Dữ liệu cá nhân bị khai thác — chúng ta là nạn nhân hay thủ phạm?
Tại sao những công ty chuyên “khai thác” dữ liệu cá nhân như Facebook và Google lại thống trị thị trường? Là do họ quá mạnh và gian...
Tại sao những công ty chuyên “khai thác” dữ liệu cá nhân như Facebook và Google lại thống trị thị trường? Là do họ quá mạnh và gian trá hay vì lý do khách quan nào khác?
Trong bài viết "Facebook không nghe lén?!" tôi đã đặt ra câu hỏi ở tiêu đề mà chúng ta sẽ cùng trả lời hôm nay. Thay vì những phỏng đoán khó lòng đong đếm, có lẽ tôi nên đi từ sự kiện thực tế.
Bê bối rò rỉ dữ liệu cá nhân và thao túng bầu cử Mỹ 2016 liên quan đến Cambridge Analytica
Lợi dụng lỗ hổng bảo mật của Facebook, công ty Cambridge Analytica đã khai thác dữ liệu của ít nhất 50 triệu tài khoản người dùng và sử dụng vào mục đích kinh doanh. Đây là công ty chuyên phân tích dữ liệu, tư vấn chiến lược truyền thông phục vụ tranh cử. (Thông tin thêm về sự kiện này)
Đáp lại, người dùng khắp thế giới đồng loạt hô hào tẩy chay, cổ phiếu FB sụt giá mạnh, tài sản của Mark Zuckerberg bốc hơi hơn chục tỉ USD đồng thời phải ra điều trần trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ. Liệu sau bài học đó, Facebook có hành động để đảm bảo tính riêng tư cho người dùng?!
Ồ không, có thể là bảo mật hơn nhưng riêng tư hơn thì chắc chắn là không. Ngược lại, họ càng ngày càng khai thác dữ liệu người dùng triệt để hơn, hiệu quả hơn và… lộ liễu hơn. Bằng chứng là gần đây, công ty này tiếp tục vướng vào rắc rối khi yêu cầu người dùng Whatsapp chia sẻ dữ liệu cá nhân với Facebook. Mà như vậy thì…
Chắc chắn Facebook sẽ càng ngày càng xuống dốc vì bị tẩy chay?!
Cùng nghía qua xem kể từ bê bối Cambridge Analytica đến phốt Whatsapp, Facebook đã “suy sụp” vì bị tẩy chay thế nào? (so sánh quý 1, 2016 và quý 1, 2020)
Người dùng hoạt động hàng tháng: “giảm” từ 1.65 tỉ còn 2.6 tỉ.Doanh thu: từ 5.382 tỉ USD “giảm còn” 17.737 tỉ USD.Dữ liệu từ báo cáo tài chính của Facebook: Quý 1–2016, Quý 1–2020
Ủa gì kỳ vậy? Người dùng rất ghét những công ty chuyên đi thu thập dữ liệu cá nhân của họ nhưng sao những công ty đó lại cứ phát triển được nhỉ???
Ở nền kinh tế thị trường, chỉ có những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu khách hàng mới tồn tại và phát triển. Facebook cũng không ngoại lệ, đi lên bằng sản phẩm họ làm ra. Và “bí quyết” ở đây là gì?
Chính là vì khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân!
Nếu bạn không tin, hãy cùng ngẫm lại một vài điều sau đây.
Facebook cung cấp đúng nội dung, đúng thời điểm cho người dùng thông qua bảng tin (News feed) được cá nhân hóa siêu tốt.
Có thể một số người không để ý thấy rằng nội dung hiển thị trên news feed đều được chọn lọc sao cho liên quan tối đa đến mối quan tâm của họ. Hãy ngẫm lại chút xíu xem liệu có phải:
- Nếu bạn đang nghiên cứu về một chủ đề mới, những bài viết liên quan sẽ dần xuất hiện nhiều hơn.
- Nếu bạn dừng lại và xem video về nào đó lâu hơn bình thường, chắc chắn sẽ còn những video khác cùng chủ đề sẽ được đề xuất.
Facebook giúp người dùng kết nối tới đúng những cá nhân và cộng đồng mà họ quan tâm.
Chỉ cần mượn và xem news feed của 1 người thuộc thế hệ khác, bạn sẽ thấy rằng FB của bạn và người đó như 2 thế giới hoàn toàn khác biệt vậy. Điều này cũng đúng với những người có thế giới quan hoặc quan điểm chính trị khác nhau. Nó lý giải vì sao người dùng FB cảm thấy rằng quan điểm của mình thường được đám đông tán thành. Đơn giản là vì mỗi người đều được kết nối với những người và cộng đồng chung quan điểm.
