Động Lực là Tự Quản
Động Lực đến từ đâu? Chắc có lẽ không cần phải định nghĩa Động Lực nữa, vì dù có dùng những từ ngữ khác nhau, chúng ta vẫn hiểu Động...
Động Lực đến từ đâu?
Chắc có lẽ không cần phải định nghĩa Động Lực nữa, vì dù có dùng những từ ngữ khác nhau, chúng ta vẫn hiểu Động Lực là gì. Điều chúng ta luôn băn khoăn là cái gì tạo ra hoặc làm sao để có Động Lực. Những câu trả lời chúng ta thường gặp nhất là: vật chất, đam mê, thành công, danh vọng, quyền lực, địa vị hay ham muốn.
Nhưng tất cả đều không phải! Ngay cả đam mê cũng không phải. Xét cho cùng, những điều đó hoặc chỉ là kết quả của việc chuyển hoá thành công Động Lực, hoặc chỉ là phương tiện hay hình thức biểu đạt Động Lực mà thôi. Tất nhiên, những yếu tố đó có thể tạo ra Động Lực nhưng chỉ là trong ngắn hạn và không bền vững, do phụ thuộc vào điều kiện hoặc phản ứng từ bên ngoài. Cái chúng ta cần là những nguồn Động Lực từ bên trong, gọi là Động Lực Nội Tại.
Vậy những nguồn gốc của Động Lực Nội Tại là gì? Một câu hỏi dường như không thể có một câu trả lời chung cho tất cả mọi người.Sau nhiều nỗ lực, rất có thể, ba gợi ý của Dan Pink là câu trả lời mà chúng ta luôn tìm kiếm. Đó là Sự Tự Quản (Autonomy), Sự Tinh Thông (Mastery) và Lý Tưởng Sống (Purpose). Các bạn có thể tìm đọc sách có tựa đề Drive: The Surprising Truth About What Motivates Us của Daniel H. Pink để nghiên cứu kỹ hơn. Bài diễn thuyết của ông tại TED mà mình trích dẫn ở cuối chủ yếu nói về Sự Tự Quản.Trong bài viết này, mình chia sẻ một số suy nghĩ của mình về Sự Tự Quản, các bài sau sẽ nói về hai nguồn động lực còn lại nhé!
Sự Tự Quản
Một bản năng gốc của con người là chinh phục để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, có hai thứ chúng ta chưa hoặc thậm chí không bao giờ chinh phục được, đó là thiên nhiên và bản thân. Trong đó, chinh phục thiên nhiên có vẻ khó khăn hơn nhiều. Vì thế, khát khao lớn nhất của con người là làm chủ bản thân và Sự Tự Quản mặc nhiên trở thành Nguồn Động Lực đầu tiên.
Sự Tự Quản là khoảng không gian tự do mà một người có thể hành động và làm chủ được kết quả theo ý chí riêng của họ.
Tại sao mạng xã hội như Facebook lại bùng nổ như vậy? Bởi vì ở đó, Sự Tự Quản lên ngôi. Chúng ta tự do nói điều ta nghĩ, làm điều ta muốn, giữ lại bình luận ta thích, xoá đi bình luận ta ghét, cổ vũ người ta yêu, và chặn người làm ta bực. Tường nhà tôi, tôi có quyền!
Điều gì khiến Wikipedia, vốn là do những người đóng góp bài viết không công, trở thành kho kiến thức chung của xã hội? Trong khi đó, Đại Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư Microsoft Encarta thuê toàn giáo sư, tiến sỹ hàng đầu thế giới làm trong hơn 10 năm lại thất bại thảm hại (có khi bạn còn chưa nghe nói đến công trình đó)? Bởi vì, những ai viết bài cho Wikipedia là tham gia vì chính bản thân họ, chọn chủ đề họ muốn, làm theo cách của họ, và vào lúc họ thấy phù hợp. Còn các giáo sư, tiến sỹ kia nhận lương và làm theo chỉ đạo, phê duyệt của Microsoft.
Tương tự, vì sao khởi nghiệp hấp dẫn đến vậy? Đơn giản thôi, là vì khát khao tự do, vì Sự Tự Quản! Nhưng có phải chỉ khởi nghiệp mới có Sự Tự Quản không? Và khi đi làm thuê, có phải chúng ta mất hoặc không có cơ hội có được Sự Tự Quản không?
Không hẳn vậy! Chúng ta luôn có thể tự học, tự suy nghĩ và đề xuất ý tưởng riêng, trình bày giải pháp riêng, và tự nỗ lực vượt qua khó khăn để đi đến đích. Giao Hàng Hôm Sau (FedEx Day hoặc ShipIt Day) ở Atlassian hay 20% thời gian tự làm riêng ở Google đều là những chính sách của các doanh nghiệp nhằm khuyến khích sáng tạo và khai thác Sự Tự Quản ở nhân viên của họ.
Xét dưới góc độ quản lý và phát triển nguồn nhân lực, Năng lực Tự Quản cũng chính là một trong những yêu tố cốt lõi trong nhận dạng và bồi dưỡng cán bộ quản lý. Điều này không phải ai cũng nhận thức được, một phần vì giáo dục ở nước ta và chính doanh nghiệp trong nước không làm rõ cho học sinh và nhân viên. Khái niệm Quản Lý từ xưa đến nay cũng đều bắt đầu với Quản Lý Bản Thân. Chúng ta không thể không nhắc đến Bát Điều Mục trong sách Đại Học của Khổng Tử là Cách Vật, Trí Tri, Thành Ý, Chính Tâm, Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ. Trong đó, năm bước đầu tiên đều là các phạm trù của Sự Tự Quản. Hay như John C. Maxwell đề cập đầu tiên trong quyển sách Nhà Lãnh Đạo 360 cũng là nhóm kỹ năng Quản Lý Bản Thân.
Từ đó cho thấy, một bí quyết quản lý hiệu quả là làm sao để nhân viên chủ động đề xuất ý tưởng, đưa ra giải pháp và được trao quyền triển khai. Vòng Tròn Chất Lượng (Quality Circle) trong Cải Tiến Liên Tục (Kaizen) nổi tiếng của Nhật Bản cũng dựa trên nguyên lý đó. Bởi vì, cái gì ta nghĩ ra, ta sẽ bảo vệ hơn bất cứ điều gì khác, ta sẽ tìm bằng được cách làm tốt nhất, và nếu chưa thành công ta cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm! Chân lý đó, ai muốn phản đối đây?
Tuy nhiên, Sự Tự Quản cũng không phải là tự mò mẫm hay cách ly một cách cực đoan. Sự Tự Quản khiến chúng ta sẵn sàng và biết làm chủ đôi chân của mình nhưng cũng cần biết đứng trên đôi vai của những người khổng lồ khác.
Vì sao lại thế? Hãy chờ phần nói về Sự Tinh Thông và Lý Tưởng Sống nhé ;)
Bài gốc: Động Lực là Tự Quản
/thinking-out-loud
- Hot nhất
- Mới nhất