Một buổi cafe ở mấy góc quán trong những ngày giãn cách xã hội là điều không tưởng. Vậy còn một buổi digital cafe nói chuyện qua Google Meet thì sao nhỉ?
Sau 2 đợt digital detox (thanh lọc mạng xã hội), và 1 tuần ngừng sử dụng Facebook, cuộc sống cá nhân và công việc của tôi vẫn chảy trôi tốt đẹp. Không thể ra ngoài, nên tôi quyết định cho tâm trí được chu du trong những cuộc trò chuyện, nơi mà tôi gọi là một buổi digital cafe qua Google Meet. Cuộc nói chuyện diễn ra theo mô hình 1-1, nghĩa là chỉ có Thy và một nhân vật cùng ngồi với nhau.
* Lịch trò chuyện cố định hằng ngày: từ 20h00 - 21h30 (Mình cũng có vài cuộc trò chuyện từ 8h00 - 9h30 vì lệch múi giờ hoặc trùng lịch tối, hoặc mọi người bận tối). * Link Google Meet cố định: https://meet.google.com/dkt-mbqa-frk
* Code: dkt-mbqa-frk
<i>Bạn có chuyện muốn kể, mình nhất định lắng nghe &lt;3</i>
Bạn có chuyện muốn kể, mình nhất định lắng nghe <3

Lý do tôi bắt đầu những buổi digital cafe qua Google Meet

Thật ra lúc quyết định làm ra cuộc trò chuyện kiểu này, tôi không hề có kịch bản gì (một điều thật kỳ lạ với một người thích chi tiết và chuẩn bị như mình). Mải miết làm việc kế hoạch trong suốt bao lâu nay khiến tôi quên mất mình cũng có thể một lần trật ra khỏi đường rây để đi theo trái tim lẫn cảm xúc bất chợt của mình. À thì ra cái cảm giác làm việc không có kế hoạch cũng rất hay ho, ít nhất là nó giúp tôi thoải mái trong những ngày nhìn đâu cũng cần giải pháp.
Còn chuyện trò thì liên quan gì đến cafe? - Chắc tại liên quan tới câu ”Rảnh thì đi cafe nha”. Đây là câu nói quốc dân mà mọi người đều sử dụng làm cái cớ mỗi khi muốn gặp và nói chuyện với ai đó. Trong bối cảnh giãn cách xã hội thế này, một buổi cafe ở mấy góc quán là điều không tưởng. Nên tôi nảy ra ý nghĩ sẽ pha 1 li cafe, và ngồi trò chuyện 1-1 với một nhân vật trong 90 phút mỗi ngày. Từ lúc bắt đầu rủ rê đến nay, tôi đã có 6 buổi digital cafe và lịch mà mọi người hẹn cũng kéo đến tuần sau. Điều đó chứng tỏ rằng bạn bè quanh tôi cũng có nhu cầu trò chuyện, được lắng nghe và kết nối để bớt cảm giác bí bách trong 4 bức tường.
Cuộc hẹn này vẫn đang diễn ra (Thy gửi kèm lịch để mọi người tiện hẹn với mình nhé). Tôi sẽ cố gắng duy trì digital cafe hậu giãn cách, song song với những cuộc hẹn cafe ở một góc quán nào đó sau khi Sài Gòn thật sự bình ổn. Dù chúng ta đã từng gặp nhau hay là người xa lạ, combo 'cafe - chuyện trò sâu - tích cực' chắn chắn sẽ kết nối tất cả những người tìm thấy ở nhau những điểm chung nhất định.
<i>Thy vừa cập nhật lại lịch trò chuyện (lúc 22h00 ngày 14/08) ạ</i>
Thy vừa cập nhật lại lịch trò chuyện (lúc 22h00 ngày 14/08) ạ
Sau mỗi buổi trò chuyện, tôi sẽ viết lại những câu chuyện đặc sắc nhất dưới dạng một tập #Coffeeshare trên Blog cá nhân, fanpage. Và hôm nay tôi sẽ cập nhật series #Coffeeshare đầu tiên của mình trên Spiderum để chia sẻ những câu chuyện thú vị cùng mọi người. Tôi hy vọng rằng, không chỉ cá nhân tôi, mà những người đã ghé qua chia sẻ cùng tôi đều được lan tỏa những điều tích cực. Cảm giác đó giống như tiêm một liều dopamine hạnh phúc để có thể lạc quan hơn, tin tưởng hơn vào những điều tốt đẹp xung quanh mình.