Hoặc như mỗi người đều có rất nhiều “friend” nhưng hầu như chỉ thấy một số ít trong đó xuất hiện. Liệu có phải do những người khác không đăng status mới? Thực ra bạn sẽ chỉ thường nhìn thấy người bạn quan tâm hoặc người bạn rất ghét mà thôi.
Facebook hiển thị quảng cáo liên quan đến nhu cầu người dùng.
Buổi chiều buồn miệng— thấy quảng cáo đồ ăn vặt.Chuẩn bị đi du lịch — thấy quảng cáo home stay.Sắp nhập học — thấy quảng cáo laptop…
Facebook cứ như âm binh bám theo, nghe lén mọi cuộc trò chuyện của bạn vậy. Nhưng bạn có tin không nếu tôi nói Facebook không cần nghe lén?
=> Hãy xem bài viết: Facebook không hề nghe lén?!
Rõ ràng, Facebook, Instagram, Whatsapp, Messenger đều là những sản phẩm mang lại sự thoải mái tối đa và đáp ứng nhu cầu kết nối của người dùng trên hầu khắp thế giới. Và một sự thật hiển nhiên, Facebook sẽ không làm được điều đó nếu không khai thác và sử dụng dữ liệu cá nhân của chính người dùng.
Hay nói tọa ra, chính chúng ta - khách hàng đã chọn Facebook vì nó đáp ứng nhu cầu của mình. Còn Facebook đáp ứng chúng ta bằng cách nào? - Chính là bằng cách khai thác dữ liệu cá nhân của chính chúng ta.
Nếu còn chưa đủ, tôi có thể liệt kê ra một số ví dụ khác để dẫn chứng cho việc:
Google maps có khả năng thông báo chính xác tình trạng giao thông cập nhật theo thời gian thực (tắc đường ở đâu, đường nào dễ đi, tốc độ di chuyển trung bình…) — Điều này có được từ việc thu thập dữ liệu vị trí theo thời gian thực của những người dùng đang tham gia giao thông.Google search ưu tiên những kết quả tìm kiếm liên quan đến vị trí của người tìm. Ví dụ bạn đang ở HCM và tìm mua mỹ phẩm, Google sẽ ưu tiên hiển thị những website bán mỹ phẩm ở HCM.Các trang thương mại điện tử lớn hiện nay đều có khả năng dự đoán nhu cầu của mỗi khách hàng để đề xuất những sản phẩm phù hợp.Grab có thể đề xuất những mã giảm giá dành riêng cho khu vực mà bạn hiện đang có mặt. Nó đồng thời cũng có thể gợi ý nhanh điểm đến dựa theo lịch sử sử dụng của mỗi người.Điểm tín dụng của bạn và mọi người được chia sẻ liên ngân hàng. Đừng ngạc nhiên khi các nhà bank hoặc tổ chức tín dụng có thể cho bạn vay tín chấp hoặc đặt hạn mức tín dụng mà “không cần xác minh”.Dữ liệu cá nhân chính là chìa khóa mang lại sự thoải mái.
Ngẫm lại một chút thôi bạn sẽ thấy rất rất nhiều tính năng tiện ích mà bạn đang sử dụng hàng ngày trên các thiết bị thông minh đều dựa trên dữ liệu cá nhân mà chính bạn và những người dùng khác cung cấp.
Nói như vậy không có nghĩa là các bạn hay chính tôi thích bị theo dõi. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận thực tế thay vì cố tình tách biệt vấn đề dữ liệu cá nhân và trải nghiệm tiện lợi mà các sản phẩm số mang lại. Không hề có chuyện con gà hay quả trứng có trước. Giữa chúng là mối quan hệ nhân quả và tự thúc đẩy lẫn nhau. Các sản phẩm như Facebook, Google search đều trải qua quá trình “tiến hóa” lâu dài nhằm hướng tới sự cân bằng giữa khai thác dữ liệu cá nhân và trải nghiệm tiện lợi của người dùng. Ở chiều ngược lại, chính khách hàng và hành vi của họ sẽ cho biết đâu là điểm cân bằng đó.
Quan điểm của bạn về vấn đề dữ liệu cá nhân như thế nào? Hãy cho tôi biết ở phần bình luận bên dưới nhé. Mọi ý kiến của bạn đều đáng giá và tôi sẽ rả lời sớm nhất có thể.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất