Ừ thì logic đưa mình đi từ A đến B nhưng làm thế nào qua những Ngõ Hà Nội nếu chỉ tin vào logic? Có một phố mang tên là Ngõ. Phố không ở đường nào mà ở khắp xung quanh. Không thể yêu nếu ám thị mình là kí sinh trùng, nhưng cũng không thể không yêu từng mét vuông chật hẹp – nơi không ít người sống chẳng hơn gì một loài kí sinh! Hành trình khám phá Ngõ Hà Nội đem đến kiến thức thú vị và cả những liên tưởng nhân sinh. Chuyện ấy, mình được nghe kể thế này …
(1) “Ngõ nhỏ, phố nhỏ”, nguyên cớ từ đâu?

Phố Ngõ Hà Nội không phải là con đường lớn phục vụ đi lại dù đó là một phần chức năng. Phố - Ngõ đúng hơn là công cụ được mổ xẻ tự phát và bởi rất nhiều ý định khác nhau khiến cấu trúc đô thị hỗn loạn. Sự hỗn loạn đến từ những con Ngõ chằng chịt, nhiều ngôi nhà ống.

Các triều đại cố công quy hoạch Hà Nội là kinh đô vàng son dễ biết qua nguy nga đền đài (giờ đây ít nhiều không còn) hoặc dựa vào ghi chép hành chính đương thời. Hà Nội dưới thời Hậu Lê rồi qua Tây Sơn có nhiều thay đổi mang tính tự phát. Quỹ đất mở rộng bởi hoạt động lấp sông hồ, người dân cơi nới thêm nhiều, nhất là khu vực 36 phố cổ. Sau hơn 800 năm, Thăng Long không còn là “rồng bay lên” mà chỉ là nơi “thịnh vượng”. Năm 1820, Minh Mạng lên ngôi cho sửa Hoàng Việt luật lệ nhắc đến quy định xây nhà Hà Nội như sau “Nhà trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền hai cấp hay chồng hai mái. Cấm làm nhà có gác cao bằng vai kiệu trương quan đi tuần … Cấm không được trổ cửa số ra bên ngoài”. Những cấm đoán trong xây dựng này buộc người dân phải giảm chiều cao nhà ở, thay vào đó là chiều dài hay mặt tiền ngôi nhà. Chính sách thuế nhà nước từ thời đầu đến Tự Đức cũng quy định “không căn cứ vào buôn to hay buôn nhỏ, bất kể chiều sâu và dự trữ hàng hóa nhiều ít, thuế được định thu theo chiều rộng mặt tiền”. Điều này khiến các nhà có mặt tiền rộng è lưng ra đóng thuế, họ thích ứng bằng cách sẻ mặt tiền ngôi nhà thành hai ba phần chia cho con cái, hoặc bán/cho thuê. Hai quy định này ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch đô thị. Nó lý giải vì sao những ngôi nhà điển hình Hà Nội (đối với tầng lớp thị dân tại khu vực trung tâm) lại thường thấp, dài và hẹp.

