“Nếu anh nhìn quá lâu vào vực thẳm, vực thẳm cũng sẽ nhìn lại anh”. Nietzsche tóm tắt thật chính xác cuộc đời của Diệt Tuyệt sư thái. Chết đến nơi vẫn quyết không để tên “tiểu dâm tặc” Trương Vô Kỵ đụng vào người mình. Thực tế đã cho thấy xã hội không chỉ có nhiều Nhạc Bất Quần mà còn có nhiều Diệt Tuyệt, Phạm Thị Hoài chẳng hạn, hết diss Nguyễn Tuân đến diss Phan Ngọc. Những “nhà cách mạng” kiên trung mà có đầu óc hạn hẹp thì hoặc sẽ thành Tố Hữu hoặc sẽ thành Phạm Thị Hoài. Đầu óc của những “nhà cách mạng” rất đơn giản: chỉ cần đánh đổ các thiết chế thì sẽ có được sự tiến bộ.
Kafka đã nói rồi, một người tin rằng sẽ có một sự tiến bộ ở tương lai không đồng nghĩa với việc họ tin rằng hiện tại đã có tiến bộ so với quá khứ. Balzac thì không tin vào bình đẳng. Còn Nietzsche thì không tin vào socialism. 
Cái đoạn phim sau trong Giù la testa (1971) vì thế thật là đúng:

Và phải đặt trong cái bối cảnh mà người người đều “thi dĩ ngôn chí”, nhà nhà đều “văn dĩ tải đạo”, thì mới thấy được cái tầm vóc khủng khiếp của Nguyễn Tuân, bởi vì Nguyễn Tuân của thời tiền chiến ở một cái thế đối lập với những “nhà cách mạng”:
Trước Cách mạng tháng Tám và trước ngày Kháng chiến, tôi sống tuyệt đối bằng cảm tính, chỉ dựa hoàn toàn vào những xúc cảm bản năng và phản ứng tình cảm để đánh giá cái tốt cái xấu cái thiện cái ác. Tôi nghĩ rằng thời kỳ ấy, tôi đã là người của thuyết hư vô và nhiều lúc đã quan niệm một cách nguy hiểm rằng người trí thức chân chính là phải hoài nghi tất cả. Đối với vấn đề đảng phái và hoạt động đảng phái, kể cả Đảng ta, lúc ấy, tôi hết sức né tránh, nghĩ sai rằng nghệ thuật là ở ngoài chính trị và còn ở trên cả mọi chính trị, mọi hoạt động chính trị. Về những vấn đề lớn thuộc về vận mệnh dân tộc, tôi nghĩ rằng cái biểu hiện yêu nước của tôi ở tôi, tôi chỉ xin khung nó gọn vào vấn đề xây dựng tiếng nói dân tộc mà bản thân mình sẽ cố công đóng góp vào ít nhiều, qua những tìm tòi sáng tác văn học của bản thân mình. Trước mọi biểu hiện và mọi tương quan với cuộc sống chung quanh, tôi tự cho tôi là một đơn vị. Đối với chủ nghĩa Cộng sản, con người duy tâm và tự do vô chính phủ của tôi đã là người tán thành cái thuyết viển vông được làm người cộng sản mà không ở trong tổ chức Đảng.  

Về quan niệm nghệ thuật, trước đây, tôi là người của phái nghệ thuật vị nghệ thuật, tức là tôi chủ trương nghệ thuật không phục vụ chính trị. Một số sách và tiểu thuyết của những tác giả tờ-rốt–skít hoặc có quan điểm tờ-rốt–skít về tư tưởng nghệ thuật, đã ảnh hưởng phần nào đến cái nhìn của tôi đối với Xít–ta-lin, đối với những hoạt động chính trị, và cụ thể là rất có định kiến nghi ngại đối với tổ chức Đảng nói chung trên thế giới cũng như ở ta. Tôi cho rằng làm chính trị thì không tránh được thủ đoạn này thủ đoạn khác và trên cái nhận thức sai lệch ấy, tôi càng tách con người văn nghệ ra khỏi bất cứ hoạt động chính trị gì. 

(Nguyễn Tuân, Nhìn rõ sai lầm)
dedication của Vang bóng một thời
Nhưng sau cách mạng tháng tám, Nguyễn Tuân lại dứt khoát với cuộc đời cũ để toàn tâm xây dựng một ngôi nhà mới. Chuyện này Phan Ngọc trong bài Quá trình chuyển biến của một phong cách đã lý giải rất tài tình. Nhưng từ đó, Nhị Linh đã mở rộng vấn đề đến mức rộng khủng khiếp mà tôi chưa thấy ai có thể đọc Nguyễn Tuân ở một cái mức độ như vậy.

