Hôm nay là ngày thứ 183 Già mở Walden đọc.
Cuốn sách quả là kỳ quặc, thay vì lật giở xoành xoạch, ngốn lấy tri thức hấp dẫn thì nó bắt Gã thở mệt nhọc trước những cú hù dọa và những cuộc chỉ điểm, đọc sách mà cứ như đang tắm rừng*.
Chỉ trong tích tắc, Già cảm thấy mình choàng thức tỉnh khỏi hành trình sống mơ hồ này, hơn bất cứ điều gì, Già nhận thức được cách Già đang tồn tại. Đã là đầu tháng Mười tròn vành vạnh, Già sắp thành ... một gã ngót nghét 20.Đừng vội cười bởi cái nghịch lý trên! Nhìn mà xem thời này có mấy ai được sống đúng tuổi.
"Sống hay vất vưởng trên địa cầu?"
Những khoảnh khắc sực tỉnh này chắc mẩm sẽ vội tháo chạy ngay thôi, tan biến như chưa từng có cuộc lặn lội từ miền diệu vợi nào đấy vào trong ý thức của tôi. Sớm thôi, cơn ngắt sẽ yểm lên tứ chi, khiến mi mắt lảo đảo rồi đẩy Già sang một cánh cửa khác của hiện thực - "ngủ", nói súc tích cho những kẻ lười nhác tô vẽ và đã ngừng cảm thán từ lâu trước những điều kỳ lạ vì cho rằng họ thông hiểu tất tần tật, hoặc đời sống đã khiến họ ngả mũ vì kiệt quệ.
Quay lại với cú hù dọa ban nãy (mướt rượt mồ hôi), Già không dám chắc mình đã từng hứng trọn những cú tát đến váng đầu như vậy, hết tốc lực đuổi theo cái đuôi ngoắt ngoéo của chúng để hỏi cho ra nhẽ về cách sống sao cho đúng. Không có gì, những cuộc viếng thăm ngẫu hứng, đơn thuần, dửng dưng để mặc tôi đoán già đoán non Già đây đã sống "sai" như thế nào.
Già biết, là con người, ít nhiều chúng ta đều lụy vài thứ cám dỗ, vài thứ đáng nhẽ không bao giờ nên dây dưa, và rằng có hàng tá thứ phải hốt vào cái túi có hạn của mình để chờ đợi ngày lọc ra thứ mình thực lòng sống vì nó, mang suốt bên dạ, trân quý nâng niu và tự hào khi xuống ba tấc đất, nhưng có nghĩa lý gì nếu những ý thức về sự sống chỉ khiến Già chột dạ và lo toan thêm trong khi chúng vẫn chứng nào tật nấy, cười ha hả rồi nuốt chửng câu trả lời.
Suốt nhiều năm,
Già rình rập cảm xúc và lý trí sau khi chúng rời đi và thấy rằng, nhờ có chúng mà óc Già cũng được mài bén hơn. Câu trả lời phải đủ nắng đủ giông mới lật giở từng trang trong nếp não chi chít của Già rằng:
"Chúng ta thay đổi hàng ngày, bị giết hàng đêm, tái sinh với những đặc điểm có thể giống nhau nhưng cốt lõi nhanh chóng trở nên đơn giản hơn hoặc phức tạp hơn bằng cách đạt được kinh nghiệm hoặc mất đi ký ức, dù bằng cách nào, chúng ta không bao giờ giống nhau ở giây cuối cùng.
Tất cả chúng ta đặc biệt đến mức nào, riêng lẻ từ bất cứ thứ gì trong vũ trụ này vì chúng ta được sinh ra là duy nhất, không bao giờ là người thứ hai hoặc có khả năng giống như chúng ta. Trong toàn bộ lịch sử và những nơi vẫn chưa biết bắt đầu và kết thúc, chỉ có một chúng ta, mãi mãi, vào thời điểm này chính xác trong toàn bộ dòng thời gian và chỉ có tính cách, nguồn gốc, đặc điểm, quyết định và cách tồn tại, duy nhất.