Năm 1875, một hiệp ước được ký kết nhằm nhượng đất bờ phải sông Hồng đổi lấy việc trả lại khu vực thành cổ bị Pháp chiếm đoạt bằng vũ lực hai năm trước đó. Năm 1882, Pháp phá vỡ thỏa thuận, tái chiếm khu phố cổ. Một năm sau, con đường thoát hiểm được xây dựng nối khu thành cổ với vùng đất bên sông, dấu hiệu đầu tiên về việc Pháp bắt đầu quy hoạch Hà Nội. Con đường ấy chính là trục đường Tràng Thi và Tràng Tiền ngày nay. Những diễn tiến trên bổ sung kiến thức cho sự kiện năm 1884, Pháp quyết định tái cấu trúc quy hoạch Hà Nội. Công sứ Bonnal nhận nhiệm vụ không hề dễ dàng, ông chỉnh trang “đống hỗn loạn, mất trật tự” bằng nhiều quy định về vỉa hè, quy định chiều rộng lòng đường, khoảng cách lối đi giữa các nhà hay quy định về phòng cháy – chữa cháy, … Hai nội dung trọng tâm của bản kế hoạch là cải tạo khu phố cổ người Việt ở và xây khu phố mới cho quan lại Pháp. Ở khu phố cổ, Pháp tôn trọng những ngôi nhà ống hiện diện từ trước và chỉ tiến hành xây chen nhà mới tại những ô – thửa đất còn trống, hoặc thay thế những ngôi nhà hư hại. Ngõ vốn dĩ là đường đi giữa các làng hoặc khoảng cách giữa các nhà, giờ đây được xây thêm phục vụ mục đích giãn dân, dồn dân nên trở chật hẹp. Đây là hoạt động dồn nén lần thứ nhất. Còn đối với khu phố mới, Pháp thiết kế chặt chẽ, mang tính trang trí hơn là bám sát địa hình. Những đường kẻ ô bàn cờ, đường chéo hay góc bo tròn cắt nhau uốn quanh hồ; xây thêm những công trình nguy nga như Nhà hát Lớn, Bưu điện thành phố, Đại học Dược, … và hàng cây xanh đã tạo ra khung cảnh ấn tượng mang hơi thở lãng mạn Paris nhỏ nhắn tại thành phố Viễn Đông. Nhìn cấu trúc nhà ở, ta thấy sự khác nhau về chức năng. Ví dụ nhà Pháp xây chen vào phố cũ là để ở và kinh doanh nên có khoảng cách giữa mặt tiền và phía sau, khoảng cách đó giờ đây là khoảng sân chung nhỏ bé, nơi có nhà vệ sinh công cộng cho cả Phố Ngõ. Còn nhà trong phố mới thuần để ở nên Pháp thỏa thích xây các biệt thự hình khối với kiến trúc đa dạng.

Hoạt động dồn nén lần thứ hai được nhắc đến sau năm 1954, khi Pháp rời khỏi Hà Nội. Một số lượng lớn nhà trong khu phố cổ được chính quyền tiếp quản rồi phân phối theo chính sách cho quân – dân trở về. Việc nhiều hộ gia đình cùng chia sẻ một căn nhà (vốn dĩ đã dài, hẹp và thấp) dẫn tới những hệ lụy đáng kể, không chỉ tác động tiêu cực tới giá trị nguyên bản mà việc khai thác tối đa khiến căn nhà xuống cấp nhanh chóng. Tình trạng không được cải thiện, bị ngó lơ khi thành phố quằn mình trong chiến tranh phá hoại Mỹ, lo chuyện “cái ăn trước còn ở thế nào xong thôi”, ngươi ta chả thiết kêu và cũng không thể kêu. Giai đoạn đổi mới từ năm 1986 đưa nhiều vấn đề tồn đọng ra ánh sáng, trong đó có quy hoạch đô thị ở khu phố cổ. Nhà phố bị biến đổi nghiêm trọng từ không gian chức năng tới hình thức kiến trúc. Người dân tự phát cơi nới, sống chen chúc theo kiểu “điền vào chỗ trống” tạo ra hằng hà Ngõ nhỏ chật hẹp. Cuộc sống người dân bị bức ép không thể thay đổi trong bối rối của Sở quy hoạch thành phố.

Sự thích ứng tự phát của cộng đồng dân cư, chương trình đô thị vị kỷ của Pháp và năng lực quy hoạch yếu kém sau này chính là những lí do khiến ta tự hào vẻ đẹp “phố Pháp” ánh lên trong “phố Phái” nhưng cũng thẳng thắn buồn đau khi “phố cổ” tan tành theo “phố cũ”. Để lí giải bốn từ “phố nhỏ, Ngõ nhỏ” có lẽ cần nhiều thời gian hơn. Nhưng những điều trên cho ta cái nhìn khách quan về Ngõ Hà Nội đặt trong tiến trình lịch sử quy hoạch Thủ đô
(2) Không ai Logic trong Phố Ngõ này!