Phần đầu ở đây:

Đầu tiên là Chateaubriand. Chateaubriand thuộc dòng dõi quý tộc, có khuynh hướng bảo hoàng, trải qua cuộc cách mạng Pháp nhưng dường như chưa bao giờ dự phần vào nó, và đến năm 30 tuổi, lấy lại niềm tin vào Chúa mà ông đã từng có ngày còn bé. 
François-René de Chateaubriand
Nguyễn Tuân là con của cụ tú Hải Văn, hẳn đã lớn lên không chỉ với kiến thức về những thú chơi của cha mà còn cả những câu chuyện về phong trào Cần Vương, phong trào Văn Thân, lớn lên trong cái bối cảnh mà báo chí công khai thì tìm cách bài trừ những giá trị cũ, còn các hội kín thì rục rịch chống Pháp, mặc cho nhiều người mời gọi làm cách mạng nhưng Nguyễn Tuân chẳng quan tâm, và đến năm 35 tuổi, Nguyễn Tuân lấy lại niềm tin vào cách mạng.
Nguyễn Tuân già rất sớm. Và chính ông cũng tự nhận là mình chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Đặc điểm của người già là gì? Là họ thường không có “nhu cầu” làm cách mạng. Và những cái đầu rụng vì cách mạng (Chém treo ngành), Nguyễn Tuân không lấy đó làm trọng hơn cái tài vung thanh quất của người đao phủ.
Thế mà cuối cùng Nguyễn Tuân lại theo cách mạng.
Nhưng Nguyễn Tuân có thực sự theo cách mạng không? Vũ Bằng từng bày tỏ công khai sự không ưa Nguyễn Tuân, nhưng những gì Vũ Bằng nói về Nguyễn Tuân không hề mâu thuẫn với chính con người Nguyễn Tuân mà ai cũng biết. Hơn nữa, Vũ Bằng nói rất đúng ở chỗ này:
‘Nếu anh phải theo các anh em khác dùng văn chương để phục vụ cho người khác, chắc chắn anh không thể bằng ai, ấy là chưa nói có thể kém người ta là khác. Vì thế tôi tin rằng, dù có thiện chí đến mấy, yêu kháng chiến đến mấy, anh cũng không, sẽ không “lột xác” được, và Tuân sẽ vẫn cứ là “Tuân mũi to” nửa điên nửa tỉnh, nửa ác nửa thiện, có một lúc nằm đêm không ngủ đã phải chọn lấy một trong hai con đường.’
Vũ Bằng nói hai con đường đó là “nghệ thuật” và “thê tử”, tôi nghĩ hai con đường đó phải là “cái tôi” hay “cái ngoài tôi”. Chateaubriand cũng từng phải lựa chọn giữa việc làm thuỷ thủ hay làm thầy tu. Vòng thứ nhất của địa ngục Dante, Limbo, là nơi cư ngụ của những người vô thần, không tin vào Chúa, nhưng chưa đủ tội lỗi để nguyền rủa. Họ là những người từ chối lựa chọn, hoặc đã lựa chọn tin vào đức hạnh của một con người, và chỉ vậy thôi. Homer, Horace, Aristotle, Socrates, lẫn Plato đều ở đây hết. (Rất có thể đây là cái đền thờ mà Sainte-Beuve nói đến trong tiểu luận Qu'est-ce qu'un classique? chăng).

