"Gió mùa Đông sang đâu đợi chờ Thu cắt ngang bờ giới hạn, lòng chân thật đâu cần thêm năm tháng, đâu chịu xếp hàng trước biên giới thời gian? Lòng đã rực hồng như nắng rạng đông, ý hồn nhiên xua đuổi những chiều buồn, sự rung động đẩy lùi tâm vắng lặng.."
Nay tâm trạng khá vui vẻ muốn giới thiệu cuốn truyện tình cờ rơi vào tay mình, số trang không dày hơn nhưng hay hơn cả "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán.
Chưa bao giờ muốn viết về một quyển nào vì thấy 'Cảm nhận cá nhân, không cần thiết'. Nhưng vì "những chàng trai kiêu hùng mã thượng", "những cô gái xinh đẹp, mộng mơ" của Quân Khu Nam Đồng đất Thủ Đô ngày ấy, khiến mình có lúc bật cười thành tiếng rất to lại có lúc bùi ngùi chùng lòng, đến mức dở dở khùng khùng vừa đội mũ lưỡi trai vừa đọc ngoài ban công đến tận trang cuối (vì hào quang bộ đội và hào quang cả một khu tập thể con nhà quân đội quá oai quá chói)
Quân Khu Nam Đồng <3
Nếu có thể đưa một vài đoạn nào đó của Quân Khu Nam Đồng vào sách giáo khoa văn cấp 2 thôi thì tại sao không làm thế luôn? Vì mình thấy truyện như thể bóc từng lớp áo kỉ niệm tuổi thơ cấp 2 của mấy đứa vậy: như những lá thư tình chuyển tay trong hộc bàn, những trận đánh nhau xưng hùng xưng bá, những trò bắt nạt, học sinh cá biệt, học sinh ngoan, những buổi chào cờ sáng thứ 2, việc hát Quốc ca Đội ca, chuyện làm báo tường, những huyền thoại về giáo viên chủ nhiệm, hạnh kiểm Đoàn, kiểm tra miệng, những trò trêu chọc hỗn láo với thầy cô giáo… Tất cả những điền đó khiến mình muốn nói rằng “Làm ơn, làm ơn hãy nhấc quyển này ra khỏi kệ sách và mua nó đi”, sẽ không bao giờ hối tiếc đâu, cả đoạn tuổi thơ sẽ tràn về trình chiếu mồn một trước con mắt, chân thật nhất, bình dị nhất, trẻ trâu khờ dại nhất và chẳng ý tứ mẹ gì cả. Vì tác giả của Quân Khu Nam Đồng, không phải chỉ một người và không phải chuyên nghiệp như nhà văn.
Mình nói sách này hay quyển của Phùng Quán là vì sao? Vì thấy nó không dừng lại ở một “Tuổi thơ dữ dội” của lũ trẻ Quân Khu Nam Đồng mà còn “Trưởng thành dữ dội” nữa cơ, trời ơi. Như cái cách người biên soạn quyển này viết đại loại “Năm tháng mấy đứa dần xa nhau, đứa dày dạn trong quân ngũ, đứa trưởng thành trong tù…” . Mà bạn biết rồi đấy, riêng chuyện “Những chàng trai bồng bột trẻ dại, vốn hiền lành, tự trọng, thân cô thế cô” vì số phận xô đẩy vào tù, từ lúc bị nạt nộ đến lúc trở thành đại ca manh trá đã đủ chuyện để viết được một cuốn sách dày rồi. Nhưng "Quân Khu Nam Đông" chỉ khéo léo đưa một chút chi tiết vào đã đủ hay, không khác gì những chi tiết kinh điển thời mình đọc “Tuổi thơ dữ dội” là mấy. Không chỉ về dăm ba chuyện thanh niên trưởng thành trong tù, cái hay hơn của truyện này nữa là lột tả gần gũi đến phát khóc phát cười về một góc đời lính, về thanh niên xung phong, về tình yêu của các đôi trai gái trẻ thời chiến, nhưng lại cận hòa bình. Đó là những người đứa trẻ con nhà Tướng, nhà Tá, con Sỹ quan Quân đội mà bỏ học giữa chừng hoặc từ chối bước vào đại học, từ chối đi nước ngoài, từ chối trở thành nhà văn, nhà kinh tế chỉ để can đảm oai hùng “Sợ không nhập ngũ ngay là không còn giặc để đánh”..
Hết kể chuyện thời chiến rồi đến thời bình, thời khôi phục kinh tế, thời trọng thương lái hơn quân nhân, thời những đứa trẻ Quân Khu Nam Đồng xưa kia đều khôn lớn hết cả và lập gia đình, tản đi khắp mọi miền và không còn trở lại nơi hồi thơ bé sống. Khung cảnh về những khu nhà tập thể Nam Đồng trở thành ký ức đẹp đẽ đáng giá nhất. Khi gặp lại sau bốn chục năm, những đứa trẻ khu Nam Đồng xưa kể lại câu chuyện dài bằng 8 vạn 6 ngàn 4 trăm lần thời lượng của một cuộc hội ngộ, họp lớp. Có những chàng trai cô gái, người bạn, cả người yêu ngày ấy đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường, không lớn tuổi lên được nữa, không trở về nữa. Nhưng có lẽ họ vẫn mãi nằm trong trái tim tâm trí của những còn ở lại, đến bây giờ.. Mình chỉ muốn nói rằng, quyển sách này - QUÂN KHU NAM ĐỒNG đúng hệt như chuyện của thế hệ của Ông, của Bố thế hệ mình, nếu có cơ hội đọc nó một lần, thì sẽ hiểu vì sao Ông hay cha chúng ta lại tự hào hay hạnh phúc say mê đến vậy mỗi khi kể về những ngày xưa ấy, sẽ hiểu vì sao mà những người trở về sau chiến tranh luôn luôn mang trong mình những đoạn ký ức sâu thẳm không bao giờ nhạt phai nổi, đó là những nảy nở và giữ gìn thật đẹp của chân tình sống chết có nhau, tình bạn, tình yêu, tình chiến hữu, đồng đội, cũng có thể là những mất mát quá lớn lao không cách nào lấp đầy sự trống trải kể cả qua tháng năm, sẽ hiểu vì sao những người thương binh muốn phải được nhắc tới với cụm từ hào hùng oanh liệt ‘tàn nhưng không phế’, cũng hiểu vì sao nhiều người nhà lính sau chiến tranh bất mãn với chế độ, với kinh tế nước nhà..
Quyển sách này chẳng thiếu điều một điều đáng chiêm nghiệm hay đáng yêu gì, từ những triết lý rút ra từ đời thường bụi bặm đến những trò tỏ tình, kinh nghiệm tán tỉnh và yêu đương được cho là vớ vẩn của bọn cấp 2 – cấp 3 đến tình yêu đời lính mà có khi cụ già bây giờ ngẫm chắc chắn vẫn luôn cảm thấy tấm tắc “Đúng quá, là mình hồi đấy đây mà”. Giới thiệu đến đây thôi, hãy mua sách và đọc bạn nhé, hay không dừng lại được đâu, có một bài thơ vui mình rất thích trong truyện về tình yêu anh lính kiểu là:
“Xin hãy xê ra, thiếu nữ ơi
Xuân xanh nồng đậm thiếu chi người
Thân tôi chiến sĩ, cô đơn lắm
Tim rắn, nguồn thương cạn mất rồi”
Yêu.