Dịch: Những chiều sâu chưa được khám phá của Người Nhện 3 - Đối diện con rồng mang tên Tự đại
Trans note 1: Đậu móa valentine méo có ai để đèo đi chơi lại còn đi dịch mấy cái thứ nerdy về thằng anh hùng nerdy :'v ...
Trans note 1: Đậu móa valentine méo có ai để đèo đi chơi lại còn đi dịch mấy cái thứ nerdy về thằng anh hùng nerdy :'v
Trans note 2: Như mọi khi thì mình chọn dịch bài này đơn giản vì mình thích và đang có thời gian rảnh (mới ra Tết và cũng mới nghỉ việc part-time :'v). Một phần thì mình khá thích Người Nhện 3 (cũng như đống meme Bully Macguire :))) ); và một phần khác mình cảm thấy vấn đề được tác giả nêu ra khá gần gũi với cuộc sống của mình khi mà mình gần như có 2 identity rất lệch tông nhau trong và ngoài giờ làm chính của mình.
Anw, off we go :v
Bản gốc: Video essay "The Unexplored Depths of Spider-Man 3 – Facing the Dragon of Grandiosity" của <Like Stories of Old>
Khi Người Nhện 3 lần đầu tiên ra mắt, nó đã phải đối mặt với rất nhiều những phản ứng tiêu cực; chủ yếu do việc nó có quá nhiều phản diện trong cùng 1 phim, và do kiểu lời thoại xàm xí của các nhân vật mà dường như đã lỗi thời sau khi Nolan thành công trong việc tân trang cho dòng phim siêu anh hùng theo một phong cách thực tế, bụi bặm hơn. Nhưng điều mà tôi quan tâm hơn là, có lẽ vì lý do này, nội hàm cũng như vai trò về chủ đề của bộ phim trong triology gần như đã bị lãng quên; và điều đó quả thực đáng tiếc, bởi vì mặc dầu có những khiếm khuyết như vậy, tôi tin rằng bộ phim vẫn còn rất nhiều điều để khám phá, đặc biệt là trong việc tìm hiểu về sự tự đại – thường được định nghĩa là sự tôn vinh bản thân quá đà.
Trong cuốn Đối diện Con rồng (Facing the Dragon), Robert Moore đã trình bày một nghiên cứu chuyên sâu về sự tự đại; ông mô tả nó giống như một nguồn năng lượng mạnh mẽ bùng cháy dữ dội bên trong trái tim của mỗi con người - một nguồn năng lượng có thể dẫn đến lòng ái kỷ phá hoại. Sự tự đại này đã được khắc họa trong các phim Người Nhện phần trước đó; nhưng theo tôi thì nó chỉ thực sự chạm đến hồi kết ở phần 3, và do đó nó thực sự đáng để chúng ta tìm hiểu nhiều hơn. Vậy ngày hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu những chiều sâu chưa được khám phá của phim Người Nhện 3, tìm hiểu về bản chất và sự vật động của sự tự đại trong hành trình của Peter Parker, và cùng chiêm nghiệm về cách mà nó mang lại cho trilogy Người Nhện của Sam Raimi, cũng như cho dòng phim anh hùng những ý nghĩa sâu sắc.
Phần I: Gọi tên con rồng
Trước khi chúng ta đi sâu vào bàn luận về sự tự đại, trước hết chúng ta cần hiểu bản chất của sự tồn tại của nó trong trilogy Người Nhện, và để làm việc đó thì chúng ta trước hết phải tìm hiểu cách thức cụ thể mà Sam Raimi sử dụng để diễn dịch ý tưởng về cái ác. Hầu hết các phim siêu anh hùng ngày nay không thể hiện cái ác như là một thế lực độc lập; thay vào đó, họ thường xây dựng nó xung quanh một mâu thuẫn tâm lý, triết học hay chính trị, trong đó cái ác hiện diện dưới hình thức là sự thiếu vắng lòng tốt, và là sản phẩm của môi trường, hoặc một phản ứng cảm xúc do trải nghiệm đau thương trong quá khứ. Tuy nhiên, trong trilogy Người Nhện, chúng ta thấy một cách diễn dịch cái ác hoàn toàn khác – cái ác tồn như một thế lực độc lập, một thực thể riêng biệt tồn tại trong tâm trí không ngừng tấn công để lấn át con người bình thường của chưng ta. Sam Raimi thể hiện cuộc chiến tinh thần này một cách tường minh, thực thể, như cách mà Norman và Harry vật lộn với Goblin, hay cách mà Tiến sĩ Octavius đấu tranh với những vòi bạch tuộc máy của mình, hay cuộc đấu tranh giữa Peter và Venom.
Cuộc đấu tranh với kiểu cái ác này gần gũi hơn cách diễn dịch tiền hiện đại, mang tính huyền thoại của cái ác mà, theo Robert Moore, có 10 đặc tính như sau: (1) Cái ác là một thực thể có tự chủ của riêng nó; (2) Nó tự ngụy trang nó dưới vỏ bọc của sự vô tình hay công lý; (3) Nó tạo nên một bức tranh hiện thực giả; (4) Nó đầy quyến rũ, và dễ lây lan; (5) Nó đã có mặt từ lâu trước khi bạn nhận ra. (6) Nó gặm nhấm dần dần đời sống cá nhân cũng như xã hội của bạn; (7) Nó đầu độc tính sáng tạo và sức sống của bạn để nuôi sống chính nó; (8) nó phủ nhận sự hữu hạn của cuộc sống cũng như các giới hạn khác của năng lực con người; và (10) như một thế lực chủ động, nó gây ảnh hưởng lên tất cả mọi người xung quanh bạn.
Lý do mà Robert Moore muốn hướng sự chú ý của chúng ta đến cách hiểu truyền thống này về cái ác, là bởi vì chúng có liên quan trực tiếp tới các nghiên cứu phân tâm học đương đại về sự tự đại bệnh lý. Đương nhiên, có nhiều các trường phái tư duy khác nhau về vấn đề này, mỗi trường phái đều có những khác biệt; nhưng cách hiểu phù hợp nhất cho, chí ít là mục đích phân tích trilogy Người Nhện của Sam Raimi, là cái ác giống như một động lực thúc đẩy mạnh mẽ tồn tại trong chúng hoàn toàn độc lập với cái tôi hay phần người thông thường của con người, và chúng ta coi nó như một chỉ dấu quan trọng về sức khỏe tinh thần hay hạnh phúc nói chung của chúng ta.
“Có một thứ gì đó to lớn, vĩ đại bên trong bạn mà không phải là chính bạn, không phải là bản thân của bạn.“ <Robert Moore>
Phần II: Anh chàng Người Nhện cuồng tưởng trong vùng lân cận nhà bạn.
Giờ khi chúng ta đã hiểu rõ hơn đôi chút về bản chất của sự tự đại trong trilogy Người Nhện, hãy cùng tìm hiểu xem nó đã gây ra những điều gì, và Peter đã bị ảnh hưởng bởi nó như thế nào. Sau khi Peter được Venom kí sinh và chấp nhận sức mạnh mà nó mang lại cho anh, rõ ràng sự tự đại của anh đã trở thành một thế lực phá hoại, một sự ái kỷ luôn sục sôi chuyển hóa toàn bộ năng lượng của anh thành sự tức giận, sự thù hận và sự tàn ác, và cuối cùng đã làm tổn thương tất cả mọi người xung quanh anh ta. Tuy nhiên Venom thực ra chỉ đóng vai trò là chất xúc tác cho sự tự đại của Peter.
Nó là phương tiện để hình tượng hóa sự sa đọa của Peter trở thành kẻ ái kỉ phá hoại; nhưng cũng giống như sự phát tác ngấm ngầm của cái ác truyền thống, bắt đầu bén rễ từ lâu trước khi bạn nhận ra sự nguy hiểm của nó, sự tự đại của Peter cũng đã có mặt trước khi Venom trở thành một phần của câu chuyện. Thực tế, chúng ta có thể theo dõi nó về tận phần phim đầu tiên, ngay từ khoảnh khắc mà Peter được ban cho sức mạnh siêu nhân; một con rồng rù quến anh với lời hứa sức mạnh siêu tưởng, nhưng cũng đồng thời bộc lộ khả năng hủy diệt của nó khi được thả rông. Robert Moore giải thích cách mà những vấn đề sẽ xuất hiện khi chúng ta bắt đầu gắn nhân dạng của mình với nguồn năng lượng to lớn này, điều mà Peter đã làm bằng cách trở thành Người Nhện. “Điều tồi tệ là những nguồn năng lượng to lớn này, khi chúng thành hình bên trong bạn, và bạn không nhận ra rằng, thứ nhất, chúng không phải là bạn, hoặc nếu như bạn tưởng chúng là bạn, một chuỗi các hiện tượng phá hoại sẽ bắt đầu và sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại cho không chỉ bạn, mà còn cả những người xung quanh bạn nữa.” <Robert Moore>
Theo cách hiểu này; nhân dạng Người Nhện chính là hình tượng của sự tự đại của Peter Parker, và quả thực vậy; hầu như toàn bộ bộ phim xoay quanh cách mà Peter liên hệ bản thân mình con người thứ hai hùng mạnh này của mình. Đó là một điều thực sự thú vị khi anh ta đã giải quyết cuộc đấu tranh của mình bằng cách hy sinh mối quan hệ với Mary Jane; bởi vì mặc dù Peter tin rằng anh ta đã chọn lựa chọn có trách nhiệm, nhưng chúng ta cũng đồng thời có thể hiểu rằng anh ta đã chấp nhận sự tự đại của mình bằng cách chấp nhận danh tính Người Nhện của mình.
Điều này có vẻ đúng khi chúng ta tiếp tục đi đến phim Người Nhện 2. Ở đây chúng ta thấy Peter đang vật lộn để duy trì đời sống cá nhân cũng như xã hội của mình vì anh phải đồng thời làm người hùng của thành phố.
Và do đó trở thành một ví dụ gần như hoàn hảo cho định nghĩa của Robert Moore về sự tự đại;
“Rất đơn giản, 'sự tự đại' tức là khi bạn có những ảo tưởng và khát vọng cho chính bản thân mình lớn hơn so với mức mà cuộc sống thực của bạn có thể chu cấp được, do vậy hoặc là nó khiến bạn trở nên điên cuồng, cuống cuồng để bắt kịp các điều kiện của những ảo tưởng đó, hoặc là nó khiến bạn trầm cảm bởi vì những khát vọng của bạn quá lớn, quá xa vời đến mức chẳng mấy chốc dường như mọi cố gắng sẽ trở nên vô nghĩa."<Robert Moore>
Và ở kết thúc phim, một lần nữa Peter Parker chọn chấp nhận nhân dạng Người Nhện, nhưng lần này anh có được cả mỹ nhân nữa, và cô cũng chọn chấp nhận Người Nhện. Và ở đầu phim Người Nhện 3, và mọi thứ dường như đang tiến triển tốt đẹp, thực ra nó đã trở nên xấu đi, vì Peter đã hoàn toàn đồng nhất con người của mình với nhân dạng Người Nhện, qua đó chính thức biến sự tự đại của mình trở thành một bệnh lý, trong đó lòng tự tôn của bạn được thổi phồng lên đến mức bạn hành xử như thể bạn nghĩ bạn là Chúa Sáng Thế.
Giờ chúng ta đã thực sự bắt đầu tiến vào cấp độ ái kỷ phá hoại, biểu hiện qua sự ích kỷ ngày một gia tăng sự thiếu cảm thông đang bắt đầu làm đổ vỡ những mối quan hệ của Peter. Nhưng bên cạnh đó, sự tự đại cũng có biểu hiện là sự mong manh dễ vỡ trước bất cứ thứ gì dám thách thức cái tôi khổng lồ đó. Peter đã có trải nghiệm đó khi anh tìm ra kẻ thực sự đã giết chú của mình. Đó là một đòn giáng trực tiếp lên hình ảnh của anh về chính mình; một lời nhắc nhở đối về anh về những giới hạn con người mà anh có, dẫn đến cách ứng xử bảo thủ mà sẽ chỉ đẩy anh vào lún sâu hơn vào sự tự đại của chính mình. “Khi ai đó đối xử với bạn như một con người mà không sùng bái bạn như một vị thần, thì, đến mức độ bạn gắn bó quá chặt nhân dạng của mình một cách có ý thức với tính tổ chức khoe khoang tự đại, bạn sẽ phản ứng giận dữ và ‘thu mình tự đại’ vào trong cô lập.” <Robert Moore>
Chính ở thời điểm này, Venom xâm chiếm lấy Peter Parker và chúng ta được chứng kiến anh ở đỉnh cao của sự ái kỷ. Thực tế, tôi ngưỡng mộ Sam Raimi vì đã không khoan nhượng trong việc thể hiện cách ứng xử của Peter là vô cùng đáng ghét và suy đồi; điều này giúp phân định rõ ràng rằng thứ chúng ta đang tiếp xúc không phải đơn thuần chỉ là một nét không hoàn hảo của một nhân vật, hay một nhân cách phản anh hùng mới phát lộ. Chúng ta đang chứng kiến một thứ gì đó thực sự xấu xí, không thể được nhìn dưới lăng kính lãng mạn hóa. Điều này cũng được phản ánh qua những hành vi của Peter sau đó, khi mà anh, một cách vô thức, để cho sự thù hận và bạo lực chiếm lấy quyền điều khiển và trở thành nguyên nhân của mọi những xung đột từ đó cho đến kết thúc phim.