Diễn trình dồn nén và thay đổi không mấy lạc quan kia lại được nhìn nhận hết sức lạc quan? Hà Nội vô tình có thêm đặc sản “Ngõ nhỏ, phố nhỏ”. Biết bao người qua bao thế hệ sinh sống trong Phố Ngõ dưới những tầng mái nhà đua nhô lấp đi khoảng ánh sáng hiếm hoi. Martin Rama nói thế này trong cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi”: một việc mà khởi đầu mang hơi hướng của sự cưỡng bức cuối cùng lại trở thành một sự gắn kết thú vị hơn nhiều … Cuộc sống luôn tiếp diễn trong các Ngõ phố. Và trong lúc đó phố phường và phố Tây không chỉ giữ được bản sắc của mình: chúng hòa hợp bền chặt, bằng cách có thể, để vĩnh viễn trở nên một. Cả phố Tây và phố phường đều trở thành phố ta”. Đúng là Hà Nội luôn có cách biến mọi xung lực đa chiều thành một, thành riêng có hấp dẫn mọi người.

Lang thang trong Ngõ Hà Nội, ta thấy mình là người khám phá cừ khôi được đáp trả bằng món quà bất ngờ, nhỏ bé thôi nhưng đầy rung động. Có nhành hoa đua ra từ hiên, có vệt nắng xiên ôm mảng tường vỡ hay dấu vết in Hanoi. Hiển nhiên người Hà Nội đã hơn một lần đi vào Ngõ và có danh sách những địa chỉ bí mật nằm trong. Nơi gác quán café xếp ra vài ba ghế nhựa hòa điệu LaVie En Rose, mình rảnh rang đọc sách. Nơi anh chàng loay hoay không biết sao khi xe chắn lối Ngõ đi trong lúc đợi nàng. Hay có những nơi mà chính người địa phương không biết, thường là quán ngon truyền miệng. Khám phá Ngõ Hà Nội, nhiều cảm xúc không biết xếp ra sao. Nhớ có lần đi ăn bún đậu trong Ngõ Hàng Khay, mình ngước lên nhìn là cả nồi nước sôi đang kéo lên bằng dây thòng, hú vía!

Những rung động kích thích giác quan không vì vẻ đẹp nguy nga mà từ bóc mẽ trần trụi ở cự ly gần hay “những cú chuyển góc đầy thách thức”. Đứng trước Ngõ, mình tò mò như có lời mời gọi dấn thân. Ngõ tưởng hẹp mà đi ba bước bỗng mở rộng thênh thang dẫn sang cả những Ngõ, ngách, hẻm khác nữa. Vô vàn Ngõ cụt, Ngõ chéo nhau, đoạn lách tắt liên thông. Hãy cẩn thận bước vào Ngõ vì chẳng bản đồ nào có thể giúp bạn. Trong lúc bối rối nhất, bạn ngửi thấy mùi thơm của nhà nào đang nấu ăn chen lẫn khí ẩm mốc, xú uế từ đống rác tập kết. Mảng tưởng bong tróc phun sơn Graffiti sát bên bảng thông báo hay hàng tá quảng cáo, khoan cát bê tông điển hình. Nếu để ý phóng tầm mắt lên cao, bạn thấy vô số dấu ấn kiến trúc xưa cũ trên trán nhà, ban công sắt hay ô cửa phong cách Beaux Arts, … Khung cảnh ấy có cả dây phơi áo lót, quần dài, áo dạ, … chảy tong tỏng nước. Mùa hè vào Ngõ, mình thấy mát lạnh như cụ Tuân gợi tả “… như đưng trong hè cái Ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Mùa đông hiu hắt hơn, gió thổi lộng nên các nhà khép cửa. Ánh sáng trong đây là tổng hòa ánh sáng hắt ra từ bóng điện mỗi nhà quanh năm luôn bật. Rồi tiếng còi xe inh ỏi, tiếng tụng kinh mồng Một, tiếng trẻ con đá bóng bị người lớn quát tháo, tiếng mưa rơi lộp độp, … Tiếp nhận này chưa kịp ý thức thì tiếp nhận khác mở ra. Tất cả đồng loạt, thách thức nhau chan chát trong chỉ một không gian. Điều ấy khiến người mới đến bị căng ra, phải dè chừng từng chút. Không dễ gì hòa hợp giữa ngần ấy xúc cảm và cũng không dễ gì vượt ra khỏi ma trận hỗn loạn của Phố Ngõ. Nhưng càng đi lạc lại càng thú vị vì mình được hòa nhập rất gần vào trong cuộc sống thị dân Hà Nội.
(3) Câu hát ấy nghe còn lãng mạn không?

