành tích cực, bình yên, thiền định, yêu bản thân, biết xót xa cho mình,… Nên hôm nay, nhìn nét bình yên trên gương mặt, tôi thật sự đã bật khóc. Nhưng đó chắc chắn là những giọt nước mắt hạnh phúc, về một hành trình dài tôi đã không ngừng đi về phía ánh sáng. Và cũng vì tình yêu thương mà gia đình và bạn bè đã vô điều kiện dành cho tôi, tôi thật sự đã sống tốt hơn rất nhiều. Có vài người đã chứng kiến toàn bộ quá trình chuyển hóa này của tôi, và thật may là mọi thứ vẫn còn kịp.
Nhiều người rất sợ đi trong bóng tối, cô độc, bất định. Nhưng bình minh luôn rực rỡ, cuốn hút và thanh sạch – thứ ánh sáng khiến ta thấy mình sống tốt đẹp và đầy hồ hởi. Chính vì điều đó mà ta vẫn không ngừng nhìn lại chính mình và rồi dũng cảm đi về phía trước.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất