Tôi say mê cái khám phá rằng chúng ta là những cá thể điên rồ và mơ mộng, say mê cái khám phá rằng nếu có thể giải phóng năng lượng nổi loạn trong mình theo một chiều hướng tích cực, thì chúng ta sẽ không ngờ được những điều mà bản thân có thể thực hiện.
Hồi tôi học cấp hai, tôi học ở một trường trung học cơ sở bình thường, tôi còn thấy may hú vía vì bạn cấp ba từng nghe tên trường mình. Cô giáo tôi rất xuýt xoa khen học sinh trường Chuyên là vừa học giỏi vừa chơi giỏi (sau này học Chuyên thì tôi cũng không thấy thế lắm :)) hay tôi là ngoại lệ chăng?). Hồi ấy tôi đâm nghĩ, sao người ta thích đám vừa học giỏi vừa chơi giỏi ghê. Tức là người ta rất muốn dung hòa hai “trường phái”: học giỏi đầu to mắt cận thiếu trải nghiệm sống, chơi bời lêu lổng thiếu chí tiến thủ. Bởi vì học cũng cần, mà chơi cũng thú.
Hồi tôi học cấp hai hay cấp ba gì đó, mọi người rất hay nói câu này: “Sau này bạn sẽ không nhớ về quãng thời gian bạn chăm chỉ học tập, mà sẽ nhớ quãng thời gian quậy phá cùng bạn bè”. Đại khái thế. Nghe cũng xuôi. Thực ra nếu bây giờ nhớ lại, kho kỷ niệm của tôi lẫn lộn cả những trải nghiệm nỗ lực và trải nghiệm phá phách. Nhưng đúng là, những trải nghiệm phá phách là một tồn tại rất đặc biệt trong ký ức của tôi. Không, là của chúng tôi. Chúng tôi khoái tợn khi kể lại cái buổi mọi người hùa nhau trốn về nhà hết vì giáo viên Toán nhờ được một giám thị coi thi khét tiếng ở trường trông nom tận tâm từng đứa một. Sau, cũng sợ bị mắng, nhưng lúc phạm tội cùng nhau, chúng tôi vui đáo để, đến sau này nghĩ lại, vẫn thấy vui đáo để. Tôi thề là chẳng ai hối hận về quyết định của mình. Ai lại hối hận vì một quyết định đáo để như thế? :)
Tôi đã đặt câu hỏi vì sao một cuốn sách như “Bắt trẻ đồng xanh” của J. D. Salinger, sau quãng thời gian đầu tiên bị hắt hủi vì ngôn từ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường và đề cập đến vấn đề tình dục của vị thanh niên, cuối cùng lại được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều nước nói tiếng Anh, được dịch sang hầu hết các ngôn ngữ chính trên thế giới. Tôi tự hỏi, điều gì đã khiến Holden – nhân vật chính của tiểu thuyết – biểu trưng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ, lại thu hút được sự đồng cảm lớn lao nơi độc giả nhiều thế hệ như vậy. Thực đấy, từ đầu đến cuối chỉ thấy Holden chán bỏ mịa tất cả mọi thứ trong cuộc đời của cậu, tất tần tật mọi thứ, cậu chúa ghét những thằng bộ tịch, những ông thầy bộ tịch, những ngôi trường bộ tịch, những bộ phim bộ tịch, tất tần tật mọi thứ. Ôi, thề đấy, để mà bịa được ra cái gì mà Holden thích thì khó tợn (mặc dù cũng có). Thế nên cậu hành xử ra trò một thằng chẳng khoái quái gì ở đời, cậu bỏ học vài trường, lang thang lêu lổng, vào ở khách sạn, đi bar, gặp một ả điếm, uống rượu, vân vân.
Rõ ràng cuộc sống của rất nhiều độc giả khác xa so với cuộc sống thườn thưỡn trong nổi loạn của Holden, ấy thế mà, những câu chuyện chẳng đâu vào đâu của Holden lại gặp gỡ với nhiều người đến thế. Tôi không nghĩ một tiểu thuyết có thể sống được nếu không khơi lên một điều gì đó trong tâm hồn những người đọc nó. Tôi đã tự hỏi, ở Holden có điều gì, làm tôi đọc về Holden bằng ánh nhìn trìu mến và thích chí.
Nổi loạn, ngỗ nghịch, chơi tới bến.
Nổi loạn có ở trong tôi, nhưng ở dạng thức nào thì tôi không rõ.
Có một phần nào đó trong tôi gọi tên những điều này. Vì sao phần nào đó trong tôi lại gọi tên những điều này? Một thế giới xa lạ quá đỗi với những gì tôi sống suốt bao năm ròng. Xa lạ với những nhân vật cá biệt, xa lạ với những hành động cá biệt, buột miệng “úi giời” khi nghe chuyện về những cá nhân nổi loạn. Nhưng rõ ràng tôi không trông vào các câu chuyện của Holden như một người từ thế giới này đến tham khảo xem người ở thế giới kia họ sống ra sao. Tôi cảm thấy có mình, đâu đó trong những gì được viết.