Nói như Nguyễn Ngọc Tiến “Hiểu Ngõ tức là hiểu Hà Nội” và trong cố gắng thấu hiếu Ngõ, ta không thể bỏ qua cuộc sống người dân. Người đến khám phá thích thú, nhưng chớ dại đặt ánh mắt soi mói. Bởi có mặc cảm rằng “nhà trong Ngõ” là nghèo khó, khác với “nhà mặt phố” hoặc cũng chả vui gì khi phải ở Ngõ. Mọi thứ phô bày hết cả nên dễ khiến họ tự ti, không thoải mái. Câu “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” hình như đúng hơn với dân Ngõ. Khó mà xin lon gạo, bơ muối ở chung cư hay khu phố nhưng việc đó rất dễ ở đây vì “đồng cảnh tương lân”. Chuyện xích mích qua lại trong Ngõ cũng nhiều, vẫn bởi “nhà này biết tỏng nhà kia” nên khi thấu hiểu quá lại thành ra can dự, tọc mọc chuyện không đâu. Thói hư tật xấu và tính cách tốt đẹp đều dễ lộ hiện khi ngần ấy con người chen chúc, chia sẻ không gian chật hẹp với nhau.

Phố nào cũng có Ngõ, chật hẹp xen kẽ nhau. Cứ một nhà mặt tiền lớn lại tới một con Ngõ. Chiều ngang đoạn hẹp nhất gần 49 cm, rộng nhất hơn 60 cm, nơi thấp nhất 1,68 m. Mật độ dân cư của Hà Nội tính đến hết năm 2016 xấp xỉ 3490 người/km2, gấp gần 100 lần so với mật độ được khuyến nghị là chỉ từ 35 – 40 người/km2. Mình không xa lạ gì chuyện có 4-5 người sống vỏn vẹn trong chưa đầy 7m2 ở khu phố cổ Hà Nội. “Khổ như ở phố cổ” - nhà đúng hơn là cái hầm ẩm thấp, chỗ chui ra chui vào chả khác nào buồng cũi. Kì lạ đôi vợ chồng năm nay đã ngoài bảy mươi, sống giữa Thủ đô mà ngày nào cũng đi cọ hố xí công cộng? Họ ở trên nóc nhà vệ sinh. Ông bà có hai người con, cậu con trai đi lao động biệt tăm gần tháng mới về. Cậu làm thêm ở quán ăn cách nhà trăm mét nhưng thà ở ngoài đường còn hơn về nhà – muốn thay quần áo cũng phải nằm xuống mà thay. Cô con gái lấy chồng bên Hà Đông thường không trở về. Đồ vật đáng giá trong nhà là tấm ảnh cưới của cô con gái và huân chương thương binh hạng nặng … Ừ thì hộ tịch Thủ đô nhưng những hôm nắng nóng, ông bà thường phải ra ngoài đường ngủ, không hơn gì là kẻ vô gia cư.

Chợt nhớ câu hát “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”, mình chỉ thấy toàn mùi hôi thối bốc lên trong tiếng thở than đêm dài. Ngõ ơi, Ngõ hiểu Hà Nội nhất và cũng hiểu trăm đời bám víu. Ngõ nói gì đây với đám người đang chật vật tìm lối thoát - những người bị “hút cạn, bỏ mặc’ bởi chính sự phát triển quá nhanh của đô thị? Họ tồn tại câm lặng trong trường âm thanh rộn ràng, họ sống thật chẳng hơn gì một loài kí sinh vô tri giữa trăm mối nhân gian. Chuyện không dừng lại đó …