Đại dịch đã mang chúng ta về nhà nhiều hơn bao giờ hết, đồng thời ta cũng có cơ hội để đi vào bên trong để lắng nghe xem mình muốn gì, tự hỏi rằng bình yên nào dành riêng cho trái tim bé nhỏ ấy. Trò chuyện sâu thật sự có thể giúp chữa lành tâm trí, và mở ra những câu chuyện tác động tích cực. Trò chuyện là cách chúng ta nhìn lại những những sự việc đã đặt những dấu chân lên đời mình, nêu quan điểm, và có thể chỉ đơn thuần là cảm giác được ai đó lắng nghe. Bên cạnh đó, việc nói ra những điều tử tế và những ước mơ tốt đẹp với người khác sẽ giúp bạn thu về những kết quả bất ngờ. Đó có thể là cơ hội được giúp đỡ, cơ hội kết nối nguồn lực, có thêm người bạn đồng hành,... Và bản thân tôi cũng trở thành một người lắng nghe hạnh phúc với tất cả những kiến thức mới và trải nghiệm hay ho mà mọi người đã kể với mình.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến lần tẩu thoát (digital detox) lần 2 này

Tâm sự một chút về vấn đề của bản thân (mà tôi nghĩ thứ cảm giác này đang lẩn quẩn đâu đó trong đầu mọi người): cảm giác bất lực, trống trải, tiêu cực và căng thẳng trong một thời gian dài.
Một tháng nay, sau khi tạm gác lại toàn bộ công việc, những dự án cá nhân để bắt đầu công việc của một người làm công tác cộng đồng cũng là lúc tôi tận lực nhận diện rõ hiện thực cuộc chiến dịch bệnh này tàn khốc đến thế nào. Ban ngày tôi cùng đoàn từ thiện phát quà cho các khu cách li ở địa phương, về nhà thì tôi ngồi laptop suốt để điều phối và kết nối nguồn lực hỗ trợ lương thực cho bếp từ thiện, kêu gọi quyên góp quỹ hỗ trợ sinh viên kẹt lại Sài Gòn, song song với việc vận động hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn mà tôi tiếp nhận tin tức. Liên tục lao đầu vào công việc, tôi bắt đầu mãnh liệt cảm thấy sức khỏe thể chất mình không ổn, xuất hiện việc mất ngủ và biếng ăn trầm trọng. Cũng may là giai đoạn này mọi người luôn ủng hộ, giúp đỡ và hỏi thăm sức khỏe, nên năng lượng tích cực và tình yêu thương trong tôi luôn ở mức rất cao.
Nhưng chỉ có năng lượng tích cực thôi là chưa đủ, nhất là khi tôi phát hiện ra có một số việc nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình. Tâm trạng tôi đi vào một con hẻm tăm tối vô cùng tồi tệ, sức khỏe tinh thần gần như chạm vào âm điểm với liên tiếp những việc tiêu cực xảy ra.
Có một hôm, sắp đến giờ giới nghiêm mà tôi vẫn không thể tìm được bên chở hàng nhận vận chuyển mấy trăm ký rau củ đến bếp từ thiện. Nghĩ tới mớ rau củ bị kẹt lại, nghĩ tới những sinh viên đang đếm từng ngày để nhận nó, nghĩ tới đội ngũ tuyến đầu đang thiếu hụt lương thực, nghĩ đến những gì mọi người cố gắng, tôi đã bất lực gần như bật khóc. Tôi tự hỏi: cuối cùng thì cơn đại dịch này sẽ tàn phá và bào mòn chúng ta bao lâu nữa?. Cũng trong ngày đó, đọc đến tin của một người bạn nói bà đang yếu lắm rồi, không tìm được xe cấp cứu, không có bệnh viện nhận vì đang quá tải. Lúc này thời gian đứng lại, kéo giãn những hy vọng cuối cùng của bà, còn mọi người, chỉ có thể chờ đợi lưỡi hái của tử thần vụt tới. Sự mất mát thật sự rất gần, rất chân thật, không phải qua hình ảnh, qua báo đài hay những câu chuyện, mà nó là thực tế, là thứ xảy ra với người gần ta.
