Bước qua năm thứ 2 của Đại dịch Covid, dường như cái khó khăn của việc có thể trực tiếp tiếp xúc với những người khác đã khiến tôi khép mình lại, dành nhiều thời gian cho bản thân hơn, gắng lắng nghe, thấu hiểu cho suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Những khó khăn cứ luôn ập đến, tưởng chừng như mới hôm qua tôi còn hồn nhiên vui vẻ, ngày hôm sau đã lại là tôi cuộn mình trong chăn nằm lắng nghe trái tim kêu gào trong đau đớn cùng hàng vạn câu hỏi vì sao. Vì sao tôi cảm thấy hạnh phúc? Tại sao hạnh phúc lại được coi như một cảm xúc? Có bao nhiêu người quanh tôi thực sự hạnh phúc? Liệu tôi là ai nếu một ngày tôi không còn cảm thấy hạnh phúc? Hạnh phúc là gì mà ai trong số chúng ta cũng mưu cầu?

Trước tiên, hãy thử định nghĩa hạnh phúc là gì?

Sẽ thật khó để chọn một khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời mỗi chúng ta để quan sát và định nghĩa hạnh phúc. Năm 4 tuổi, hạnh phúc của tôi là được ăn món canh chua cá bố nấu mỗi ngày đi nhà trẻ về. Năm 10 tuổi, đó là giải học sinh giỏi đầu tiên tôi dành được. Năm 16 tuổi là khi tôi tìm được niềm đam mê khi chơi bóng. Năm 18 tuổi tôi được trải nghiệm hạnh phúc của thứ gọi là tình yêu. Còn bây giờ, tôi đang hạnh phúc vì mỗi ngày đều được gặp những người tôi yêu quý, biết rằng họ đang vật lộn rất ổn với cuộc sống riêng của họ. Thoạt nhìn qua thì đây đều là những khoảnh khắc rất nhất thời và chẳng liên quan gì tới nhau.
Vậy nếu ta nhìn ở một góc nhìn khác, vào ngày cuối cùng của một linh hồn còn tồn tại trên Trái Đất này, cuộc sống của linh hồn đó sẽ phải như thế nào để được coi là hạnh phúc? Cho dù câu trả lời của bạn là gì, tôi tin rằng nó khớp với những tiêu chuẩn mà chúng ta đang đặt ra cho cuộc sống cá nhân mỗi ngày.
Tôi vẫn nhớ cảm giác day dứt của tôi sau khi xem một bộ phim Nhật Bản với tựa “Nàng tiên trong ống tre” (The Tale of The Princess Kaguya). Xuyên suốt bộ phim, người cha luôn tìm mọi cách để cho Công chúa Kaguya được hạnh phúc, từ việc đưa gia đình lên Kinh đô sinh sống, quây cuộc sống của Công chúa quanh những lụa đào nhung gấm, tới cả việc chọn cho Công chúa những người đàn ông uy tín nhất, mặc cho mọi điều Công chúa muốn là được tự tay dệt vải, làm vườn, vui chơi thỏa thích với những người bạn thơ ấu và Sutemaru, một tình yêu cô buộc phải bỏ lại cùng chốn làng quê xưa cũ để theo đuổi thứ hạnh phúc xa xỉ của người cha.
Như vậy, hạnh phúc phải được định nghĩa riêng cho mỗi người chúng ta, là cảm giác khi ta được làm những điều ta tin là đúng đắn, là sự yên tâm khi biết mọi chuyện rồi sẽ ổn, là khi ta được trả lại những gì ta mong đợi một cách hợp lý ở cuộc đời. Hạnh phúc là động lực để ta vươn lên, là mục tiêu để ta theo đuổi, và là quãng đường ta phải trải qua để trở thành ta của bây giờ. Điều đó lý giải cho lý do tất cả chúng ta đều mưu cầu hạnh phúc, như một bản năng sinh tồn, ta cần phải biết mục tiêu, cần phải phấn đấu, cần phải chống chọi với cuộc sống vốn dĩ khắc nghiệt.

Tại sao ta phải cố gắng để hạnh phúc?