Trong bài hát mới ra, Ngọt Band kể đám trẻ thành phố loay hoay nhìn vào TV rồi thấy người khác nhìn vào TV. Đấy không phải là những hạn hẹp mà ta bị gò bó, rập khuôn đó sao? Chúng ta thấy chán, tự thỏa mãn vào các chương trình giải trí rồi lại thấy chán trong toàn “đắng cay vô vị”. Mình có thể “chuyển kênh” nhưng lại giữ nghe. Có sự khiên cưỡng chấp nhận hay không thể thay đổi vì thói quen nào không? Hay chỉ bởi mối quan hệ giữa chúng ta là: kí sinh đô thị. Không làm cách nào để thoát ra khỏi, không làm cách nào để thoát ra khỏi … Khái niệm kí sinh – vật chủ trở lại ám ảnh, ghê sợ hơn. Nó không dừng lại ở số mét vuông ta sở hữu. Nó nằm bám trong chính con người khi ta không ý thức được sự tồn tại bản thân. Nếu đã không ý thức tồn tại thì có lẽ ta chưa từng sống trên 1m2 nào.

Phố Ngõ tự nó quanh quẩn. Những người sống bám víu vào Phố Ngõ chấp nhận lối sống thường thường thì cũng rất dễ quẩn quanh. Chúng ta yêu Ngõ nhưng đừng ám thị mình là loài kí sinh vào Ngõ, đừng để đầu óc chỉ toàn những con Ngõ liên tu với nhau mà không ra đường lớn. Ý thức về sự tồn tại, dằn vặt tìm ra cho mình một lối thoát khỏi những vòng vo, khỏi những hoàn cảnh khách quan chưa bao giờ dễ dàng nếu cứ mãi sống hoặc tự thỏa mãn trong chính con Ngõ do mình tạo ra. Tình cảnh ấy nếu không thoát được thì rất dễ cuộc đời kết bằng khung cảnh kinh dị. Tất cả chết mà không biết vì sao!

Liên tưởng ý niệm kí sinh không xa vời câu chuyện Phố Ngõ bởi nó diễn tả khá trúng những gì diễn ra bên trong đô thị ngày nay, về cảm xúc bên trong của không ít người sống trong Ngõ. Vậy làm sao đây để thoát ra được?
(4) Chỉ dẫn không tốn một xu để thoát khỏi những con Ngõ

Mình đã bàn nguyên cớ Ngõ Hà Nội chật hẹp, về những trải nghiệm phi logic hay liên tưởng cảnh sống thị dân nhọc nhằn trong hành trình hiểu Ngõ. Phải nói rằng tình yêu với Ngõ phi logic hệt như cách thức mình vượt qua nó và để vượt qua nó thì cũng chỉ bằng một cách thức đơn giản - không hề cần tới logic.

“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám, khi vừa biết yêu. Bao nhiêu mộng đẹp tan theo thành khói …” Biết bao người sống lay lắt ở Hà Nội và cũng biết bao người rời xa Hà Nội. Họ đến miền Nam, họ sang nước ngoài hay còn nơi nào khác? Những ngày Hà Nội được quan tâm không vì trời thu nắng đẹp, không vì giải phóng thủ đô mà vì không khí luôn ở mức ô nhiễm nhất thì rời đi cho “dễ thở” cũng hợp lý lắm chứ. Bất cứ sự ra đi có chủ đích tốt đẹp nào cũng đáng được ủng hộ để thoát khỏi quẩn quanh. Cốt tủy họ tìm kiếm điều gì sau những hành trình không thể không mỏi. Nếu cố gắng tìm kiếm không mục đích chẳng khác nào chạy quanh trong Ngõ cụt. Ngõ Hà Nội như mạch máu vươn dài nuôi sống thị dân đang ngày càng tắc nghẽn giống như “những con Ngõ trong bản thân” luôn đầy rẫy định kiến, hoài nghi và lo sợ. Làm thế nào để thoát ra khỏi đây? Bạn chớ nên hoang mang vì đã có chiếc la bàn mang tên Tình - yêu - không - phụ - thuộc.

Thực ra mỗi chúng ta đều là kí sinh hay vật chủ của một thứ gì đó. Như cách mà cố nhiên không thứ gì là không phụ thuộc vào nhau. Biết như thế để hiểu “không phụ thuộc” không có nghĩa là tách biệt hoàn toàn. Nó là cảm giác hạnh phúc xuất phát từ chính mình.