Và Dante đã phải băng qua chín vòng tội lỗi của Inferno thì mới tới được Purgatorio và sau đó là Paradiso, nơi đức tin vào thiên chúa được “trong sạch như một lần sự thật”. Còn Nguyễn Tuân đã phải băng qua một tuổi trẻ của truỵ lạc, từ phượt chui, du lịch bụi (Một chuyến đi, Quê hương), trà rượu, cho đến thuốc phiện (Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc) và hát cô đầu (Chiếc lư đồng mắt cua), những cái đẹp của sự vật (Vang bóng một thời, Tóc chị Hoài) phá nát cả vốn lẫn lãi mở hàng sách từ bát hụi của cha mẹ, ngồi tù, rồi mới có thể thực sự tin vào khả năng của một cuộc lột xác đời mới (Nguyễn). Đó hẳn là lý do Nhị Linh liên hệ Nguyễn Tuân với Dante và thâu tóm văn chương Nguyễn Tuân thành “văn chương và tội lỗi”.
Nhị Linh có nói 3 điều quan trọng về văn chương Nguyễn Tuân.
Một, Nguyễn Tuân là nhà văn lãng mạn duy nhất của Việt Nam. Và giữa quá nhiều cách hiểu nhập nhằng về hai chữ “lãng mạn” trong lịch sử văn học Việt Nam, Nhị Linh nói luôn rằng tâm hồn lãng mạn thì có liên quan đến những giấc mơ, theo cuốn L'Âme romantique et le rêve của Albert Béguin. Ở đó có đoạn:
Những giấc mơ ban đêm, rồi lại những giấc mơ còn bí hiểm hơn nữa kè kè bên tôi trong suốt ngày, gần bề mặt đến nỗi chỉ cần một va chạm nhỏ nhất là chúng liền hiện ra, ở đó có một sự tồn tại mà thêm những dấu hiệu khác nữa thể hiện sự hiện diện thường trực và giàu tiềm năng. Những gì tôi chểnh mảng và rơi tõm lại vào sự quên rồi một ngày nào đó, đầy ngẫu hứng, sẽ lại chui ra, nhưng đã được chuyển hóa, được phú cho cả một dạng chất nào đó mà tôi sẽ không biết, giống như hạt mầm vùi trong đất vươn lên, hoa hoặc cây. Chỉ cần có một cảm giác, chẳng hạn một màu nào đó, đập khẽ, ở bên trong tôi, vào một ô cửa sổ tròn bí mật, là tức thì ô kính mở ra, tạo lối thông cho một sự tăng vọt đột ngột của cảm xúc hoặc của sự chắc chắn. Đôi khi, tôi nhận ra ở những đợt bừng nở đột nhiên đó một kỷ niệm xa xăm, và tôi cứ tưởng đâu chỉ ký ức thôi cũng đủ để thực thi màn ảo thuật; nhưng, thường thì tôi không sao phát hiện được trong cái điều xâm chiếm suy tư của tôi như vậy một vẻ giống nào với xưa kia. Tôi có cảm giác cái đó xuất phát từ xa hơn bản thân tôi, từ một hồi tưởng tiền kiếp hoặc từ một vùng không phải vùng của khoảng cá nhân tôi. Chỉ cần một hình ảnh, được lưu giữ trong ngôn từ của một nhà thơ hoặc được gợi lên từ họa tiết hoa lá của một bức phù điêu, khơi dậy, không thể khác, trong tôi một âm hưởng tình cảm, là tôi có thể lần theo sợi dây xích gồm các hình thức huynh đệ với nhau nối hình ảnh ấy với các mô típ thuộc một huyền thoại nào đó rất xa xưa: tôi chưa từng biết huyền thoại ấy, nhưng tôi nhận ra nó. Giữa các câu chuyện thuộc nhiều hệ thần thoại khác nhau, các truyện cổ tích, các sáng tạo của một số nhà thơ và giấc mơ vẫn tiếp diễn ở bên trong tôi, tôi nhận ra một sự gần gũi ngầm sâu. Trí tưởng tượng cộng đồng, trong các sáng tạo bộc phát của nó, và trí tưởng tượng mà, ở cá nhân, các khoảnh khắc ngoại lệ giải phóng, như thể cùng dẫn chiếu về cùng một vũ trụ. Hình ảnh của chúng có đúng cái năng lực gây cảm động giấc mơ bên trong của tôi, gọi nó ngoi lên bề mặt và phóng chiếu nó lên những thứ bao quanh tôi; hoặc giả, nếu muốn, đó là những thứ không còn ở bên ngoài bản thân tôi, cũng là những thứ, rốt cuộc được gọi bằng đúng cái tên ma thuật của chúng, trở nên sống động để cùng tôi bước vào một mối quan hệ mới. (Nhị Linh dịch)
Còn đây là nhận định của Phan Ngọc khi đọc văn Nguyễn Tuân thời tiền chiến: 
“Câu văn điêu khắc bị giải thể, nhường chỗ cho một sản phẩm mới mang dáng dấp của câu văn tự hành. Toàn suy nghĩ nội tâm. Nói miên man còn nhẹ. Bảo đầu Ngô mình Sở không oan. Những hình ảnh trong một giấc mơ. Lẽ ra loại câu văn ấy chỉ gây cảm giác khó chịu. Thế mà đọc không dứt ra được mới tài. Đọc xong chẳng nhớ gì hết. Đọc lại vẫn cứ quên, thế mà đọc không biết chán”. 
Đó chính xác là Nguyễn Tuân trong mọi tác phẩm cả trước lẫn sau năm 1946. Và thực ra, chính trong cuộc sống của mình, Nguyễn Tuân không tách rời khỏi điều này. Nguyễn Vỹ trong Văn thi sĩ tiền chiến đã kể Nguyễn Tuân mấy bận xách va li ra nhà ga chỉ để đứng đó tưởng tượng cái cảm giác của sự sắp sửa lên đường, vì lúc đó ông không có tiền để đi. Hay Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng kể chuyện lúc Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội thì ông lại mang rượu lên nóc nhà ngắm hoả châu. Những hành động mà trong mắt người thường là “điên khùng” này hoàn toàn không mâu thuẫn với những vụ việc xấu xí mà Vũ Bằng từng kể về Nguyễn Tuân. Thuỷ chung, Nguyễn Tuân trong văn chương hay trong cuộc sống đều hành động theo logic của tình cảm và cảm xúc. Trương Tửu nói ông rất hiểu Nguyễn Tuân, đã có nhiều người viết về Nguyễn Tuân nhưng không ai hiểu Nguyễn Tuân bằng ông. Theo ông, cái kinh khủng ở Nguyễn Tuân là Nguyễn Tuân không bao giờ đi vào tình cảm, tư tưởng, mà chỉ toàn là cảm giác, đi vào cảm giác rất nhỏ mọn trong cuộc đời. Lúc gửi tặng Nguyễn Vỹ cuốn Chiếc lư đồng mắt cua, Nguyễn Tuân đề như sau: “Chúng ta là những con người ta của người ta. Chỉ có giấc mơ là của mình. Phải không Nguyễn Vỹ?”.