Điều này đưa chúng ta trở lại phần đầu của cuộc bàn luận. Để hệ thống lại tiến trình của chúng ta cho tới lúc này, chúng ta có thể phân chia các giai đoạn phát triển của sự tự đại của Peter Parker như sau: Ở phim Người Nhện 1, nó bắt đầu nhen nhóm, Ở phim Người Nhện 2, nó trở nên mất kiểm soát, và ở phim Người Nhện 3, nó biến thành phá hoại. Giờ, trước khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu tiếp về việc phim Người Nhện 3 đã giải quyết mâu thuẫn bên trong của Peter Parker như thế nào, tôi nghĩ cũng sẽ rất quan trọng nếu chúng ta bàn đến một số các nhân vật khác trong trilogy, bởi vì Người Nhện không phải là nhân vật duy nhất đang phải đấu tranh với sự tự đại. Chẳng hạn, nếu chúng ta cùng nhìn lại các phản diện của Người Nhện 1 và 2, chúng ta sẽ thấy họ có cùng một lối mòn đi đến sự phá hoại. Cả Norman Osborn và Tiến sĩ Octavius đều khởi đầu là những người đàn ông với tham vọng lớn và ý định cao thượng;
Và cả hai người họ đều gắn bó nhân dạng của họ với những tầm nhìn vĩ đại này một cách chặt chẽ tới mức khi họ phải đối mặt với thực tại cuộc sống của họ, họ trở nên mềm yếu trước lời hứa sức mạnh của con rồng bên trong và kết cục đã tự hủy họa chính họ.
Nhưng thú vị hơn có lẽ là trường hợp của Mary Jane, với biểu hiện lành tính hơn và có lẽ là trên một khía cạnh gần gũi hơn với chúng ta khi nói về sự hiện diện của sự tự đại trong đời sống. Trong phim Người Nhện 1, chúng ta chứng kiến Jane là một cô gái nổi tiếng ở trường nhưng phải vật lộn với sự tự hạ thấp bản thân do bị cha bạo hành từ nhỏ; cảm giác bản thân vô dụng ám ảnh cô trong suốt các mối quan hệ và đời sống nghề nghiệp của cô sau này. Do đó hoàn toàn dễ hiểu khi bản thân cô cũng bắt đầu ảo tưởng về việc được coi trọng hơn, được quan tâm nhiều hơn; một khát vọng mà cô áp đặt lên người hùng đã cứu mạng mình – Người Nhện. Câu chuyện trở nên đặc biệt thú vị khi trong Người Nhện 2; khi Mary Jane đã đính hôn với một anh chàng dường như là một người đàn ông hoàn hảo, cô vẫn không thể từ bỏ tơ tưởng đến ảo mộng của mình về mối quan hệ với Người Nhện; hay chính xác là ảo mộng về một chuyện tình cảm như trong cổ tích.
Cô đã cố gắng chối bỏ và đè nén giấc mộng đó, nhưng như Robert Moore đã chỉ ra; điều này chỉ khiến sự tự đại của cô biểu hiện rõ ràng hơn. “Tôi ghét phải làm hỏng một ngày tốt lành của ai đó trong số các bạn, nhưng quả thực chính những người khiêm nhường nhất lại là những người gặp nhiều rắc rối hơn với tính tự đại, hơn là những người tự nghĩ bản thân là giỏi giang. Nếu bạn buồn khổ vì cảm thấy mình vô giá trị, và mình đang vật lộn với cuộc đời, thì rất có thể đó là dấu hiệu vị thần nhỏ của sự tự đại đang sống bên trong bạn.” <Robert Moore>.