Trong nhiều con Ngõ chằng chịt và trước ngã rẽ cuộc đời, mình chẳng thể mong đợi người khác, không thể bị níu chân bởi quá khứ và càng không nên vì ham muốn vật chất mà ốm đau. Chỉ có mình - chỉ mình có cho mình mà thôi. Tự mình phải biết mình đang thở, đang nghe, đang nhìn rồi nâng lên thành đáng thở, đáng nhìn, đáng nghe. Hạnh phúc chỉ có được từ bên trong khi mình học hỏi, ý thức vượt lên ngoại cảnh sống vô thường và những ham muốn tầm thường bản thân.

Hành trình tìm kiếm tình yêu không khiến bạn cảm thấy bị phụ thuộc luôn có nhiều dấu hiệu chỉ dẫn và đừng ngại mở lời chia sẻ. Nó đơn giản như hơi thở, như khoảnh khắc mình đã biết yêu chân thành hoặc khi cố gắng vì mục đích cao đẹp cho tất cả. Không phụ thuộc là không còn chấp vào điều thường tình bên ngoài, là khi ta thấu hiểu và yêu thương. Mỗi người sẽ có những khái niệm khác nhau. Quan trọng là ta tri giác không ngừng nghiêm khắc, tự hoàn thiện bản thân để theo đuổi nó. Được vậy, mình đã thoát ra khỏi những con Ngõ bản thân, lo gì mà không thoát khỏi những con Ngõ Hà Nội? Hiểu Phố Ngõ như thế thì không chỉ hiểu Hà Nội mà chính Ngõ đang đề nghị cho mình một cách sống. Mình nhập vào Ngõ để thoát khỏi Ngõ. Đó là chỉ dẫn quan trọng duy nhất, không tốn một xu.
(5) Thương một đời, nào đâu phải Tạm Thương

Nếu một ngày nắng đẹp mình đi bên nhau, mình sẽ kể với nhau những gì về Phố Ngõ …

Ngõ nổi tiếng gắn với Thăng Long xưa có lẽ là Ngõ Tràng An, nơi có chùa Tràng An. Phố Huế, Chợ Hôm chen chúc không lan vào được trong con Ngõ tưởng cụt bổng mở ra ngã ba rồi chợt ngoặt một đường thẳng. Ta như lạc vào miền cổ tích xa xưa, như về lại hồi con trẻ, theo bà theo mẹ lên chùa lễ Phật. Lòng trần xin bỏ lại trước bậc tam quan. Hãy đùa chơi đi nào em bé người lớn. Trời thu đang dệt tầng không, chuông vang mõ gõ dệt trong lòng người sự bình an vô tận. Thưa cụ Băng Sơn, cháu đã đi khảo nhiều nơi Ngõ phố và Hà Nội đúng thật không có Ngõ thứ hai nào như Ngõ Tràng An.

Đối ngược với vè trầm tư của Tràng An là Phất Lộc. Chuyện là có người họ Bùi, làng Phất Lộc ở Thái Bình đi coi bói thấy bảo nếu lên kinh đô sống thì sẽ sung túc. Người này tin ngay, không những một mình mà còn kéo theo nhiều người lên Thăng Long làm ăn và đúng là “phất thật”. Ngõ ăn thông từ Hàng Mắm sang Nguyễn Hữu Huân, thêm một nhánh ăn thông với Lương Ngọc Quyến. Ngõ nằm trong khu giải trí sầm uất phố cổ nên không lúc nào vắng tiếng người qua. Xuyên qua Ngõ, nhà hai bên đua nhau san sát, phòng chật người đông hòa vào rêu phong cổ kính. Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, các tiểu đội trưởng đầu tiên của Liên khu I Hà Nội đã được huấn luyện tại đây và căn cứ quân sự ở Ngõ Phất Lộc đứng vững cho đến tận đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra khỏi thành phố qua cầu Long Biên. Phất Lộc đã chiến đấu anh dũng, không chỉ là chỗ ở mà còn là thành trì kiên cố, bao bọc người Hà Nội trong đấu tranh.

