Đức Phật- Vị thầy của hòa bình
Mở đầu Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật, Ngài đã đến và đi trong cuộc đời này như một con người thực thụ tại thế trong vòng...
Mở đầu
Đức Phật là một nhân vật lịch sử có thật, Ngài đã đến và đi trong cuộc đời này như một con người thực thụ tại thế trong vòng tám mươi năm, qua bao thời kì thăng trầm của gió bụi thổi qua, ai cũng sẽ chìm vào dĩ vãng, vậy tại sao Đức Phật và giáo lý của Người vẫn tồn tại với biên niên sử của tinh hoa trí tuệ thế giới? Đó là điều khác biệt vì Ngài đã chọn con đường của sự Bất tử, đó chính là Giải thoát!
Không bị thời gian làm xóa nhòa đi chân lý, cuộc đời hoằng hóa và hệ thống giáo lý mà Người hướng dẫn đã, đang và sẽ tác động to lớn tới cuộc sống của nhân loại, đó chính là con đường của Giải thoát khỏi những nỗi khổ, niềm đau vật lý, tâm lý mà mọi thời đại đều gặp phải. Và những điều sau đây tôi xin viết ra đều là những lời Đức Phật đã dạy, và hầu như mọi bài viết về vấn đề Đạo Phật đều có nhắc lại.
Những vấn đề về hòa bình
Hòa bình là một trong những vấn đề quan trọng và đầy ý nghĩa được Đức Phật đề cập đến. Ngài không coi nó như một điều tự nhiên và tự phát, vì theo giáo lý duyên khởi, cái này có thì cái kia mới có, chính vì vậy, hoà bình là điều phải thực tập hằng ngày cho thân và tâm để biến nó thành một chân lý có thật.
Đức Phật thật sự là một vị Thầy minh triết của nhân loại khi đã chỉ ra những cách giải quyết các khủng hoảng xã hội, tâm lý, đặc biệt là chiến tranh khi bóng đen của nó đang đe dọa toàn cầu, phủ nặng lên tâm trí con người bởi sự điên cuồng khủng khiếp của nó, chỉ có hoà bình mới có thể chấm dứt. Như cố thủ tướng Nehru đã nhấn mạnh rằng:
- Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp).
Cả cuộc đời hoằng pháp của mình, Đức Phật khẳng định, giáo pháp của Ngài chỉ có hai điều: Khổ và diệt khổ. Khổ có nhiều nguyên nhân, theo tính chất vĩ mô là do chiến tranh, xung đột, nội chiến... xuất hiện ở khắp mọi nơi cho đến ngày nay vẫn còn, gây ra đau thương, tang tóc, hủy diệt văn minh của con người,.... và đối ngược với nó là hòa bình, an vui, chính là con đường để diệt khổ.
Như vậy, hạnh phúc đơn giản là an lạc, điều này hoàn toàn hợp lý khi thế giới đang chạy theo vật chất quá nhiều, tự phức tạp hoá mọi điều, sống chung với sợ hãi trước sự đe dọa khủng khiếp của chiến tranh. Nhiều quốc gia đang chạy đua vũ trang, trang bị đua vũ khí hạt nhân để duy trì lợi nhuận từ việc mua bán đẫm máu. Điều đó khiến cho hàng ngàn đàn ông, đàn bà, trẻ con vô tội thiệt mạng, và kéo theo nhiều hệ lụy ở đằng sau, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là những thống kê trên news.zing.vn:
- Các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai đã cướp sinh mạng của 4.707 người trong năm 2014. Từ một quốc gia hòa bình trong năm 2013, biến cố chính trị bất ngờ khiến số người chết ở Kiev vượt qua các cuộc xung đột ở Somalia, Libya và Cộng hòa Trung Phi.
- Các cuộc xung đột ở Cộng hòa Trung Phi đã cướp 3.347 sinh mạng trong năm 2014. Con số này của năm 2013 là 2.364 người.
- Trong năm 2014, các vụ đụng độ quân sự dọc theo biên giới Ấn Độ khiến 976 người chết, tăng so với 885 người của năm 2013.
- Nam Sudan đứng thứ 5 trong danh sách. Các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và phiến quân khiến 6.389 người mất mạng. Cả hai bên đều bị cáo buộc gây nên các tội ác như hiếp dâm hàng loạt, sử dụng binh lính trẻ em tại quốc gia non trẻ nhất thế giới.
Điều đó cho ta thấy rằng, chiến tranh chỉ đem lại khổ đau thông qua sự bạo lực từ chính thân khẩu ý của mỗi cá nhân rồi lan ra cộng đồng. Phải sử dụng tri kiến và thực tập theo những lời Phật dạy mới có thể sửa đổi được tình hình.
Những nguyên nhân cơ bản gây ra chiến tranh
Những tội lỗi mà con người gây ra, theo Đức Phật dạy, đơn giản là xuất phát từ ba điều cơ bản của vô minh: Tham, sân, si.