Nguyễn Tuân ở rất sát thơ, nhưng Nguyễn Tuân lại không làm thơ. Nguyễn Vỹ rất đúng khi nói Nguyễn Tuân có một tâm hồn thơ mộng, nhưng thơ Nguyễn Tuân, cũng như văn Nguyễn Tuân, lúc nào cũng trầm tĩnh, thu hút người ta, nhưng không gây được cảm xúc mạnh. 
Nhưng thơ thì sao? Nguyễn Huy Thiệp nói, “người làm thơ thường bị coi là hạng phóng dật, thiếu đứng đắn, bê tha. Thơ quá phát triển là dấu hiệu của phong hóa suy đồi và đạo đức xã hội đi xuống chứ chẳng hay phải hay ho báu bở gì”. Điều này thực ra lại rất có quan hệ với việc Barthes phân biệt giữa languestyle trong Le Degré zéro de l'écriture. Ngôn ngữ là trật tự, là ổn định, là cấu trúc, là nguyên tắc. Những người chìm đắm trong thơ sẽ rơi vào một sự mất đi cấu trúc, như trường hợp của Trần Dần hay Thanh Tâm Tuyền. Nguyễn Tuân quay mặt với thơ, không dính dáng chút gì đến Thơ Mới, điều này thực sự rất liên quan đến việc năm 1946 ông đã thành công trong việc chuyển hoá mà chúng ta sẽ nói sau. Mặc dù là một nhà văn của cảm giác và cảm xúc, nhưng lúc nào những gì Nguyễn Tuân viết ra cũng đạt được chuẩn mực về kết cấu và hình thức, khiến cho ông tuy quá trình sáng tác là lãng mạn, nhưng tác phẩm lại là cổ điển.
Điều thứ hai, Nguyễn Tuân là nhà văn cổ điển. Lãng mạn, nhưng lại là cổ điển. Về điểm này, Nhị Linh có nói cần “một số thứ liên quan đến Sainte-Beuve”. Theo những gì tôi tìm hiểu được đến giờ, đó hẳn là tiểu luận Qu'est-ce qu'un classique?, Sainte-Beuve định nghĩa một nhà văn cổ điển như sau:
Một nhà văn cổ điển là một nhà văn đã làm giàu tâm trí con người, gia tăng kho tàng đó, và đưa nó tiến thêm một bước nữa; là người đã khám phá ra những sự thật đứng đắn và đầy xác quyết, hoặc làm hé lộ ra những đam mê bất tận trong tâm hồn mà tưởng chừng đã biết hết và khám phá hết; người đã bày tỏ suy nghĩ, quan sát hoặc ý kiến của mình trong bất kỳ dạng thức nào chỉ để giúp nó rộng lớn và vĩ đại, tinh túy và hữu lý, có nghĩa và đẹp đẽ trong chính nó; người đã nói với toàn bộ phong cách đặc trưng của chính mình, một phong cách riêng tư nhưng cũng chính là của toàn thế giới, một phong cách mới nhưng không xu thời, mới và cũ, luôn luôn đương thời với mọi kỷ nguyên.

