Les Essais

QUYỂN I
CHƯƠNG I – RẰNG CON NGƯỜI TA ĐẾN CÙNG MỘT ĐÍCH BẰNG CÁCH NÀY HAY CÁCH KHÁC
Cách thông thường nhất để xoa dịu cơn thịnh nộ của những người mà chúng ta đã không biết bằng cách nào đó xúc phạm đến, khi bỗng nhận ra rằng họ sở hữu sức mạnh báo thù, nắm trong tay quyền định đoạt sống chết của chúng ta, chính là quy phục - quy phục để khơi dậy lòng thương hại và trắc ẩn. Vậy nhưng sự dũng cảm, trung trực và kiên nghị, tất cả những khái niệm mang ý nghĩa trái ngược hoàn toàn với sự quy phục, đôi khi lại cũng tạo ra cùng một hiệu quả.
Edward, Hoàng tử xứ Wales (chính là người đã nhiều năm cai trị vùng Guienne, một nhân vật mà thân thế và gia tài đều thuộc hàng khét tiếng và vĩ đại nhất), khi bị người vùng Limousin làm cho điên tiết, đã tấn công chiếm lấy thành phố của họ. Ngài đã không chùn tay trong cơn khát máu báo thù, không đoái hoài gì đến những tiếng kêu khóc của người dân, những lời cầu nguyện và những giọt nước mắt của phụ nữ và trẻ em bất lực trong cảnh thảm sát và quỳ rạp dưới chân ngài cầu xin chút nhân từ, cho đến khi tiến sâu hơn vào trong thành phố, ngài cuối cùng nhận thấy sự hiện diện của ba quý tộc người Pháp, chỉ với lòng can đảm phi thường, đang kiên cường chống chọi với sức mạnh của quân đoàn thắng lợi của ngài. Chính lúc ấy, dòng thác cuồng nộ của ngài bị chặn đứng bởi sự lưu tâm và lòng kính trọng dành cho thái độ dũng cảm đáng nể này và sự khoan dung ngài dành cho ba kỵ sĩ ban đầu sau đó đã được ban rộng ra cho tất cả cư dân còn lại của thành phố.
Scanderbeg, Hoàng tử của Epirus, truy đuổi một binh sĩ với mục đích lấy mạng người này. Người binh sĩ, sau khi đã thử hết mọi cách nhún mình thỉnh cầu khẩn khoản để xoa dịu ngài nhưng vẫn vô hiệu, cuối cùng không còn cách nào khác đành quyết tâm một lần, đứng đối mặt và chờ đợi ngài, kiếm lăm lăm trong tay. Hành động này đột ngột dập tắt cơn thịnh nộ của ngài chỉ huy. Chứng kiến binh sĩ này hạ quyết tâm đáng khâm phục như thế, ngài đã đón nhận anh ta trong khoan hồng. Tuy nhiên, ví dụ này có thể bị diễn giải theo một cách khác nếu ta chưa từng đọc qua về uy lực phi thường và sự dũng cảm của vị hoàng tử nọ.
Hoàng đế Conrad III, sau khi vây hãm Guelph nhưng Công tước xứ Bavaria vẫn không chịu đầu hàng, không biết có phải là để đạt được sự thỏa mãn hèn hạ không chút đàn ông nào không mà đã chiếu cố nương tay, cho phép chỉ những phụ nữ quý tộc hiện đang có mặt trong thành đi bộ ra và hứa sẽ không xâm phạm gì đến danh dự của họ, thêm nữa lại cho họ quyền mang theo tất cả những gì họ tự thân đủ sức mang vác. Nhân cơ hội đó, những phụ nữ này, với trái tim cao thượng, liền bày mưu để cõng ra trên lưng chồng con họ và cả ngài công tước. Cảnh tượng này khiến hoàng đế rất hài lòng, đến mức bật khóc trong sung sướng trước sự trượng nghĩa của những phụ nữ quý tộc, và ngay lập tức dập tắt niềm thù hận thâm sâu đối với công tước này trong trái tim ngài, người mà kể từ đó trở đi hoàng đế đối xử một cách đầy nhân tính. Cách này hay cách kia trong hai cách đều có thể dễ dàng tác động đến bản tính của tôi; cũng bởi vì tôi rất có thiên hướng khoan dung và ôn hòa, đến mức tôi tin rằng nếu đem ra so sánh thì tôi sẽ sớm đầu hàng nguôi giận vì lòng trắc ẩn hơn là vì lòng kính trọng. Thế nhưng sự thương hại lại bị những người theo phái khắc kỷ cho là một thói xấu, khuyên rằng chúng ta tuy có thể trợ giúp những người hoạn nạn nhưng không nên bị ảnh hưởng bởi sự thống khổ của họ đến mức chịu khổ cùng họ. Tôi đưa ra những ví dụ này vì chúng rất thích hợp cho vấn đề chúng ta đang xem xét, vì từ chúng, ta có thể quan sát những tâm hồn vĩ đại bị tấn công và thử thách bởi hai cách khác nhau này: kháng cự không lùi bước, và lung lay quy phục. Cũng có thể đúng khi quy chụp việc trái tim của một người đàn ông hoàn toàn bị khuất phục bởi sự khoan dung cho sự dễ dãi, tính nhu nhược đàn bà và sự quá mềm lòng. Tất cả cũng bởi bản tính yếu ớt hơn thường thấy nơi phụ nữ, trẻ nhỏ và những người bình thường là loại dễ bị ảnh hưởng nhất, còn việc bị quy phục chỉ bởi lòng tôn kính dành cho hình ảnh thiêng liêng của Dũng Khí sau khi đã kháng cự và khinh thị sức mạnh của những tiếng kêu than và những giọt nước mắt thì chỉ có thể là kết quả của một tâm hồn mạnh mẽ cứng nhắc luôn say mê và xem trọng nam tính và sự dũng cảm cứng đầu. Tuy nhiên, sự kinh ngạc và lòng khâm phục, trong những đầu óc kém hào phóng hơn, cũng có thể tạo ra cùng một tác dụng: như trường hợp những người dân Thebes chẳng hạn. Họ mang ra xét xử hai vị tướng vì đã tiếp tục chiến đấu bất chấp mệnh lệnh buông vũ khí. Pelopidas, oằn mình dưới sức nặng của cáo buộc nguy hiểm này, không mảy may tỏ ý biện hộ cho bản thân hay tranh cãi gì mà chỉ cầu nguyện và khẩn cầu thấu hiểu. Kết quả là ông ta khó khăn lắm mới được khoan hồng. Trái lại, Epaminondas, với giọng điệu có phần khoác lác, thuật lại những công tích mà ông ta đã đạt được và với thái độ kiêu căng ngạo mạn, lại còn khiển trách dân chúng Thebes vì sự vô ơn và bất công của họ. Đám đông không còn can đảm để tiếp tục phán xử nên đành giải tán và toàn bộ hội đồng xét xử không những thế đã hết lời ca ngợi dũng khí của vị tướng này. [Plutarch, Con người có thể tự ca ngợi bản thân đến mức nào]
Dionysius Trưởng Tôn sau khi chiếm được thành phố Reggio sau một cuộc vây thành dài mệt mỏi và khó khăn tột cùng đã quyết tâm báo thù bằng cách trừng phạt làm gương thống sứ Phyton, một con người dũng cảm luôn kháng cự vô cùng  quyết liệt. Trước tiên Dionysius bảo Phyton rằng, “Chính vì ngươi mà  ngày hôm qua con trai và tất cả họ tộc của ngươi đã bị xử chết đuối.” Nghe vậy Phyton mới đáp lời, “Nếu vậy thì họ hạnh phúc hơn ta một ngày rồi.” Sau đó, ngài bị lột trần và giao vào tay những kẻ tra tấn để chúng không chỉ kéo lê ngài qua những con đường trong thành phố và quất roi ngài một cách ô nhục và tàn nhẫn mà còn phỉ báng ngài bằng những từ ngữ đê tiện bỉ ổi nhất. Thế nhưng ngài vẫn giữ vững dũng khí trong suốt quá trình, với giọng nói mạnh mẽ và vẻ mặt kiên nghị, tuyên bố rằng cái chết của ngài là để phục vụ cho một mục đích cao cả vinh quang chính là bảo vệ đất nước ngài khỏi rơi vào tay một tên bạo chúa. Cùng lúc, ngài đe dọa rằng kẻ thù này chẳng mấy chốc sẽ phải gánh chịu sự trừng phạt từ các vị thần bị xúc phạm. Như minh chứng cho sự bất lực của vị chỉ huy và thắng lợi của Phyton, Dionysus nhận thấy qua vẻ mặt của các binh lính rằng, thay vì điên tiết trước lời lẽ ngạo mạn của một kẻ thù bại trận, họ không chỉ bị khuất phục trong sự ngưỡng mộ dành cho một phẩm chất cao quý hiếm có mà thậm chí còn có vẻ như sẵn sàng nổi loạn để giải cứu tù nhân này khỏi tay kẻ hành quyết. Trước tình cảnh đó, ngài ra lệnh ngừng tra tấn và sau đó truyền người lẳng lặng ném Phyton xuống biển. 