Tham lam là chạy theo vật chất giả tạm: tài sản, giàu sang, danh tiếng, quyền lợi kinh tế, chính trị, ngũ dục,.....Đó là những cám dỗ của trần thế luôn khiến ta đòi hỏi ở mức cao hơn cho đến khi mâu thuẫn về quyền lợi phát sinh sẽ hình thành nên tranh chấp giữa con người với con người. Tạo điều kiện thúc đẩy sân hận phát triển và sinh sôi, như ngọn lửa đốt hết lý trí, suy nghĩ mang tính thiện chí của bản thân mỗi người.
- "Lửa nào bằng lửa tham,
Chấp nào bằng sân hận,
Lưới nào bằng lưới si,
Sông nào bằng sông ái". (Pháp Cú. 251, bản dịch của HT. Thích Minh Châu)
Những điều đó, Đức Phật đã dạy là có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì vậy, khi tham, si phát khởi thì si mê cũng hình thành. Những quan niệm sai lầm với biểu hiện rõ nhất của ảo tưởng cá nhân khi luôn bảo vệ quan điểm của cá nhân bằng mọi giá, khi những mệnh đề về quê hương, chính trị, tôn giáo cực đoan,..... bị đe dọa hay tổn thương, người ta cảm thấy như chính như bản thân mình bị đe dọa hay tổn thương vậy. Vì thế mỗi người cần phải rèn luyện đạo đức, thiền định, trí tuệ để diệt được những tư tưởng sai lầm ấy, duy trì hoà bình của tự tâm.
- "Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham
Lấy chơn thắng hư ngụy". (Pháp Cú. 223, bản dịch của HT. Thích Minh Châu)
Những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh dường như đã trở thành cái lưới bao trọn những ai rơi vào sự chi phối của nó, khi đã dính mắc vào trong, thì điều tự nhiên tâm thức trở thành mối nguy hiểm với cuộc sống và sự bùng phát chiến tranh là điều tất yếu dùng để giải tỏa theo hướng cực đoan.
Những phương pháp tháo gỡ và giải quyết
Như đã nói, mỗi cá nhân phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, thiền định, trí tuệ. Vậy ba yếu tố đó là gì? Đó chính là con đường trung đạo, lìa xa tham đắm, khoái lạc và khổ hạnh. Vậy con đường Trung đạo chính là Bát Chánh Đạo, phần sau cùng của Tứ Diệu Đế.
Về cơ bản, Bát Chánh Đạo bao gồm có ba bước, đạo đức (gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng), thiền định (gồm Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định), trí tuệ (gồm Chánh Kiến, Chánh Tư Duy). Về Giới cơ bản cho một Phật tử sống đời sống gia đình là:
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu
Các Giới này đều nhằm mục đích bảo vệ đời sống mẫu mực của một người công dân là nhân tố ổn định xã hội,duy trì tâm thức hòa bình, Và đến bây giờ đã mấy ngàn năm, nhưng những giới luật dành cho người cư sĩ vẫn còn giá trị nguyên vẹn.
Sự cao thượng trong phẩm cách sẽ tạo ra tâm an tĩnh, có tác dụng phá tan được hận thù và đưa đến bình an vì lúc đó tiếng nói của mỗi cá nhân được lắng nghe một cách rõ ràng. Chúng ta có thể làm được điều đó bằng cách thực hành Tứ Vô Lượng Tâm theo lời Phật dạy.
- "Từ" để giúp nuôi dưỡng tình thương và hòa bình cho nhân loại
- "Bi" là sự thể hiện của lòng tốt
- "Hỷ" là vui thích với người khác khi họ có hạnh phúc, thành công
- "Xả" là buông xả tất cả, trong lòng không chấp chứa thị phi
Từ, bi, hỷ, xả, sẽ giúp gây dựng hòa bình, an tĩnh ở khắp nơi. Làm nền tảng cho một quốc gia phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, được hòa bình và thịnh vượng tốt đẹp.
Đức Phật luôn đưa ra phương châm bất bạo động và hòa bình như bức thông điệp cho cả nhân loại, dạy rằng người chiến thắng sẽ bị hận thù, người thất bại sẽ bị khổ đau: “Lấy ân trừ oán, oán liền tiêu; lấy oán báo oán, oán chập chùng” (Pháp cú, câu số 5) . Người từ bỏ cả chiến thắng lẫn thất bại thì sẽ có hạnh phúc và an tịnh: ""Hận thù không bao giờ được diệt hận thù, Chỉ có Từ Bi mới diệt được hận thù, Đó Là định luật ngàn thu."