Một nhà văn cổ điển trong một lúc nào đó có thể có tính cách mạng; chí ít có vẻ như thế, nhưng thực ra thì không; nó chỉ công kích và lật đổ bất cứ thứ gì ngăn trở sự phục hồi của một cân bằng giữa trật tự và cái đẹp.

(...)

“Nếu ông ấy nhận được sự trong sáng của mỹ cảm, sự đúng mực của ngôn từ, sự đa dạng của biểu cảm, sự cẩn trọng trong việc chọn lựa ngôn từ phù hợp với tư duy, từ các tác phẩm cổ điển của chúng ta, ông nợ chính riêng ông cái cá tính độc nhất mà ông tạo ra cho tất cả". [M. de Rémusat, khi nói về M. Royer-Collard]

(...)

Những nhà văn gần chạm đến mức cổ điển là những nhà văn trung dung, chính xác, hữu lý, tinh tế, luôn luôn tường minh, nhưng có cảm xúc quý phái và có sức mạnh kín đáo.
Chính đây là điểm mà Nguyễn Tuân và Tự Lực văn đoàn khác nhau. Nếu như văn chương Tự Lực văn đoàn để phục vụ xã hội trong một giai đoạn lịch sử (điều này là do Khái Hưng thừa nhận với Hồ Hữu Tường), và do đó nó có tính cách mạng, kiên quyết “theo mới”, bỏ những cái cũ. Thì chính Nguyễn Tuân, chính vì chịu ảnh hưởng rất sâu sắc từ cha mình, cụ tú Hải Văn, và tìm hiểu rất sâu về thơ văn cổ, nên ông không quay lưng với những giá trị cũ trong khi nhiều thanh niên tân học của thời ông thì học đòi người Pháp tới mức mất gốc. Nhưng Nguyễn Tuân cũng không bài Pháp mà ông lại, cũng như nhiều nhà văn khác lúc bấy giờ, yêu thích văn chương Pháp, tư tưởng Pháp, ngôn ngữ Pháp. Ghét mọi sự “Tây Tàu nhố nhăng” của đám đông, nhưng ông dung hoà được những khác biệt của Pháp và An Nam, của tân học và cựu học, để làm nên một vốn kiến thức kiện toàn, hòa hợp. Đến cả như chữ quốc-ngữ, ông chịu ảnh hưởng từ Hoàng Tích Chu, nhưng ông không bê nguyên xi cái lối viết mới một cách “phản động” của Hoàng Tích Chu, mà hình thành nên một cách viết của riêng mình, khác hẳn với Tự Lực văn đoàn hay Hoàng Tích Chu. 
Vang bóng một thời, ở phần dedication có ghi ‘kính tặng Phụ Thân’ của Nguyễn Tuân, ra đời sau khi tờ Ngày Nay đã đình bản, là dấu son đỏ của một thời kỳ phục cổ, mà ở đó Tri TânThanh Nghị thay thế cho tinh thần triệt để quay lưng với cái cũ của Tự Lực văn đoàn.
Một tác phẩm Nguyễn Tuân từng đăng trên tờ Vui sống
Nguyễn Tuân luôn chừng mực trong thể hiện và tinh tế trong nhìn nhận. Về điểm này, Nguyễn Vỹ đã từng nói và chính Trương Chính sau này cũng xác nhận: 
“Trước đây có người muốn cho những ai chưa biết Nguyễn Tuân, hình dung được cuộc đời và văn chương ông, đã đem ông đối chiếu với Lê Văn Trương, cách đó làm nổi rõ được đặc điểm của ông hơn cả. Hai người hoàn toàn trái ngược nhau, từ cử chỉ, điệu bộ, ngôn ngữ, đến lối hành văn và quan điểm nghệ thuật... Lê Văn Trương nói năng thô lỗ, cộc cằn, ồn ào, nóng nảy, đôi lúc ngông nghênh có vẻ "cao bồi". Nguyễn Tuân đàng hoàng, từ tốn, chậm rãi, điềm tĩnh như một chàng thư sinh. Lê Văn Trương khoác lác, ba hoa, biết ít mà làm như biết nhiều. Nguyễn Tuân dè dặt đến mức ngây thơ, biết mà làm như không biết. Đến cách ăn mặc, đi đứng cũng thế. Lê Văn Trương vội vàng, cẩu thả bao nhiêu thì Nguyễn Tuân đủng đỉnh, cẩn thận bấy nhiêu. Từ cái lối thắt caravát, chải tóc, mang đôi giày, đến lúc ra đường, một mình hay chỗ đông người, Nguyễn Tuân lúc nào cũng mực thước. Văn chương cũng thế.