Con người thích phân loại mọi thứ để ghi nhớ và gọi tên mọi thứ một cách dễ dàng và không loại trừ bản thân. Dù vậy, nếu Già biết tự tát mình đúng giờ và dụi mắt để nhìn rõ hơn thì chẳng ai giống chúng ta cả, kể cả những cặp song sinh. Song hành với điều này lại có một nghịch lý khác khi giãn tầm nhìn Già ra, sự tí hon từ dăm ba thay đổi mà ta đã cặm cụi lựa chọn để dệt nên dòng chảy thời gian này khiến tất cả vấn đề trở nên vụn vặt hơn nhiều, gần như biến mất nếu ta bỏ lửng không ghi chú lại trên đá, giấy hoặc thông qua giao tiếp.
Vậy nên, nếu sống thì cứ sống. Miễn là còn chột dạ thì chuyện hẵng còn dài."
Lý do duy nhất mà cái chết khó làm Già kinh hoàng là vì Già tham gia vào cuộc trò chuyện của nó hơn với cuộc sống rất nhiều, để nghe những sự thật thì thầm bất tận rằng chúng ta sẽ mãi mãi cô đơn như vậy, từ đầu chí cuối.
Nhưng có hú họa những bận đâm hoảng, Già thậm chí vô phương bình thường hóa cái đang sống là mình. Viễn cảnh Già nằm rạp xuống, mục ruỗng bên dưới đáy đất, dưới đáy của vùng đất màu nâu và xanh rộng lớn, bón phân cho rừng hoặc phân tán dưới dạng bụi giữa những đợt sóng hoặc để lửa thiêu rụi sự tồn tại này.
"Cuộc sống là một phép thuật, ta có thể bị yểm bùa và chỉ có cái chết mới có thể phá vỡ nó, sau rốt, phép màu cũng biến mất." - chúng choàng lấy Già, "Có hề hấn gì nếu chúng ta không thể nhớ đến những gương mặt, những đối thoại cuối cùng hồi ta đương tồn tại, dẫu sao đó đã từng là những điều kỳ diệu hiếm gặp trên đời vì là của riêng ta. Để trở thành một con người và có năng khiếu về tầm nhìn, suy nghĩ, ký ức, kiến ​​thức, thực sự hít vào và thở ra vào giây phút đặc biệt này chứ không phải bất kỳ thứ gì khác, đó là điều đáng lưu tâm hơn cả, đến chừng ta chẳng thiết gì nữa mà buộc rời khỏi địa cầu."
Già không thể phân biệt đó là một món quà hay một hình phạt, giống như việc Già gặp vấn đề có thể khiến Già trở nên chín mùi đời hơn, nó đồng thời kéo theo nhiều rắc rối hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Già đã lắng nghe những lời này nhiều năm, nhưng phải trả nhường nào thời gian để hiểu và an tâm tin vào chúng?
"!", suýt nữa thì đâm sầm vào bóng đen cao lớn đâm sực lên nền trời buông đỏ trước mắt. Rả rít là tiếng chim về tổ phóng vào đất dày. Gã đã ở đây vào kiếp nào chưa nhỉ, hay là chưa? Lời vàng ngọc mà ông Henry dắt Gã đi biết đâu đã được in vào đầu Gã từ dạo kiếp trước, do chưa thuộc lòng nên trời chưa cho Gã đỗ? Nghĩ đến đây thì lại hết mất giờ đọc và hai con ngươi réo giờ nghỉ ngơi.
Thôi hết rồi, chuyện cho tối nay nhân đôi tay còn sức nhảy múa trong nỗi buồn ghi chép. Gã gấp sách, thầm nhủ có được bấy nhiêu người đang say sưa với Walden hay bất kể lời hay ý đẹp nào. Dù là ai thì Gã vẫn mong họ biết mình đang sống thay vì lay lất qua ngày.
Chúc chúng ta cùng ngủ yên tròn đêm dài nay.
Chúc cả cánh rừng chờ Gã khám phá vào lần giở sách tới ngủ êm ru trên thềm đất tròn vành vạnh.
---
*Tắm rừng - Shinrin-yoku (森林浴): thuật ngữ ra đời và phổ biến vào năm 1982 khi Bộ Nông nghiệp Nhật Bản khuyến khích người dân đẵm mình trong sự xanh mát của cây rừng và cải thiện đời sống sức khỏe và tinh thần.
Ảnh: Chân dung tác giả Henry David Thoreau của "Walden" và bức “Tropical Landscape: American Indian Struggling with a Gorilla” (1910) của Henri Rousseau.