Du lịch ảo ảnh
Từ khi chiếc bánh xe đầu tiên lăn bánh trên những con đường khúc khuỷu thuộc nền văn minh thung lũng Indus khoảng 5,000 năm trước,...
Từ khi chiếc bánh xe đầu tiên lăn bánh trên những con đường khúc khuỷu thuộc nền văn minh thung lũng Indus khoảng 5,000 năm trước, ước muốn di chuyển của con người giữa những khoảng cách xa xôi cuối cùng đã trở thành hiện thực. Cùng với sự phát minh của những chiếc thuyền buồm từ người Mesopotamia, nhiều nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Summeria, Hy Lạp, Phoenicia tiếp tục phát triển thịnh vượng, mở ra thời kì đầu tiên của những chuyến du hành vượt biển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại kéo dài đến tận bờ đông như tiểu lục địa Ấn Độ và bờ bắc như Quần đảo Anh. Những nhà thám hiểm thế hệ đầu như Hanno (500-400 TCN), Himilco (500-400 TCN) hay Skylax (550-450 TCN) tắm mình trong những tham vọng thuần tuý như chinh phục những miền đất mới, thiết lập con đường giao thương buôn bán và khám phá kiến thức sơ khai về thế giới mà họ đang sống.
Cho đến khi Đế chế La Mã nổi lên như một siêu cường quốc hùng mạnh nhất thế giới với mạng lưới đường sá và cơ sở hạ tầng được xây dựng ở quy mô lớn chưa từng có, “mọi con đường đều dẫn đến thành Rome” từ những đồi cỏ xanh tươi ở phía bắc nước Anh cho đến những sa mạc khô cằn nơi Ả Rập Xê Út tạo ra sự thuận tiện lớn trong việc bảo vệ lãnh thổ và trao đổi hàng hoá. Tuy nhiên, không chỉ có quân đội La Mã và thương gia buôn bán được hưởng lợi từ hệ thống kết nối xuyên suốt này, những người La Mã cực kì giàu có (phần lớn thuộc dòng dõi quý tộc) bắt đầu xây dựng những villa ở Pompeii, Baiae, Capri cho những kì nghỉ dưỡng dài ngày, đánh dấu sự ra đời của những chuyến du lịch mang tính giải trí và hưởng thụ cao vượt ra khỏi mục đích thuần tuý của những chuyến thám hiểm thế hệ đầu.
Khái niệm về du lịch giải trí kéo theo sự phát triển của các phương tiện giao thông nhanh chóng trở thành thứ sản phẩm được thương mại hoá và tiếp cận đến mọi tầng lớp trong xã hội. Chủ nghĩa tiêu thụ với công cụ truyền thông Marketing đánh bóng vai trò của việc đi du lịch và gieo vào tâm trí khách hàng một giấc mơ đẹp đẽ đến chết người: du lịch là phương thuốc kì diệu chữa khỏi mọi vấn đề trong cuộc sống của ta, chỉ cần rời khỏi đây thì mọi khó khăn đều tan biến. Lối sống khoái lạc bắt nguồn từ giới thượng lưu với những mantra nhan nhản trên các mẩu quảng cáo điển hình theo công thức: “Hãy chiều chuộng bản thân…” hay “Yêu thương bản thân với…” cũng đóng góp nhiệt tình vào trào lưu này. Sức mạnh của Marketing thông qua phim ảnh và mạng xã hội đang củng cố khuynh hướng lựa chọn và thế giới quan đã tồn tại từ trước, một thế giới được chi phối bởi ước mơ muôn thuở của con người đó là thoát khỏi khổ đau và đạt đến hạnh phúc. Giống như khi thương hiệu kể câu chuyện về một influencer trong bộ bikini hợp trend nằm thư giãn trên mỏm đá bên bờ biển Maldives dưới ánh nắng giòn tan, ta lập tức bị hút mắt vào bức ảnh triệu like với mộng tưởng tuyệt đẹp về những chuyến đi xa mà bỗng chốc quên đi tài khoản ngân hàng còn không đủ tiền ăn cho cả tháng.