Cũng giống như cuộc vật lộn của Peter trong Người Nhện 2, sự tự đại của Mary Jane cũng khiến cuộc sống của cô trở nên hỗn loạn và rối ren, khiến cô không thể hiểu được các mối quan hệ cá nhân của mình: Liệu cô có nên giữ lại lý tưởng về chuyện tình hoàn hảo? Hay là nên đưa ra lựa chọn có trách nhiệm và cưới John? Hay ngay chính mâu thuẫn này cũng là trò chơi mà sự tự đại tạo ra? Một ảo tưởng về tình yêu để che lấp đi sự bất an của cô? Có khi nào chính cậu trai nhà bên mới chính là tình yêu đích thực của cô? Và ở cuối phần 2, cũng như Peter, cô có được cả 2 thứ: hóa ra anh bạn thân nhất lại chính là người hùng mà cô luôn mơ tưởng, và giờ cô có được chuyện tình mà cô luôn ao ước ... trừ việc, hiện thực lại không diễn ra như vậy. Như chúng ta biết được ở Người Nhện 3, trở thành người yêu của Người Nhện cũng đồng nghĩa với việc trở thành người yêu của Peter Parker tự đại, và sự ái kỷ của anh cứ ngày một lớn dần lên, khiến Mary Jane ngày càng khó có thể kết nối với anh hơn ở cấp độ người-với-người.
Và thế là hóa ra câu chuyện tình cổ tích với người anh hùng hóa ra lại không được lãng mạn cho lắm. Mục đích của toàn bộ những phân tích này là để chỉ ra rằng tất cả mọi người đều phải vật lộn với sự tự đại; mọi người đều phải đương đầu với con rồng bên trong luôn tham lam, luôn muốn nhiều hơn, nhiều hơn nữa cho bản thân nó, muốn sống trong những ảo tưởng cuồng đại. Chúng ta sẽ đặc biệt yếu lòng trước nó khi chúng ta cảm thấy yếu đuối và mỏng manh, và nguồn năng lượng lớn này thì mời gọi chúng ta với lời hứa về sức mạnh và sự cứu rỗi.
Ngay cả những khi sự tự đại dường như hoàn toàn không hiện diện, khi phim Người Nhện 3 khai phá quãng thời gian ngắn ngủi mà Harry đang bị mất trí nhớ, con rồng đã trỗi dậy trở lại, khẳng định lại rằng bạn sẽ không thể thoát khỏi nó, hay đè nén nó. Đây là lý do tại sao tôi thích xem xét triology Người Nhện dưới góc nhìn của phân tâm học hơn là góc nhìn tâm lý học trong đó coi ái kỷ như là một dạng rối loạn nhân cách, chứ không phải là một thứ có trong mỗi người chúng ta cũng như trong mọi giai đoạn trong quá trình phát triển của chúng ta.
Phần IV: Đối diện con rồng
Giờ câu hỏi lớn ở đây là; Peter đã làm thế nào để hòa hiệp với sự tự đại của mình. Bởi vì mặc dù quả thực chúng ta thấy anh khốn khổ vì nhân dạng Người Nhện, nhưng chẳng phải nó cũng là thứ ban cho anh sức mạnh để làm những điều tốt hay sao? Chẳng phải nó cũng là nguồn gốc của sự vĩ đại của anh hay sao? Chẳng phải con rồng bên trong cũng chính là nguồn năng lượng cho chúng ta can đảm? Là thứ thúc đẩy chúng ta vượt qua bản thân, để trở nên tốt hơn chúng ta của hiện tại? Chẳng lẽ chúng ta không được quyền ước mơ? Không thể cố gắng để vươn đến những gì chúng ta mong ước? Chẳng lẽ tôi không thể có được những gì tôi mong muốn sao? Những gì tôi cần? Robert Moore quả thực cũng thừa nhận rằng nó cũng chính là thứ thúc đẩy đam mê, tầm nhìn và sức sáng tạo của chúng ta, và khi chúng ta tương tác với những nguồn năng lượng đó một cách có ý thức, chúng sẽ phản chiếu lại lên chúng ta sức mạnh khai sáng mà ông cho rằng gần như giống với sự hiện diện của Chúa.
