Ngày... tháng... năm...
Nắng Biên Hòa dạo này bỗng gắt gỏng hẳn, ngang nhiên tức giận xông vào từng lớp áo dày cộm thấm đẫm mồ hôi  của các bác, các mẹ, cháy da thịt mất thôi! Chạy ro ro trên chiếc xe máy SYM 50 láng cóng mà tới tận dịp hè lớp 9 tôi mới được bố sắm để học cấp 3, tự dưng thấy thương đời, thương người quá..! Nhấm nháp nốt ly nước cam mát lạnh, tôi hơ qua mái tóc còn vương mùi bồ kết thì “ Cộp “. Thầm nghĩ thật may vì đó không phải tiếng rơi loảng xoảng của bộ ly tách thủy tinh mẹ mới mua tháng trước, mà là tiếng rơi của một vật có bề mặt phẳng, khá dày. Tôi đang lưỡng lự giữa việc đứng dậy khép cửa sổ hay ngó ngoay kiếm “vật thể lạ” đó xem tình trạng nó ra sao thì “ vù vù “, từng luồng gió tíu tít nô đùa xuyên vào khe cửa, tiến thẳng tới nơi ban nãy chúng vừa gây tai hại, rồi nhanh nhảu lần giở “cuốn sách đáng thương” kia. Vì sức gió khá mạnh nên bìa gần như tạo thành góc 90 độ với phần sách, tôi chậm rãi tiến tới để nhận dạng kẻ đáng thương . Cũng trong chính khoảnh khắc đó, khóe miệng bất giác mỉm cười, mắt tôi dừng lại vài nhịp trên dòng chữ được in nổi tỉ mẩn: “ Nếu biết trăm năm là hữu hạn “.
Có buồn cười quá không, khi tôi gọi sách là bạn? Và nếu sách được công nhận như một người bạn, tôi xin hân hạnh nói rằng người bạn tôi vừa kể trên là người bạn thân nhất. Cách chúng tôi gặp gỡ cũng rất tình cờ. Vào một buổi chiều cuối thu, lướt qua từng khung cửa kính còn đọng lại vài giọt buồn từ cơn mưa rào rả rích , tôi đang lang thang giữa những dãy sách cao quá đầu thì bị hấp dẫn bởi một cái tên đầy ẩn ý “Nếu biết trăm năm là hữu hạn “. “ Nếu biết” thoạt nghe như lời trách cứ về lầm lỗi trong quá khứ, nhưng nếu nghĩ sâu sắc và chậm rãi hơn chút thì có thể hiểu như một lời nhắc nhở “Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật lâu...”. Bạn có thắc mắc tại sao tôi lại chọn một cuốn sách đứng vị trí đầu tiên trong “ list “ bạn bè? Có lẽ câu chữ sẽ tồn tại mãi mãi, sinh mệnh con người cũng có lúc phải rời cõi trần gian . Và thêm 1 lý do nữa. Tôi đã vô tình lướt qua câu nói này ở đâu đó “ Người bạn tốt nhất bao giờ cũng là người bạn đến với ta trong giờ phút khó khăn cay đắng nhất của cuộc đời “. Trước khi gặp người bạn thân ấy (cuốn sách), tôi đang cựa quậy và loay hoay trong việc tìm phương hướng cho cuộc sống và tìm cách để chắp nối những mối quan hệ. Tôi bất đồng với bố mẹ vì sự chăm sóc quá đáng của họ, cáu gắt với bạn bè về thái độ hời hợt mà họ dành cho tôi, chán nản với cuộc sống vì cái guồng quay không bao giờ dừng lại của nó. Và rồi, bằng một cách thần kỳ, tôi đã được cứu rỗi. Tôi bắt gặp cái ngông cuồng của tuổi trẻ ở những mẩu chuyện trong cuốn sách và vô cùng hổ thẹn. Đọc “ Ngược dòng nước mắt” (1 chương trong cuốn sách) , cái ngang bướng ấy được chứng minh rõ ràng hơn bao giờ hết: “ Chẳng phải chúng ta vẫn thường thốt lên câu ‘không thể hiểu nổi’ đó sao? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại không chấp nhận bạn bè con, không thấu hiểu mong muốn của con,đòi hỏi quá sức con,la mắng trách phạt con? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại luôn cáu gắt với nhau, cãi vã nhau hoài? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ chỉ quan tâm đến tiền bạc,chỉ biết cắm đầu vào công việc làm ăn? Không thể hiểu nổi tại sao ba mẹ lại phải chia tay,để gia đình mình tan vỡ? Chúng ta đã luôn đặt câu hỏi tại sao, và câu trả lời thường là’Khi nào con lớn, con có gia đình,con cái, con sẽ hiểu lòng cha mẹ’ Tại sao phải đợi đến lúc đó mà không phải là bây giờ. Cả chuyện đó nữa cũng là một câu hỏi.”  Đã bao lần, và bao người đã lớn tiếng với cha mẹ chỉ vì không được tham dự buổi tiệc sinh nhật của đứa bạn cùng lớp? Đã bao lần bạn cáu gắt chỉ vì mùi vị của tô canh, nồi cá kho hôm nay sao mằn mặn? Đã bao lần bạn khiến cha mẹ lịm người đi vì câu nói hỗn xược từ chính đứa con thương yêu? Ta thường lấy cái cớ “bồng bột tuổi mới lớn” để che chắn cho sự xấc xược của bản thân? Nhưng có bao giờ ta ngồi lại và sống chậm hơn để cảm thông cho những “ lo lắng tuổi trung niên” của cha mẹ không ? Đọc đoạn cuối của “ Ngược dòng nước mắt”, khóe mắt tôi lại chợt xé cay: “ Bởi đối với chúng ta, cha mẹ đâu chỉ có Công, có Nghĩa, có tình yêu không cần đáp trả. Cha mẹ còn có nỗi lòng, những dằn vặt, những diễn biến tâm lý khác nhau trong từng giai đoạn khó khăn khác nhau của một kiếp làm người. Có đáng để tìm hiểu không em? Có đáng để chúng ta lội ngược một dòng nước mắt? Vì yêu thương. Và để biết đón nhận tình yêu thương đúng cách.”  Bạn có để ý không, từng câu từ mạch chữ là cái nhìn của một người từng trải. Không phải lời răn dạy từ cha mẹ, mà như lời nhắn nhủ của những người anh, người chị. Hay ở “ Khoảnh khắc nào thơ dại bỏ ta đi”, Phạm Lữ Ân đã dùng chính những cảm xúc từng trải để mở ra  ổ khóa tâm hồn tuổi mới lớn :“Tuổi thơ ngây mãi mãi là thiên đường của đời người. Nếu quyết định lìa xa nó vào thời khắc nào đó, hãy chắc chắn rằng bạn lìa xa nó để đến một thiên đường khác, chứ không phải địa ngục. Và hãy chắc rằng mình chọn đúng bạn đồng hành .” 
Có đúng không, khi tôi chắc chắn rằng bạn sẽ thấy ít nhiều hình ảnh phản chiếu về cái tôi bồng bột của bản thân qua những dòng tản văn trên ? Có khoa trương quá không khi tôi chắc chắn rằng bạn sẽ tìm được phương hướng và lối đi cho khúc mắc xung quanh những mối quan hệ hiện tại nếu bạn chịu bỏ chút ít thời gian, ngồi xuống và lần giở từng trang sách như cách tôi đã từng? Con người ta thường gạt bỏ đi những sai lầm nhỏ nhặt của bản thân để rồi hình thành nên một trái tim ngang bướng, không chịu khuất phục cho đến khi được giác độ một cách thật sự. Với 247 trang sách và xuyên suốt là 40 mẩu truyện ngắn, ta có thể bắt gặp mình ở bất cứ đâu. Có thể là cậu bé phụ hồ với hoài bão nhỏ nhoi được đứng trên sân khấu dù chỉ phút chốc trong “ Ta sẽ làm chi đời ta “ hay cảm xúc mất mát một người bạn thân thuở thiếu thời trong “ Dư vị từ những tình bạn nhạt nhòa “, mối tình đơn phương được cất giấu kín kẽ trong ngăn tủ cũ sờn trong “ Bởi vì yêu chính là đã nhận”  hay sự giằng xé giữa ý kiến của trái tim và định kiến thế gian trong ” Lắng nghe lời thì thầm của trái tim” hay sâu sắc hơn là bộ mặt nạ mà ta vốn tự tạo ra từ lâu trong “ Khi cô ngựa vằn khoác lên mình bộ lông báo đốm”...
Từng trang sách là từng dòng văn tản mạn với những dòng cảm xúc bất tận, nói khoa trương lên là “ một biển cảm xúc”, nó ăn sâu vào từng xúc cảm của tế bào, khiến ta nhìn đời, nhìn người với một trái tim nhiệt thành và ấm áp hơn.  46 chương sách như mở ra trong lòng độc giả một khoảng trống, nơi mà ta vô thức rơi xuống và vô tình “ cảm thức “ được giá trị cốt lõi của cuộc sống. Ngày nay, khi lên mạng đọc bất kỳ trang báo nào, ta cũng có thể thấy những tin tức giật gân như “ Học sinh X của trường Y nhảy cầu tự tử, Ca sĩ diễn viên A lộ hình ảnh nhạy cảm trong quá khứ, Giới trẻ dành phân nửa thời gian 1 ngày cho thiết bị thông minh và mạng xã hội, Người mẹ già đã ngoài 70 vẫn phải chật vật mưu sinh dù có 5 người con...”  Có phải ta đang dần đánh mất đi những giá trị nhân sinh tốt đẹp mà tạo hóa đã ban tặng không? Không thể sẻ chia cùng gia đình, bạn bè thì hãy thả lỏng tâm trí và để nhãn quan tinh tường của nhà văn Phạm Lữ Ân đánh thức tính thiện lành nơi sâu thẳm con tim. Để ta không bỏ lỡ hơn một khoảnh khắc nào nữa, để ta có thể yêu thương và được yêu thương thật lâu. Tôi mong rằng những người trẻ chúng ta nên đi tìm chân lý sống cho riêng mình bằng cách làm bạn với sách. Văn hóa đọc đang ngày càng mai mọt, bản thân là tương lai, là tiền đồ của đất nước, bạn và tôi, chúng ta nên cứu lấy nền tri thức của nhân loại.  Harvey Mackay đã từng nói :” Cuộc đời ta thay đổi theo 2 cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc.” Tôi không đánh giá một cuốn sách qua việc nó được hầu hết độc giả ưu thích. Đối với tôi, một cuốn sách hay không cần phải là một cuốn sách chễm chệ trên kệ “best seller” vài tháng, vài năm hay xuất bản vài triệu cuốn. Bởi đọc sách là mở mang tâm hồn, là chiêm nghiệm. Một cuốn sách thay đổi được cuộc đời bạn và mở ra cánh cửa cảm xúc nơi con tim lạnh lẽo mới chính là cuốn sách hay nhất. 
“ Nếu biết trăm năm là hữu hạn” đã thay đổi cuộc đời tôi theo một cách vô tình hay cố ý nào đó. Có lẽ đối với nhiều người, nó như một thước phim quay chậm về biến cố trong cuộc sống về gia đình, tình yêu, bạn bè. Ta có thể dễ dàng bị tổn thương khi tâm hồn còn non dại, nhưng sẽ vững vàng hơn rất nhiều khi nắm rõ được chân lý, nhân tình thế thái của cuộc đời bằng những con đường ta đi qua, những con người ta từng gặp, và những cuốn sách ta từng đọc.  Không chỉ riêng cuốn sách tôi giới thiệu mà còn rất nhiều “người bạn tâm giao” khác đang chờ người trẻ chúng ta.  Vậy thì bạn ơi ! Hãy tắt chiếc điện thoại đang cầm trên tay, gập chiếc laptop trên bàn lại và tìm một quyển sách để nhâm nhi, để tìm được nhịp đập đồng điệu trong tâm hồn của những trang sách, để biết rằng ta không lãng phí từng khắc nào của tuổi trẻ, tuổi tri thức. Và để biết rằng mạch chảy của cuộc đời không hoạt động giống đồng hồ cát, thời gian chỉ trôi đi và không bao giờ quay lại thêm bất cứ lần nào! Hãy thoát khỏi vỏ bọc và tìm kiếm kim chỉ nam của bản thân đang hướng về đâu, về nơi nào.  Vậy nên “ Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật lâu..”