Giáo lý của Đức Phật ảnh hưởng trên thế giới
Hòa bình luôn là tâm điểm chú ý của các nhà lãnh đạo và các tổ chức trên thế giới. Tuy nhiên sẽ trở thành con số không nếu bản thân mỗi ý thức hệ của con người không được sửa đổi từ bên trong, hay còn gọi là thiết lập tính tự giác. Đạo Phật luôn đóng vai trò kiến tạo gìn giữ hòa bình thế giới. Thân ái và hiểu biết trên nền tảng tình thương dù khác nhau sắc tộc, tôn giáo, màu da. Điều này đã được khẳng định trong châm ngôn vĩ đại của Đức Phật:
- “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn, chỉ có tình thương yêu mới dập tắt được hận thù, đó là định luật của ngàn xưa ”.
Bởi vì Đạo Phật không sử dụng lực lượng lực lượng vũ trang, thánh chiến như một công cụ truyền dạy đạo lý, Chánh Pháp của Ngài được phát triển khắp năm châu theo tinh thần hài hòa, nhẹ nhàng lặng lẽ đi vào lòng người ở khắp mọi nơi trên thế giới.Ta có thể thấy rõ qua hình ảnh của Đức Dalai Lama 14. Trong những bài giảng của Người chỉ tràn đầy từ bi, hòa bình, bác ái, có giá trị thiết thực trong cuộc sống của mỗi người và nhờ đó, tuy không lấy được Tây Tạng ở hiện tại, nhưng Ngài lại lấy được cả thế giới bằng trái tim của sự thức tỉnh mà không cần bất kỳ một chiến binh vũ trang nào để bảo vệ giáo pháp của Đức Thế Tôn mà mình muốn truyền đạt hay để mở rộng ảnh hưởng của bản thân. Ngài nói rằng:
- "Hạnh phúc đích thực có được từ sự biết hài lòng và hòa bình nội tại. Sự hài lòng và hòa bình nội tại chỉ có thể đạt được thông qua sự phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam."
Đức Phật đã quán chiếu rõ ràng rằng nếu tâm của mọi người ở trạng thái bình an thì cả thế giới này được hòa bình, yên ổn vì ý sinh hành động, tâm sinh cảnh. Tâm đạt được tỉnh thức là bước khởi đầu để duy trì hòa bình. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy rằng:
- Không làm các việc ác,
Năng làm các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chính lời Chư Phật dạy
Những giá trị mang tính chân ý này đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng tới toàn nhân loại!
Tổng Kết
Trong kho tàng chánh pháp của Đức Thế Tôn, Ngài không những dạy về giáo lý thâm sâu để tu tập và giải thoát hiện tiền, mà Ngài còn đề cập rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, cho đến ngày nay vẫn còn giá trị hiện thực và áp dụng một cách hoàn chỉnh, điều đó cho ta thấy rằng: Đức Phật là một nhà giáo dục của mọi thời đại. Điều đặc biệt là Ngài không áp đặt tư tưởng lên bất kỳ ai cả, không sử dụng vũ lực để cưỡng cầu. Khuyên mọi người chấp nhận điều gì bản thân mình thấy đúng và đem lại lợi ích cho mình, cho người sau khi xem xét kỹ lưỡng, chứ không phải là đặt niềm tin mù quáng vào chân lý. Nhà bác học Einstein đã từng nói về Đạo Phật như sau:
- "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó"
Những kinh nghiệm tổng thể trên nhiều lĩnh vực mà chính Đức Phật đã chứng thực đã trở thành những quy tắc sống mà mỗi người có thể áp dụng hàng ngày, có thể mang lại sự an lạc, nhẹ nhàng, thảnh thơi cho tâm hồn.
Đạo Phật là một tôn giáo vô thần đậm chất công bằng, nhân ái, và đặc biệt là hòa bình. Ngài là một vị thầy của hòa bình, là tấm gương về tinh thần bất bạo động, đã tạo ra môn tôn giáo tràn đầy cảm thông. Nếu chúng ta đọc, học, hiểu và hành trì theo những triết lý Đạo Phật ở trong kinh sẽ tạo chuyển hóa phiền não, khổ đau, tràn đầy tình thương và lòng nhân ái, tình anh em láng giềng thật sự giữa các nước như cố thủ tướng Jawaharlal Nehru đã từng nói rằng:
“Nếu chúng ta thực hành theo giáo lý Phật dạy,
Chúng ta nhất định sẽ đạt được sự an lạc và hòa bình trên thế giới.”
Xin cầu cho tất mọi người được hạnh phúc, không còn khổ đau. Cầu cho tất mọi người sống trong an bình không vướng chút muộn phiền, lo âu. Cầu mong cho tất cả mọi người đón nhận niềm hạnh phúc, tươi vui trong mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, bây giờ và ở đây!
Xin được kết bài bài bằng câu nói của học giả George Grimm trong cuốn "Giáo Lý của đức Phật":
"Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người". Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức. "
/su-kien-spiderum
- Hot nhất
- Mới nhất