“Cô tin rằng sâu thẳm trong chúng ta ai cũng có một người hùng, nhắc nhở chúng ta luôn trung thực, truyền cho chúng ta sức mạnh, giúp chúng ta giữ lòng cao thượng.” <Aunt May>
Nhưng làm thế nào để chúng ta tìm được người anh hùng đó? Điều đầu tiên mà chúng ta phải nhìn nhận là nó không phải là một vấn đề có thể giải quyết dứt điểm được, mà là một việc bạn cần làm trong suốt cuộc đời. Hãy ghi nhớ rằng, chẳng có một ai hoàn toàn có thể cải hóa được lòng ái kỷ của chính mình; chỉ có những người biết thừa nhận sự tồn tại của năng lượng tự đại bên trong mình và học cách để tương tác với nó một cách có ý thức và điều tiết, tối ưu hóa sự tiếp xúc của mình với nó một cách thông minh. Mọi thứ đều phụ thuộc vào việc bạn lựa chọn gắn bó danh tính của mình với ai. Nếu bạn định vị mình theo ảo tưởng tự đại của mình, thì kết cục sẽ đen tối. Chúng ta có thể thấy hành trình đi xuống này thông qua Eddie Brock, một nhân vật dường như là bản sao của Peter. Anh ta có tham vọng quá lớn và điều này đã dẫn anh vào con đường tự diệt vong; anh mất việc, mất bạn gái, và ở thời khắc tuyệt vọng nhất, anh đã đầu hàng trước sự tự đại và trở thành Venom. Tuy nhiên khác với Peter, Eddie không bao giờ đối diện với con rồng trong mình, không bao giờ chọn tương tác với nó từ một khoảng cách phù hợp, và kết cục đã bị nó nuốt chửng. Ở đỉnh cao của sự ái kỷ, Peter Parker đã đồng nhất hoàn toàn con người mình với Người Nhện Venom, và chúng ta thấy Peter đang lao dốc trên một con đường tương tự. Tuy nhiên khi anh nổi trận lôi đình với Mary Jane, anh đã thức tỉnh và nhận ra rằng anh đã đánh mất con người của mình. Anh lột bỏ Venom khỏi mình, và điều này dường như đã khiến vấn đề chấm dứt. Nhưng như là chúng ta đã xác định ở phần trước; Venom thực chất chỉ là chất xúc tác cho sự tự đại của anh, chứ không phải nguồn gốc của nó. Vậy thực sự điều gì đã xảy ra?
Đầu tiên, anh ngừng gắn liền nhân dạng của mình với nguồn năng lượng đang nuôi sống lòng ái kỷ phá hoại trong anh, và chấp nhận những giới hạn con người của mình;
Thứ hai, sau khi Mary Jane bị bắt cóc trong phân đoạn cao trào cuối cùng của phim, Peter nhận ra rằng mình không thể cứu cô một mình và tìm đến sự giúp đỡ của Harry, người cũng đang phải vật lộn với con rồng của chính mình, nhưng cũng là người duy nhất có thể giúp được anh. Hay nói cách khác, anh đã học được sự khiêm nhường đúng nghĩa, và đó chính là liều thuốc đắng cho cái tôi tự đại.
“Tuy nhiên, có một thứ được gọi là sự khiêm nhường, và bạn phải học được sự khiêm nhường thực sự, bao gồm có 2 yếu tố: (a) thừa nhận giới hạn của mình, và (b) tiếp nhận sự giúp đỡ mà bạn cần. Sự khiêm nhường đơn giản chỉ là như vậy thôi. Nó chẳng liên quan gì đến phong cách sống khổ hạnh hay tiết chế mình. Nó chỉ đơn giản là thừa nhận những hạn chế của mình.” <Robert Moore>. Khi Harry cuối cùng ra mặt để giúp sức Peter, và thậm chí hy sinh mạng sống để cứu Peter, chúng ta ngộ ra một điều nữa: ảo tưởng tự đại của chúng ta không phải là cái tôi bình thường của chúng ta. Nó có thể sống trong mỗi chúng ta và lấy quyền kiểm soát của chúng ta, nhưng nó không bao giờ có thể hoàn toàn trở thành con người của chúng ta. Bằng cách nhìn nhận sự tự đại của mình và lựa chọn tương tác với nó theo một cách lành mạnh và có ý thức hơn, Peter không chỉ tự cứu giúp chính mình, mà còn trở nên thấu hiểu và cảm thông hơn với những người xung quanh;
Nhưng về sau cuối, Robert Moore đưa ra luận điểm rằng; thuốc giải mạnh mẽ nhất cho chứng ái kỷ bệnh lý chính là có một mối quan hệ với một người có thật. Và đây có lẽ chính là điều Peter đã ngộ ra khi phim đến hồi kết; lần này không phải là màn biểu diễn hoành tráng của Người Nhện đu mình trong khúc khải giữa những tòa nhà chọc trời của thành phố New York nữa, hay một cuộc theo đuổi ngoạn mục tới một mối tình lãng mạn cổ tích, mà là Peter Parker và Mary Jane, hai con người, đã trải qua tổn thương, đau khổ, và giờ đã sẵn sàng để trao cho nhau cơ hội.