Văn Lê Văn Trương có những đoạn dài như rau muống, lẫn lộn triết lý, luân lý, không đầu không đuôi, đôi khi mâu thuẫn nhau, viết một mạch rồi đưa in, không bao giờ sửa lại. Văn Nguyễn Tuân trái lại thuần thục, điều hòa, mạch lạc, chải chuốt, nhà văn có ý thức về giá trị văn chương của mình. Nguyễn Tuân sửa bản thảo thật kỹ, nhiều trang sửa đi sửa lại ba bốn lần nhưng dù thêm dù bớt như thế nào đi nữa, văn Nguyễn Tuân vẫn giữ y nguyên đặc chất trầm tĩnh của nó. Đọc Nguyễn Tuân, người ta bị lôi cuốn một cách dịu dàng, êm ái, bởi câu chuyện của Nguyễn Tuân kể. 

Đọc Vang bóng một thời và gặp Nguyễn Tuân đôi ba lần, thấy nhận định ấy là đúng!”
Về tích chất vừa mới lại vừa cũ, Trương Tửu đã nhấn mạnh điểm này ở văn chương Nguyễn Tuân: 
“đọc Nguyễn Tuân tưởng như câu văn rất cổ, rất cổ, nhưng đọc kĩ thấy Tây lắm, đó là văn Pháp. Cứ đọc Vang bóng một thời sẽ thấy “cổ” lắm, mà thấy ảnh hưởng của Pháp rất nhiều. Lối phô diễn rất tây. Chỉ hạ một câu:
Chao ôi!

Mà mô tả được hết, rất Tây, đào được tận gốc của cảm giác. Rất thâm thúy.”
Điều này Phan Ngọc cũng xác nhận:
“Người ta sẽ nhắc đến một nhà văn tài hoa, có cái nhìn sắc sảo, một cách hành văn mới mẻ ở đó thể hiện một sự giao thoa (interference) sâu sắc giữa quá khứ với hiện tại, đặc điểm không thể thiếu ở một nhà văn lớn. Nhưng không cách nào xem anh là một nhà văn lớn được, ngay về mặt phong cách. Bởi vì cái gì ở anh cũng nửa vời. Cái nhìn kỹ thuật mới chớm nở ở một vài biểu hiện của văn hóa cổ thì đã rơi tõm vào con đường mỹ hóa sự trụy lạc, con đường chẳng có gì mới mẻ và ngay ở đây cũng chưa bằng một nhà thơ khác.”
Có thể sự “nửa vời” mà Phan Ngọc đề cập là lý do mà Nhị Linh gọi văn chương Nguyễn Tuân là “văn chương của đứt đoạn” chăng?
Nhà văn Nguyễn Tuân và phu nhân
Điều thứ ba, Nguyễn Tuân luôn ở sát sàn sạt những cái xấu xa nhất của con người, ông không để mình “vô nhiễm”, mà chấp nhận tha hoá, nhưng đó lại là khởi sinh của sự từ tâm. Chính đây là lúc tôi nhớ đến một hình ảnh: Nguyễn Tuân khóc. 
Mặc dù trong văn ông, thi thoảng ông cũng bày tỏ sự xúc động. Nhưng người khác nói về việc Nguyễn Tuân khóc, thì đến giờ tôi chỉ mới nghe ba người: Tô Hoài, Nguyễn Đăng Mạnh và con gái ông, hoạ sĩ Thu Giang.
Đầu tiên là Tô Hoài trong Cát bụi chân ai:
"Gió sởn quanh gáy, không ai biết cơn lạnh thít người. Bác Chữ cất chai vào ngăn kéo lại lôi ra hai thanh tre mà mỗi hôm vừa đặt gánh, thằng con trai bác đã đi các phố quanh quanh chõ vào đầu ngõ gõ sực tắc, sực tắc cho mọi người biết cay hạp trúc sực tắc cháo gà đã đến. 

Thanh tre kê xuống mặt đường nhựa, thanh tre sực tắc thành cái phách. "Nhà em xin hầu cán bộ một khổ".

"Hãy còn giăng gió gió giăng
Đừng lo lắng thanh xuân bất tái
Biết rằng ai đã hơn ai..."