Nhớ lại ngày đó, tôi còn đang học lớp 12. Trượt kì thi đầu tiên, mọi áp lực dường như rõ ràng hơn trên vai tôi, khi tôi chỉ còn đúng 1 cơ hội trong 1 tháng để đạt 1 số điểm vừa đủ cho 1 hồ sơ cơ bản sẽ đưa tôi đến 1 ngôi trường hoàn hảo nào đó. Tôi đã sợ rất nhiều, đã trốn tránh và đã tự trách bản thân vì đã tự đưa mình vào một tình thế mà tôi có thể sẽ phải bỏ rơi ước mơ của mình như thế này. Nhưng trên cả là tôi sợ tôi sẽ không bao giờ hạnh phúc. Tôi muốn được đi du học, được chạm tay vào cái cuộc sống mà bộ não nhỏ bé của một chàng trai 17 tuổi khi ấy vẫn hằng mơ ước, bởi với tôi mà nói hồi đó, cuộc sống đó là tất cả những gì tôi định nghĩa hạnh phúc.
Tôi nhớ lại một bộ phim rất hay mà tôi xem cách đấy không lâu, “The Pursuit of Happyness”. Câu chuyện theo chân Chris Gardner vượt qua tất cả những khó khăn sinh ra từ một quyết định tài chính sai lầm mà ông mắc phải trong quá khứ bằng chính mưu cầu được hạnh phúc cho ông và cho chính cậu con trai nhỏ tuổi của ông ấy. Tôi vẫn nhớ một cảnh phim khi Chris ( được thủ vai bởi nam diễn viên Will Smith ) chơi bóng rổ cùng con trai Christopher ( thủ vai bởi diễn viên Jaden Smith ) trên tầng thượng một tòa nhà nào đó, khi con trai ông thốt lên rằng một ngày nào đó cậu bé sẽ chơi bóng rổ chuyên nghiệp. Ông đã nghiêm nghị nhắc nhở Christopher rằng bởi vì ông chưa bao giờ có thể chơi chuyên nghiệp, có khả năng cao cậu bé cũng chỉ quanh quẩn mức đó thôi, ông không muốn con trai mình luyện bóng rổ ngày đêm vì một mục tiêu không thực tế. Cậu bé sau đó bực bội và ném trái bóng đi, bởi nếu sau này không thể hoàn thành ước mơ, tại sao ngày hôm nay còn phải cố gắng? Nhìn thấy phản ứng đó, Chris đã phải suy nghĩ lại. Sau đó, ông nói với con trai rằng “Không bao giờ được để ai nói với con rằng con không thể làm điều gì đó, ngay cả khi người đó là bố. Con có một ước mơ, con phải bảo vệ nó. Khi mọi người không làm được điều gì đó, chính họ sẽ nói với con rằng con không thể làm được. Nhưng nếu con muốn một điều gì đó, hãy tiến lên và dành lấy nó. Chấm hết.”
Tôi không biết thực hư tính xác thực của đoạn phim đó được bao nhiêu, nhưng những lời nói đó chính xác là những gì khi ấy tôi cần phải nghe. Tôi chợt nhận ra bản chất con người chúng ta ai cũng có ước mơ, và bởi vì muốn đạt được ước mơ, chúng ta vô thức cũng muốn được hạnh phúc. Nhiều người vẫn nói rằng chúng ta sẽ không còn mơ nữa khi ta lớn lên và trở nên thực tế, tôi không đồng ý với ý kiến như vậy. Nếu chỉ dựa vào thực tế, tôi sẽ tranh luận dựa theo chủ nghĩa hư vô (nihilism) rằng đằng nào mọi thứ cũng tồn tại vô nghĩa, tại sao con người còn phải cố gắng tồn tại nữa? Chẳng phải bởi vì ước mơ luôn tồn tại trong mỗi chúng ta, cho nên chúng ta mới tồn tại, và vẫy vùng hết mình cho tới tận hôm nay?
Nói cách khác, bản chất của chúng ta là ước mơ, là hạnh phúc.

Thế nhưng đâu phải ai cũng hạnh phúc?

Bởi vì thực tế có bao nhiêu vấn đề, cuộc sống bao gồm rất nhiều khó khăn, và xã hội thì không hề tốt đẹp đến vậy. Lướt mạng những ngày gần đây, chắc hẳn chúng ta không khỏi đau lòng bởi những sự việc thương tâm: chiến tranh, trầm cảm, tai nạn, tội ác, và vô vàn những mảnh đời bất hạnh khác.
Chính chứng trầm cảm cũng đã tìm được đường đến với gia đình tôi và suýt chút nữa đã thay đổi cuộc sống của tôi hoàn toàn.
Chắc chắn khi những chuyện như vậy luôn xảy ra, không ai có thể cảm thấy được hạnh phúc cả. Nhưng tôi vẫn muốn nghĩ những khó khăn ta gặp ở trên đường đời cũng giống như là những đám mây đen che khuất ánh sáng hy vọng và hạnh phúc sâu trong mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là không được quên ta đã từng hạnh phúc, và liên tục với tay qua làn mây đen đó để nắm lấy niềm hạnh phúc xứng đáng dành cho mỗi người chúng ta.
Nhìn lại bộ phim “The Pursuit of Happyness”, tôi hoàn toàn có thể thấy bản thân mình gục ngã trước mỗi nỗ lực bị cuộc sống đạp đổ của Chris Gardner, nhưng vì sự hiện diện của con trai Christopher, ông ấy đã không thể chùn bước. Bởi hạnh phúc của ông cũng là hạnh phúc của Christopher, ông đơn giản là không thể bỏ cuộc.
Chúng ta ai cũng thế, đã biết bao lần tôi nhìn thấy mẹ tôi gục ngã trước những bất công mà cuộc sống dành cho bà. Nhưng chỉ cần một cái nhìn dành cho hai anh em tôi, bà lại có thêm dũng khí để đứng dậy, vững vàng hơn bao giờ hết. Cho tới tận hôm nay, mắt mẹ tôi vẫn ánh lên hạnh phúc le lói qua những vết quầng thâm mệt mỏi mỗi khi gia đình tôi kiếm thêm được chút đỉnh, bởi hạnh phúc của mẹ tôi là được nhìn anh em tôi hạnh phúc, dù chỉ trong tâm trí tưởng tượng của bà.
Vấn đề khiến cho con người bất hạnh chưa bao giờ là những khó khăn của cuộc sống, mà chính là do bản thân họ không chọn giữ lấy hạnh phúc. Chúng ta đâu có vì mây che ngang bầu trời mà nói mặt trời không tồn tại?
Thế giới này là của chúng ta, hạnh phúc hay không là do ta lựa chọn. Mặc dù chọn lựa để hạnh phúc đồng nghĩa với ta cho phép bản thân bị thương bởi những điều tất yếu của cuộc sống, nhưng tôi mong tất cả chúng ta không vì thế mà không trân trọng cảm giác được hạnh phúc, mềm tay nắm hạnh phúc của riêng mình. Bởi cuộc đời thì ngắn, mà thế giới biết bao điều tuyệt vời, tại sao lại không cho phép bản thân được hạnh phúc chứ?