Con người (theo một nghĩa chân thành tốt đẹp) là một chủ thể hão huyền, hay thay đổi và bất định tuyệt vời mà rất khó để có thể đánh giá một cách chắc chắn và đồng nhất. Pompey có thể khoan hồng cả thành phố của người Mametine mặc dù trước đó còn nổi cơn thịnh nộ ghê gớm với họ, chẳng qua là vì một ví dụ duy nhất về phẩm chất và hào khí của một công dân, Zeno, người đã đứng ra lãnh nhận tất cả tội lỗi và không một lời khẩn cầu ân huệ, một mình chịu trừng phạt thay tất cả mọi người. Trong khi đó, Sylla, dù cũng thể hiện cùng một phẩm chất cao quý nơi thành phố Perugia, lại không thu lại được kết quả gì cho bản thân hay cho dân chúng của ngài. 
Và, đối nghịch trực tiếp với những ví dụ đầu tiên của tôi, Alexander, nhân vật dũng cảm nhất trong tất cả đấng nam nhi, người nổi tiếng tử tế với những kẻ ngài đánh bại, khi chiếm được thành phố Gaza sau nhiều khó khăn, tiến vào thành đối mặt với Betis, vị chỉ huy của Gaza và là minh chứng sống hùng hồn cho lòng quả cảm trong suốt thời gian vây thành, đang đơn thân độc mã, bị tất cả binh sỹ của mình bỏ rơi, áo giáp tả tơi, người bê bết máu và thương tích, vẫn chiến đấu chống lại một đám binh sỹ Macedonia bủa vây ngài từ mọi phía. Alexander, lấy làm khó chịu vì một chiến thắng phải trả giá quá đắt (vì bên cạnh những tổn hại khác, bản thân ngài cũng vừa bị thương hai chỗ), đã bảo Betis rằng: “Ngươi sẽ không chết đâu, hỡi Betis, theo cách mà ngươi muốn. Hãy biết rằng ngươi sẽ phải chịu đựng tất cả những tra tấn dành sẵn cho một kẻ thù bị bắt sống.” Trước lời đe dọa đó, người này không nói gì mà chỉ đáp lại bằng một cái nhìn xuyên thấu đầy khinh bỉ. Quan sát sự im lặng cao ngạo và bướng bỉnh của Betis, Alexander nói: “À, vậy ra kẻ này quá chính trực không thể quỳ gối đây mà! Hắn ngạo mạn đến mức không thể thốt ra một lời khẩn cầu nào! Ta hứa với lòng là sẽ khuất phục sự im lặng này, và nếu ta không thể ép một từ nào lọt ra từ miệng hắn thì ít nhất ta cũng sẽ thành công trong việc chiết ra một tiếng kêu rên từ trái tim hắn.” Và rồi cơn giận chuyển thành cơn cuồng nộ, Alexander ra lệnh xuyên thủng gót chân Betis rồi cột người này vào phía sau xe kéo trong lúc vẫn còn sống, khiến ông ta bị kéo lê, thân thể bầm dập và rồi tứ chi xé toạc. Là vì đỉnh cao của lòng dũng cảm đã trở nên quá tự nhiên và quen thuộc với kẻ chinh phục này, vì ngài không còn có thể ngưỡng mộ nó nên cũng bớt kính trọng nó đi? Hay là vì ngài cho rằng dũng khí là một phẩm chất đặc biệt của riêng mình, và lòng tự tôn của ngài không thể chịu được khi chứng kiến nó biểu hiện nơi một người khác mà không lấy làm ghen tức? Hay là vì sự hung hãn trong cơn thịnh nộ của ngài không có chỗ cho phản kháng? Rõ ràng là nếu nó có thể được tiết chế thì trong cuộc cướp bóc phá hoại thành Thebes, Alexander có lẽ đã được xoa dịu khi chứng kiến vô số binh sỹ anh dũng, hoàn toàn không còn chút khả năng hay phương tiện kháng cự nào bị tàn sát ngay trước mắt mình. Trong sự kiện này, hơn sáu ngàn người được trang bị vũ khí, không một ai đào tẩu hay cầu xin khoan hồng mà trái lại tất cả xông xáo tìm kiếm và thách thức kẻ thù đang trên đà thắng lợi, với mục đích tìm kiếm cho mình một cái chết danh dự. Không một ai, bất kể kiệt sức vì thương tích đến mấy, là không trút hơi sức cuối cùng vào nỗ lực báo thù, và dùng sự tuyệt vọng anh dũng như vũ khí, tô điểm cho cái chết của chính mình bằng cái chết của kẻ thù. Thế nhưng sự anh dũng của họ không hề khiến Alexander động lòng và cả một ngày dài giết chóc vẫn chưa đủ để thỏa mãn sự khát máu báo thù của kẻ chinh phục này, tàn sát tiếp diễn cho đến khi không còn giọt máu nào có thể nhỏ xuống nữa và chỉ dừng lại khi không còn ai khác ngoài những thường dân không vũ khí, người già, phụ nữ và trẻ em, ba mươi ngàn cả thảy trong số họ bị mang đi biến thành nô lệ.