Nguyễn Tuân hứng chí cầm cái ống khói bếp gõ ngón tay đánh trống chầu nhịp. Ông xích lô đầu quả gáo tưởng đi ngay, nhưng đã lại đương thiu thiu lúc ấy cũng nhỏm dậy. Mỗi người một tâm sự ở cái ngã sáu đường đời này. Chẳng ai đoái hoài đến Aki ngồi yên, nước mắt lã chã. Aki khóc. Cũng không ai để ý những câu ư ử rên rỉ bát nháo gió giăng của bác hàng cháo. Im lặng một lúc lâu. Nguyễn Tuân vỗ lưng Aki: 

"Mai đã đi rồi, Tokyo đương đợi anh. Tôi hò chúc Aki một bài đường trường từ biệt Hà Nội. Hãy giữ lâu được nỗi nhớ cái đêm đạm bạc này."

"Chiều chiều mượn ngựa ông đô
Mượn kiệu chú lính đưa cô tôi về
Ngựa ô đi đến quán Lau
Ngựa hồng đủng đỉnh đi sau gò Điền"
Nhà văn Nguyễn Tuân và bạn bè, chụp ở nhà Văn Cao.
Không rõ mấy câu ca dao Phú Yên ấy Aki hiểu đến đâu. Tôi thì tôi bồi hồi nhớ xưa kia những khi họp mặt thanh niên hay truyền bá quốc ngữ nghe Trường Đình Thi giọng Bắc lại hò Phú Ơn kể về người đàn ông lặn lội dắt vợ cõng con vượt đèo xa xứ kiếm miếng ăn. Người đứng cất tiếng hò cũng hốc hác não nề như người tha hương kia. Mỗi khi uống và buồn, Nguyễn Tuân thường bắt chước giọng Trường Đình Thi hò Phú Ơn. Có phải những câu hò ngơ ngẩn não lòng trong đêm lạnh giữa những con người đã trải mấy cuộc đời làm rơi nước mắt xuống đường thành phố như dòng sông miên man, nhớ nhà, mà mừng trở về, không còn lệ ai chan chứa biết đi đâu về đâu như khi ở rừng Thượng Yên, mà khóc cũng chẳng vì lẽ gì. Nguyễn Tuân nhìn Aki. Nguyễn Tuân rút khăn tay chấm mắt. Ở câu hò Phú ơn của con người ấy còn ngổn ngang bao nhiêu hơn cái thằng Aki trở về. Làm sao hiểu được những giọt nước mắt kia vì nỗi niềm ai.
Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân và Hoàng Trung Thông
Tiếp theo là Nguyễn Đăng Mạnh trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh:
Ngày xưa, có một lần Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông về Đông Anh cùng với vợ chồng Nguyễn Hồng Phong – Ngọc Trai. Phong quê ở Đông Anh. Đêm ấy họ đi xem một đoàn cải lương Nam Bộ biểu diễn vở gì đó ở bên cạnh thành Cổ Loa.
Nguyễn Tuân nhớ gần đó có làng Quậy – rượu Quậy rất ngon – quê một đào hát ông đã quen rất lâu. Họ bèn đến hỏi thăm thì được biết cô đào ấy đã thắt cổ tự tử rồi vì bị quy là phản động gì đó trong cải cách ruộng đất. Buồn quá! Họ uống rượu, rượu rất ngon, đúng là rượu Quậy. Nguyễn Tuân vừa uống vừa khóc, vừa hát đi hát lại bài hát rất buồn của Đặng Thế Phong: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi…”
Nguyễn Tuân và Bùi Xuân Phái
Cuối cùng là hoạ sĩ Thu Giang nói về cha trong một bài phỏng vấn:
Tôi thường là cầu nối giữa cha và những người bạn văn của ông, nên tôi biết đa phần những người cụ không ưa là người có tính tiểu nhân, trí trá, lừa thầy dối bạn... Ngược lại, cụ đã thương ai thì thương lắm.

Cha tôi rất thương ông Nguyên Hồng, nhưng cứ gặp Nguyên Hồng, cụ lại trêu “cái thằng nhà quê kia…”, nhiều lúc làm ông Nguyên Hồng phát cáu mà gắt lại “tôi là thằng nhà quê đấy!...”. Tính ông Nguyên Hồng rất bộc trực, chân chất tuy đôi lúc hơi thô.