Tôi luôn tin rằng không có điều gì thuộc về con người, lại xa lạ với mỗi con người. Nổi loạn có ở trong tôi, nhưng ở dạng thức nào thì tôi không rõ. Trong suốt những năm tháng học đường, gần như không khi nào tôi để nó trồi lên khỏi tầm khống chế của ý thức, nó cứ nằm thu lu trong những góc quen, đôi khi bị kìm giữ quá đáng, nó nổi lên thành tính khí ích kỷ, hung hăng, để báo cho người chủ là nó có tồn tại. Rồi sau, nó lại chìm xuống, lẩn khuất đâu đó. Vì sao người ta lại dễ dàng mê say những câu chuyện nổi loạn của Holden, bởi vì sự nổi loạn lẩn khuất trong con người ta được thỏa mãn, cái sự nổi loạn mà người ta đã giấu kín và áp chế vì nhiều lý do. Ít nhất thì, người thân, xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm về sự nổi loạn.
Nhưng có lẽ cũng hơi dở, một chút. Người ta không thể nói vì con dao có thể đâm chết người, nên tốt nhất là đừng dùng dao nữa, thế thì người ta sẽ thái thịt bằng gì? Không thể vì con dao có thể đâm chết người mà cấm tiệt việc dùng dao để thái thịt. Sự nổi loạn có thể trở thành tai hại, thành phá phách, thành vô dụng, nhưng năng lượng của sự nổi loạn được đặt vào đúng chỗ, có thể trở thành đôi cánh mới cho những con người giữa lưng chừng tuổi trẻ đang loay hoay học cách bay.
Chúng ta đã quên mất rằng, từ rất xa xưa, tổ tiên của loài người tinh khôn sống trong những cuộc săn đuổi. Cuộc sống săn đuổi và thách thức ý chí đó kéo dài nhiều thế kỷ. Sau đó, thì những cuộc chiến, những chiến binh xông pha trận mạc. Có một nguồn năng lượng nào đó chúng ta được thừa hưởng từ những vị tổ tiên xa xưa. Sự hung hăng, nổi loạn được dùng trong những cuộc săn đuổi, những cuộc chiến, những cuộc chinh phục tự nhiên, sức mạnh dồi dào đó kìm giữ trong hình hài nhỏ bé mà chúng ta đang mang. Và khi chúng ta mang một sức mạnh quá khổ với hình hài, giữa một cuộc sống thiếu những điều kiện để nguồn năng lượng này xuất hiện, chúng ta bắt đầu loay hoay tìm cách giải phóng.
Tôi say mê cái khám phá rằng chúng ta là những cá thể điên rồ và mơ mộng, say mê cái khám phá rằng nếu có thể giải phóng năng lượng nổi loạn trong mình theo một chiều hướng tích cực, thì chúng ta sẽ không ngờ được những điều mà bản thân có thể thực hiện.
Những hình tượng nổi loạn như Holden đụng chạm đến một nguồn năng lượng trong tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta đã tự gọi mình là loài người tinh khôn, tự hào cho rằng mình là những tinh hoa còn sót lại sau nhiều cuộc chọn lọc của tự nhiên (thật đấy, vì những ai dặt dẹo yếu đuối, trong hoàn cảnh khắc nghiệt xưa kia, thì đã không có cơ hội gieo giống đến tận đời của chúng mình đâu; hoặc một ví dụ mà Internet hay nói, trước khi có hình hài ở đời, chúng ta là con tinh trùng khỏe mạnh và kiên cường nhất :D), thì số mệnh có lẽ cũng đã định rằng chúng ta không quá ưa một cuộc đời tầm thường. Nhắc lại một chút, bình thường không có nghĩa là tầm thường.
 Tôi say mê cái khám phá rằng chúng ta là những cá thể điên rồ và mơ mộng, say mê cái khám phá rằng nếu có thể giải phóng năng lượng nổi loạn trong mình theo một chiều hướng tích cực, thì chúng ta sẽ không ngờ được những điều mà bản thân có thể thực hiện. Để cái sự nổi loạn được thực hành trong đời một cách có giá trị, có lẽ tôi nên bỏ vào công cuộc thực hiện một điều gì đó, một cách bền bỉ dường như bất chấp, có lẽ tôi nên bỏ vào những trải nghiệm mới, những cuộc phiêu lưu.
Ôi nói đao to búa lớn quá, để đáp xuống đất xem bộ phim cho đỡ sợ.
Bài này hơi dài dòng, tóm gọn lại thì mình mới nghĩ rằng nổi loạn không phải điều gì quá xấu xí, quan trọng mình sử dụng sự nổi loạn như thế nào, và mình tin rằng con người có vô vàn khả thể.