Một ngày lướt Facebook, tôi bắt gặp ba bốn bài đăng về thất bại, nào là dám thất bại, nỗi sợ thất bại, thất bại phải làm sao... Trong thế giới này thất bại trở thành thứ tiêu cực mà con người bắt buộc phải nếm qua để có thể trưởng thành. Nhưng ẩn trong đó là vô vàn rủi ro. Một trong số đó là sự tự ti và đánh mất niềm tin vào chính bản thân mình.
Tôi có sợ thất bại không? Có
Tôi rất sợ thất bại, có lẽ tôi sợ việc thất bại trong việc chống lại cảm giác bị thất bại thì đúng hơn. Trong xã hội đề cao việc phát triển bản thân thì việc không vượt qua và rút được bài học cho chính mình mới chính là điều làm mọi người thất vọng. Thất bại ư? Không sao, chỉ cần bạn có thể đứng dậy và tiếp tục đi. Đó là lời khuyên cho tất cả chúng ta. Và nếu tôi không thể đứng dậy thì sao? Sự thật là tôi đã không thể vượt qua nó. Tôi đã từng kì vọng rất nhiều về bản thân, tôi chạy theo những kì vọng của loài người về những kĩ năng như giao tiếp tốt, lãnh đạo, thể hiện bản thân... Mỗi lần không thành công, là một lần buồn bã, lại cố an ủi bản thân, rồi lại thử lại, rồi lại không thành. Cái vòng lặp luẩn quẩn đó đã xảy ra với tôi rất lâu rồi. Tôi cũng chẳng màng đến việc tôi đã thất bại bao nhiêu lần. Nhưng thứ tôi không ngờ đến là chính bản thân mình đã đánh mất niềm tin vào chính mình từ bao giờ, tôi đã dần dần trở nên rụt rè, ngại ngùng, và luôn nghĩ rằng mình không đủ giỏi giao tiếp hay bất kì kĩ năng nào khác. Nghe thật nực cười, không phải tôi đang cố gắng để cải thiện những kĩ năng đó hay sao, sao nó lại trở nên tệ hại hơn như vậy. Câu trả lời hiện tại của tôi là, xã hội ngày nay đã bơm vào chúng ta quá nhiều ảo vọng về chính bản thân mình, không phải ai cũng có khả năng về giao lưu hay nói chuyện dí dỏm,... Như việc không phải ai cũng là một họa sĩ tài ba, một ca sĩ chuyên nghiệp, hay một nhà chính trị gia xuất chúng. Vậy mà chúng ta đang dần khiến những thứ này trở thành chuyện tầm thường, cứ như thể một đứa trẻ cũng có thể làm được. Điều đó làm cho không ít người bối rối thậm chí trầm cảm vì bản thân mình không thể đạt được điều đó.
Tôi không ý là chúng ta không nên cố gắng vì những thứ đó nữa. Nhưng mọi thứ đều cần quá trình, đặc biệt là những kĩ năng- thứ liên quan đến bản chất của con người. Dục tốc bất đạt, giang sơn dễ đổi bản tính khó dời, chúng ta phải hiểu đó là một cuộc chiến trường kì thay vì một hai ngày. Sự nóng vội chỉ làm ta tưởng rằng mình không hợp với cái đó, rồi một là bỏ cuộc hai là tiếp tục cố gắng trong khi bản thân chẳng còn chút niềm tin nào. Ta đổ lỗi rằng ta không hợp với thứ đó, phong thủy không tốt, mình không có năng khiều, điều kiện không cho phép... có hàng vạn hàng ngàn lí do, miễn là ta chịu nghĩ ra chúng. Nhưng không may, chúng ta chẳng bao giờ tự lừa được bản thân mình, chuyện như thế nào thì nó vẫn ở đó, dăm ba lời đổ lỗi rồi tự an ủi cũng chẳng giúp được gì. Thế là chúng ta bất mãn với chính bản thân. Bởi vậy việc hiểu rằng sự thay đổi cần nhiều thời gian là điều thiết yếu.
Khi đã mất tự tin về chính mình, thật khó để dứt ra khỏi nó. Vì chính chúng ta bước vào cuộc chiến đó, mà con người lại là loài sinh vật hiếu chiến nhất hành tinh, "không say không về", quyết "khô máu" thì thôi. Chính vì suy nghĩ đó, chúng ta mãi mắc kẹt trong một hoàn cảnh chẳng mấy thoải mái cho chính mình. Cách duy nhất là buông bỏ. Hai chữ buông bỏ nghe thì dễ nhưng lại khó vô cùng. Buông bỏ? Không phải nói là bỏ hết. Bỏ cái gì? Bỏ lúc nào? Bỏ như thế nào? Câu trả lời nằm trong chính bản thân tôi, không ai có thể trả lời thay tôi.
Vì thế đừng đối xử tệ với bản thân nữa. Vì sau tất cả chỉ có nó ở lại với bạn thôi. Thất bại nào rồi cũng qua chỉ cần bạn và bản thân bạn còn đó. Cùng lắm mình đi bán vé số qua ngày, thế là vẫn đang tồn tại, vẫn có thể cười và khóc trước cuộc đời.