Dưới tác động của chủ nghĩa tiêu thụ, hàng hoá luôn phải được định hướng và gán cho một ý nghĩa nhất định để duy trì vòng tròn ước mơ, kích thích tiêu dùng và đảm bảo sự vận hành trơn tru của cỗ máy tư bản. Sự đa dạng (đúng hơn là dư thừa) của hàng hoá dần thay thế cho sự đa dạng trong phẩm chất, tính riêng và bản sắc cá nhân. Hàng hoá trở nên thiết yếu đến mức chúng định nghĩa bừa bãi giá trị của con người thay vì trở thành phương tiện giúp con người trau dồi giá trị của bản thân. Sự tự do lựa chọn những gì bạn thích, sản phẩm gì bạn dùng, quyết định làm nghề gì trong tương lai được truyền bá rộng rãi dưới câu khẩu hiệu tưởng chừng như vô cùng nhân văn: “Hãy theo đuổi đam mê của bạn!”, thực ra chỉ là ảo ảnh được xào nấu lại dưới nhiều hình thức khác nhau để tạo cảm giác như mới, trong khi về bản chất, chúng đã được củng cố bởi những ý nghĩa biểu trưng từ trước, ví dụ như: muốn mặc đẹp thì phong cách phải giống Black Pink Jennie, làm nghề thiết kế đồ hoạ thì phải dùng Mac, đỗ vào trường đại học Ivy League chắc chắn sẽ có sự nghiệp thành công. Ngành lữ hành cũng không thiếu những ví dụ kiểu này, điển hình như công thức chung của một chuyến du lịch “lý tưởng”, không cần biết quan điểm sống của bạn là gì và khả năng tài chính của bạn đến đâu, là phải đi chuyên cơ riêng tới Dubai, ở resort 5-6 sao hoặc biệt thự cao cấp cá nhân hoá trải nghiệm và thưởng thức bữa tối ở nhà hàng ít nhất 2 sao Michelin. Bản thân loại hình du lịch cũng được phân thành nhiều hạng mục ở giá trị bề mặt như “du lịch ngoài trời”, “phiêu lưu gia đình”, “du lịch lãng mạn”, du lịch cuối tuần”,… hoàn toàn lệch nhịp với những gì tâm hồn ta đang khao khát.
Sự định hướng một chiều của hàng hoá bởi chủ nghĩa tiêu thụ cho thấy mọi quyết định ta đưa ra hàng ngày không đơn thuần đến từ bản sắc của riêng ta mà đã tự động nằm trong sự tham chiếu với những thành tựu của người khác và tiêu chuẩn chung của xã hội tư bản – tương tự như trải nghiệm đau khổ về việc nhìn mình bằng con mắt của kẻ khác, nhìn mình như một kẻ xa lạ được mô tả trong nhật kí của triết gia Emil Cioran người Rumani. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, khi mọi kiến thức đều được mở ra chỉ bằng vài cú click chuột và mối đe doạ từ thế giới bên ngoài không còn trở nên cấp bách, khác với những nhà thám hiểm thời cổ đại, con người hiện đại dần mất đi bản năng thôi thúc đi tìm ý nghĩa mối liên kết giữa họ với chính họ và với vũ trụ, từ đó làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa ta và nội tại bản thân. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc lấy lại sự cân bằng, hài hoà trong tâm hồn của mỗi con người mà trong đó, du lịch có thể coi như một công cụ mang tính trị liệu hữu ích.
Trước hết ta cần nhìn nhận việc đi du lịch dưới một lăng kính khác, không chỉ đơn thuần để tận hưởng những khoái cảm nhất thời, đi tìm niềm vui xả stress, hay là công cụ thể hiện đẳng cấp. Tiêu chí lựa chọn điểm đến nên dựa trên những “tính cách đặc trưng” ẩn náu trong mỗi địa điểm đó để giúp ta hoàn thiện bản thân và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Bản chất của du lịch không phải để trốn chạy hiện thực mà là để đối mặt với hiện thực; không chỉ để khám phá thế giới tự nhiên mà còn để khám phá chính nội tại bản thân. Chỉ khi ta học được cách nuôi dưỡng vẻ đẹp quý giá của mình từ bên trong thì vẻ đẹp của mỗi chuyến đi, của thiên nhiên, của cảnh vật xung quanh mới hiện lên một cách trọn vẹn.
♥️Dành cho bạn nào muốn tìm hiểu thêm về du lịch dưới góc nhìn trị liệu:
https://youtu.be/kETN114A4IE
https://youtu.be/kETN114A4IE
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất