1. Học cách dùng động từ khuyết thiếu “have to”
Trong tiếng Anh động từ khuyết thiếu “have to” chỉ ra những việc ta phải làm vì đó là điều cần thiết. Nhưng hình như “must” cũng có ý nghĩa là “phải” mà? Ừ đúng! Nhưng “must” thì có luật gò xuống, không làm sẽ bị phạt. Còn “have to” giống như “luật bất thành văn” vậy, làm thì không ai khen, nhưng không làm chắc chắn bị chê hay phê bình. Ta cứ thử nghĩ đến việc dọn nhà, lau nhà, quét nhà,… thì sẽ hiểu. “Have to” khu biệt lại nơi có dấu ấn tự quyết cuối cùng của một con người khi giúp chúng ta tinh chỉnh tính cách thông qua trách nhiệm tự nhận thức trong công việc, dịch vụ, thái độ khiêm nhường và sự chú ý đến các khía cạnh của cuộc sống thường ngày, cũng như sức khỏe thân thể. “Have to” là điều phải làm nhưng chúng ta chẳng mấy ai vui vẻ tự giác ở đây cả. Đi bệnh viện khám sức khỏe bản chất là tốt, nhưng có mấy ai đang khỏe mạnh mà tự dưng đi kiểm tra định kỳ đều đặn đâu (trừ phi cần giấy chứng nhận nộp đi làm). Tuy nhiên, thực hiện nhiều loại “have to” giúp chúng ta mua được một chiếc kính hiển vi loại xịn trong việc phân tích và phân loại các khía cạnh của cuộc sống thành những phần khác nhau, từ đó sắp xếp lại ở những nơi phù hợp với những mục đích rõ ràng. “Have to” là quá trình giúp ta chuẩn bị hành trang để bước vào nơi đầu tiên không thuộc quyền tự quyết của ta nữa – các mối quan hệ.

2. Nào mình cùng đi quan hệ!
Mối quan hệ dù là yêu đương, vợ chồng hay đối tác thì cũng là phần đối lập hoàn toàn với phần cái tôi nguyên bản của ta, nhưng thực chất lại cùng một trục quan hệ, hay nói cách khác là hai mặt của một đồng xu. Nếu như việc sinh tồn là dấu mốc đầu tiên để bắt đầu hình thành các trải nghiệm và phẩm chất cá nhân, thì đối trọng với đó là nơi ta bắt đầu cho sự hợp tác và trải nghiệm xã hội. Dấn thân vào các mối quan hệ xã hội khiến chúng ta dần mất đi tính cá nhân nguyên thủy của mình để hòa nhập với những bản thể khác trong cuộc sống này.
Nếu như sinh ra và tồn tại là sự tự nhận thức cá nhân thì các mối quan hệ là nơi ta phải nhận thức về những đối tượng khác (không phải là mình). Chúng ta quan hệ vì muốn tiếp cận và kết giao với các đối tượng thú vị một cách nghiêm túc và tử tế. Các mối quan hệ chỉ có thể xảy ra thành công nhất khi chúng ta đối xử với người khác tốt như cách ta đối xử với chính mình. Muốn được như vậy thì lại phải quay về trả lời câu hỏi được đặt ra nơi bản ngã nguyên thủy là: “Chúng ta đã có lập trường, quan điểm rõ ràng để tự sống tốt trên trái đất này chưa?”
Xét cho cùng thì mục đích của các mối quan hệ là để cải thiện chất lượng của sống của nhau bằng cách đưa nhau lên cùng hội, cùng thuyền, từ đó xóa đi cảm giác cô đơn và tách biệt để song phương thấy an toàn và chắc chắn hơn.
Sách Tây hay gắn cụm từ “the significant other(s)” để chỉ những người rất quan trọng và có ý nghĩa lớn với cuộc đời ta. Tuy nhiên, để sống và yêu trọn bản thân một cách có ý nghĩa, ta lại cần tiếp cận “inside out”, tức là điều hướng mọi thứ từ bên trong trước bao giờ cũng mang lại đến quả tốt nhất. Thực ra các mối quan hệ vẫn chỉ xoay quanh cá nhân ta, nhưng ta lại không nhận thức rõ ràng điều này. Kết quả là chúng ta luôn cố gắng phóng chiếu những gì ta tưởng như mình không có lên đối tượng khác để tìm thấy những điểm ta đang thiếu. Carl Jung từng đã nói “Những thứ bên trong ta không thể nổi lên trên phần ý thức, thì sẽ xảy ra ở bên ngoài như một định mệnh.” Nói cách khác, tất cả những gì ta không nhận thức được ở bản thân mình, chúng ta thường luôn vô thức bị hấp dẫn bởi người khác. Tương tác xã hội thường bắt đầu với một đối tác, nhưng ở tầng bậc sâu hơn, các mối quan hệ đại diện cho những điều ẩn giấu trong chúng ta, những thứ mà rồi chúng ta phải hợp thành một cách có ý thức cùng với cái tôi của mình để trở nên toàn vẹn hơn. Liz Greene trong Relating gọi đây là “the inner partner”, hay hiểu nôm ra thì các mối quan hệ là sự thể hiện cái tôi bị ẩn giấu để ta phải tự giác nhận thức được sự đáng ghét của mình khi thấy ngứa mắt bởi những hành động của người khác, cốt sao để tự biết yêu thương bản thân mình một cách tròn trĩnh nhất. Chẳng có gì là ngạc nhiên khi ta ghét ai đó cả. Bởi suy cho cùng họ cũng chỉ là kênh dẫn giúp phóng chiếu những điều khó chịu đang diễn ra trong vô thức của ta mà thôi.

3. Trổ bao nhiêu cửa sổ thì vừa?
Lý do lớn nhất khiến ta thất bại trong các mối quan hệ (và sau này là hôn nhân) nói chung là do ta chưa tìm được thời gian và lý do để làm bạn với mình trong mọi tình huống. Chúng ta vội vã tìm một ai đó để khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn mình mà không biết rằng “hiểu nhau mì ăn liền” chỉ là sự giả tạo bề mặt của cảm xúc, còn nếu ta phải đợi ai đó quá lâu để tìm được lời đáp lại cho sự mong mỏi tình cảm của mình thì ta lại thấy chán nản và nghĩ rằng mình chưa đủ xứng đáng để được yêu.
Làm bạn với mình là khi cô đơn quá và muốn nhấc máy lên gọi cho ai đó thì phải dằn lòng mình xuống để hỏi bản thân một câu “mình đã thành thật nói hết cho mình những thứ mình muốn người khác biết hay chưa?” Và ta nên bắt đầu… độc thoại với bản thân nhiều nhất có thể. Độc thoại có thể là tự hỏi và tự trả lời trong nghiền ngẫm trên cương vị của một người khác ta hoàn toàn. Độc thoại có thể là tự viết lên những dòng tâm sự như thế này đây rồi lúc nào đó mở ra đọc lại để cảm thấy buồn cười và xấu hổ (hoặc tự hào và kinh ngạc). Nếu thấy mất mặt thì ta nên cảm thấy vui vì lúc đó mà mình nói cho ai như vậy thì mình đã làm một việc quá ư đi vào lòng đất? Nếu thấy ngạc nhiên về độ chững chạc của cảm xúc thì đây như một lần ôn tập để bản thân tăng thêm phần thông thái cho cuộc sống.
Trong chỉnh thể vấn vương với “vòng xoáy quan hệ”, ta thường hay nghĩ mình sai khi người khác tức giận. Đó là kết quả của quá trình đi tìm hình ảnh các nhân trong các mối quan hệ xã hội mà quên mất rằng nếu như ta không tự nhìn thấy ta trước thì xã hội sẽ chỉ coi ta như một cái bóng lầm lũi thân thiện và dễ bị sai khiến mà thôi.
Mỗi một người như một tòa nhà trong mảnh đất chung được quy hoạch dưới cái tên "xã hội". Khi có chuyện gì không hay xảy đến, thật là trân quý nếu như người yêu mến ta đến cùng với lời khuyên của họ. Nhưng ta cần phải hiểu, dù cho họ biết rõ ta đến đâu, họ cũng chỉ trổ một chiếc cửa sổ từ nhà họ để nhìn sang căn nhà của ta. Vậy nên, dù họ có nhìn ngắm hình hài ngôi nhà ấy bao lâu, họ cũng chỉ nhìn được một phần của ngôi nhà mà thôi. Chỉ có ta mới là người duy nhất biết rõ ngôi nhà mình có bao nhiêu cửa, trồng những cây gì hay nội thất bài trí thế nào. Nếu ai ta cũng nghe, ai ta cũng muốn nhìn, ta sẽ phá vỡ kiến trúc của căn nhà MEgout (theo phong cách độc nhất của ta) để trổ thật nhiều khung cửa sổ ứng với những ánh nhìn mà ta cho là thiện cảm từ người đời.
Thực ra việc vướng vào nhiều mối quan hệ cũng chỉ bởi vì ta muốn được khẳng định cái tôi độc nhất của mình cho người khác thấy. Ta cần những sự gắn kết để có người hoan hô khen ngợi rằng ta đã sống rất đúng. Thế tại sao không tự sướng một mình đi! Nhưng ta sẽ tranh luận rằng niềm vui sẽ nhân lên nhiều lần khi ta có người chia sẻ mà?
Sự chết tiệt nằm ở chữ "nhưng... tẩy não” đó đấy. Bản chất của việc cứ quay hoài vào ô mất lượt để người khác luôn có cơ hội phán xét đời ta chính là do ta chưa thực sự viết được hai chữ "chia ly" vào trong từ điển nhân sinh của mình.
Nếu ta nhận ra rằng chia ly sớm muộn gì cũng là chuyện bình thường của cuộc sống, thì tâm ta sẽ nhẹ như những hạt giống bồ công anh vậy. Khi bay đến đâu, chúng sẽ sinh trưởng ở đó: có vùng đất mới, bạn bè mới và tất nhiên, cả những ước mơ mới nữa.
Trước khi tâm có thể nhẹ như những hạt giống bồ công anh kia, ta cần làm “inner work” hay nói cách khác là “nhìn sâu vào bản thân mình”. Thực ra chúng ta nên tìm mọi cách để tận hưởng sự cô đơn của mình nhiều nhất có thể vì ai mà biết người bạn đời của mình sẽ xuất hiện vào lúc nào để choán chỗ cho những trạng thái trống rỗng đầy chiêm nghiệm ấy cơ chứ!

4. Trăng rằm

Chúng ta thường kiềm chế hoặc phủ nhận những phẩm chất tiềm tàng tốt trong mình vì không nghĩ rằng mình có khả năng phát triển chúng một cách tự tin. Bởi vậy mà gặp ai đó mang lại những điều tích cực ở trước mặt ta, ta sẽ thấy phấn khích, bị lôi cuốn, quyến rũ và xiêu lòng. Chúng ta say như điếu đổ những con người có khả năng thể hiện các nét tính cách hay ho. Và bằng việc quan hệ với họ, ta sát nhập những phẩm chất đó vào cuộc đời mình để thấy như mình được hoàn thiện hơn. Ta dẫn dựa dẫm vào những con người cung cấp cho ta những phần thiếu khuyết ấy, sau đó nghĩ rằng việc hợp nhất này giống sự đóng góp cổ phần trong cái công ty mang tên mối quan hệ. Nhưng nếu trau dồi để tự ta cũng đảm nhiệm được phần ta đang mong muốn ở đối phương, thì dù họ có tạm dời đi hay dời đi hẳn ta vẫn thấy ổn định vì tự thân ta cũng có thể làm tốt. Và đó là cơ chế của việc “tự yêu lấy chính bản thân mình”.
Đại đức Haemin trong cuốn sách "Yêu những điều không hoàn hảo" (Love for Imperfect Things) đã từng viết:
Khi bạn có thể tự canh chỉnh mình như ánh trăng tròn vằng vặc, bạn sẽ gặp một người toàn vẹn như bạn vậy đó. Và lúc ấy, một mối quan hệ lành mạnh sẽ đâm chồi nảy nở. Đừng cố gắng gọt bản thân mình để gá tạm thành một mảnh trăng trông có vẻ tròn với người khác. Thay vào đó, hãy hướng đến việc xây dựng hai mảnh trăng tròn toàn vẹn. Và rồi hai vầng trăng rằm ấy sẽ tôn trọng tính cá nhân và sở thích của nhau để tạo ra một mối quan hệ mà ai cũng có thể tự sáng cho mình và cho người khác”
 When you stand alone like a full moon, already complete in yourself, you will meet another person who is whole and complete just like you, and between you two, a healthy relationship can grow. Do not try and fit yourselves to each other to make one whole moon. Instead, be more like two full moons. You’ll respect each other’s individuality and interests while creating a relationship in which each of you shines brightly on the other”
Làm sao ta có thể trao gửi yêu thương nhiệt thành và đầy đủ nếu không biết tự trân trọng lấy chính mình được? Ốc không mang nổi mình ốc, dù có cố mang cọc cho rêu, thì cũng chỉ đi vào lòng đất cả lút thôi.
Các mối quan hệ thường tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan bằng một câu hỏi: Chúng ta cần nhún nhường và hợp tác với người khác như thế nào để vẫn thể hiện được chính kiến của mình một cách đúng mực mà không quay phải vào ô mất lượt mang tên cô đơn?  Thật vậy, mối quan hệ là sự chảy trôi năng lượng liên tục giữa bản thân và người khác, để rồi qua đó ta trở thành con người biết lắng nghe từ hai phía và thông cảm được cho đối tác trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau.

Tài liệu tham khảo
1. Howard Sasportas (2009). The Twelve Houses. LSA/Flare.
2. Haemin Sunim (2018). Love for Imperfect Things: How to Accept Yourself in a World Striving for Perfection. Penguin Life.
3. Liz Greene. Relating (1978). Red Wheel / Weiser.

Bài viết thực ra được viết dựa trên kiến thức Chiêm Tinh về cung nhà số 7, nơi xem về các mối quan hệ lâu dài trên một lá số (trên sự tiếp nối của cung nhà số 6). Nếu bạn có kiến thức về Chiêm Tinh (ý tớ là Chiêm Tinh chứ không phải horoscope bói toán cung Hoàng Đạo quần què đâu nhé), thì có thể xem bài viết gốc tớ viết tại đây: https://vudinhtuong.wordpress.com/2021/05/19/nha-so-7-house-7/
Nếu các cậu thấy tò mò, thì việc đầu tiên là các cậu cần đi lập cái lá số Chiêm Tinh theo hướng dẫn đường link ở đây: https://vudinhtuong.wordpress.com/about-astrology/trong-mat-trong/la-so-ca-nhan-natal-chart/