Từ bé, tôi chưa từng thấy cha khóc bao giờ, vậy mà khi ông Nguyên Hồng chết, cha tôi đã khóc thành tiếng rồi lặn lội xuống tận Nhã Nam để viếng.
Cha tôi cũng rất thương ông Phái (họa sĩ Bùi Xuân Phái). Ông Phái lành lắm, ít nói nữa.

Tôi nhớ có lần, ai đó cho cha tôi mấy điếu thuốc ba số năm, cụ giữ lại 3 điếu để hút, còn lại cuộn vào một tờ giấy, viết vài dòng vào đấy rồi buổi sáng, khi tôi đi làm bảo tôi ghé vào đưa cho ông Phái. Đến buổi chiều khi đi làm về, ông Phái lại viết gì đó vào một mẩu giấy nhỏ bảo tôi mang về cho cha. Tình bạn của cha tôi với ông Phái cứ lặng lặng như vậy nhưng lâu bền và sâu sắc lắm.
Cả ba trường hợp trên đều cho thấy Nguyễn Tuân không “ngông” như cái chữ mà người ta thường gán cho ông. Nguyễn Tuân thực ra là một người rất giàu tình cảm. Đến cả như giải tù nhân Mỹ qua đường phố Hà Nội, thấy trẻ con ném đá vào lính Mỹ, Nguyễn Tuân cũng la bọn trẻ (đấy là Bảo Ninh kể cho Nhị Linh). Nguyễn Tuân là một người như thế. 
Tôi vẫn nhớ trong bút ký Bác Nguyễn, Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng tự ví mình như Kiều Phong đi gặp “văn gia lão trượng”. So sánh đó làm tôi rất thích thú, vì không hiểu sao, mỗi khi mường tượng ra hình ảnh Nguyễn Tuân, tôi luôn thấy ông giống như một kiểu võ lâm ngũ bá, có cái hào sảng, hài hước, ưa đùa bỡn, thích ăn ngon, kể chuyện hay, biết rất nhiều, giống như Hồng Thất Công, nhưng mà ông lại có cái sự ngang và kênh kiệu giống như Hoàng Dược Sư. Và đặc điểm chung của cả hai ông này là đều già. Nhị Linh nói, giữa những người già, mình cảm thấy an tâm. Tôi cũng nghĩ là Hoàng Dung và Quách Tĩnh sẽ an tâm khi ở với Hồng Thất Công.
Nguyễn Tuân đóng phim Chị Dậu, vai chánh tổng
Nguyễn Tuân là một “ca” vô cùng đặc biệt của văn học ở chỗ, chính ông đã có một sự chuyển hoá từ chỗ hoài nghi đến đức tin với cuộc sống mới. Và cả văn chương lẫn hành trạng Nguyễn Tuân đều phản ánh lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20.
Nếu như năm 1946 là cái năm chuyển đổi thực sự từ thời bình sang thời chiến. Thì cũng chính trong năm đó, kiệt tác Chùa Đàn ra đời. Chùa Đàn, ở trung tâm của nó, là cái chết của Bá Nhỡ trong sự hoà làm một với chiếc đàn đáy của ông Chánh Thú, để hồi sinh lại vị chủ ấp trẻ tuổi Lãnh Út. Và toàn bộ những khát khao được giết chính mình đi, huỷ hoại cái tôi cũ đi để cho một con người mới được ra đời tập trung hết ở đây trong Chùa Đàn. Nguyễn Tuân nói là mình viết một mạch không ăn không nghỉ tập truyện này ở nhà bà Chu Thị Năm. Và rất có thể đó là những ngày mà Nguyễn Tuân phải tự tay đốt hết tửu phần trong lòng mình để chim muông hoa lá say sưa một trận trước khi đổi đời. Chùa Đàn là dấu mốc chuyển biến của Nguyễn Tuân, vì sau đó, Nguyễn Tuân đã có trong mình những điều khác với Nguyễn Tuân trước 1946. 
Nếu một trong những tiêu chí để nhìn nhận một văn chương là cổ điển là nó được kế thừa, và xem như mẫu mực thì Nguyễn Tuân hoàn toàn đạt được điều đó, bởi cả một thế hệ sau này những Phan Ngọc, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Trúc Chi đều là học trò của Nguyễn Tuân. Và nếu có một cái truyền thống của những người không ngừng đọc lại những nhà văn cũ, để kiến tạo lại “ngôi đền” của văn chương cổ điển như lời của Sainte-Beuve, thì chính tôi xin được góp một đôi dòng những mong sẽ tìm thấy một tri âm cùng dựng nên ngôi đền đó.
06.04.21