Tốn nhiều giấy mực nhất có lẽ là Ngõ Tạm Thương, nhà thơ Chế Lan Viên viết

"Sương giăng mờ trên Ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng sâu thẳm
Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm thương"

Hai chữ “Tạm Thương” thật gợi tả. Giải thích về tên Ngõ có nhiều cách. (1) Người cho là những kẻ bị bệnh phải nằm tạm ở đây trước khi đưa vào nhà thương Phủ Doãn (BV Việt Đức ngày nay) nên gọi là Tạm Thương. (2) Có người giải thích thời vua Minh Mạng, Ngõ có kho tạm trữ thóc thuế của dân trước khi chuyển vào kho chính trong thành nên có tên là Tạm Thương. (3) Hoặc lại có ý kiến cho rằng, xưa ở trong Ngõ này có nhiều nhà thổ. Binh lính Pháp hay đàn ông Việt lẻn vào đây giải khuây, lúc về còn thương đấy nhưng chỉ là Tạm Thương. Còn câu nói “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương” thì cũng lân la nhiều cách hiểu khác nhau, nó là thành ngữ địa phương lí giải một hoạt động hay tình trạng nổi cộm nào đó, ví như còn có “Trai Hàng Khoai, gái Hàng Lược”, “Bồi Đồn Thủy, đĩ Bình Lao” hay “Trai kén vợ giữa chợ Đồng Xuân, gái kén chồng giữa phường Quần Ngựa” … (nếu có dịp, xin nói rõ sau)

Nếu muốn biết cuộc sống tầng lớp vương giả ngày xưa thế nào thì ta có thể đến Ngõ Hội Vũ với ba nhánh tỏa ra ba phố: Quán Sứ, Tràng Thi và Hàng Bông. Nhắc đến Ngõ này, không thể không nhắc đến cô Tư Hồng – người phụ nữ sống đời thăng trầm, gắn bó vào nhiều biến cố của Hà Nội. Cô là người phụ nữ doanh nhân duy nhân lúc bấy giờ trúng thầu phá thành Hà Nội nhưng cô cũng có công kiến thiết thành phố.

Không thể nào kể hết những điển cố, điển tích thú vị về hàng trăm nghìn Phố Ngõ. Với người trẻ chúng mình hôm nay, có khi chả biết mấy chuyện “tám hoành” gì đâu. Chỉ biết muốn “lên Sapa” thì cứ ra Yên; một “Hanoi” trong 47A Lý Quốc Sư để biết thế nào là Hà Nội không vội được đâu hoặc những chiều long rong len lỏi vào phố sách thăm quán Mão, … Cá nhân mình thích ngõ Trung Yên với nhiều món ăn ngon hoặc các đoạn ngõ nối thông nhau giữa các dãy nhà tập thể. Tất cả được người Hà Nội ghi nhận, mang đi nhớ mãi, nhắc mãi không thôi.

Có người nói Hà Nội là cái làng lớn, mỗi con Ngõ tựa như một lối đi huyền thoại. Ngõ phản ánh hoàn cảnh còn nhiều chật hẹp nhưng không ngăn nổi khát vọng sống rộng lớn và tài năng tuyệt vời của người Hà Nội. Người thở, người tự tình với Ngõ. Ngõ đem chuyện người kể với Hà Nội.

"Tôi trở về những Ngõ quen xưa
Mỗi Ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự"

Trở lại trái tim mình – Vũ Bằng
(6) Gửi người yêu của Phố Ngõ

Dù chỉ trong phút giây chạm mặt, Ngõ đã thầm thích mà quẩn quanh chưa nói. Hay người cứ đi vào khám phá coi cho Ngõ một lời. Ngõ biết người còn loay hoay trong những “con ngõ dài và hẹp”. Nhưng nếu rảo chân đi thì rồi cũng ra đường lớn. Mong sớm dẫn lối cho người yêu Ngõ dù chưa gặp một lần!

P/S1: Hai ông bà già kể trên cùng nhiều hộ dân khác quyết định không rời đi dù Thành phố có chính sách di rời. Lí do bởi … đã quá quen thuộc, hầu như không thể rời đi?

P/S2: Nếu rảnh, bạn có thể xem bộ phim Kí sinh trùng (Parasite) của Hàn Quốc