Khi mà mỗi ngày người nhắn tin cần hỗ trợ rất nhiều nhưng tôi càng phát hiện ra mình không thể vẹn toàn, đó là lúc tôi thấy mình bất lực, nhiều cảm xúc kỳ lạ xâm lấn tôi. Những người xung quanh tôi cũng cạn kiệt tinh thần, kinh tế bị bào mòn,...theo những cách dần dần, từ từ. Càng ngày những nỗi sợ bệnh tật kéo gần đến bạn bè tôi, người thân của bạn bè của tôi. Trong số đó, có người đang là là F0, và số khác lại không may qua đời. Mới sáng còn thấy nhau cười nói, buổi chiều đã trở thành người của hai thế giới. Những nỗi đau ám thị, dai dẳng, và triền miên, nó tác động làm tôi thấy kiệt cùng và bất lực. Cảm xúc khó tả ấy trong tôi cứ vơi, rồi lại đầy, rồi lại vơi, như một vòng lẩn quẩn không hồi kết.
Dù con người lý tính trong tôi hiểu rất rõ, tôi đã cố gắng hết sức, tôi không hề có lỗi, việc đó ngoài khả năng của mình,..Nhưng một tiếng nói cảm tính khác lại kêu gào và trì tôi xuống với rất nhiều đau khổ của người thân, bạn bè xung quanh, và những người đã kết nối với tôi. Nhiều anh chị bạn bè báo tin không thể tìm được shipper, nhiều phần lương thực hỗ trợ phải hòa hoãn, rau củ gần như hư hết,...những thanh âm nghẹn ngào đủ sức làm tôi rơi vào tuyệt vọng. Tôi nhận ra mình đang trải qua cảm giác tự bao lấy những gánh nặng và nỗi đau của người khác. Và để có tinh thần tiếp tục những công việc hỗ trợ, tôi nghĩ mình phải tự tìm cách cứu mình trước khi muốn cứu ai đó.
Chính vì thế, tôi quyết định sẽ bàn giao lại một số việc hỗ trợ cho những người bạn trong nhóm tình nguyện, đặt lại lịch hẹn với khách hàng và không dùng Facebook trong một thời gian. Tôi phải thực hiện một cuộc tẩu thoát (digital detox) mạng xã hội một cách hiệu quả hơn - nơi đang hỗn loạn bởi quá nhiều thông tin tiêu cực mà dù cho tôi có lọc cách mấy cũng không thể làm chúng tan biến đi trong một sớm một chiều.
Lòng tin của tôi vào những điều tốt đẹp, sự tử tế, và nỗ lực mãnh liệt của những người xung quanh góp vào trận chiến này chưa bao giờ vơi đi. Vấn đề duy nhất là tôi phải dành đủ thời gian cho bản thân, luyện cho tâm trí mình bình lặng, và biến nó thành một cái máy lọc, tự cứu lấy chính mình khỏi những bí bách trong giai đoạn khó khăn này. Rồi sau đó tôi mới có thể trở lại không gian mạng này với một tâm thế khác. Trong những ngày Detox, ngoài việc bỏ bớt những thứ nặng nề, tôi cố gắng mang những thứ mình ấp ủ trở thành hiện thực, trong đó bao gồm dự án cá nhân mang tên #Coffeeshare ở hai phiên bàn trò chuyện digital cafe qua Google Meet và phiên bản series bài viết về các nhân vật có những câu chuyện nổi bật.
<i>Hình ảnh cho câu chuyện đầu tiên của series #Coffeeshare</i>
Hình ảnh cho câu chuyện đầu tiên của series #Coffeeshare