Phần V: Đi cùng với lòng tự đại lớn là …
Chúng ta vẫn còn một vấn đề cuối cùng cần bàn đến; đó là ý nghĩa của tất cả những vấn đề này với người xem. Cũng như nhiều người trong số các bạn, tôi cũng từng là một đứa trẻ khi loạt phim Người Nhện ra rạp, và tôi cũng chắc các cũng đã từng mơ ước thầm kín như thế; tôi cũng từng ước mơ là một siêu anh hùng vĩ đại, giải cứu mỹ nhân gặp nạn, và mỹ nhân thường là cô gái bất kì nào đó mà ở thời điểm đó tôi đang cảm nắng.
Vậy một bộ phim như Người Nhện 3 muốn chuyển tải thông điệp gì khi cho chúng ta thầy mặt tối của người anh hùng mà chúng ta yêu mến? Hay mộng tưởng yêu quý của chúng ta? Cũng đã từng có những bộ phim khác khắc họa người anh hùng với những khiếm khuyết, nhưng chúng chưa bao giờ thực sự mạnh mẽ đến mức khiến chúng ta hoài nghi về mộng tưởng anh hùng, không bao giờ đương đầu với sự tự đại của chúng ta trong vấn đề này. Có lẽ đó cũng chính là một nguyên do tại sao Người Nhện 3 lại bị đại đa số công chúng ghét bỏ: có thể đơn giản là chúng ta chỉ là không muốn phải đối mặt với phần này của con người chúng ta, với khả năng trở nên xấu xa; có thể là chúng ta thích lờ đi hơn, để được bảo bọc trong những mộng tưởng mà trong đó chúng ta sẽ luôn là anh hùng, là đại diện của chính nghĩa. Trên khía cạnh này, Sam Raimi đã thực hiện một bước đi táo bạo, bằng cách cho chúng ta thấy rằng kể cả anh chàng Người Nhện Thân thiện của Vùng lân cận cũng phải vật lộn với sự tự đại, và cũng không miễn nhiễm trước khả năng trở nên xấu xa, phá hoại. Nhưng có lẽ chính Người Nhện, một trong những siêu anh hùng gần gũi, đồng điệu nhất với chúng ta, chính là nhân vật phù hợp để thực hiện trách nhiệm dạy cho chúng ta cách để đối diện với con rồng tự đại và tương tác với nó theo một cách lành mạnh và chín chắn. Bởi vì sự trưởng thành cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ những ảo tưởng cuồng vĩ; bởi vì sự thực là chúng ta sinh ra không phải để làm siêu anh hùng, chúng ta sinh ra để làm con người; và việc không chỉ thừa nhận điều đó, mà còn chấp nhận sống phù hợp với thực tế đó, chính là hành động anh hùng nhất, là hành động trách nhiệm. Và tôi tin rằng đó chính là địa hạt nơi chúng ta sẽ tìm thấy được vẻ đẹp bị vùi lấp của Người Nhện 3; nó không phải để tiếp tục vỗ về chúng ta bằng ảo mộng, nó đến để giúp chúng ta hàn gắn những mối quan hệ đổi vỡ. Nó là để chỉ cho chúng ta cách để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, trở nên mạnh mẽ và trách nhiệm, trở nên nhân hậu và vị tha, và không trở nên kiêu căng và ích kỉ. Nó là để dạy cho chúng ta ý nghĩa thực sự của việc trở thành một anh hùng.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất